566. Vụ tử tù Hồ Duy Hải: Cơ hội, niềm tin và cảm xúc

BBC tiếng Việt

  • 9 tháng 5 2020
Hồ Duy Hải trong một phiên tòa
Hồ Duy Hải trong một phiên tòa

Cơ hội sống của bị cáo, tử tù Hồ Duy Hải đã hẹp lại rất nhiều sau phán quyết được Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm của vụ án thuộc Tòa án Nhân dân Tối cao của Việt Nam đưa ra hôm 08/5/2020 tại Hà Nội, theo một số luật sư và nhà quan sát.

Bác kháng nghị Hồ Duy Hải: Đại biểu Quốc hội nói ‘chưa thuyết phục’

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và khả năng ân giảm tử hình cho Hồ Duy Hải

Hôm thứ Sáu, ngay sau phiên tòa, Luật sư Trần Hồng Phong, người hiện diện và bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình, tử tù Hồ Duy Hải, nói với BBC News Tiếng Việt:

“Nói chung là nói về cơ hội, thì bây giờ nó khép chặt lại rất là nhiều. Nó không còn là rộng đường như trước nữa, cho nên điều này thực sự cá nhân tôi cũng thấy là lo lắng. Cho nên tôi nghĩ là gia đình sẽ phải sớm lên tiếng để chỉ ra những điểm bất hợp lý.

“Những điểm mà chỉ ra rằng quyết định này mà người ta ra tuyên bố như vậy không phù hợp, nó có thể do oan sai, và tôi muốn nhắc lại quan điểm của gia đình là hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

“Tức là kháng nghị theo hướng là hủy án, để xem xét lại cho nó vững chắc bởi vì nó có quá nhiều sai sót”.

‘Ánh sáng cuối đường hầm’?

Từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC:

“Càng về sau này thì cơ hội càng nhỏ dần đi, bây giờ còn rất ít cơ hội đối với Hồ Duy Hải, tuy nhiên rằng có thể Ủy ban Tư pháp Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể xem xét lại cái quyết định Giám đốc thẩm, bản án của Hội đồng Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao.

“Thì cái này cũng có thể được xem xét, tuy nhiên nó rất là khó khăn và cơ hội còn lại tương đối là nhỏ nhoi đối với Hồ Duy Hải. Song còn có một số cơ hội nữa mà theo như Luật sư Trần Hồng Phong có nói với chúng tôi là trước đây ông đã từng có đơn tố cáo đích danh đối với một số người, trong đó có đích danh tên một người và văn bản ấy, kết quả trả lời thì hoàn toàn chưa có từ bất cứ một cơ quan nào.

“Nên nếu như ông vẫn tiếp tục và kiên trì tìm ra hung thủ thực sự của vụ án này, thì có thể Hồ Duy Hải tìm được ánh sáng cuối đường hầm.”

Ngay sau phiên tòa, từ Hà Nội, cô Hồ Thị Thu Thủy, em gái của bị cáo, tử tù Hồ Duy Hải, nói với BBC:

“Điều mong muốn của gia đình là kính mong cộng đồng trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với gia đình trong thời gian sắp tới để phán quyết của ông Chánh án Nguyễn Hòa Bình được xem xét lại và phải giao cho một cơ quan khác đứng ra xem xét lại phán quyết này, chứ không phải là ông Nguyễn Hòa Bình nữa.

“Ông Bình chưa làm rõ những vấn đề mà Viện Kiểm sát tối cao và luật sư đưa ra, ông giải quyết một cách ‘lấp liếm’ và ‘cố tình bao che’, giống như là bản án bỏ túi đã định sẵn rồi, phiên tòa chỉ là thứ hình thức mở ra thôi, như là cho quốc tế biết là quy trình của họ cũng giống như quốc tế, nhưng thực ra không phải như vậy, và gia đình chúng tôi luôn khẳng định trước tòa là Hồ Duy Hải vô tội và Việt Nam không có công lý, đó là điều bức xúc của gia đình.”

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải, không được vào dự phiên Giám đốc thẩm hôm 6/5. Bà đã đi đòi công lý cho con 12 năm qua

“Còn nước còn tát”

Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, Luật sư, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng, đưa ra bình luận với BBC:

“Thôi thì còn nước, còn tát thôi. Nếu mà được khuyên gia đình thanh niên Hồ Duy Hải, thì tôi nghĩ rằng phải kêu cứu đến Quốc hội, đến Ủy ban Tư pháp, nhưng mà hy vọng, khả năng Ủy ban này có thể can thiệp được về mặt tố tụng hay về mặt luật pháp, thì tôi nghĩ là rất là khó.

“Bởi vì Việt Nam vẫn khẳng định nguyên tắc là tư pháp độc lập, mà đây đã là Tòa án Tối cao rồi, vậy thì Ủy ban Tư pháp đó có đủ thẩm quyền để mà có thể can thiệp một cách nào đó được không?

