- Bùi Thư
- BBC News Tiếng Việt
4 giờ trước

“Nếu chúng ta không phản đối phiên tòa này thì hãy hạ tay xuống đi và đừng đấu tranh cho tự do ngôn luận nữa,” Tổng thư ký Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế (IPA) José Borghino nói với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi Phạm Đoan Trang bị tuyên 9 năm tù.
IPA – tổ chức quốc tế có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ, thành lập năm 1896 với hoạt động thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do xuất bản – từng trao Giải thưởng Voltaire (Prix Voltaire) 2020 cho Nhà xuất bản Tự Do mà nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang là một trong những người sáng lập và điều hành.
“Chúng tôi kính phục Đoan Trang”
Ông José Borghino, Tổng thư ký IPA đã bình luận với BBC News Tiếng Việt về việc bà Phạm Đoan Trang, người từng được trao Giải thưởng Voltaire lại bị kết án 9 năm tù về những gì bà viết và xuất bản:
“Hiệp hội các Nhà xuất bản Quốc tế tin vào tự do xuất bản, tin rằng các nhà xuất bản nên được tự do xuất bản các tác phẩm mà họ nghĩ là nên được xuất bản, và bằng cách ấy, đấu tranh cho quyền tự do biểu đạt của các tác giả.”
“Phạm Đoan Trang là hiện thân của những giá trị này và IPA lên án, bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể, việc truy tố bà ấy khi bà ấy thực hành quyền tự do biểu đạt vốn đã được thể hiện trang trọng tại Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 của Liên Hợp Quốc.”
Là một tổ chức “giám sát các sự vi phạm quyền tự do biểu đạt và tự do xuất bản khắp thế giới”, IPA nhấn mạnh rằng họ “biểu dương Phạm Đoan Trang về sự dũng cảm của bà ấy đối với sự khủng bố vốn chỉ có thể nhằm mục đích khiến những người khác khiếp sợ mà câm nín.”
Ông José Borghino cũng nói về sự bảo vệ, hỗ trợ của tổ chức đối với những nhân vật như Phạm Đoan Trang. Theo đó, vấn đề này là khác nhau tùy theo khu vực.
“Tại một số khu vực, việc được tặng các giải thưởng và hiện diện của họ trong các hành động quốc tế rõ ràng có thể giúp các nhà xuất bản và các tác giả dũng cảm an toàn. Nhưng ở những khu vực khác, cùng điều đó lại khiến họ đối mặt với nguy cơ lớn hơn. Các hoạt động ngoại giao giữa các nhà nước có thể đóng một vai trò quan trọng.”
“Phạm Đoan Trang và những người như bà ấy đã từ bỏ cơ hội ra nước ngoài để hoạt động an toàn hơn trong cuộc đấu tranh vì tương lai đất nước. Đó chính là một trong những điều mà Phạm Đoan Trang truyền cảm hứng.” Tổng thư ký IPA nói.

