2208. Trung Quốc tuyên truyền sai sự thực về lịch sử đảo Bạch Long Vỹ trên tờ The Diplomat

US-Vietnam Research Center – University of Oregon

Tháng 4 năm 2019, tờ The Diplomat ở Washington DC cho đăng bài “Hòn đảo trên Biển Đông mà Trung Quốc đã cho đi” của tác giả Trung Quốc Zhen-Gang Ji, tuyên truyền sai sự thật về lịch sử đảo Bạch Long Vỹ, mà không kiểm tra cẩn trọng về nội dung của bài.

Nhiều năm trước, Trung Quốc đã từng đột nhiên thổi một đợt tuyên truyền chủ quyền đối với đảo Bạch Long Vỹ. Năm 2010, ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam, đã đến thăm đảo và tuyên bố bảo vệ chủ quyền.

Khi đó, trên trang Wikipedia tiếng Anh, ai đó đã viết lại lịch sử hòn đảo, tuyên truyền giống những thông tin mà tờ The Diplomat đã đăng lại ở trên. Chúng tôi đã vào Wikipedia tiếng Anh để bổ sung các thông tin đúng đắn. Tuy nhiên, hiện nay, sau khi phát hiện ra bài tuyên truyền sai sự thật về lịch sử hòn đảo trên The Diplomat, chúng tôi vào Wikipedia kiểm tra lại, thấy nó lại được sửa giống như The Diplomat từ lâu.

Như vậy đợt tuyên truyền sai sự thực về đảo Bạch Long Vỹ đã âm thầm quay trở lại?

Đại khái, nội dung sai sự thật của bài trên The Diplomat:

1) Bạch Long Vỹ do Trung Quốc kiểm soát đến thập niên 1950s. (Sự thực là Việt Nam [và chính phủ thuộc địa Pháp] đã quản lý nó đến 1954. Hòn đảo này vốn không có dân cư. Năm 1927, Việt Nam phát hiện ra nguồn nước ngọt nên đưa dân lên đảo, lập đơn vị hành chính cấp xã. Vua Bảo Đại đặt chức “lý trưởng” để quản lý hòn đảo.)

2) Trung Quốc trao hòn đảo cho Việt Nam năm 1957 (Sự thực là sau 1954, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [VNDCCH] không có thuyền chiến để ra tiếp quản hòn đảo, lúc đó do chính phủ Quốc Gia Việt Nam quản lý nhưng đã rút đi, cho nên VNDCCH đã nhờ Trung Quốc tiếp quản giúp. Năm 1957 thì Trung Quốc trả lại cho VNDCCH.

Bài báo có nhắc đến đường lưỡi bò do Trung Hoa Dân quốc vẽ năm 1947 có 11 đoạn, vốn bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ, tức là có gom cả đảo Bạch Long Vỹ vào. Từ thập niên 1950s, Trung Quốc bỏ bớt 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ để tỏ tình hữu hảo với Việt Nam.

Tuyên truyền sai sự thực về “sự hy sinh chủ quyền” đối với đảo Bạch Long Vỹ là một cách tuyên truyền cho tính “hợp thức” của đường lưỡi bò.


Ba Sàm bổ sung:

Trung Quốc “đòi” đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam

Blog Ba Sàm (cũ)

Ngọc Thu – Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

10-04-2010

Theo tin từ các cơ quan truyền thông trong nước và báo chí nước ngoài trong mấy ngày qua, Trung Quốc đang tranh chấp đảo Bạch Long Vĩ với Việt Nam. Bản tin trên báo Việt Nam Net và báo Tuổi Trẻ viết về chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến đảo Bạch Long Vĩ từ ngày 30-03 đến 01-04. Tại đó, chủ tịch nước đã khẳng định:  “Dù là đảo nhỏ nhưng Bạch Long Vĩ là tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và là hòn đảo tiền tiêu có ý nghĩa quan trọng cả về an ninh quốc phòng lẫn kinh tế – xã hội“.

