2804. Điều gì giải thích cho sự xoay trục của Tập đối với Nhà nước?

Ông ta đặt cược vào sự xoay trục này để giúp đạt được mục tiêu của mình là nhiệm kỳ thứ ba, một kỷ lục với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao.

THE WALL STREET JOURNAL by  Kevin Rudd – Sept. 19, 2021

(Ông Rudd là cựu thủ tướng của Australia  và Chủ tịch toàn cầu của Hiệp hội Châu Á)

Nguyễn Bá Khuyến lược dịch, Ba Sàm hiệu đính

Có điều gì đó đang xảy ra ở Trung Quốc mà phương Tây không biết. 

Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã giết chết lĩnh vực dạy thêm tư nhân trị giá 120 tỷ USD của nước này và phạt nặng các công ty công nghệ Tencent và Alibaba. 

Các giám đốc điều hành Trung Quốc đã được triệu tập đến thủ đô để “tự sửa chữa hành vi sai trái của mình” và các tỷ phú đã bắt đầu quyên góp cho các hoạt động từ thiện, hình thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “tái phân phối thu nhập lần ba (lần một và hai là thị trường và chính phủ, lần ba được coi như hành động phân phối có tính “đạo đức” – BS)”. Sáu công ty cổ phiếu công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đã mất hơn 1,1 nghìn tỷ USD giá trị trong sáu tháng qua, khi các nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra.

Tại sao Trung Quốc, nước đang cạnh tranh kinh tế gay gắt với phương Tây trong những năm gần đây, lại đột ngột trở mình như thế này? Mặc dù nhiều người ở Mỹ và Châu Âu có thể coi đây là một chuỗi sự kiện gây hoang mang, nhưng có một “sợi chỉ đỏ” chung liên kết tất cả với nhau. Ông Tập đang thực hiện xoay trục kinh tế đối với đảng và nhà nước dựa trên ba động lực: hệ tư tưởng, nhân khẩu học và sự tách biệt (với phương Tây).

Bất chấp những cải cách thị trường trong bốn thập kỷ qua, hệ tư tưởng vẫn là vấn đề đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm 2017, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đã bước vào một “kỷ nguyên mới” và “mâu thuẫn chính” mà đảng phải đối mặt đã thay đổi. Ngôn ngữ chủ nghĩa Mác-Lê-nin có vẻ phức tạp đối với người nước ngoài. “Mâu thuẫn” là sự tương tác giữa các lực lượng tiến bộ đang thúc đẩy chủ nghĩa xã hội và chống lại sự thay đổi đó. Do vậy, định nghĩa thay đổi về mâu thuẫn chủ yếu của đảng là yếu tố cuối cùng quyết định đường hướng chính trị của đất nước.

Năm 1982, Đặng Tiểu Bình đã xác định lại mâu thuẫn chủ yếu của đảng là rời bỏ cuộc đấu tranh giai cấp theo chủ nghĩa Mao và hướng tới sự phát triển kinh tế không theo khuôn mẫu. 

Trong 35 năm tiếp theo, diễn biến tư tưởng này đã thiết lập các tham số chính trị cho giai đoạn trở thành thời kỳ “cải cách và mở cửa”. Năm 2017, ông Tập tuyên bố mâu thuẫn mới là “giữa phát triển không cân bằng và chưa tương xứng” với nhu cầu cải thiện cuộc sống của người dân.

Điều này hình như là một thay đổi nhỏ, nhưng ý nghĩa tư tưởng của nó lại rất sâu sắc. Điều này cho phép một cách tiếp cận triệt để hơn để giải quyết các vấn đề của tình trạng dư thừa tư bản, từ bất bình đẳng thu nhập đến ô nhiễm môi trường. Đây cũng là một triết lý ủng hộ các hình thức can thiệp rộng lớn hơn của nhà nước vào nền kinh tế Trung Quốc – một sự thay đổi chỉ mới được thực hiện đầy đủ trong năm qua.

Nhân khẩu học cũng đang thúc đẩy chính sách kinh tế của Trung Quốc sang phía tả. Cuộc điều tra dân số tháng 5 năm 2021 cho thấy tỷ lệ sinh đã giảm mạnh xuống còn 1,3 – thấp hơn ở Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh vào năm 2011 và tổng dân số hiện có thể đang thu hẹp lại. Đối với ông Tập, điều này cho thấy viễn cảnh kinh hoàng mà Trung Quốc có thể già đi trước khi giàu có lên. Do đó, ông ta có thể không  hiện thực hóa được giấc mơ đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc giàu có, mạnh mẽ và toàn cầu sau kỷ niệm 100 năm hình thành nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 2049.

