3038. Ba mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Putin khai thác nỗi luyến tiếc về chế độ cũ

Churchill, Stalin, Roosevelt tại Hội nghị Yalta 1945

CNN by Andrei Kolesnikov – December 25, 2021

(Andrei Kolesnikov là một thành viên cao cấp tại Carnegie Moscow Center, và là tác giả của một số cuốn sách về lịch sử chính trị và xã hội của Nga, bao gồm cả tiểu sử của nhà cải cách người Nga Yegor Gaidar. Quan điểm thể hiện trong bài bình luận này là của riêng ông. Mời đọc thêm các bài báo trong mục quan điểm trên CNN).

Ba Sàm lược dịch

Matxcơva (CNN) – Khi Liên Xô cuối cùng đã sụp đổ, nó diễn ra theo một cách trần tục, như thể nó đã kết thúc một ngày làm việc bình thường.

Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Mikhail Gorbachev phát biểu trước các công dân Liên Xô và tuyên bố từ chức tổng thống. Chỉ một chút sau 7:30 tối cùng ngày hôm đó, lá cờ Liên Xô, phất phơ trong gió, được hạ xuống từ cột cờ phía trên dinh tổng thống trong Điện Kremlin.

Trong năm phút, cột cờ đứng trơ ​​trọi, như để tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực. Đến 7:45 tối, lá cờ ba màu của Nga được treo lên đó.

Ngày hôm sau, Liên Xô chính thức bị giải thể. Và cùng với đó, đế chế nơi tôi sinh ra và trải qua 26 năm đầu đời đã kết thúc. Nền tảng cho câu chuyện của gia đình tôi – bao gồm những mất mát trong Thế chiến thứ hai và chế độ độc tài đàn áp của Stalin – đã vỡ vụn.

Nhưng tôi phải thừa nhận rằng khi cái cột cờ đó đứng trần trụi như vậy, tôi chẳng cảm thấy gì cả.

Đối với tôi, Liên Xô đã trở thành dĩ vãng sau cuộc đảo chính tháng 8 năm 1991. Gorbachev đã giật dây, tin rằng ông đang điều hành đất nước, nhưng dây đã bị cắt. Các bộ trưởng và các nhà lãnh đạo khu vực đã viết thư báo động cho nhau – nguồn cung cấp lương thực đang dần cạn kiệt và đất nước đang đối mặt với nạn đói. Nga đang thành lập một chính phủ cải cách.

Là một nhà báo mới nổi danh, tôi rất nhiệt tình với sự thay đổi. Tôi làm việc tại một tờ báo, ngày nào cũng háo hức đưa tin về những gì mà những người cải cách đang làm. Trong khi đó, anh trai tôi trở thành cố vấn cho nhà cải cách chính và sau này là Thủ tướng Yegor Gaidar.

Nhưng giữa những khó khăn của quá trình chuyển đổi, nguồn cảm hứng của mọi người bắt đầu phai nhạt trong những năm sau đó và phần lớn dân chúng phát hiện ra rằng chủ nghĩa tư bản không mang lại hạnh phúc ngay lập tức.

Bất chấp thực tế đó, vào mùa xuân năm 1993, mọi người vẫn bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để tiếp tục cải cách, và vào mùa thu năm đó, đảng cải cách Vybor Rossii đã lập nên một trong những phe phái lớn nhất trong quốc hội mới. Đó là lần cuối cùng khi những người theo chủ nghĩa tự do thành công.

Một cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm 1967

Năm 1994, chưa đầy ba năm sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà xã hội học do Yuri Levada dẫn đầu đã ghi nhận một sự thay đổi trong quan điểm. Mọi người bắt đầu nói rằng họ thích công việc làm thuê bình yên hơn là công việc kinh doanh của riêng họ cùng những rủi ro đi kèm với mình.

Khi thời gian trôi qua, một số lượng đáng kể người Nga bắt đầu cảm thấy nhớ nhung – các bài hát của Liên Xô được hát trong các chương trình năm mới trên truyền hình, thực đơn kiểu Xô Viết hậu hiện đại trở nên phổ biến trong các nhà hàng.

Nhưng không ai nghiêm túc nghĩ đến việc quay trở lại quá khứ, cho đến năm 2000, khi Tổng thống mới – Vladimir Putin – đã thay đổi quan điểm của họ theo đúng nghĩa đen. Putin đã khôi phục một phiên bản đã được chỉnh sửa của bài quốc ca Liên Xô, vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Việc Tổng thống cho hồi sinh những bóng ma Xô Viết không dừng lại ở đó. Putin đã có một đánh giá nổi tiếng khi gọi sự tan rã của khối Liên minh đó là “thảm họa chính trị lớn nhất” của thế kỷ 20, trong một bài phát biểu vào năm 2005. Hai năm sau, ông có một bài phát biểu khác tại Munich về sự sỉ nhục của phương Tây đối với Nga.

