2834. Một Bí thư thị trấn chết “do tự sát” – hai dấu hỏi cho điều tra hình sự và cơ quan quản lý

Ba Sàm

Vụ việc. Ngày 15/9/2021, phát hiện ông Lê Nguyên Vũ, Bí thư kiêm chủ tịch HĐND thị trấn Lai Uyên chết trong xe ô tô riêng, xung quanh người có bình thuốc trừ sâu, 1 lá thư tuyệt mệnh. Công an tiến hành điều tra.

Song, lãnh đạo huyện Bàu Bàng đã có ngay nhận định, rằng “áp lực công việc là có”, do nạn nhân giữ mấy trọng trách, có cả chống dịch.

Ngày 2/10/2021, Công an Bình Dương có thông tin về nguyên nhân cái chết. Theo đó, “qua công tác khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, cơ quan điều tra khẳng định ông Vũ chết do uống thuốc sâu tự tử, không có dấu hiệu hình sự.” Nguyên nhân “tự tử được cho là do áp lực công việc.”

Dấu hỏi cho cơ quan quản lý, về công tác cán bộ. Tại sao một vị lãnh đạo huyện, cấp trên của nạn nhân, lại có nhận định nhanh nhạy đến vậy, ngay khi nó vừa xảy ra, rằng có thể vì “áp lực công việc”? Trong khi ông cũng không giấu được có gì đó không bình thường trong nội tình, khi cho biết là “có kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại Lai Uyên nhưng không có chuyện kiểm điểm ông Vũ”, và “đã kiện toàn nhân sự tham gia Ban chỉ đạo phòng chống dịch của thị trấn Lai Uyên” (tôi nhấn mạnh – in đậm). Chuyện “kiện toàn nhân sự” thực ra là gì, nó có ảnh hưởng tới vị trí lãnh đạo trong tương lai của nạn nhân, để rồi dẫn tới phẫn chí, hay không?

Giao mấy nhiệm vụ quan trọng cho một người nắm, nếu biết ngay là sẽ chịu “áp lực” lớn (mà chuyện tự sát có vẻ là … “dễ hiểu” như vậy), thì công tác cán bộ ở địa phương này liệu có cần được xem lại hay không?

Dấu hỏi cho cơ quan điều tra. Mặc dù có khám nghiệm hiện trường và tử thi, song một khâu cực kỳ quan trọng là mảnh giấy nghi là thư tuyệt mệnh của nạn nhân, thì không thấy có báo nào nói có được giám định chữ viết hay không, thư đó gửi cho gia đình hay cho cấp trên/ đồng nghiệp. Thậm chí, ngay cả chưa cần tới việc giám định chữ viết, thì nội dung “thư tuyệt mệnh” cũng sẽ cho thấy nó có logic không, hay có dấu hiệu ngụy tạo.

Đã vậy, vị giám đốc công an tỉnh còn khẳng định khá dễ dàng, rằng nạn nhân tự sát là do “áp lực công việc”, rồi cả “thiếu bản lĩnh nên đã suy nghĩ nông cạn”. Một cán bộ đảng viên được giao ba trọng trách như vậy mà lại có thể “nông cạn”, “thiếu bản lĩnh” tới độ đó được sao? Dựa vào đâu để kết luận rằng do áp lực công việc, ngoài dấu hiệu rất hình thức, rất giống trăm, ngàn cán bộ lãnh đạo khác – là giữ ba, bốn chức vụ?

Vì vậy, dấu hỏi quan trọng ở đây là mảnh giấy “thư tuyệt mệnh”, và vụ việc sẽ còn phải chờ Viện kiểm sát xem xét.

Nếu Viện thấy có nghi vấn (ví như, vì phẫn uất gì đó – được biết qua lá “thư”, hay do bị tác động bên ngoài, chẳng hạn), thì có thể yêu cầu khởi tố vụ án để điều tra theo đúng trình tự tố tụng.

Cách báo chí đưa tin. Hầu hết các báo đưa tin rất sơ sài, thiếu những tình tiết quan trọng.

Ví như không hỏi gia đình, người thân, đồng nghiệp nạn nhân về diễn biến tâm lý trước khi chết. Làm việc xa gia đình, ít về nhà thì cuộc sống tình cảm riêng tư, chuyện làm ăn thêm, vay mượn (có xe ô tô riêng?) có gì bất bình thường không. Không hỏi chính cơ quan công an về nội dung mảnh giấy được cho là ”thư tuyệt mệnh”, nó đã được giám định chưa.

Có báo còn đưa tin, giật tít như khẳng định ngay từ khi xảy ra vụ việc, rằng mảnh giấy đó là “thư tuyệt mệnh”, trong khi không hề đả động đến nội dung, chưa hề được giám định.

Thậm chí, một báo chuyên về pháp luật, mà khi đưa thông tin kết luận của cơ quan công an, cũng còn rất ỡm ờ, rằng “trong xe ô tô có một tờ giấy nhắn nhủ lại (thư tuyệt mệnh)”, rồi “theo nội dung tờ giấy ông để lại thì có thể là do áp lực công việc quá lớn dẫn đến việc người này tự tử”. Vậy thì cái NỘI DUNG đó cụ thể là gì, không biết, chỉ được phía công an nói chung chung như vậy hay sao?

Rất lạ là có báo đưa tin, ngay sau khi vụ việc xảy ra có nửa ngày mà đã cho biết là “công an xác định không có dấu vết tác động ngoại lực, trong ổ bụng có chất dịch mùi hôi của thuốc trừ sâu”. Sao phóng viên không thắc mắc giám định thần tốc vậy (để rồi mãi hơn nửa tháng sau mới công bố chính thức)?

Hầu như chỉ có một báo cho biết tình tiết quan trọng, để hiểu vụ việc chưa thể kết thúc dễ dàng vậy, đó là “cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ, chứng cứ vụ việc để chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương”.

Đây không phải là lần đầu, cũng không phải là ít, xảy ra cái chết bất thường của cán bộ có cương vị, song dư luận lại không được yên tâm qua thông tin từ báo chí và cách xử lý của cơ quan chức năng.  

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.