Với bản án 9 năm cho Phạm Đoan Trang, ông José Borghino cũng lên án phiên tòa hôm 14/12: “Từ tất cả những thông tin mà chúng ta tiếp cận được, tôi cho rằng cộng đồng quốc tế có thể tham gia cùng chúng tôi để lên án lập trường của chính phủ Việt Nam.”
“Các tội danh và quy trình tố tụng khiến chúng ta chỉ có thể thấy rằng đây là một phiên tòa trình diễn nhằm răn đe không hơn không kém. Nếu chúng ta không phản đối phiên tòa này thì hãy hạ tay xuống đi và đừng đấu tranh cho tự do ngôn luận nữa.”
Đồng thời, IPA cũng nhắc lại vai trò của Phạm Đoan Trang trong việc mở đường cho việc xuất bản độc lập tại Việt Nam:
“Ngay trước khi bị bắt, Phạm Đoan Trang đã gửi cho chúng tôi một video giải thích về xuất bản độc lập tại Việt Nam. Nỗ lực mà những người làm xuất bản độc lập tại Việt Nam phải thực hiện là vô cùng to lớn. Nguy cơ từ những bản án kiểu này là nó có thể làm nhụt chí mọi người hơn nữa.”
“Chỉ những người dũng cảm nhất trong số chúng ta mới đánh đổi 9 năm trong tù để xuất bản sách. Chúng tôi kính phục Phạm Đoan Trang và hứa sẽ tiếp tục cổ vũ bà ấy.” ông José Borghino nhấn mạnh.
Tiếng nói của các tổ chức quốc tế khác
Bên cạnh IPA, nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế đã lên tiếng sau khi Phạm Đoan Trang bị tòa kết án 9 năm tù, cao hơn mức 7-8 năm mà Viện Kiểm sát đề nghị.
Cụ thể, Mỹ đưa ra tuyên bố lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang “người không làm gì khác hơn là bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa. Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến gần đây của Nhóm Công tác về Giam giữ tùy tiện của Liên Hợp Quốc, cho thấy việc giam giữ Trang là tùy tiện và trái với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế về quyền con người của Việt Nam.”
“Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Trang, người đã được quốc tế công nhận về công lao thúc đẩy nhân quyền và việc cai trị tốt ở Việt Nam, đồng thời cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không sợ bị trả thù. Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ đảm bảo luật pháp và các hành động của mình phù hợp với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”
“Canada vô cùng quan ngại việc tuyên án đối với bà Phạm Thị Đoan Trang. Chúng tôi cũng quan ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một nhân tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.”
“Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc bị trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng đối với các phương tiện truyền thông và nới rộng hơn tự do ngôn luận. Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt.”
Trả lời về việc nhà báo và nhà bảo vệ nhân quyền Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế Ming Yu Hah cho biết:
“Thật phẫn nộ khi các nhà chức trách Việt Nam đang kết tội Phạm Đoan Trang, một nhà báo quả cảm và nhà bảo vệ nhân quyền, người đã nhiều năm đấu tranh cho một Việt Nam công bằng, hòa nhập và tôn trọng các quyền. Công việc của bà ấy nên được tôn vinh và bảo vệ chứ không phải bị trừng phạt và hình sự hóa.”
“Việc đối xử với Phạm Đoan Trang – gồm các hành vi quấy rối, giám sát, đe dọa, tra tấn và truy tố xảo trá – là biểu tượng một cách tàn nhẫn cho sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với các hoạt động nhân quyền ôn hòa trên khắp đất nước.”
Đoan Trang từng nói gì về sự đàn áp?
Ngay sau khi nhận giải Voltaire vào tháng 6/2020, Phạm Đoan Trang đã có cuộc trò chuyện với BBC News Tiếng Việt. Khi chia sẻ về sự trấn áp của chính quyền Việt nam, Đoan trang nhấn mạnh “Trong mắt công an, chúng tôi không được coi là con người nữa rồi.”
“Đối với Nhà xuất bản Tự Do, giải thưởng này là sự tưởng thưởng cho nỗ lực, và lòng can đảm của mọi người từ khi thành lập. Trong suốt thời gian đó, các thành viên chưa có một phút nào bình yên, phải sống triền miên trong tình trạng căng thẳng. Tất cả mọi người đều chịu đựng rất nhiều”, Đoan Trang cho hay.

