2726. Chiến lược cái nêm của Trung Quốc nhắm tới quan hệ đối tác Việt – Mỹ

Thông qua nhiều biện pháp khác nhau, Bắc Kinh đang tìm cách củng cố tính trung lập của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường.

THE DIPLOMAT by Khang Vu – August 25, 2021

(Khang Vũ là nghiên cứu sinh tiến sĩ Khoa Khoa học Chính trị tại Trường Cao đẳng Boston)

Ba Sàm lược dịch

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ thực hiện chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á trong tuần này, trong đó bà sẽ thăm hai đối tác quan trọng của Hoa Kỳ là Singapore và Việt Nam.

Người ta đã nói nhiều về chuyến đi của Harris sẽ nhằm nâng cao hình ảnh của chính quyền Biden ở Đông Nam Á, nhưng có rất ít bài viết về phản ứng của Trung Quốc đối với các sáng kiến ​​của Hoa Kỳ. Đây là một thiếu sót đáng tiếc, khi đang có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc là mục tiêu chính trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Do đó, cách họ phản ứng với những sáng kiến ​​đó sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định liệu những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thu hút các đối tác Đông Nam Á này có thành công hay không.

Một trong những đối tác mà Hoa Kỳ đang quyến rũ là Việt Nam, quốc gia có mối quan hệ với Washington đã được cải thiện đáng kể trong hai thập kỷ qua. Từ một góc độ rộng lớn hơn, Bắc Kinh đã chống lại hệ thống liên minh của Hoa Kỳ ở châu Á và việc tìm cách thúc đẩy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á, bao gồm Úc, Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc.

Trung Quốc tìm cách làm suy yếu hệ thống liên minh đó bằng cách làm suy giảm mối liên kết với các đồng minh này, biến họ thành phe trung lập, để cản trở chính sách ngăn chặn do Hoa Kỳ dẫn đầu mà họ vẫn lo ngại.

Đáng chú ý nhất là các cuộc tấn công kinh tế và chính trị của Bắc Kinh vào Đối thoại Tứ giác An ninh (Quad), nhằm ngăn cản các nước này đạt được đồng thuận về mối đe dọa từ Trung Quốc.

Việt Nam rơi vào một phạm trù khác của chiến lược cái nêm gây chia rẽ của Trung Quốc, trong đó Trung Quốc tìm cách củng cố tính trung lập của Việt Nam, thay vì làm suy giảm mối gắn kết, vì Việt Nam không phải là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ.

Hà Nội tự coi mình là một quốc gia trung lập theo chính sách “bốn không”, “không liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam để chống lại các nước khác và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”

Chính sách như vậy bắt nguồn từ việc Hà Nội tìm kiếm sự cân bằng giữa các giá trị ý thức hệ và các lợi ích an ninh quốc gia, trong đó quy định rằng Việt Nam chỉ làm đồng minh với các quốc gia chia sẻ cả hai tiêu chuẩn đó. Việt Nam công khai trung lập giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì nó chỉ chia sẻ các lợi ích an ninh với nước thứ nhất và các giá trị ý thức hệ với nước còn lại (cũng như các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với cả hai).

Trung Quốc hiểu rõ hành động cân bằng tế nhị của Việt Nam và tìm cách củng cố tính trung lập của Việt Nam theo hai cách.

Đầu tiên, nó tìm cách làm dịu mối bất hòa về an ninh giữa hai quốc gia (Trung-Việt) nhằm giảm bớt sự hội tụ lợi ích giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về các vấn đề an ninh. Do đó, Trung Quốc muốn Việt Nam tuân thủ chính sách “bốn không” của mình.

Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh các giá trị ý thức hệ được chia sẻ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và khơi dậy nỗi sợ hãi của Hà Nội về một “cuộc cách mạng màu” do Hoa Kỳ hậu thuẫn, trong nỗ lực giữ Việt Nam tránh xa các chiến dịch vận động của Hoa Kỳ. Việc xem xét những gì mà giới truyền thông và học giả Trung Quốc đã nói trong năm qua cho thấy bản chất có chủ đích của chiến lược này.

Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách trình bày rằng các tranh chấp biển và lãnh thổ chỉ như là một vấn đề nhỏ trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, vốn nhìn chung là tích cực. Như một cộng tác viên của Global Times đã viết nhân dịp Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wei Fenghe thăm Việt Nam vào tháng 4, “sự khác biệt giữa Bắc Kinh và Hà Nội trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) chỉ là một yếu tố phụ trong quan hệ song phương tổng thể của họ. Xem xét từ các bài viết của các quan chức hàng đầu của cả Trung Quốc và Việt Nam, cho thấy việc duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước là xu hướng chủ đạo”.

Đồng thời, Bắc Kinh cố gắng thuyết phục Hà Nội rằng tranh chấp lãnh thổ là vấn đề song phương và hai nước đã giải quyết thành công và hòa bình các tranh chấp như vậy trong quá khứ. Một nhà bình luận Trung Quốc viết rằng, “Trước đây Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng Việt Nam. Nhưng thông qua các vòng đàm phán hữu nghị, hai bên đã ký Hiệp ước Ranh giới trên đất liền vào ngày 30 tháng 12 năm 1999 và đã giải quyết tranh chấp. Mặc dù Trung Quốc và Việt Nam vẫn có tranh chấp về các đảo và đá ngầm ở Biển Đông, nhưng chúng vẫn trong tầm kiểm soát ”. Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng các hiệp ước biên giới trên bộ này cho thấy hai nước có thể “giải quyết các vấn đề hàng hải một cách hòa bình mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài”.

Về mặt chính thức, Trung Quốc không muốn Hoa Kỳ can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông và đã coi Washington là kẻ phá rối hòa bình, để cảnh báo các quốc gia châu Á không hợp tác với nước này. Chính phủ Trung Quốc đã nói, “Hoa Kỳ không phải là một quốc gia liên quan trực tiếp đến các tranh chấp. Tuy nhiên, nó vẫn tiếp tục can thiệp vào vấn đề này. Với lý do là để duy trì sự ổn định, đó là cái lối giương vây, khuấy động căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực ”.

Một học giả Trung Quốc cũng cáo buộc Hoa Kỳ sử dụng tranh chấp hàng hải nhằm “thọc mũi dùi vào giữa mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam”. Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng: các tranh chấp song phương Trung-Việt có thể được giải quyết song phương và không cần sự hợp tác an ninh chặt chẽ hơn giữa Hà Nội và Washington.

Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh các giá trị xã hội chủ nghĩa chung giữa ĐCSTQ và ĐCSVN và cảnh báo Hà Nội về ý định thù địch của Washington. Trung Quốc chính thức không phản đối những phát triển tích cực trong quan hệ Việt – Mỹ, nhưng nhắc nhở Hà Nội rằng “không có xung đột cơ bản giữa Trung Quốc và Việt Nam ngoại trừ vấn đề Biển Đông,” và hai nước có mối liên hệ về mặt tư tưởng, chính trị và kinh tế. Bắc Kinh cũng chỉ ra sự đạo đức giả trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ: rằng Washington đang tìm cách chống lại Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, nhưng họ cũng đang ve vãn Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như vậy, Washington buộc phải che giấu ý đồ xấu đối với ĐCSVN.

Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể khuyến khích các lực lượng chống ĐCSVN bên trong Việt Nam đe dọa đảng đang nắm quyền.

Khi cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo đến thăm Hà Nội vào tháng 10 năm 2020, Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam rằng “không nên phạm sai lầm khi đánh giá rằng Hoa Kỳ sẽ gạt bỏ những định kiến ​​và khác biệt về ý thức hệ với nước Cộng sản. Nếu nhầm tưởng điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến chính Việt Nam”.

Bắc Kinh cũng cho rằng ngay cả khi Hoa Kỳ và Việt Nam xích lại gần nhau hơn, các yếu tố ý thức hệ sẽ trở thành “cái gai” trong mối quan hệ.

Vào tháng Giêng vừa qua, một cây viết Trung Quốc trên Global Times cho rằng “Việt Nam, quốc gia gần gũi với Trung Quốc về địa chính trị, thương mại và hệ tư tưởng,” sẽ phải thận trọng khi tham gia Bộ tứ. Cũng chính tác giả này sau đó đã lưu ý rằng “chính quyền Biden đã rất coi trọng ngoại giao dựa trên các giá trị, điều này sẽ đặt ra [một] thách thức cho không chỉ Trung Quốc, mà còn cả Việt Nam – một quốc gia xã hội chủ nghĩa có giá trị khác với Hoa Kỳ” .

