2667. Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời ở Mỹ là một núi than của Trung Quốc

Phụ thuộc vào nhiệt điện than để sản xuất tấm pin mặt trời làm gia tăng những mối quan ngại ở phương Tây

THE WALL STREET JOURNAL by Matthew Dalton – July 31,2021

Ba Sàm lược dịch

Việc lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời đang tăng lên ở Hoa Kỳ và Châu Âu trong khi các nước phương Tây lại tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng phương Tây phải đối mặt với một bài toán hóc búa khi họ lắp đặt các tấm pin trên những mái nhà nhỏ và trong những dải sa mạc trải dài tít tắp: hầu hết chúng được tạo ra bằng năng lượng từ những nhà máy điện chạy than, phả ra carbon-dioxide ở Trung Quốc.

Những mối quan tâm đang gia tăng ở Hoa Kỳ và Châu Âu rằng sự phụ thuộc của năng lượng mặt trời vào ngành than Trung Quốc sẽ tạo nên lượng phát thải ngày càng lớn trong những năm tới, khi các nhà máy nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất các tấm pin mặt trời để đáp ứng nhu cầu.

Nhà máy nhiệt điện Urumqi chạy bằng than ở miền tây Trung Quốc.
ẢNH: MARK SCHIEFELBEIN / ASSOCIATED PRESS

Điều đó sẽ làm cho ngành năng lượng mặt trời trở thành một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới, theo các nhà phân tích, và nó lại làm giảm hiệu quả của chính việc giảm phát thải do áp dụng rộng rãi nguồn năng lượng sạch này.

Trong nhiều năm, điện than chi phí thấp của Trung Quốc đã cho các nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của đất nước này một lợi thế cạnh tranh, cho phép họ chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.

Các nhà máy Trung Quốc cung cấp hơn 3/4 lượng polysilicon tiêu thụ của thế giới, một thành phần thiết yếu trong hầu hết các tấm pin năng lượng mặt trời, theo nhà phân tích của ngành công nghiệp này, Johannes Bernreuter, cho biết.

Các nhà máy polysilicon tinh chế kim loại silicon bằng quy trình tiêu thụ một lượng lớn điện năng, khiến việc tiếp cận điện giá rẻ mang một lợi thế về chi phí. Chính quyền Trung Quốc đã cho xây dựng một loạt các nhà máy điện than rải rác tại các khu vực đông dân cư như Tân Cương và Nội Mông, nhằm hỗ trợ cho những nhà sản xuất polysilicon và các ngành công nghiệp ngốn nhiều năng lượng khác.

Nếu Trung Quốc không có nguồn than đá, thì năng lượng mặt trời sẽ không còn rẻ nữa.” – Nhà nghiên cứu khí hậu Robbie Andrew

Sản xuất một tấm pin năng lượng mặt trời ở Trung Quốc tạo ra lượng carbon dioxide gấp đôi so với sản xuất nó ở châu Âu, theo Fengqi You, giáo sư kỹ thuật hệ thống năng lượng, Trường đại học Cornell. Ở một số quốc gia hoặc khu vực không phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, chẳng hạn như Na Uy và Pháp, thì việc lắp đặt một tấm pin năng lượng mặt trời do Trung Quốc sản xuất có lượng carbon cao thì nó có thể không làm giảm lượng khí thải, GS You cho biết.

 “Vâng, chúng sạch” ở phương Tây,” ông You nói. “Nhưng sau đó quy trình nhận các tấm pin này từ một quốc gia khác— Trung Quốc bây giờ, hoặc có thể ở một nơi khác sau này — thì sẽ sản sinh ra rất nhiều khí thải.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng việc lắp đặt các tấm pin do Trung Quốc sản xuất hầu như luôn dẫn đến giảm lượng phát thải ròng carbon dioxide theo thời gian, bởi vì các tấm pin thường thay thế điện năng tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch. Lượng khí thải sẽ giảm bớt được sau vài năm đầu tiên lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, có tuổi thọ 30 năm, có thể bù đắp cho lượng khí thải cần thiết để sản xuất nó.

Công nhân lắp đặt các tấm pin mặt trời ở Laudun L’Ardoise, Pháp, một
quốc gia không phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện. ẢNH: JEREMY SUYKER

Một số chính phủ và tập đoàn phương Tây đang cố gắng chuyển ngành công nghiệp năng lượng mặt trời tách khỏi sự lệ thuộc vào than đá.

