1106. Việt Nam: Covid-19 tái bùng phát có thể gây hậu quả “khôn lường”

BBC

một giờ trước

Đại dịch Covid-19 tái bùng phát ở cộng đồng tại nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay, nếu không kịp thời được ngăn chặn, kiểm soát, có thể sẽ gây ra những hậu quả ‘khôn lường’ về kinh tế – xã hội.

Covid-19: Anh tiếp tục đặt hàng 60 triệu liều vaccine

VN: Covid-19 tái bùng phát, nói đỉnh dịch ở đâu “còn sớm”

Hôm thứ Năm, 30/7/2020, từ Hội An, một trong các địa phương ở miền Nam Trung Bộ của Việt Nam đang phải tích cực đối phó tái phát dịch bệnh, kinh tế gia Bùi Kiến Thành trước hết đưa ra bình luận bao quát với BBC News Tiếng Việt:

“Theo tôi, đây là hệ lụy của việc chưa kiểm soát được tốt nguồn nhập cư trái phép, nếu tiếp tục thì chưa thể tính được mức tác động đến nền kinh tế nói chung.

“Tuy nhiên các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhanh chóng, khoanh vùng các điểm dịch, cách ly các đối tượng có tiếp xúc với người bị bệnh và truy lùng các đối tượng có nguy cơ truyền bệnh trong cộng đồng.

“Nếu làm tốt các động tác này thì có thể giới hạn nạn bùng phát. Theo kinh nghiệm đã trải qua, có thể tin tưởng rằng công tác truy lùng và hạn chế lây lan trong cộng đồng sẽ có kết quả tốt.”

‘Bế tắc, ngưng trệ, thất nghiệp tăng’

Về hệ lụy, ảnh hưởng kinh tế – xã hội của bùng phát Covid-19, chuyên gia tư vấn chính sách này nêu quan điểm:

“Còn về thiệt hại thế nào đến nền kinh tế, thì trước mắt đã ghi nhận sự bế tắc của hoạt đông du lịch vừa mới được khởi động lại, rồi đây các hoạt động liên quan sẽ bi ngưng trệ, thất nghiệp sẽ tăng thêm, sức tiêu dùng sẽ giảm.

“Các họạt động đầu tư nước ngoài mới vừa được manh nha phát triển tốt, sẽ bị đình trê vì nhân sự nước ngoài đến nghiên cứu thị trường và cung ứng lao động cấp cao sẽ bị hạn chế, môi trường phát trển đầu tư sẽ bị xấu đi, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận đầu tư mới.”

“Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để ước tính hậu quả, trong những ngày tới, với kết quả của các biện pháp “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam như thế nào, thì mới thấy rõ ràng hơn.”

Về ảnh hưởng có thể có của đợt bùng phát dịch Covid-19 với một số địa phương ở Nam Trung Bộ, hay các trung tâm kinh tế – chính trị – xã hội lớn trong cả nước như Hà Nội, Sài Gòn, kinh tế gia Bùi Kiến Thành nêu ý kiến:

“Riêng các địa phương Nam Trung Bộ, như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, đến Nha Trang, Phú Yên v.v…, thì mùa du lịch năm nay sẽ bị tác động lớn, nguồn dịch ập đến ngay trong lúc mùa du lịch đang khởi động lại. Một phần khá lớn các du khách đã hủy các chuyến đi, kể cả các Tour v.v…, kéo theo sự đình trệ trong các lĩnh vực liên quan.

“Sài Gòn, Hà Nội đã có các biện pháp cách ly xã hội để ngăn ngừa lây lan, việc cần phải làm tiếp theo là chuẩn bị các phương tiện cứu chữa bệnh, cách ly, hạn chế các khách từ các nơi khác đến… cho có hiệu quả không để cho vỡ trận.”

Khi được hỏi Việt Nam cần có biện pháp gì tiến hành vào thời điểm này để khắc phục một cách hiệu quả, bền vững, chuyên gia kinh tế từ Hội An nêu ý kiến:

“Về hoạt động kinh tế, thì theo tôi cần khẩn trương ngồi lại với các Hội đoàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại, Công nghiệp Việt Nam – VCCI v.v… để nhanh chóng thống nhất các giái pháp ứng cứu cho doanh nghiệp, phát triển những thị trường nào có tiềm năng, kể cả trong mùa dịch. Đề ra những chính sách, biện pháp tài khóa, tiền tệ cần thiết, để doanh nghiệp có thể tránh bị hủy diệt, xây dựng kế hoạch phát triển trong hoàn cảnh, giai đoạn mới.”