Theo bà, có nhiều cách đàn áp mà chính quyền thực hiện đối với các thành viên Nhà xuất bản Tự Do.
“Cách dễ nhất là phong tỏa hết mọi tài khoản mà Nhà xuất bản Tự Do mở ra. Họ còn rình chủ tài khoản xuất hiện để bắt. Họ chặn nguồn tiền độc giả gửi”, bà Trang kể.
“Nặng hơn thì họ giăng bẫy bắt người giao hàng. Một khi họ bắt được là đánh, đánh rất dã man. Đánh cho chết luôn. Thường thì đánh tới tấp mặt mũi tại chỗ, rồi sau đó đưa lên ô tô. Lên ô tô đánh tiếp, về tới đồn đánh tiếp”.
“Đó là hành vi bắt cóc. Tức là đầu tiên cướp điện thoại, khống chế rồi đánh cho tối tăm mặt mũi trước khi đưa lên ô tô. Có mấy trường hợp gần đây anh em bị bắt, bị đánh rồi may mắn thoát được, chứ không phải công an thả”, bà kể và giải thích thêm:
“Phải nói rõ ở đây không có gì gọi là luật pháp cả. Chúng ta hay nói về việc có luật pháp, có giấy triệu tập, thực tế là ở đây không có gì cả. Chỉ là phục kích, đánh đập, bắt cóc đưa về đồn đánh tiếp. Tức là cách cư xử của họ như với thú vật ấy. Trong mắt công an, chúng tôi không phải là người, thế nên đừng nói chuyện quyền công dân ở đây, đừng nói chuyện luật pháp, giấy mời, đối thoại ở đây.”
“Đây là đánh, tra tấn, bức cung và để lại thương tích rất nặng. Có trường hợp gần đây có anh bị đánh, ba ngày sau mới ói ra máu. Ngoài ra còn biện pháp nữa là đe dọa người nhà. Tất cả anh chị em ở Nhà xuất bản Tự Do đều đi khỏi nhà, không ai ở nhà hết. Tết, lễ, ngày sinh nhật người thân cũng không về. Họ còn tới nhà đe dọa, yêu cầu người thân cho biết địa điểm chúng tôi ở đâu. Nói chung họ dùng mọi biện pháp tàn bạo để trấn áp” bà Trang tố cáo.

Từ thực tế hoạt động của mình, nhà báo Phạm Đoan Trang rút ra bài học cho bản thân và cho các nhà hoạt động dân chủ nói chung:
“Với các nhà dân chủ, những nhà hoạt động xã hội dân sự, nếu họ lấy cái chung, lấy mục đích đấu tranh vì dân chủ, vì xã hội làm đầu, thì họ mới được người dân ủng hộ. Lúc đó mới hy vọng vào chiến thắng của cuộc đấu tranh. Còn nếu vẫn giữ cái tôi hơn cả, vẫn đặt cái sự an toàn, tiện lợi lên trên, và cứ ngại hy sinh, ngại gian khổ, như vậy không bao giờ có thể đi tới đích cả”.
Về câu chuyện của Nhà xuất bản Tự Do, bà Trang nhắc lại rằng “nhu cầu đọc hiện rất cao nên mình không bao giờ lo thiếu bản thảo, lo thiếu người viết, thiếu người đọc”.
“Tôi chỉ lo là có sống được để làm việc đó hay không, bởi vì với cách đàn áp này thì chắc họ muốn giết hết những người như chúng tôi”, bà nói.
Ngoại giao phương Tây chỉ trích Việt Nam vì bản án Phạm Đoan Trang
BBC
50 phút trước

Các cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và Canada chỉ trích Việt Nam vì bản án nặng với nhà báo Phạm Đoan Trang hôm 14/12.
Cơ quan ngoại giao một số quốc gia thuộc nhóm G7 vừa lên tiếng sau khi tòa tại Việt Nam xử tù nặng với một nhà báo, nhà bất phục chế độ Phạm Thị Đoan Trang.
Tòa tại Hà Nội chiều ngày 14/12 tuyên án 9 năm tù với bà Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tin cho hay một số nhà ngoại giao quốc tế đã được vào quan sát phiên toà, gồm đại diện của các Đại sứ quán Hoa Kỳ, Canada, Đức và Liên minh Châu Âu.
Anh lên tiếng
Vào ngày 15/12, sứ quán Anh Quốc tại Hà Nội đưa lên Facebook bình luận của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á, Amanda Milling với nội dung như sau:
“Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”
Vương quốc Anh, dòng trạng thái này viết tiếp, cùng các thành viên của cộng đồng quốc tế, đã bày tỏ quan ngại trước cách Phạm Đoan Trang bị đối xử kể từ khi cô bị bắt vào tháng 10 năm 2020, và đưa ra quan điểm của mình với Chính phủ Việt Nam.
“Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện đã kết luận việc bắt giam Phạm Đoan Trang được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về quyền con người. Trong suốt hơn 1 năm bị tạm giam, Phạm Đoan Trang chỉ được gặp luật sư đúng một lần và chưa được gặp mặt gia đình. Bản án này đã gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận”.

