3069. Với Nga: cần tạo lập hòa bình, tránh chiến tranh

CENTER FOR SECURITY POLICY by Peter Pry – January 3, 2022

Tác giả: Tiến sĩ Peter Vincent Pry hiện là Giám đốc Điều hành của Lực lượng Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa, từng là Giám đốc Diễn đàn Chiến lược Hạt nhân Hoa Kỳ, Tham mưu trưởng Ủy ban EMP của Quốc hội, và phục vụ trong Ủy ban Tình thế Chiến lược Quốc hội, trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện và CIA. Ông là tác giả của các cuốn sách Blackout Warfare (2021) và The Power And The Light (2020). 

Ba Sàm lược dịch

“Trục mới” Trung-Nga

Liên minh giữa Nga và Trung Quốc là mối đe dọa quân sự lớn nhất từng gây ra đối với Mỹ và Thế giới Tự do, đặc biệt là vì Washington đã quá chậm chạp trong việc nhận ra mối nguy ngày càng tăng từ “Trục mới” Trung-Nga mà giờ đây có nguy cơ leo thang. Chiến tranh lạnh thành Thế chiến III.

Trong nhiều thập kỷ, Nga và Trung Quốc đã:

–Hợp tác nhằm hiện đại hóa các lực lượng quân sự đã từng lỗi thời của Trung Quốc, và vũ khí công nghệ tiên tiến của Nga (kết hợp với công nghệ đánh cắp được từ Mỹ) làm cơ sở cho một “bước tiến nhảy vọt” thần kỳ biến Trung Quốc thành một siêu cường quân sự;

–Tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung lớn, bao gồm các cuộc tập trận lực lượng hạt nhân chiến lược, nhằm chống lại Hoa Kỳ;

–Tổ chức các hội nghị quân sự, chính trị cấp cao để phối hợp quân sự  và hoạch định chiến lược;

–Hỗ trợ Triều Tiên và Iran phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân của họ, Bình Nhưỡng và Tehran là một phần của “Trục mới” do Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Cho đến gần đây, Washington vẫn chưa coi trọng “Trục mới” Trung-Nga, vì tin rằng những khác biệt về ý thức hệ và địa chiến lược giữa Nga và Trung Quốc sẽ ngăn họ hình thành một liên minh “thực sự” như NATO. Tuy nhiên, NATO trong nhiều thập kỷ đã thiếu đầu tư cho quốc phòng của mình, và cũng có nhiều khác biệt sâu sắc trong khối về chính trị, văn hóa và chiến lược.

Khủng hoảng Ukraine và Đài Loan

Giờ đây Nga, lần thứ hai trong năm, đã huy động các lực lượng quân sự có thể thôn tính Ukraine và tràn qua các quốc gia tuyến đầu của NATO, ngay khi Trung Quốc đang đe dọa sáp nhập Đài Loan và chiếm Biển Đông.

Bỗng dưng, khả năng có sự phối hợp gây hấn của Nga và Trung Quốc ở châu Âu và châu Á, một cuộc chiến tranh hai tầng có thể trở thành một cuộc chiến tranh thế giới hạt nhân, trông rất hiện hữu.

Đó sẽ là một cuộc chiến mà Hoa Kỳ và các đồng minh của họ không thể chiến thắng.

Những chương trình giả lập chiến tranh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và tổ chức RAND liên tục cho thấy Nga có thể tràn qua Ukraine và các quốc gia tuyến đầu của NATO ở Đông Âu trong vòng 72 giờ. Ít nhất 18 trận chiến giả định của Bộ Quốc phòng cho thấy Hoa Kỳ thua Trung Quốc trong cuộc chiến tranh ở Đài Loan.

Những kết quả này không đáng ngạc nhiên, và không thể tránh khỏi.

Ukraine và Đài Loan nằm trong “sân sau” của Nga và Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ buộc phải phát triển sức mạnh trên khắp Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, tạo nên một kiểu như “Cuộc tấn công của Lữ đoàn Kỵ binh nhẹ” (quân Anh đại bại trước Nga trong Chiến tranh Krym – Wikipedia) với lực lượng hoàn toàn không đủ tiềm lực và sức mạnh so với thế lực quân sự vượt trội của Nga và Trung Quốc.