‘Khó tiên lượng, nguy hiểm cao’

Khi được đề nghị đưa ra dự phóng, tiên lượng tình hình tiếp tới đây của việc tái bùng phát Covid-19 ở cộng đồng tại Việt Nam sẽ ra sao và nước này cần phải làm gì để có thể quản lý, kiểm soát an toàn, hiệu quả và bền vững đại dịch, từ Melbourne, bang Victoria, Úc, Bác sỹ Phan Đình Hiệp nói với BBC News Tiếng Việt qua một thảo luận trực tuyến hôm 30/7/2020:

“Nói thật là khó tiên lượng, đợt này có thể nói là nguy hiểm hơn đợt trước, độ nguy hiểm chắc chắn là cao hơn lần trước.

“Còn nếu chúng ta tiên lượng là xấu thì cũng buồn cho Việt Nam, mà nếu nói là tốt thì không hợp lý lắm, thành ra câu hỏi này, câu trả lời xin bỏ ngỏ.

“Chỉ thiết tha mong rằng Việt Nam làm xét nghiệm (test) thật nhiều, giãn cách xã hội cho thật tốt, đặc biệt tôi tin rằng với người Việt Nam thì khá trung thực và khá quan tâm về vấn đề dịch bệnh này, hơn là một số cộng đồng khác.

“Có thể nói là người Việt Nam quan tâm về Covid-19 này tốt hơn cả những người ở bên Úc này nữa, người bên Úc người ta còn chủ quan hơn rất là nhiều.

“Nhưng mà ở Việt Nam có những lỗ hổng quá lớn, đặc biệt là những người Trung Quốc ở biên giới vào Việt Nam quá dễ dàng và cái đó có thể đưa ra đầy đủ các thuyết âm mưu từ đó cũng được, nhưng mà tôi không phải là người đưa ra thuyết âm mưu.

“Chỉ muốn nói rằng một mặt người dân phải chống dịch, một mặt chính quyền phải hỗ trợ người dân, mặt khác y tế phải cố gắng tích cực và trung thực, còn lại sẽ là nhờ Trời.”

Sống ở thành phố Oxford, Anh quốc, Tiến sỹ Hoàng Kim Phúc, một chuyên gia trong lĩnh vực sinh học và y – sinh học nhiệt đới nói với BBC News Tiếng Việt:

“Theo tôi nghĩ, đợt dịch này phức tạp hơn đợt trước rất nhiều vì rõ ràng nó đã có triệu chứng đã lan khá rộng.

“Tuy nhiên, theo tôi hiểu sử dụng những biện pháp ráo riết như đã từng làm ở Việt Nam trong đợt trước thì tôi nghĩ là sẽ có thể kiểm soát được nó.

“Song ở đây, cái mà tôi muốn nói hãy tìm cách để chọn lọc ở trong một loạt những giải pháp đã dùng, những giải pháp nào cần phải duy trì, cần phải đẩy mạnh thì đẩy mạnh, còn những giải pháp nào quá đáng thì phải rút.

“Để làm gì? Để cân bằng giữa sự sống còn của nền kinh tế và đồng thời chúng ta vẫn hạn chế và kiểm soát được dịch.”

——

VN: Covid-19 tái bùng phát, nói đỉnh dịch ở đâu “còn sớm”

BBC

2 giờ trước

Việt Nam vừa công bố chính thức về ca tử vong đầu tiên của bệnh nhân có bệnh nền và có xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới, trong lúc ngành Y tế qua phản ảnh của báo chí, truyền thông chính thức nhà nước, cảnh báo có nhiều ca dương tính Covid-19 có sức khỏe trong trạng thái ‘nguy kịch và tăng nặng’.

Một chuyên gia và nhà quan sát y tế, sức khỏe và dịch tễ học cộng đồng từ Hà Nội, Bác sỹ Phạm Hoàng Anh, hôm thứ Sáu, 31/7/2020 nói với BBC rằng ‘không ngạc nhiên’ về các thông tin được loan bố về ca tử vong đầu tiên có liên quan Covid-19 và nhiều trường hợp đang nguy kịch khác, tuy nhiên tình hình tái bùng phát đại dịch phức tạp cho thấy “còn sớm” để xác định đỉnh dịch sẽ ở đâu.

‘Không ngạc nhiên, chỉ là thời điểm’

Bác sỹ Phạm Hoàng Anh: Tôi không ngạc nhiên khi nghe các thông tin được thông báo chính thức đó, bởi vì theo quy luật tự nhiên, bản thân virus này đã gây ra những tổn thương về hệ miễn dịch rất nặng nề, dựa vào những bệnh cảnh lâm sàng của các bệnh nhân ở Việt Nam và quốc tế có thể nhận biết như vậy.