Và nó như thể một kế hoạch: “Làm cho nước Nga vĩ đại trở lại.”

Khán thính giả trong nước vào thời điểm đó không quá coi trọng vấn đề này – người dân bình thường khi đó không nghĩ về chính trị, họ đang tận hưởng sự phục hồi tăng trưởng kinh tế và nền kinh tế dầu mỏ với lợi thế giá đang ở mức cao của những năm 2000.

Sự nổi tiếng của Putin giảm dần và việc phải hiện đại hóa nước Nga dường như không thể lẩn tránh được. Mặc dù cuộc chiến ngắn với Georgia vào năm 2008 đã khiến xếp hạng chấp thuận của ông tạm thời tăng lên.

Vào năm 2012, Putin đã phải đối mặt với những cuộc phản đối chưa từng có của các tầng lớp thành thị, và bắt đầu một biểu hiện quay ngoắt rất quyết liệt đối với các chính sách cực kỳ bảo thủ của ông. Và một trong những thành phần chính trong hoạt động tuyên truyền của ông là sự tôn vinh cái gọi là lịch sử Xô Viết chiến thắng của nước Nga.

Anh hùng phi hành gia vũ trụ Liên Xô, Yuri Gagarin, 1961

Việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 được coi là một hành động “khôi phục lại đế chế”. Cảm xúc đế quốc đã lắng đọng trong trái tim của hầu hết người dân Nga, và Putin đã lợi dụng nó, làm sống lại niềm tự hào của họ khi được trở thành một phần của một cường quốc.

Khi hiệu ứng Crimea mất đi, Putin đã tận dụng nỗi nhớ Xô Viết để tạo nên một thứ bàn đạp, bằng việc đề cao kỷ nguyên Stalin – đặc biệt là cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – như là một thời đại của chiến thắng và trật tự.

Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 bởi Levada Center độc lập, gần một nửa (49%) người Nga được hỏi thích hệ thống chính trị của Liên Xô. Cuộc khảo sát bao gồm 1.603 người lớn được hỏi trên 50 khu vực của Nga, nó cho thấy đây là một con số kỷ lục trong thế kỷ này về sự ủng hộ đối với  chính thể Xô Viết.

Đáng ngạc nhiên, nghiên cứu của chúng tôi từ Carnegie Moscow Center và Levada Center không có quan điểm ngược nhau đối với thời kỳ Xô Viết qua các thế hệ. Các nhóm lớn tuổi hơn hoài niệm về Liên Xô; còn những người trẻ tuổi thì khuếch trương hình ảnh Liên Xô như một đất nước trong truyện cổ tích, một xứ sở lý tưởng xưa cũ (retro-utopia), nơi mọi người đều bình đẳng, mọi người đều tự do, và một hình ảnh người cha nghiêm khắc nhưng công bình.

Mọi người đang mơ về một xã hội công bằng hơn, và người Nga không có mô hình nào khác ngoài Liên Xô. Liên Xô trong tưởng tượng vẫn giúp ích cho Putin về nhiều mặt – ngay cả khi chế độ của ông đang mất dần sự ưa chuộng của dân chúng so với hệ thống Xô Viết.

Tại giải đấu khúc côn cầu truyền thống vào tháng 12 ở Moscow, đội Nga đã xuống sân trong đồng phục của đội Liên Xô và khán giả thường vẫy cờ Xô Viết. Ba thập kỷ sau khi lá cờ Liên Xô chính thức được hạ xuống, nó vẫn sừng sững trong cuộc sống của người dân Nga.

2 comments

  1. Ăn nhằm gì . Tổng thống Trump mới đổ chừng non 1 năm, đã có (quá) nhiều ngừ “khai thác nỗi luyến tiếc về chế độ cũ”, có sao đâu . Đàng này 30 năm, dài bằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyên Ngọc viết hồi ký chống Mỹ, nhà phê phê bình bình Phạm Xuân Nguyên phán ngay tinh thần chống Mỹ đã trở thành 1 thuộc tính của dân tộc xã hội chủ nghĩa nhà mềnh . Kiu gọi “khép lợi quá khứ” đó là các bác kiu gọi tụi Ngụy . Chớ “quá khứ” của các bác thì tha hồ mà tự hào lun . Rite?

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.