Các chiến lược gia ngồi trong tháp ngà, những người thường thống trị Washington, không ít người ở Lầu Năm Góc và trong Chính phủ, kiểu người mà gần đây nhất đã ban tặng cho chúng ta vụ Afghanistan, họ lập luận rằng Hoa Kỳ chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong Thế chiến III. Họ cho rằng, sau khi các Đồng minh thua cuộc bước đầu ở châu Âu và châu Á, “kho vũ khí dân chủ” của Mỹ sẽ huy động nền kinh tế vượt trội của mình để tiến hành một cuộc chiến kéo dài chống lại Nga và Trung Quốc, cuối cùng khiến hai nước này thất bại và đạt được chiến thắng, như khi Đồng minh đánh bại phe Trục trên thế giới Thế chiến II.

Thất bại trong Thế chiến III về hạt nhân

Cách nghĩ như vậy là đã quên rằng chúng ta hiện đang sống trong thời đại tên lửa hạt nhân, và bỏ qua rằng Moscow và Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên, có lẽ là ngay từ đầu, để đạt được chiến thắng nhanh chóng và quyết định. Họ sẽ tiêu diệt “kho vũ khí dân chủ” của Hoa Kỳ nếu cần thiết.

Trong suốt cuộc Thế chiến II, Nga đã hy sinh 20 triệu người để chinh phục Ukraine và “vùng đất đẫm máu” Đông Âu, nơi hiện đang muốn gia nhập NATO. Trung Quốc trong thời kỳ cách mạng văn hóa đã hy sinh hàng triệu người (ước tính từ 2-20 triệu) cho các mục đích ý thức hệ, nhưng nó không quan trọng đối với Bắc Kinh bằng chủ quyền đối với Đài Loan và Biển Đông.

Liệu có bao nhiêu triệu người Mỹ sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền của các quốc gia mà hầu hết người Mỹ không thể tìm thấy trên bản đồ?

Nga và Trung Quốc ngờ rằng Mỹ và các đồng minh không sẵn sàng hy sinh bản thân trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Trên thực tế, Mỹ thậm chí còn khiếp sợ vũ khí hạt nhân của chính mình, thứ mà nước này đã không hiện đại hóa trong 30 năm qua và coi việc sử dụng chúng là “không thể tưởng tượng được”.

Mộng du dẫn đến thảm họa

Tuy nhiên, trọng tâm hiện tại của Washington là làm thế nào để Nga xâm lược Ukraine và Trung Quốc gây hấn với Đài Loan, càng tốn kém càng tốt.

Các chính sách hiện tại của chúng ta sẽ chỉ củng cố cho Trục Trung-Nga và không thể tránh khỏi một Thế chiến III mà Hoa Kỳ sẽ thua.

Ba thập kỷ trước, khi kết thúc Chiến tranh Lạnh vừa qua, những người đứng đầu khôn ngoan hơn ở Washington đã hiểu rằng chính sách của Mỹ nên nhằm bình thường hóa quan hệ với Nga, biến Moscow từ kẻ thù thành đối tác chiến lược, chào đón Nga gia nhập cộng đồng các quốc gia phương Tây. Chính sách của Hoa Kỳ là tránh sự trỗi dậy của một nước Nga theo chủ nghĩa xét lại và Chiến tranh Lạnh Mới với siêu cường hạt nhân lớn nhất thế giới.

Thật không may, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã không tiếp cận được với Nga trong những năm quan trọng khi Moscow được lãnh đạo bởi Tổng thống Boris Yeltsin và những người cải cách dân chủ của ông, thất bại lịch sử này tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của nhà độc tài Vladimir Putin.

Thật không may, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã phớt lờ những người trong số chúng tôi, những người từng cảnh báo rằng việc mở rộng NATO về phía Nga, bao gồm các nước thuộc Hiệp ước Warsaw và Liên Xô trước đây, chắc chắn sẽ dẫn đến cuộc đối đầu với Moscow và Chiến tranh Lạnh Mới.

Từ năm 1999 đến năm 2004, NATO mở rộng về phía đông, bao gồm Bulgaria, Czechia, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia. Quan hệ Đối tác vì Hòa bình của NATO, một bước tạm thời hướng tới tư cách thành viên NATO tiềm năng, bao gồm hầu hết các nước Liên Xô cũ: Azerbaijan, Belarus, Georgia, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrghyz, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Ukraine.

Liệu Moscow có vô lý và hoang tưởng khi lo sợ NATO mở rộng và cuối cùng bị bao vây mình hay không? Nếu Hoa Kỳ thua Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, nếu Hiệp ước Warsaw mở rộng bao gồm NATO châu Âu, Canada, Mexico, Oregon, California và Texas, thì liệu Washington có ngó nhìn những diễn biến này một cách bình thản hay không?