Một khi đã lây nhiễm vào những người mà sức khỏe, sức đề kháng đã kém và có nhiều bệnh nền, thì khả năng tiên lượng tử vong cao và rất là cao, chúng ta biết rằng bệnh nhân người Anh, ở Scotland, mà đã được điều trị, bản thân bệnh nhân này là phi công, thể lực của bệnh nhân thông thường tốt hơn người bình thường và hệ miễn dịch cũng có thể tốt, để đảm bảo điều kiện sức khỏe hành nghề, tuy nhiên bệnh nhân này cũng đã phải hết sức vất vả, đấu tranh mãi mới có thể giành giật được sinh mạng, thì những người mà có bệnh tật, bệnh nền và nặng, thì chắc chắn là nguy cơ tử vong là có, nên không có gì ngạc nhiên.

Vấn đề ở đây chỉ là thời điểm mà thôi, thời điểm khi nào chuyện đó xảy ra, như với ca tử vong đầu tiên, bởi vì từ trước với hơn 400 trường hợp đã diễn ra, thì một là những bệnh nhân ấy có thể chưa có nhiều hay quá nhiều những vấn đề tới mức như những trường hợp sức khỏe hết sức kém như thấy mới đây, vả lại đó là giai đoạn đầu khi chưa có áp lực nhiều, thì Việt Nam, ngành y tế còn có điều kiện tập trung hết được tinh túy, lực lượng y tế tinh túy để mà chạy chữa cho một số lượng chưa cao.

Nhưng giới hạn cũng rất mong manh, có trường hợp bệnh nhân bị nhiễm nặng nhưng được cho là gặp thầy gặp thuốc, nhưng thực ra có thể là thời điểm nhập viện có nhiều điều kiện khách quan, thuận lợi, như trường hợp bệnh nhân phi công người Anh, để cho bệnh nhân có thể khỏi bệnh.

Tôi cũng không ngạc nhiên vì dịch vẫn đang ở cao trào trên toàn cầu và nhiều quốc gia sau một thời gian trầm lắng cũng đang bùng phát trở lại. Việt Nam không phải là ốc đảo và nhất là khi việc kiểm soát biên giới đường bộ còn khó khăn. Chúng ta đón khá nhiều công dân Việt trở về trong đó có nhiều ca bệnh.

Chúng ta đã phân loại, xử lí và cách ly nhưng về lí thuyết không ai có thể đảm bảo là đã làm được triệt để. Chúng ta cũng không biết liệu có còn các ca nhiễm không có triệu chứng trong cộng đồng sau khi đợt một kết thúc không, nên nếu cho rằng Việt Nam hết dịch là chủ quan và nay trong tình hình tái bùng phát Covid-19 trong cộng đồng, thì theo tôi là vẫn còn sớm để nói đỉnh dịch sẽ ở đâu?

Đặc điểm khác biệt của đợt này?

BBC: Về mặt dịch tễ học, cũng như về phòng chống trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, đợt bùng phát Covid-19 này có gì đáng nói so với khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, thưa bà?

Bác sỹ Phạm Hoàng Anh: Tôi thấy có mấy đặc điểm như sau: thứ nhất là khó xác định nguồn lây ban đầu (các ca mắc bệnh lây từ một nguồn hay nhiều nguồn hay một người nào trong số họ đã từng là F0 và lây cho những người còn lại. Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời. Điều này khiến việc khoanh vùng dập dịch không dễ dàng.

Thứ hai, bệnh viện là nơi xảy ra lây nhiễm và mức độ đang rất nguy hiểm, điều đó chứng tỏ các bệnh viện có thể còn chủ quan và điều này cũng đe dọa tới an toàn của các cơ sở y tế.

Thứ ba, có vẻ chủng virus này có độc lực cao và mức độ lây nhiễm cao, tuy chưa có bằng chứng chắc chắn.

BBC: Việc tái bùng phát này đã bộc lộ vấn đề gì đáng lưu ý hay quan ngại trong chiến lược và kế hoạch ứng phó, xử lý, quản lý đại dịch Covid-19 ở trung ương và địa phương tại Việt Nam, ảnh hưởng y tế, sức khỏe, kinh tế – xã hội lớn nhất có thể có thế nào?

