1208. Biển Đông: Trung Quốc ‘dọa’ Philippines giống hệt cách đã dọa Việt Nam?

23 phút trước

Trung Quốc đang sử dụng chung một chiêu bài nước lớn ‘ăn hiếp’ và ‘đe dọa’ nước nhỏ, khi vừa ‘khiêu khích, cài bẫy’ Philippines ở khu vực bãi Cỏ Rong, Trường Sa, hệt như cách vẫn ‘đe dọa’ Việt Nam lâu nay, tuy cách xử lý của Philippines có sự khác biệt, một nhà nghiên cứu chính trị quốc tế từ Sài Gòn nói với BBC News Tiếng Việt.

Biển Đông: Việt Nam cần tính đến kịch bản Trung Quốc ‘tấn công’ từ nhiều hướng?

TQ diễn tập bắn đạn thật ‘hỏa lực mạnh’ ở Biển Đông

Bình luận về động thái Phó Đô đốc Hải quân Philippines vừa lên tiếng trước truyền thông nước này kêu gọi chính quyền của tổng thống Rodrigo Duterte phản đối sự hiện diện của hai tàu nghiên cứu Trung Quốc tại một khu vực tranh chấp ở Biển Đông, qua đường ngoại giao, đồng thời nói Philippines sẽ không ‘mắc bẫy’ của Trung Quốc để nổ súng trước, hôm 11/8/2020, Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nói:

“Tôi nghĩ, qua động thái này có thể thấy Philippines đang đưa ra một cách xử lý rất sáng suốt. Có nghĩa là họ ‘chơi bài ngửa’ với Trung Quốc rằng tôi biết trước chiêu trò của anh và tôi la toáng lên với thế giới biết rằng tôi sẽ luôn cảnh giác với mọi hành động của anh.

“Điều này chúng ta cũng thấy rằng là nếu so với trước đây, Philippines luôn thể hiện ngoại giao mang tính hữu hảo của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với chính quyền Trung Quốc, nhưng hiện nay có thể thấy rằng Philippines thực sự là cảnh giác đối với Trung Quốc.

“Họ cho rằng Trung Quốc luôn luôn có ý đồ xấu và điều này cho thấy Manila không tin tưởng những hành động của Bắc Kinh.”

“Theo tôi đây là một cách mà Philippines đã thể hiện một bước trước rằng nếu có một sự việc nào xảy ra, thì cái đó hoàn toàn là do lỗi của Trung Quốc chứ không phải là do lỗi của Philippines.

“Có thể coi đây là một hành động khá thông minh của Philippines cho cộng đồng quốc tế biết trước là Philippines sẽ hành động như thế nào.”

Trung Quốc ‘cũng làm thế’ với Việt Nam?

Cho rằng qua những gì Philippines vừa lên tiếng, có thể thấy Trung Quốc cũng áp dụng ‘nhất quán bài vở’ hay ‘chiêu trò này với Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung nói tiếp:

“Còn đối với hành động của Trung Quốc, tôi nghĩ đây cũng thể hiện quan điểm và hành động khá nhất quán của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

“Có nghĩa là mặc dù có sự phản đối rất nhiều của các quốc gia trên thế giới, bắt đầu từ Mỹ và các đồng minh của Mỹ và thậm chí là các quốc gia Asean trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia, những nước thường được coi là nhỏ, yếu hơn… bắt đầu lên tiếng phản đối Trung Quốc, thậm chí chính quyền Duterte của Philippines từng không đề cập phán quyết thắng lợi với họ ở tòa PCA năm 2016, thì bây giờ họ đề cập vấn đề đó, thì Trung Quốc vẫn không hề nao núng.

“Và bây giờ Trung Quốc vẫn thực hiện biện pháp mang tính tham vọng ở khu vực tại Biển Đông, hay đe dọa sử dụng vũ lực, quấy rối, khiêu khích, đặt bẫy các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam ở vùng biển khu vực.

“Có thể tóm lược thấy, hành động, bài vở của Trung Quốc thể hiện ở hai khía cạnh, đầu tiên là họ không bao giờ lùi bước, nao núng về tham vọng và những yêu sách, những điều được gọi là ‘bằng chứng lịch sử, pháp lý’ của họ ở trên Biển Đông.

“Và thứ hai, họ luôn luôn thể hiện rằng nếu mà có vấn đề gì xảy ra, thì thủ đoạn của họ sẽ là luôn lu loa lên rằng họ bị khiêu khích trước và cáo buộc rằng các quốc gia khác liên minh với Mỹ để ‘bắt nạt’ Trung Quốc.

“Cách thức, chiêu bài này sẽ đem lại hiệu ứng với người dân trong nước ở Trung Quốc rằng hiện tại nước này đang bị o ép bởi các nước phương Tây và đồng minh của Mỹ và khối này.”