Ukraine: sự biện minh cho hành động chiến tranh hạt nhân

Moscow đã cảnh báo tất cả mọi người, các quan chức cấp cao và cấp thấp, rằng việc NATO mở rộng bao gồm cả Ukraine sẽ là một nguy cơ hạt nhân. Thật vậy, vào năm 1998, khi tôi chỉ là nhân viên của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện (HASC) với danh mục đầu tư mở rộng NATO, Đại sứ quán Nga đã cảnh báo ngay cả với tôi rằng Ukraine gia nhập NATO sẽ vượt qua lằn ranh đỏ hạt nhân” của Nga.

Từng tràn đầy hy vọng, ngay cả khi NATO bắt đầu mở rộng sang lãnh thổ trước đây do Liên Xô kiểm soát, Vladimir Putin đã tỏ ra cởi mở trong việc hòa giải và liên kết với phương Tây, phản ứng tích cực với các đề xuất về “Đối tác chiến lược Mỹ-Nga” được đưa ra một cách độc lập bởi Hạ nghị sĩ Curt Weldon, lúc đó là Phó Chủ tịch HASC.

Thật không may, Tổng thống George W. Bush và chính quyền của ông đã tỏ ra không quan tâm đến chương trình của Weldon nhằm tránh Chiến tranh Lạnh Mới và Trục Trung-Nga hiện tại.

“Hiệp ước Hòa bình” do Nga đề xướng

Giờ đây, trước bờ vực có thể xảy ra một cuộc xâm lược Ukraine và NATO, Moscow đã đưa ra một “hiệp ước hòa bình” để tránh những gì có thể trở thành Thế chiến III. Các yêu cầu của Nga bao gồm:

–Không mở rộng thêm NATO bằng cách kết nạp Ukraine hoặc bất kỳ lãnh thổ nào khác trước đây của Liên Xô;

–Không đặt tên lửa, với thời gian bay ngắn đến Matxcova, vào lãnh thổ NATO ở Đông Âu;

–Tạm dừng các cuộc tập trận quân sự lớn đe dọa Nga và NATO tại các khu vực biên giới của họ.

Phản ứng ban đầu của Washington và NATO, bằng cách bác bỏ “hiệp ước hòa bình” mà Moscow đưa ra, như một tối hậu thư cho các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sẽ phải đầu hàng trước phạm vi ảnh hưởng, sự thống trị của Nga và cuối cùng là tái chinh phục thành một Đế chế Nga Mới.

“Hiệp ước hòa bình” của Moscow cũng bị chỉ trích là một cái cớ đơn thuần để biện minh cho cuộc xâm lược và sáp nhập Ukraine của Nga.

Những lời chỉ trích về “hiệp ước hòa bình” cũng có thể đúng. Nhưng Mỹ và NATO không thể từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để tránh một cuộc chiến với Nga (và có thể là Trung Quốc) mà phương Tây sẽ thua.

Đàm phán về “hiệp ước hòa bình” có thể trở thành bước đầu tiên trong một chiến lược lớn mới, nhằm chia rẽ Trục Trung-Nga và đạt được sự trung lập của Nga, nếu không phải là quan hệ đối tác chiến lược cuối cùng với phương Tây.

Trong khi chính quyền Biden kém năng lực gặp nhiều rủi ro trong các cuộc đàm phán với Nga – thì sẽ gặp rủi ro hơn nhiều nếu nó phải tiến hành chiến tranh chống lại Trục Trung-Nga. Kết quả của một cuộc xung đột như vậy sẽ là Hoa Kỳ thất bại, có thể là do bị tấn công hạt nhân bất ngờ, dẫn đến một Trật tự Thế giới Mới do Bắc Kinh và Matxcơva thống trị.

Chủ nghĩa duy tâm đấu với Chủ nghĩa hiện thực mới

Chính quyền Washington và NATO, những người theo chủ nghĩa duy tâm cũng như chủ nghĩa hiện thực, đều cho rằng đàm phán một “hiệp ước hòa bình” với Nga trong khi bị đe dọa chiến tranh sẽ là phản bội “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế mà Hoa Kỳ đã nỗ lực xây dựng kể từ năm 1945.

Nhưng một chủ nghĩa hiện thực sâu sắc hơn sẽ nhận ra rằng nó không còn là năm 1945 hoặc thậm chí là năm 1980. Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã không duy trì được các khả năng hạt nhân, quân sự, công nghệ và kinh tế cần thiết để bảo đảm và duy trì “Pax Americana” (Hòa bình của Mỹ) do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Moscow và Bắc Kinh đã sẵn sàng xé bỏ luật pháp quốc tế và xây dựng trên đống đổ nát một Trật tự Thế giới Mới theo hình ảnh của riêng họ, nơi mà “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh hơn”.

