
EASTASIAFORUM by Xuan Dung Phan, RSIS – 30 April 2021
Ba Sàm lược dịch
Các tuyên bố chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng chéo ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) đã là yếu tố gây khó chịu trong quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia trong nhiều thập kỷ. Trong khi chờ thỏa thuận phân định EEZ, hai nước láng giềng Đông Nam Á nên thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin để quản lý tốt hơn tranh chấp.
Việt Nam và Indonesia đã ký một thỏa thuận về ranh giới thềm lục địa vào năm 2003, nhưng EEZ giữa hai quốc gia ở Biển Bắc Natuna vẫn còn tranh chấp. Do cạnh tranh về quyền tài phán ở những vùng biển này, Việt Nam và Indonesia thường xuyên xung đột về vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Năm 2017, một tàu tuần duyên của Việt Nam được cho là đã chặn một nỗ lực của Indonesia để áp giải các tàu Việt Nam đang đánh bắt trong vùng biển tranh chấp. Vụ việc khiến một sĩ quan Indonesia bị Cảnh sát biển Việt Nam tạm giữ.
Một cuộc tranh cãi ngoại giao đã diễn ra vào năm 2019 khi Indonesia phá hủy 38 tàu mang cờ của Việt Nam bị cáo buộc tham gia đánh bắt IUU. Hà Nội phản đối hành động này, cho rằng Jakarta bắt giữ sai các ngư dân Việt Nam.
Vụ mới nhất là vào cuối tháng 3 năm 2021 khi Cảnh sát biển Indonesia bắt giữ hai tàu cá Việt Nam mà phía Việt Nam cho rằng đang hoạt động trong vùng biển của họ.
Cho đến nay, cả hai nước đều cố gắng giải quyết tranh chấp một cách thân thiện. Các quan chức quốc phòng hàng đầu của Việt Nam và Indonesia đã cam kết đối xử nhân đạo với các ngư dân và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Cũng có ý chí chính trị từ cả hai phía để chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay. Kể từ năm 2010, Việt Nam và Indonesia đã tham gia 12 vòng đàm phán về phân định EEZ. Lần gần đây nhất diễn ra năm 2019. Hai nước láng giềng Đông Nam Á đã bày tỏ mong muốn xúc tiến quá trình đàm phán và đang thảo luận về một hướng dẫn tạm thời để ngăn chặn các cuộc xung đột hàng hải tiếp tục.
Việc kết thúc hội đàm phân định EEZ sẽ củng cố quan hệ song phương Việt Nam – Indonesia và cho phép hai nước giải quyết tốt hơn mối quan tâm chung về đánh bắt IUU.
Các chuyên gia từ lâu đã gợi ý rằng các quốc gia Đông Nam Á giải quyết tranh chấp hàng hải nội khối để tăng cường các nỗ lực phối hợp nhằm đẩy lùi chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Do yêu sách vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của Việt Nam – Indonesia nằm trong đường chín đoạn của Trung Quốc, nên một thỏa thuận phân định sẽ thể hiện rõ hơn sự bác bỏ của cả hai nước đối với các yêu sách trái pháp luật của Bắc Kinh.
Vấn đề đã trở nên kéo dài vì các quan điểm pháp lý mâu thuẫn nhau. Việt Nam ủng hộ một ranh giới duy nhất cho cả thềm lục địa và EEZ. Indonesia khẳng định coi EEZ và thềm lục địa là hai chế độ pháp lý riêng biệt và do đó ủng hộ nguyên tắc bình đẳng như một phương pháp phân giới. Để đạt được một thỏa thuận sẽ đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau và sự tương nhượng của cả hai bên.
Các cuộc chạm trán tiếp tục trên biển ở Biển Bắc Natuna có thể làm xói mòn lòng tin và khiến dư luận hai nước chống lại nhau, phá hoại tiến trình đàm phán. Để quản lý tốt hơn tranh chấp của họ, Hà Nội và Jakarta nên tham gia vào các biện pháp xây dựng lòng tin theo Điều 74 (3) của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển. Điều khoản quy định rằng các quốc gia ven biển “cố gắng hết sức để đạt được một thỏa thuận tạm thời [trong khi chờ một thỏa thuận phân định biển]”.
Cả hai nước nên thiết lập những khu vực tạm thời trong các vùng chồng lấn để cùng khai thác thủy sản. Đây là một thực tế phổ biến giữa các quốc gia có ranh giới biển chưa được giải quyết. Một biện pháp tạm thời như vậy cho phép cả hai bên hợp tác giải quyết các vấn đề về nghề cá trong khi tự mình bỏ qua tranh chấp song phương. Hiệp định nghề cá Việt Nam – Indonesia nên bao gồm các điều khoản về bảo tồn biển cũng như một thỏa thuận tài phán chung.
Hà Nội và Jakarta có những động lực mạnh mẽ để theo đuổi thỏa thuận tạm thời này. Đối với Việt Nam, các ngư dân của họ sẽ có thể mở rộng hoạt động của mình. Trong những năm gần đây, nhiều tàu cá Việt Nam buộc phải đánh bắt xa bờ do nguồn cá ven bờ cạn kiệt và sự quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông. Đối với Indonesia, nước này có thể nhờ Cảnh sát biển Việt Nam hỗ trợ trong việc chống lại yêu sách của Trung Quốc đối với các ngư trường truyền thống nằm trong vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của họ.
Ngoài ra, hai nước cần cùng nhau tiến hành các chiến dịch thông tin công khai nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng ngư dân Việt Nam. Nhiều ngư dân Việt Nam đánh bắt IUU có kiến thức hạn chế về ranh giới biển và luật hàng hải của các quốc gia ven biển láng giềng. Các hội thảo nên được tổ chức tại các tỉnh của Việt Nam như Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Thuận, là nơi có nhiều tàu cá bị Indonesia bắt giữ trong những năm gần đây.
Cuối cùng, Việt Nam và Indonesia nên tăng cường hợp tác bảo vệ bờ biển. Năm 2017, hai nước đã ký nghị định thư tăng cường hợp tác bảo vệ bờ biển nhằm đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải ở các khu vực xung quanh ranh giới thềm lục địa. Hai bên cần tiến hành các cuộc trao đổi thường xuyên, cũng như các cuộc tập trận chung, tập trung vào tìm kiếm và cứu nạn, chống đánh bắt IUU và chống cướp biển.
Với tư cách là những đối thủ nặng ký về kinh tế và chính trị của Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia cần chứng tỏ rằng họ có thể quản lý các tranh chấp song phương của mình một cách thân thiện và phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như phương thức tham vấn, đồng thuận và không đối đầu của ASEAN. Những nỗ lực trong vấn đề này sẽ nâng cao sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước và cuối cùng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân định EEZ.
Xuan Dung Phan là nghiên cứu sinh và trợ lý nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS), Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, và là thành viên của Sáng kiến Lãnh đạo Thế hệ Tiếp theo Hoa Kỳ – Việt Nam tại Diễn đàn Thái Bình Dương.
[…] 2445. Quản lý tranh chấp Biển Bắc Natuna giữa Việt Nam và Indonesia […]
ThíchThích
[…] 2445. Quản lý tranh chấp Biển Bắc Natuna giữa Việt Nam và Indonesia […]
ThíchThích