Sau đó thì báo EarthTimes hôm 2-4-2010 với tựa đề “Lãnh đạo Việt Nam nguyện bảo vệ lãnh thổ trên Biển Đông”, có nhắc chuyện Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được hai tàu hải quân hộ tống ra thăm đảo Bạch Long Vĩ:  “Việt Nam đã kiểm soát Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng một số viên chức Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam về hòn đảo này“.

Báo South China Morning Post ngày 4-4, có tựa đề “Hà Nội để mắt tới quân bài Asean trên Biển Đông”, trong đó có 2 đoạn cũng nhắc tới chuyện tranh chấp hòn đảo Bạch Long Vĩ: “Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đi tới một hòn đảo đang tranh chấp để nói với các sĩ quan hải quân Việt Nam chuẩn bị ‘chiến đấu cho chủ quyền của tổ quốc trong bất kỳ tình huống nào’”. Và một đoạn khác: ”Hôm thứ sáu, ông Nguyễn Minh Triết đã tổ chức một chuyến viếng thăm hiếm hoi tới một căn cứ hải quân Việt Nam trên hòn đảo đang tranh chấp Bạch Long Vĩ giữa miền Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam“.

Cũng trong ngày 4-4, bản tin tiếng Trung trên báo BBC có tựa đề: Nguyễn Minh Triết thăm các đảo trên biển Nam Hải, tuyên bố bảo vệ ‘chủ quyền’, với 2 chữ “chủ quyền” được đặt trong ngoặc kép. Bản tin này có đoạn “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”. Nguyên văn như sau: 南自1957年开始控制白龙尾岛,但中国不承认越南对该岛的主权。

Hai ngày sau, ngày 6-4, bản tin tiếng Trung trên tờ Nhân dân Nhật báo nói về việc Việt Nam lợi dụng chức Chủ tịch để thảo luận vấn đề biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh Asean, bài viết có đoạn: “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”. Nguyên văn trong bài: 越南自1957年开始控制白龙尾岛,但中国不承认越南对该岛的主权。

Ngày 7-4, trên diễn đàn Nhân dân Nhật báo, chủ đề: Giải pháp nào cho các tranh chấp trên biển Đông, trong đó có đoạn nhắc tới Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến thăm các đảo “tranh chấp” ngày 01-04 như sau: “Chủ tịch Việt Nam một lần nữa đến thăm các đảo đang tranh chấp ngày 1 tháng 4, tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với các hòn đảo nằm ở giữa Việt Nam và tỉnh Hải Nam, Trung Quốc”.

Ngày 9-4, mạng Sina cũng đã đăng bài nói tới “tin vui” về việc Trung Quốc sắp lấy lại các đảo ở Việt Nam, trong đó có đảo Bạch Long Vĩ. Bài báo còn nói rằng, trong Hiệp định phân vịnh Vịnh Bắc Bộ, hai nước chỉ phân chia vùng biển, chứ không nói đến chủ quyền của hòn đảo Bạch Long Vĩ và Việt Nam chỉ tạm thời giữ đảo Bạch Long Vĩ chứ không có chủ quyền.

Mạng Sohu cũng có nhắc tới Bạch Long Vĩ, người viết bài còn cảm ơn Hội Địa Lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google vì đã để chữ “Tây Sa” (tức Hoàng Sa) là lãnh thổ Trung Quốc.

Liệu có phải Trung Quốc đang kiếm cớ để lấy đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam, hay còn có ý đồ nào khác?


Chủ tịch Việt Nam thăm đảo Bạch Long Vĩ

BBC

22 tháng 7 2014

Ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước Việt Nam thứ hai trong 5 năm qua đã thăm và làm việc tại đảo Bạch Long Vĩ ở Vịnh Bắc Bộ, nơi tiếp giáp với Trung Quốc trên biển.

Người tiền nhiệm của ông Sang, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, cũng có chuyến thăm tương tự tới huyện đảo Bạch Long Vĩ hồi năm 2010.