Tiếng nói của Hoa Kỳ
Trong khi đó Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng vào ngày 15/12 đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 14/12 lên án việc kết án 9 năm tù đối với tác giả Việt Nam Phạm Đoan Trang “người không làm gì khác hơn là bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price ngày 14/12 nói, theo bản dịch của Sứ quán Mỹ.
“Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên án 9 năm tù đối với tác giả, nhà báo Phạm Đoan Trang, người không làm gì hơn ngoài việc bày tỏ ý kiến của mình một cách ôn hòa.”
“Chúng tôi cũng ghi nhận ý kiến gần đây của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về giam giữ tùy tiện, cho thấy việc giam giữ bà Trang là tùy tiện và vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về nhân quyền.”
Tuyên bố của Mỹ nói tiếp: “Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà Trang, người đã được quốc tế công nhận về nỗ lực thúc đẩy nhân quyền và quản trị tốt ở Việt Nam, đồng thời cho phép tất cả cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm của mình mà không lo sợ bị trả thù. Chúng tôi cũng hối thúc chính phủ Việt Nam đảm bảo rằng luật pháp và các hành động của họ thống nhất với các điều khoản về nhân quyền của Hiến pháp Việt Nam cũng như các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam.”

Canada bày tỏ quan điểm
Vào ngày 14/12 trang Facebook của Đại sứ quán Canada bày tỏ “vô cùng quan ngại việc tuyên án này.
“Chúng tôi cũng quan ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một nhân tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.
“Chúng tôi cũng kêu gọi nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc bị trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát diện rộng đối với các phương tiện truyền thông và nới rộng hơn tự do ngôn luận. Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt.”
Trong khi trang Facebook của Văn phòng Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho tới 15/12 chưa ra thông cáo gì về vụ xử này, còn Facebook tòa đại sứ Đức đăng thông điệp về “Quyền con người trong chính sách đối ngoại của Đức”.
“Số hóa và các công nghệ mới đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Trong quá trình này, việc tuân thủ các quyền con người luôn đóng vai trò trung tâm. Chính vì vậy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng chống tội phạm không được phép dẫn tới nạn phân biệt đối xử.
“Nước Đức nỗ lực xây dựng một khung pháp lý quốc tế về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên cơ sở quyền con người, dân chủ và nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ “Liên minh tự do trực tuyến”, chúng tôi nỗ lực thúc đẩy bảo vệ quyền riêng tư, tự do biểu đạt và tự do báo chí trên internet. Các quyền con người là phổ quát – đối với tất cả mọi người và mọi nơi”, thông cáo viết.
Trang Facebook của Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam hôm 14/12 có bài video về Tự do báo chí.
Bản tiếng Việt của bài viết:
“Xã hội dân chủ sẽ không thể tồn tại nếu thiếu tự do báo chí.Các nhà báo có quyền tự do và độc lập khi đưa tin về những vấn đề mà công chúng quan tâm mà không bị cản trở bởi những người có quyền lực.
Tuy nhiên, trên khắp thế giới, nhiều nhà báo đang bị trả thù hoặc đối mặt với tình trạng bạo lực hay tù tội chỉ vì họ đang thực hiện nhiệm vụ của mình.”
Trước đó, hôm 10/12, nhân ngày Nhân quyền quốc tế, Đại sứ Anh, Gareth Ward cùng nữ Đại sứ Canada Deborah Paul công bố video, nói:
“Chúng tôi cảm ơn tất cả các nhà báo trên khắp thế giới, những người đã phản ánh những bất công, cho chúng ta sự thật để chúng ta được tự do suy nghĩ và phản biện về thế giới xung quanh, đồng thời, tưởng nhớ tất cả những nhà báo đã thiệt mạng trong khi thực thi nhiệm vụ”.