Các công ty mua năng lượng tái tạo đang thiết lập nền tảng cho việc ủng hộ sử dụng các tấm pin mặt trời carbon thấp khi họ tài trợ cho những dự án năng lượng mặt trời. Chính phủ liên bang Hoa Kỳ đang soạn thảo một chính sách để làm điều tương tự, khi họ mua các tấm pin mặt trời, một phát ngôn viên của Cơ quan Bảo vệ Môi trường cho biết.

Và Liên minh châu Âu đang xem xét liệu có nên điều chỉnh quy chuẩn hàm lượng carbon của các tấm pin được bán trên 27 quốc gia hay không, các quan chức EU cho biết.

Những chính sách này cũng sẽ giúp xây dựng lại ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của phương Tây, vốn đã tàn tạ dưới sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Trung Quốc gây ô nhiễm cao hơn, theo đánh giá của các giám đốc điều hành phương Tây.

Công suất điện mặt trời của Hoa Kỳ trong hai năm qua đã tăng vọt 48%, theo công ty tư vấn Wood Mackenzie. Còn bên trong Âu Châu tăng 34%. Số lượt lắp đặt đó đã lên tới hàng chục hàng nghìn tấm pin mặt trời được vận chuyển mỗi năm.

“Những khách hàng mua điện năng tầm cỡ có thể gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng”, theo Jen Snook của Renewable Energy Buyers Alliance, đại diện cho Amazon.com Inc., Salesforce.com Inc. và hơn 200 tập đoàn khác. “Năng lượng mặt trời hy vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng rất mạnh và chúng tôi muốn đảm bảo rằng tăng trưởng đó là bền vững.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan ngày càng trở nên rõ ràng hơn khi các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị gặp nhau ở Glasgow, Scotland, vào tháng 11 năm nay để tạo nên một động lực mới nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Một phần của nỗ lực đó liên quan đến việc thuyết phục Trung Quốc, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, chuyển khỏi sản xuất điện bằng than để cắt giảm lượng khí thải, ngay cả khi phương Tây vẫn ngấu nghiến thiết bị của Trung Quốc, từ các tấm pin mặt trời cho đến nhôm nhẹ dùng cho xe điện.

Tại một cuộc họp vào tháng Bảy vừa qua của các bộ trưởng môi trường từ Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu, Trung Quốc và Ấn Độ đã ngăn chặn một thỏa thuận vốn định loại bỏ dần điện than.

Tìm kiếm các giải pháp thay thế sẽ không dễ dàng.

Việc Trung Quốc đang trỗi dậy và sản xuất polysilicon giá rẻ hơn đã làm tổn hại cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ, buộc họ phải đóng cửa một số nhà máy, cho dù chúng sử dụng năng lượng từ các nguồn có lượng khí thải carbon thấp hơn các nhà sản xuất của Trung Quốc.

Wacker Chemie AG, nhà sản xuất polysilicon cho năng lượng mặt trời lớn nhất của phương Tây, đã phải trả tiền nhiều gấp bốn lần cho điện năng tại các nhà máy của nó ở Đức so với ở Tân Cương, Trung Quốc, phát ngôn viên của công ty Christof Bachmair cho biết.  

Trung Quốc đã hạ giá tấm pin xuống rất mạnh nên năng lượng mặt trời hiện nay ít tốn kém hơn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch tại nhiều thị trường trên thế giới. Việc nhập khẩu các tế bào quang điện năng lượng mặt trời, thứ được dùng để tạo nên các tấm pin, cũng đang tràn ngập Hoa Kỳ và Châu Âu.

Những lô hàng đó đến trực tiếp từ Trung Quốc hoặc chứa các thành phần chính được sản xuất tại Trung Quốc.

Nếu Trung Quốc không tiếp cận được với than, thì năng lượng mặt trời sẽ không rẻ như hiện nay,” Robbie Andrew, một nhà nghiên cứu cấp  cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc tế ở Oslo, cho biết. “Có ổn không khi chúng ta đã có khối lượng khí thải carbon khổng lồ này từ Trung Quốc vì nó cho phép họ phát triển tất cả những công nghệ này thực sự rẻ? Chúng ta có thể không nhận biết về điều đó trong 30 đến 40 năm nữa”.