Bắc Kinh cũng nhắc nhở Hà Nội về những nỗ lực của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh nhằm sử dụng Việt Nam làm bàn đạp để tấn công Trung Quốc, và rằng những phát triển giữa ĐCSTQ và ĐCSVN đang đi đúng hướng, bất chấp những tranh chấp hàng hải.

Gần đây, một nhà bình luận Trung Quốc cho rằng Hà Nội sẽ tuân theo “bốn không”, hay chính sách trung lập, với mong muốn duy trì sự ổn định chính trị của Hà Nội, bất chấp chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Không rõ chiến lược cái nêm của Trung Quốc đã thành công như thế nào, nhưng Việt Nam duy trì một lập trường vững chắc rằng họ muốn làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và vun đắp mối quan hệ tích cực với tất cả các đối tác lớn của mình.

Hà Nội cũng giữ vững chính sách “bốn không” vì muốn báo hiệu một miong muốn hòa bình và tư thế trận phòng thủ, tránh bị “các thế lực thù địch”“những kẻ cơ hội chính trị” lợi dụng.

Vào tháng 4, ĐCSVN khẳng định sự hợp tác Việt Nam – Trung Quốc được tiếp tục sẽ ngăn chặn các thế lực thù địch “gây chia rẽ trong mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc”. Đồng thời, Hà Nội cũng nâng cấp quan hệ với Washington và coi quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam là một đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực. Nước này cũng để ngỏ khả năng hợp tác an ninh chặt chẽ hơn với Washington nếu tình hình đòi hỏi.

Chuyến thăm của Harris đến Việt Nam chắc chắn sẽ được xây dựng dựa trên sự nhất trí của lưỡng đảng về mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Trước chuyến thăm, một cây viết của Thời báo Hoàn cầu đã cảnh báo về chiến lược “tự phục vụ” của Hoa Kỳ, với việc rằng chuyến thăm không thể “làm ảnh hưởng đến vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”. Bắc Kinh cũng giao một lô hàng 200.000 vaccine COVID-19 một ngày trước chuyến thăm của Harris như một tín hiệu thiện chí và nói rõ rằng họ sẽ không bằng lòng với chuyến thăm nếu mục tiêu là “thúc đẩy các mục tiêu chống Trung Quốc”. Đổi lại, Việt Nam cảm ơn Trung Quốc đã tài trợ vaccine và tuyên bố sẽ tuân theo “chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ”, không liên kết với nước này để chống lại nước khác.

Rõ ràng, có những giới hạn nhất định về mức độ mà Hoa Kỳ và Việt Nam có thể phát triển mối quan hệ của họ dựa trên các giá trị tư tưởng khác nhau của mình.

Để chống lại chiến lược cái nêm của Trung Quốc và giảm bớt nỗi sợ hãi của Hà Nội về việc Mỹ hậu thuẫn để thay đổi chế độ, Washington nên tiếp tục tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam, như cách họ đã làm trong thập kỷ qua, và tránh gây sức ép mạnh với Hà Nội làm nói chệch khỏi sự cân bằng ngoại giao của mình và làm phức tạp thêm mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

Sự hợp tác an ninh Hoa Kỳ-Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng một trật tự chung tích cực trong khu vực, chứ không phải là lôi kéo Hà Nội vào một cuộc cạnh tranh có tổng bằng không giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, như Trung Quốc vẫn nhận thức như vậy. Việt Nam hiểu rõ việc liên kết chặt chẽ với một cường quốc chống lại các lợi ích của Trung Quốc có thể dẫn đến các đòn trừng phạt từ Bắc Kinh như thế nào.

Chiến lược cái nêm gây chia rẽ của Trung Quốc đối với quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam sẽ tiếp tục trong tương lai, cùng với những nỗ lực của họ nhằm phá hoại toàn bộ hệ thống liên minh châu Á của Hoa Kỳ.

Cách Hoa Kỳ phản ứng với các cáo buộc của Bắc Kinh sẽ quyết định sự gắn kết của mối quan hệ của Hoa Kỳ với các cường quốc châu Á khác và sự thành công của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói chung.


Liên quan:

2 comments

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.