Bác sỹ Phạm Hoàng Anh: Như trên tôi đã đề cập một phần, tôi nghĩ chúng ta (Việt Nam) đã quá chủ quan: ca bệnh đầu tiên có triệu chứng từ giữa tháng Sáu mà tới giữa tháng Bảy mới phát hiện được sau khi bệnh nhân đã đi khắp cả chục bệnh viện và không biết đã có bao nhiêu F1.

Sự chủ quan này có thể là do chúng ta đã tuyên truyền hơi quá ồn ào về thành tích dập dịch. Chúng ta đã thờ ơ với bằng chứng từ các quốc gia khác và cho rằng chúng ta đã kiểm soát rất chặt nhưng thực tế, việc hàng trăm công dân nước ngoài vượt biên trái phép vào Việt Nam cho thấy việc giám sát dịch tế cũng như quản lý xã hội tưởng là chặt mà rất lỏng. Chưa biết họ có phải là nguồn lây bệnh không nhưng rõ ràng là mối nguy cơ rất lớn.

Làm gì để khắc phục?

BBC: Phương hướng khắc phục an toàn, hiệu quả đồng thời đảm bảo bền vững nay nên ra sao?

Bác sỹ Phạm Hoàng Anh: Tôi không có đủ các dữ kiện để trả lời đầy đủ cho câu hỏi này, thực ra câu hỏi này có thể dành cho giới chức Việt Nam, trong đó có các quan chức ngành y tế. Tuy nhiên từ góc độ chủ quan và quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Việt Nam cần phải tăng cường giám sát cộng đồng, trước hết là giám sát chặt chẽ các trường hợp đi từ vùng dịch, phân loại, xét nghiệm và cách ly. Việc này tất cả các địa phương phải làm và chắc là đã có qui trình do Bộ Y tế ban hành.

Cần phải tính đến việc mở rộng cách ly tại nhà, giảm dần cách ly tập trung với F1 vì quá tốn kém. Tuy nhiên phải có quy trình thực hiện cách ly tại nhà và có biện pháp kiểm tra, giám sát, tuy nhiên cũng có thể đã có áp dụng mà tôi không biết hết đầy đủ.

Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội ở những nơi dịch đã bùng phát. Vấn đề này trong thời gian “100 ngày” vừa qua theo quan sát của tôi là mọi người đã rất chủ quan và các cơ quan chức năng cũng không còn quan tâm nhắc nhở nữa. Việc mở lại ồ ạt các trung tâm và dịch vụ du lịch mà không có biện pháp đề phòng là khá nguy hiểm.

Thêm nữa là xây dựng quy trình theo dõi và xử lý cho các địa phương sau khi đã giảm dãn cách xã hội và mở lại dịch vụ công cộng. Việc di tản hàng chục ngàn người khỏi Đà Nẵng ngay khi phát hiện ổ dịch mà không giám sát được ngay cho thấy chúng ta đã lúng túng khi xử lý ổ dịch này.

Đặc biệt, cần rà soát các bài học kinh nghiệm của các nước và các đánh giá chi phí hiệu quả của các chiến lược dự phòng mà các quốc gia khác đã thực hiện, nếu chúng ta chưa làm được để đề ra những biện pháp có chi phí hiệu quả cao (high cost effective). Tôi có nghe nói một số nước không khuyến cáo cho trẻ em nghỉ học vì cho rằng đây là biện pháp có chi phí hiệu quả không cao.

Nếu điều kiện cho phép, ở những nơi có dịch nên tổ chức điều tra dịch tễ (prevalence survey) cộng đồng để phát hiện các ca Fo còn ẩn trong cộng đồng và đánh giá mức độ miễn dịch của cộng đồng.

Và cuối cùng, nhưng tôi thấy cần phải nói thêm là Việt Nam cần tiếp tục giáo dục người dân các biện pháp phòng hộ cá nhân ( cả về hành vi đúng và chưa đúng), đồng thời cần tăng cường giám sát nhập cảnh, đặc biệt qua các biên giới đường bộ.

Bác sỹ Phạm Hoàng Anh tốt nghiệp đại học ngành Y tại Nga, tu nghiệp sau đại học về Dịch tễ học tại London, Anh quốc, từng làm việc nhiều năm về dịch tễ học tại Bệnh viện K, Hà Nội, trước khi chuyển sang làm việc cho tổ chức Phi chính phủ quốc tế liên quan hỗ trợ chính sách sức khỏe cộng đồng và y tế công cộng.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi cuộc hội luận trên Facebook của BBC News Tiếng Việt hôm 30/7/2020 với nội dung liên quan chủ đề trên.


Liên quan:

5 comments

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.