
NewsweeK by Helen Raleigh – 3 days ago
(Helen Raleigh, là một doanh nhân, chuyên gia phân tích tài chính, tác gia và diễn giả người Mỹ. Helen là tác giả của cuốn Backlash: How China’s Aggression Has Backfired and Confucius Never Said.)
Ba Sàm lược dịch
Cả châu Âu và Trung Quốc cộng sản vào lúc này đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng. Mặc dù nguyên nhân của sự suy giảm năng lượng của họ là khác nhau, nhưng kinh nghiệm của họ đưa ra một lời cảnh báo thảm khốc cho Hoa Kỳ.
Thủ phạm chính của sự thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu là chính sách khí hậu phi thực tế của Liên minh châu Âu.
Thỏa thuận Paris đặt ra mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Để đạt được mục tiêu này, Anh và EU đã cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon và trở thành trung tính carbon vào năm 2050.
Anh và EU đã trợ cấp cho năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và gió, trong khi đóng cửa hàng trăm nhà máy than. Nước Anh chỉ còn lại hai nhà máy than. Hy Lạp có kế hoạch đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2025 và Phần Lan cho biết họ sẽ cấm hoàn toàn việc sử dụng than vào năm 2030. Đức đang trên đường đóng cửa tất cả 84 nhà máy nhiệt điện than của mình vào năm 2038.
Trong khi mạnh tay đóng cửa các nhà máy than, một số nước châu Âu cũng đã cấm khai thác và một số nước từ chối đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Những chính sách này đã đặt Anh và EU vào tầm ngắm của năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên (chủ yếu nhập khẩu từ Nga).
Các đợt đóng cửa do chính phủ áp đặt vào năm ngoái đã buộc nhiều nhà sản xuất năng lượng phải cắt giảm sản lượng, và kết quả là dự trữ khí đốt tự nhiên của châu Âu đang ở mức thấp. Nhưng một mùa đông lạnh giá năm ngoái và sự phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới. Với nhu cầu cao hơn và nguồn cung hạn chế, cả Vương quốc Anh và EU đều đang gặp phải tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trên diện rộng. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 100% và ở mức cao nhất trong hơn bảy năm.
Kế đó, gió ở Biển Bắc thường gây nên bão đã ngừng thổi, khiến sản xuất điện từ gió bị chậm lại và khiến giá điện tăng vọt. Nhiều nước châu Âu đã phải tìm đến các nhà máy than để giải cứu, do đó, việc sử dụng than ở châu Âu đã tăng 10 đến 15% trong năm nay và giá than tăng.
Tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và sức gió giảm đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Vương quốc Anh. Khí đốt tự nhiên cung cấp hơn một phần ba lượng điện của quốc gia và nhu cầu sưởi ấm cho 85% nhà ở. Anh cũng tin tưởng vào năng lượng gió để giúp nước này đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Sau khi gió ngừng thổi trong những tháng gần đây, Anh đã phải yêu cầu Électricité de France SA khởi động lại một nhà máy điện than ở Nottinghamshire để bù đắp cho sự mất mát của điện từ các trang trại gió của Anh.
Tình trạng thiếu tài xế xe tải đã làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng năng lượng của nước Anh. BBC đưa tin, một số ít trạm xăng đã phải đóng cửa vì thiếu tài xế giao hàng. Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cho biết chính phủ có thể điều động quân đội để điều khiển các xe téc chở nhiên liệu, nếu cuộc khủng hoảng năng lượng của Anh tiếp tục.
Tình trạng thiếu năng lượng lan rộng và giá năng lượng tăng cao đã làm chậm quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu. Đối mặt với hóa đơn năng lượng cao hơn, các doanh nghiệp và người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu của họ. Dự đoán mùa đông tới đây cũng sẽ lạnh như mùa đông năm ngoái. Các chính phủ châu Âu có thể phải yêu cầu một số doanh nghiệp ngừng hoạt động để tiết kiệm năng lượng cho người tiêu dùng – một cách tiếp cận mà Trung Quốc Cộng sản hiện đang áp dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng của chính mình.
Trung Quốc đang thiếu điện trầm trọng vào thời điểm hiện tại. Không giống như châu Âu, Trung Quốc không thiếu các nhà máy nhiệt điện than. Kể từ khi ký kết tham gia Hiệp định Khí hậu Paris, nước này vẫn xây dựng thêm nhiều nhà máy than mới trong nước và quốc tế. Tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình cuối cùng đã thông báo rằng sẽ ngừng xây dựng các nhà máy than mới ở nước ngoài, nhưng không cam kết thực hiện điều tương tự trong nước. Nền kinh tế Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào than đá.