Chiến tranh thế giới có thể là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hy vọng tốt nhất để tránh thảm họa là đàm phán với Nga để đáp ứng các lợi ích an ninh cơ bản nhất của Moscow nhằm tránh chiến tranh, đó là:

–Khuyến khích không mở rộng thêm NATO để bao gồm Ukraine hoặc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ khác là hợp lý;

– Cấm tên lửa trên các lãnh thổ Đông Âu của NATO có thể tấn công bất ngờ vào Matxcova trong 5 phút, lệnh cấm tên lửa được Nga đáp lại, là bản chất của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), có thể hồi sinh;

– Cấm các cuộc tập trận quân sự lớn ở biên giới của Nga và NATO sẽ có lợi cho NATO hơn nhiều so với Nga, vì khả năng NATO xâm lược Nga là một sự tưởng tượng hoang đường của Moscow.

Nga là mối đe dọa trực tiếp nhất và lớn nhất đối với Mỹ và NATO, bởi vì nền kinh tế nhỏ của Nga không thể duy trì mãi mãi cỗ máy chiến tranh tốn kém của mình. Vladimir Putin có một cơ hội hẹp, có lẽ chưa đầy một thập kỷ, để “sử dụng hoặc đánh mất” ưu thế quân sự của mình. Như Winston Churchill đã có câu nói nổi tiếng: “Thương lượng luôn luôn tốt hơn là gây chiến tranh”, đặc biệt khi giải pháp thay thế cho Hoa Kỳ và NATO là thất bại quân sự.

Hoan nghênh Metternich (*)

Đàm phán “hiệp ước hòa bình” do Moscow đề xuất có thể trở thành bước đầu tiên dẫn đến việc chia rẽ Trục Trung-Nga, vốn phải là trọng tâm chính trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nếu Nga có thể chuyển sang trung lập, hoặc tốt hơn là quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, thì Trung Quốc sẽ không còn là đối tác siêu cường hạt nhân hiếu chiến của mình. Trung Quốc sẽ bị cô lập, ít có khả năng gây hấn về mặt quân sự và có nhiều khả năng cạnh tranh hơn trong trò chơi “cân bằng quyền lực” về chính trị.

Thách thức lớn nhất của Washington và phương Tây là thay đổi cách chúng ta nghĩ về chính sách đối ngoại để tồn tại. Chủ nghĩa lý tưởng Camelot của “Pax Americana”, luật pháp quốc tế và “trật tự thế giới dựa trên quy tắc” phải tuân theo chủ nghĩa hiện thực truyền thống về chính trị “cân bằng quyền lực”, “phạm vi ảnh hưởng” và “hòa bình thông qua sức mạnh”. (Xem bài “To Counter Russia and China, Make ‘Spheres of Influence’ Great Again” – “Để chống lại Nga và Trung Quốc, làm cho‘ Sức ảnh hưởng ’trở lại vĩ đại” của David Pyne, trên tạp chí National Interest, ngày 11 tháng 10 năm 2021).

Washington ít nhất phải tạm thời đình chỉ định hướng đúng đắn của mình về “luật pháp quốc tế” và “các chuẩn mực quốc tế”, để nói ngôn ngữ duy nhất mà Nga và Trung Quốc hiểu – “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh hơn”. Hoa Kỳ cần thời gian để xây dựng lại sức mạnh hạt nhân, quân sự, công nghệ và kinh tế, đồng thời tìm ra lãnh đạo chính trị-quân sự có năng lực, để nếu cần, chúng ta có thể giành chiến thắng trong Thế chiến III.

Tạm biệt Liên hợp quốc, hoan nghênh Metternich.

(*) Klemens von Metternich (Wikipedia): Hoàng thân Klemens Wenzel von Metternich … là một chính trị gia xứ Rhineland và là một trong những nhà ngoại giao quan trọng nhất thế kỷ 19, đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của Đế quốc Áo từ 1809 cho tới khi cuộc Cách mạng châu Âu 1848 buộc ông từ chức …  Tài tháo vát ngoại giao của Metternich đã giúp Áo, vốn không phải là một cường quốc quân sự hàng đầu, đóng vai trò trung tâm trong trật tự chính trị châu Âu những năm 1815-1848 thường biết đến dưới tên “Hệ thống Metternich” mà đặc điểm chính là luận điểm cân bằng quyền lực giữa các liệt cường.

Liên quan:

One comment

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.