Một số nhà sản xuất polysilicon của Trung Quốc có vị thế thuận lợi để đáp ứng nhu cầu những tấm pin carbon thấp của phương Tây. Tongwei, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, có một số các nhà máy chạy bằng thủy điện. Tuy nhiên, Daqo New Energy và GCL Poly, các đối thủ cạnh tranh chính của Tongwei, thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào than.

Daqo New Energy Corp., điều hành cơ sở này ở Tân Cương, nằm trong số các nhà sản xuất polysilicon của Trung Quốc dựa vào than đá. ẢNH: COLUM MURPHY / BLOOMBERG NEWS

Pháp là một trong số ít quốc gia điều chỉnh lượng carbon của các tấm pin mặt trời, yêu cầu các tấm pin carbon thấp cho các dự án năng lượng mặt trời lớn. Điều đó đã khuyến khích một số nhà sản xuất pin của Trung Quốc sử dụng năng lượng tái tạo trong một số quy trình, cho phép họ bán sang thị trường Pháp. Hàn Quốc năm nay đã thông qua các quy tắc lấy cảm hứng từ hệ thống của Pháp, còn các nước Châu Âu khác cũng đã có bày tỏ sự quan tâm, theo các quan chức từ khu vực này cho biết.

JinkoSolar, một công ty Trung Quốc, đã xây dựng một nhà máy lắp ráp pin ở Florida để cung cấp cho NextEra Energy, một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất của Hoa Kỳ. Nhưng tấm wafer (thành phần vật liệu siêu bán dẫn) và polysilicon lại đến từ Trung Quốc, theo các nhà phân tích.

Công ty năng lượng Ý Enel SpA đang có kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời ở Sicily, một trong số ít còn lại ở Châu Âu, nhưng nhà máy vẫn sẽ phải dựa vào các tấm silicon đến từ Trung Quốc.

Chúng tôi sẽ rất vui nếu thành phần khác của chuỗi giá trị sẽ được thiết lập ở châu Âu,” Antonello Irace, giám đốc nhà máy ở Sicily nói. “Hãy nghĩ về sự bền vững, nghĩ về điều kiện lao động, nghĩ về chi phí hậu cần và khoảng cách địa lý.”

Bắc Kinh đã gây trở ngại hơn nữa cho các nỗ lực của phương Tây bằng cách áp đặt thuế quan đối với polysilicon của Hoa Kỳ như một phần của tranh chấp thương mại lâu dài đối với tấm pin mặt trời. Điều đó đã ngăn chặn các nhà sản xuất Hoa Kỳ không bán được nguyên liệu thô cho các nhà máy sản xuất tấm wafer của Trung Quốc — nơi chiếm hơn 95% công suất toàn cầu — để các nhà sản xuất của Mỹ hầu như không có người mua sản phẩm của mình.

Một trang trại năng lượng mặt trời gần Bakersfield, Texas, vào thứ bảy, 10/4. ẢNH: BILL CLARK / ZUMA PRESS

Thuế quan đã khiến cho hãng REC Silicon AS A vào năm 2019 phải cho ngừng hoạt động một nhà máy ở Hồ Moses, vốn chạy bằng thủy điện không phát thải carbon.

Công ty hy vọng các cuộc đàm phán giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh sẽ dẫn đến việc giảm áp thuế. Thay vào đó, Bắc Kinh năm ngoái đã gia hạn thuế quan 5 năm.

“Năng lực sản xuất polysilicon của chúng ta rất lớn,” David Feldman, một nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ cho biết, “và sẽ rất tốt cho các công ty nếu họ có khách hàng”.

9 comments

  1. “Đằng sau sự trỗi dậy của điện mặt trời ở Mỹ là một núi than của Trung Quốc”

    Cứ thử tưởng tượng Mỹ đã vậy thì tình hình ở Việt Nam còn te tua tới cỡ nào . Cái tựa đề có thể thay “Mỹ” bằng “Việt Nam”

    Đằng sau điện mặt trời ở Việt Nam là một núi than của Trung Quốc

    Thích

Nhận xét về 2942. Không có than, điều gì sẽ xảy ra với xi măng, thép, sắt – và Con đường phát triển của Châu Á? Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.