“Theo tôi, kênh duy nhất mà có thể can thiệp được chỉ còn nằm trong tay, quyền sinh sát đó nằm trong tay của Chủ tịch nước, thì dưới hình thức là đặc xá, đại xá, thì có thể gỡ được án tử hình thôi.

“Chứ còn bây giờ chẳng còn cách nào khác. Tất nhiên ở đây, nó có một mâu thuẫn là nếu như xin ân xá, thì rõ ràng hóa ra là phía công đường người ta khẳng định là người ta đúng, cho nên anh phải chấp nhận bản án này và anh xin ân xá thì Chủ tịch nước xem xét có được ân xá hay không.

“Còn về phía công đường, tòa án, rõ rằng là bằng hành động này, người ta đã khẳng định rằng người ta ‘hoàn toàn đúng’ và không ai phải chịu trách nhiệm cả, và cái đó phải chăng đã gỡ được vấn đề trách nhiệm cho những người mà trong suốt quá trình tố tụng ở Long An, rồi sơ thẩm, rồi phúc thẩm, thì gỡ được trách nhiệm của nhiều cá nhân và những cá nhân đó thì hiện nay đang giữ những chức vụ cao cấp.

“Thì rõ ràng là không khó để có thể biết được, do đó lời khuyên thì có lẽ là thôi, coi như mình là tử tù rồi, thì chỉ có xin ân xá, chỉ có con đường đó là một, còn một chút hy vọng và nó phụ thuộc vào cái nhìn nhận nhân văn từ phía Chủ tịch nước. Đấy là con đường duy nhất, còn ngoài ra, cộng với cái đó là vận động thêm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để làm sao đó cũng có thêm tiếng nói ủng hộ cho việc ân xá hay đặc xá.”

‘Cần lập ủy ban độc lập’

Từ Sài Gòn, Luật sư Đinh Hồng Hạnh, người gần đây cho biết đã có dịp tới Long An, ở địa phương xảy ra vụ án, nói với BBC qua một chương trình bình luận trực tuyến về phán quyết vụ án hôm 08/5:

“Tôi có một ý kiến là cần có một ủy ban độc lập và khách quan để đánh giá lại vai trò này, ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã mặc đủ ba màu áo trong toàn bộ giai đoạn tố tụng, vì thế vai trò cũng không khách quan.

“Và nếu bây giờ quyết định của vụ việc này bây giờ lại được Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam xem xét lại, và chính Hội đồng xét xử, Hội đồng 17 thẩm phán này lại là người đánh giá lại quyết định của chính họ, thì sẽ là không khách quan.

“Vì thế cần nhiều hơn nữa các bên giám sát độc lập và tiếng nói độc lập, cũng như là đánh giá lại tình trạng của Hồ Duy Hải và những tình trạng giam giữ các tử tù nói chung.

“Và cao hơn nữa là việc xem xét lại có nên tồn tại án tử hình tại Việt Nam hay không, bởi gì còn rất là nhiều vụ việc oan sai khác”.

‘Khía cạnh chính trị quan trọng’

Từ Hà Nội, cựu Thiếu tá an ninh công an Nguyễn Hữu Vinh, nói với cuộc tọa đàm trên:

“Tôi bổ sung khía cạnh chính trị mà tôi cho là rất quan trọng, tôi nghĩ là ông Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch nước đặt ra vấn đề này (cho mở vụ Giám đốc thẩm), thì đó là một động thái rất khôn ngoan, ông đặt ra vấn đề đó trong khi chỉ còn hơn một năm nữa là mở ra Đại hội 13 của đảng Cộng sản, thì những người tham gia vào quá trình Giám đốc thẩm này sẽ tự bộc lộ.

“Và ông Tổng bí thư sẽ có dữ kiện để đánh giá và kết luận những ai làm việc tốt, còn nội bộ thì cũng có những điều kiện tốt, để họ sắp xếp nội bộ và chuẩn bị Đại hội v.v… Thế còn khía cạnh thứ hai là bây giờ, tất cả gần như có vẻ là hy vọng cuối cùng là đặt vào ông ấy, thì ông ấy sẽ làm việc của mình lúc nào và theo hướng nào để thuận lợi về chính trị. Đấy là tôi bàn về vấn đề chính trị, tôi không bàn về vấn đề nhân đạo hay là luật pháp.”

Từ thành phố Hanau, Cộng hòa Liên bang Đức, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nêu quan điểm tại cuộc thảo luận của BBC:

“Theo quan điểm của tôi, anh Hồ Duy Hải và gia đình anh vẫn còn thêm một cơ hội nữa để có thể cứu nguy mạng sống của anh Hải.

“Bởi vì, mặc dù quyết định mà bác đơn xin ân giảm trước đây của ông Chủ tịch nước trước đây là ông Trần Đại Quang vẫn có hiệu lực pháp luật, nhưng mà bản thân anh Hồ Duy Hải, sau quyết định Giám đốc thẩm này, anh ta vẫn có thể làm đơn lên ông Nguyễn Phú Trọng, là Chủ tịch nước.