“Đó là cách thức mà ban lãnh đạo Trung Quốc hiện nay gửi thông điệp cho quốc tế lẫn người dân trong nước của họ rằng Trung Quốc luôn mạnh mẽ bảo vệ yêu sách của họ ở khu vực Biển Đông và không lùi bước trước các chỉ trích gần đây về các yêu sách phi lý về chủ quyền của họ ở khu vực này.”

Duterte ‘cũng có bài’ của mình?

Gần đây, Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, người được cho là đã không khai thác chiến thắng của Philippines tại phiên tòa PCA trước Trung Quốc, bốn năm trước phát biểu công khai rằng Philippines không thể so sánh được với Trung Quốc về tiềm lực, sức mạnh quân sự, nên sẽ không lựa chọn ‘đối đầu’ với Trung Quốc, mà sẽ lựa chọn biện pháp ngoại giao.

Nhân dịp này nhà nghiên cứu chính trị, bang giao quốc tế từ Sài Gòn bình luận về lựa chọn và đối sách của Tổng thống Duterte trước các tranh chấp mà Trung Quốc đặt ra với Philippines ở vùng biển khu vực.

“Các nhà phân tích chính trị không chỉ nhìn vào diễn ngôn của các nhà lãnh đạo, mà họ còn nhìn vào thực tế hành động của nhà chính trị đó.

“Có một số nhà chính trị lên tiếng rất mạnh mẽ, nhưng hành động của họ không tương xứng với những tuyên bố giống như vậy và ngược lại.

“Chính vì vậy, với các tuyên bố của ông Duterte thì tôi nghĩ rằng nhằm để phản ứng với vấn đề đối nội nhiều hơn là đối với vấn đề mang tính quan hệ quốc tế mà Philippines có điểm khó trước Trung Quốc, nhưng Tổng thống Duterte cũng có cách đi riêng của mình.

“Thường có nhiều người nói ông Duterte phải tuyên bố mạnh mẽ thì mới thể hiện được vai trò của Philippines, nhưng tôi nghĩ điều mà ông tuyên bố hay không, thì điều mà ông Duterte đã hành động thể hiện rằng ông đã tính toán kỹ rằng trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ của ông, ông có chính sách được cho là khá mềm mỏng đối với Trung Quốc và gần gũi Trung Quốc nhiều hơn.

“Mặt khác, thực chất quan hệ các quốc gia không thể chỉ nhìn vào các phát biểu dù là ‘chỉ trích’ của lãnh đạo nước này với nước khác, như trong trường hợp ông Duterte có lúc chỉ trích Mỹ, nhưng điều đó trên thực tế ngăn cản những hiệp ước, thỏa thuận mà Philippines đã ký kết với Mỹ trong mấy năm qua.

“Tức là chính trị có những tầng sâu và đôi khi nó khác hoàn toàn về bản chất với những diễn ngôn công khai của các lãnh đạo, hay chính trị gia…

“Tuy nhiên tôi cho rằng ông Duterte cũng tính toán có một số sai lầm, mặc dù ông tỏ ra ông là một con người thực dụng, bởi vì nếu chỉ đơn thuần tính như trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ rằng tạm đẩy căng thẳng, tranh chấp trên Biển với Trung Quốc sang một bên, rồi tập trung vào đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc thì sẽ giúp kinh tế Philippines phát triển hơn.

“Nhưng điều đó không hẳn là như vậy nếu chúng ta nhìn vào các chỉ số kinh tế của Philippines trong thời gian vừa qua, phát triển thương mại giữa hai nước, hay sự đầu tư của Trung Quốc vào Philippines là khá khiêm tốn.

“Không chừng, nếu không tính toán tốt, thì Philippines tự gác bỏ một lợi thế của mình, trong khi về mặt kinh tế, thương mại lại lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và nếu không thận trọng, về mặt lâu dài sẽ phát sinh những hệ quả làm cho Philippines suy yếu. Tóm lại, nếu tính toán theo chính chủ nghĩa thực dụng, thì lợi tức, lợi ích thu được, có thể đã không nhiều, không lớn bằng những ‘chi phí’, ‘tổn phí’ mà Philippines dưới nhiệm kỳ của ông Duterte đã bỏ ra hay hy sinh để đánh đổi,” nhà phân tích nói với BBC hôm thứ Ba, từ Sài Gòn.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Trung là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), đồng thời là Trưởng Bộ môn Chính trị Quốc tế thuộc Khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ông chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực an ninh quốc tế, chính trị học so sánh, kinh tế chính trị quốc tế, và chính trị các cường quốc.


Liên quan:

2 comments

Gửi phản hồi cho 1284. Biển Đông: Lập trường cứng rắn hơn của Mỹ bị Philippines phá hoại Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.