Thủ phạm chính của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay của Trung Quốc là mô hình giá tập trung theo kế hoạch, trong đó chính phủ điều tiết và định giá điện cho người tiêu dùng cuối cùng.
Trung Quốc là nhà sản xuất than lớn nhất thế giới, cũng là nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà máy điện than của Trung Quốc phải trả tiền than của họ theo giá thị trường. Nhu cầu toàn cầu tăng đã khiến giá than tăng hơn gấp đôi trong năm nay. Các nhà sản xuất điện Trung Quốc đã không thể chuyển chi phí cao hơn cho khách hàng của họ vì các biện pháp kiểm soát giá của chính phủ, và các cơ quan quản lý đã chậm phản ứng với điều kiện thị trường thay đổi.
Do đó, một số công ty phát điện Trung Quốc không muốn đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng, vì càng sản xuất nhiều, họ càng mất nhiều tiền. Sự miễn cưỡng như vậy đã hạn chế nguồn cung năng lượng, nhưng nhu cầu năng lượng vẫn ở mức cao khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra.
Kết quả là thiếu điện. Kể từ giữa tháng 8, hơn một nửa trong số 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện việc phân phối định mức điện và thực hiện việc cắt điện theo đợt. Ở một số thành phố, các trung tâm mua sắm đóng cửa sớm. Một số doanh nghiệp dùng nến thay đèn để duy trì hoạt động. Người dân trong các thị trấn phải đi lại trong cảnh tối tăm vì chính quyền địa phương tắt đèn giao thông và đèn đường để tiết kiệm năng lượng.
Tại khu vực Đông Bắc, nơi nhiệt độ đã xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua, chính quyền địa phương đã phải tạm dừng sản xuất tại nhiều nhà máy, bao gồm cả các nhà cung cấp của Apple và Tesla, để tiết kiệm năng lượng giúp sưởi ấm cho nhà ở. Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vào năm 2021, với lý do gián đoạn sản xuất do khủng hoảng năng lượng và cảnh báo rằng nguồn cung hàng hóa toàn cầu từ linh kiện iPhone, dệt may đến đồ chơi có thể bị ảnh hưởng.
Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden và các đồng minh cấp tiến (cánh tả) của ông đã bắt tay vào một chính sách khí hậu tích cực theo sát mô hình châu Âu.
Biden đã hủy bỏ dự án Đường ống Keystone XL, tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris và đình chỉ giấy phép khoan dầu khí mới trên đất liên bang.
Nằm trong kế hoạch chi tiêu 3,5 nghìn tỷ USD của Biden là một Chương trình Thanh toán cho Điện sạch, trong đó yêu cầu 80% điện năng của Mỹ phải từ các nguồn không carbon vào năm 2030.
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Biden cam kết giảm 50% lượng khí thải carbon của Mỹ vào năm 2030. Phân tích cho thấy Biden sẽ không đạt được mục tiêu này nếu không tăng thuế đối với lượng khí thải carbon và “loại bỏ” các tiện ích và thiết bị sử dụng khí đốt tự nhiên.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã chỉ ra rằng một chính sách năng lượng nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trong một sớm một chiều và chỉ dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo là không thực tế và nguy hiểm. Năng lượng tái tạo như gió thường không đáng tin cậy và sự phụ thuộc vào một đối thủ như Nga để cung cấp năng lượng sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc có lẽ sẽ dạy cho Tổng thống Biden rằng một chính sách năng lượng bắt nguồn từ kế hoạch tập trung chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Những con phố tối tăm của các thành phố Trung Quốc và sự im lặng từ các nhà máy Trung Quốc cho ta thấy cuộc sống sẽ như thế nào khi không được cung cấp đủ năng lượng – điều mà người Mỹ đã may mắn chưa trải qua cho đến nay.
Nếu Tổng thống Biden cứ phớt lờ những cảnh báo này, cuộc khủng hoảng năng lượng mà châu Âu và Trung Quốc đang trải qua ngày nay đang chờ đợi người Mỹ trong tương lai gần.
[…] […]
ThíchThích
[…] […]
ThíchThích
[…] […]
ThíchThích
[…] […]
ThíchThích
[…] […]
ThíchThích
[…] […]
ThíchThích
[…] […]
ThíchThích