Sau một thời gian dài hòa nhập, Trung Quốc hiện đang tìm cách tách nền kinh tế của mình ra khỏi phương Tây một cách có chọn lọc và thể hiện mình như một đối thủ chiến lược. Vào năm 2019, ông Tập bắt đầu nói về một thời kỳ “đấu tranh lâu dài” với Mỹ, sẽ kéo dài đến giữa thế kỷ. Gần đây ngôn ngữ đấu tranh của ông Tập ngày càng căng thẳng hơn. Ông đã kêu gọi các cán bộ “loại bỏ tư duy viển vông, sẵn sàng đấu tranh và không chịu nhường bước” trong việc bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc.

Các thế lực của hệ tư tưởng, nhân khẩu học và sự tách biệt đã kết hợp lại với nhau trong cái mà ông Tập ngày nay gọi là “Tư tưởng Phát triển Mới” – câu thần chú kinh tế kết hợp việc nhấn mạnh đến sự bình đẳng hơn thông qua sự thịnh vượng chung, giảm tính dễ bị tổn thương đối với thế giới bên ngoài và sự can thiệp nhiều hơn của nhà nước vào nền kinh tế. 

Một “nền kinh tế tuần hoàn kép” tìm cách giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu bằng cách biến nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc trở thành động lực chính của tăng trưởng, đồng thời tận dụng sự hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường nội địa Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng quốc tế. 

Nền tảng cho logic này là sự hồi sinh gần đây của khái niệm Maoist cũ hơn về sự tự cường dân tộc. Nó phản ánh quyết tâm của ông Tập đối với Bắc Kinh trong việc tăng cường quyền kiểm soát vững chắc trong nước về các công nghệ then chốt cho sức mạnh kinh tế và quân sự trong tương lai.

Phần lớn cuộc trấn áp gần đây của đảng đối với khu vực tư nhân Trung Quốc có thể được hiểu qua lăng kính rộng lớn hơn về “Tư tưởng Phát triển Mới” của ông Tập. Khi các cơ quan quản lý thẳng tay với việc dạy thêm học thêm, đó là vì nhiều người Trung Quốc cảm thấy gánh nặng kinh tế hiện tại của việc chỉ có một đứa con đơn giản là quá cao. 

Khi các nhà quản lý xem xét kỹ lưỡng các dữ liệu thực tế, hoặc đình chỉ các đợt phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng ở nước ngoài, họ không khỏi lo ngại về khả năng dễ bị áp lực từ bên ngoài của Trung Quốc. 

Và khi các cơ quan quản lý văn hóa cấm “đám đực rựa ẻo lả như đàn bà con gái” trên truyền hình, yêu cầu các nam sinh Trung Quốc bắt đầu tập luyện thay vì chơi trò chơi điện tử, và ban hành sách giáo khoa mới dành cho trường học với tiêu đề “Hạnh phúc chỉ đến qua cuộc đấu tranh”, thì tất cả đều nhằm phục vụ mong muốn của ông Tập giành chiến thắng trong một cuộc thi thố của cả thế hệ chống lại sự phụ thuộc văn hóa vào phương Tây.

Trong nhiệm vụ nặng nề tái tranh cử nhiệm kỳ thứ ba kỷ lục tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào mùa thu năm 2022, ông Tập rõ ràng đã chọn đặt việc củng cố vị thế chính trị trong nước của mình trước dự án cải cách kinh tế chưa hoàn thành của Trung Quốc. 

Mặc dù sự xoay trục về chính trị của ông ta đối với nhà nước có thể có ý nghĩa trong nội bộ, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu chững lại, ông Tập có thể phát hiện ra mình đã sai lầm về kinh tế học cơ bản. 

Và ở Trung Quốc, cũng như tất cả các quốc gia, tính chính trị và tính bền vững cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế.

2 comments

  1. Anh Vinh ơi, mời anh thao khảo sách mới ra nói về ĐCS TQ.
    Đọc mà như nói về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội VN với lăng kính thu nhỏ.

    Red Roulette: An Insider’s Story of Wealth, Power, Corruption and Vengeance in Today’s China https://g.co/kgs/uEbPZY

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.