Chuyến thăm của Chủ tịch Triết hồi đó đã gây tiếng vang lớn, nhất là vì khi ở Bạch Long Vĩ ông đã đưa ra một số tuyên bố cứng rắn khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Dư luận Trung Quốc sau đó, đặc biệt là các trang mạng, nói nhiều tới cái mà họ gọi là “hòn đảo tranh chấp Bạch Long Vĩ”, cho rằng Trung Quốc không chấp nhận chủ quyền của Việt Nam tại đây.

Tái khẳng định chủ quyền

Trong chuyến thăm Hải Phòng hôm thứ Hai 21/7, Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trực tiếp tới thăm và khảo sát tại Bạch Long Vĩ, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Ông đã nghe giới chức địa phương báo cáo về “cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển thường xuyên căng thẳng” ở nơi đây.

Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, cách đất liền tới 130km. Hiện trên đảo có khoảng 500 dân.

Chủ tịch Trương Tấn Sang được nói đã tìm hiểu khả năng sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của các đơn vị đóng trên đảo. Ông cũng cảnh báo rằng “tình hình trên biển và khu vực vẫn có những diễn biến phức tạp”, đồng thời kêu gọi cán bộ chiến sỹ các lực lượng “hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, chủ động trong mọi tình huống không để xảy ra bị động bất ngờ”.

Ông Sang cũng có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 3 cùng một số đơn vị khác tại thành phố Hải Phòng.

Bên cạnh việc nhắc nhở các lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước, ông chủ tịch cũng khuyến cáo “rút ra bài học từ vụ gây rối lợi dụng phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, để giữ vững ổn định an ninh, quốc phòng”.

Khu vực Vịnh Bắc Bộ mới đây đã trở thành điểm nóng trong đấu tranh chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hồi tháng Sáu, sau giàn khoan 981, Trung Quốc cũng chuyển giàn khoan Nam Hải số 9 vào vùng cửa Vịnh Bắc Bộ và còn dự tính chuyển thêm một số giàn khoan khác nữa vào khu vực này.

Giàn khoan 981 sau khi rút khỏi vị trí ban đầu trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cũng di chuyển về hướng Tây-Tây Bắc, tức lên phía Vịnh Bắc Bộ.

‘Đảo tranh chấp’?

Phát biểu của ông Trương Tấn Sang về ngôn từ dường như không mạnh mẽ bằng người tiền nhiệm. Hồi đầu năm 2010, ông Nguyễn Minh Triết khẳng định “Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và không nhượng bộ dù chỉ một tấc đất biển đảo”.

Lúc đó, các nguồn tin Trung Quốc khi đề cập tới chuyến thăm của ông Triết có gọi đảo Bạch Long Vĩ là hòn đảo “đang tranh chấp”, đại ý “Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này”.

Một trang mạng của Trung Quốc viết “trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, hai nước chỉ phân chia vùng biển, chứ không nói đến chủ quyền của hòn đảo Bạch Long Vĩ và Việt Nam chỉ tạm thời giữ đảo Bạch Long Vĩ chứ không có chủ quyền”.

Giới chức Việt Nam đã cực lực phản đối quan điểm này.

Tháng 10/1954, sau khi ký Hiệp định Geneve, quân đội Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam. Đảo Bạch Long Vĩ lúc đó vẫn là của Việt Nam, nhưng do có một số khó khăn, Bắc Việt Nam đã nhờ Trung Quốc ra tiếp quản hộ.

Trung Quốc “giữ hộ Việt Nam”, tới đầu năm 1957 thì Hà Nội tiếp quản lại đảo.

Quá trình đàm phán Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc không đề cập tới vấn đề chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ.

Bạch Long Vĩ là đảo nhỏ nhưng có ý nghĩa về chiến lược rất lớn.

Đảo này được coi là tiền đồn của Việt Nam trên Vịnh Bắc Bộ, có thể từ đây quan sát toàn bộ đảo Hải Nam, bán đảo Lôi Châu và vịnh Tam Á.

2 comments

Gửi phản hồi cho Người Việt Đọc Báo Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.