“Tôi cũng nhận được nhiều ý kiến hỏi là như vậy có được hay không, thì theo quan điểm của tôi là rất là khó, mà ông Nguyễn Phú Trọng có một quyết định nhân đạo ở đây, bởi vì chúng ta biết là từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Chủ tịch nước, ông chưa có một đợt đặc xá nào cho các tù nhân ở Việt Nam.

“Mà chúng ta biết rằng trong thời Chủ tịch nước trước như là ông Nguyễn Minh Triết hay ông Trương Tấn Sang, thường là một năm có hai lần đặc xá vào dịp Tết nguyên đán hay cũng như là vào dịp quốc khách 2/9, nhưng mà từ ngày ông Nguyễn Phú Trọng lên, hoàn toàn không có cái này.

“Cho nên tôi cũng không hy vọng rằng là ông Trọng sẽ có một quyết định để miễn hình phạt tử hình cho anh Hồ Duy Hải, nếu như anh hoặc gia đình anh, hoặc giới luật sư hay bất kỳ ai có đơn, hoặc kiến nghị gửi lên cho Chủ tịch nước, nên cái hy vọng mà anh Hồ Duy Hải giữ được mạng sống của mình thì tôi cho là hoàn toàn không có ở đây được.”

Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Vẫn có thể tái thẩm?

Ngay sau tọa đàm nói trên, một nhà quan sát và phân tích chính trị, xã hội Việt Nam từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, qua bút đàm nêu bình luận với BBC

“Về vụ Hồ Duy Hải, tôi thấy rằng Việt Nam hiện nay không tồn tại pháp quyền, công lý không được thực thi. Vì sao? Vì nền tảng pháp lý hình sự, là chứng cứ. Phải đủ chứng cứ, thì mới xét xử. Không đủ chứng cứ, thì không được xử.

“Luật pháp hình sự nào cũng có hai khả năng cho việc ra phán quyết có lợi cho bị cáo: một là trắng án, hai là tha bổng. Trắng án, tức là vô tội, tha bổng, tức là có dấu hiệu tội phạm, nhưng không đủ chứng cứ, phải thả.

“Đọc quyết định của Hội Hội đồng Giám đốc thẩm này, có thể thấy rằng họ đã sai từ bản chất, nguyên tắc, thủ tục cho đến từng chi tiết pháp lý.

“Nhưng trên hết, 17 thành viên hội đồng này có thể có vấn đề hay có thể bị công luận đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức, mà thậm chí, đặc biệt nghiêm trọng là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

“Theo thông tin tôi được biết, ngày 19/5 này, Ủy ban thường vụ quốc hội sẽ phải quyết định việc tiến hành thủ tục giám sát đặc biệt vụ án này.

“Về chính trị hay xung đột lợi ích thì không rõ, nhưng theo tôi, đây là một quyết định trái pháp luật hình sự Việt Nam. Tất nhiên vẫn còn khả năng Viện kiểm sát tối cao lại ra quyết định kháng nghị một lần nữa.

“Có giám đốc thẩm và có tái thẩm, giám đốc thẩm là việc xem lại các bản án đã có hiệu lực, khi có các phát hiện về sai trái trong tố tụng, phiến diện.

“Tái thẩm là việc xem lại các bản án đã có hiệu lực, khi phát hiện các chứng cứ làm thay đổi bản chất vụ án. Nếu bây giờ phát hiện hung thủ, thì sẽ có kháng nghị tái thẩm.

“Như vậy tái thẩm mạnh hơn giám đốc thẩm. Cho rằng Giám đốc thẩm là chung cuộc theo tôi là sai. Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015 quy định khác.

“Tức là có bao nhiêu Giám đốc thẩm cũng được, vả lại nếu bỗng nhiên có gì đặc biệt, có thể áp dụng Tái thẩm, tức là Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể ra quyết định kháng nghị GIám đốc thẩm lần hai vân vân.

“Hoặc nếu được kháng nghi Tái thẩm, tiếp đó, Quốc hội có thể có ít nhất hai thủ tục đó là Giám đốc thẩm và Tái thẩm. Tôi xin lưu ý là như trên đã nói, nếu có tình tiết mới, phát hiện ra hung thủ, sẽ có Tái thẩm và như thế Tái thẩm mạnh hơn Giám đốc thẩm,” TS Hà Hoàng Hợp, người từng tham gia cố vấn, tư vấn về cải cách tư pháp cho một số cơ quan của đảng và nhà nước Việt Nam khẳng định với BBC News Tiếng Việt.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi thảo luận trên BBC News Tiếng Việt về quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án tối cao của Việt Nam về vụ án tử tù Hồ Duy Hải hôm 08/5/2020.

12 comments

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.