
Để chống lại Bắc Kinh, chính quyền Biden cần quyết định họ muốn gì
FOREIGN AFFAIRS by Richard Fontaine – January 14, 2022
(RICHARD FONTAINE là Giám đốc điều hành của Trung tâm An ninh Mới của Mỹ. Ông từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong Hội đồng An ninh Quốc gia và là Cố vấn Chính sách Đối ngoại cho cố Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain.)
Ba Sàm lược dịch
Chính quyền Biden đã nhiều lần xác định Trung Quốc là thách thức hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gọi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc. Ngoại trưởng Antony Blinken đã mô tả Trung Quốc là “thử nghiệm địa chính trị lớn nhất” trong thế kỷ XXI. Và bản thân Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố rằng ông hình dung ra “sự cạnh tranh gay gắt” giữa Washington và Bắc Kinh.
Khi chính quyền của ông chuẩn bị ban hành một loạt các tài liệu chiến lược – bao gồm an ninh quốc gia, quốc phòng và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – thì nhiều người dự đoán rằng Trung Quốc sẽ được chỉ rõ là đối tượng để chú ý đặc biệt.
Việc coi cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc như một sự định hình rõ ràng trạng thái đặc biệt của thế giới ngày nay đã trở nên phổ biến. Và các nhà phân tích, cũng như hoạch định chính sách, trên toàn phổ chính trị (cả cánh tả lẫn cánh hữu) đều ủng hộ việc Hoa Kỳ chuyển hướng khỏi chính sách can dự ràng buộc lẫn nhau để hướng tới tranh giành địa vị thống trị.
Việc phế bỏ chiến lược hợp tác và hội nhập với Trung Quốc trước đây của Washington, từng được coi như tiền đề nhằm giúp thực hiện chuyển đổi hành vi của Trung Quốc, là một điểm thống nhất hiếm hoi giữa chính quyền Trump và Biden.
Đó là một sự thay đổi đáng hoan nghênh, với vô số các kết quả tích cực.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có một mối quan hệ cạnh tranh là chủ yếu, và chính sách của Hoa Kỳ nhằm đáp trả các hành động của Trung Quốc hơn là nhắm đẽo gọt để định hướng đối với chúng. Một chiến lược dựa trên thực tế như vậy – bằng cách kết hợp giữa liên minh với các nước do Hoa Kỳ dẫn đầu với các nỗ lực cụ thể, có đích nhắm để chống lại những hành động quyết đoán của Trung Quốc – hiện đang nổi lên để bảo vệ các lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, có một thiếu sót rõ ràng trong chính sách mới đó: một mục đích cuối cùng là gì.
Cạnh tranh chỉ là một cách mô tả về quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, không phải là một dấu chấm hết.
Rõ ràng là có sự thiếu vắng trong hàng loạt các tuyên bố gần đây một điều, đó là cuộc chơi cuối cùng mà Washington tìm kiếm với Trung Quốc là gì.
Nếu không có mục đích chung cuộc được xác định rõ ràng, thì bất kỳ chiến lược tổng thể nào cũng có khả năng lãng phí nguồn lực, làm hỏng những nỗ lực bắt kịp bước tiến triển và thiếu sự hỗ trợ cần thiết trong nước trên diện rộng để duy trì nó.
Các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ muốn — và họ xứng đáng — được biết mục tiêu của các liên minh mà Washington ngày càng tìm cách tranh thủ họ. Việc không có mục tiêu rõ ràng, cho một ưu tiên hàng đầu mà nó tự công bố, là trách nhiệm của chính quyền Biden — và là một vấn đề mà chính quyền Biden cần khẩn trương giải quyết.
HÃY DÁN MẮT VÀO MỤC TIÊU CUỐI CÙNG
Các chiến lược tốt cần nêu rõ trạng thái cuối cùng mà nó mong muốn đạt tới và vạch ra cách đạt được trạng thái đó.
Chẳng hạn, như trong bài viết nổi tiếng trên Foreign Affairs vào năm 1947 của mình, nhà ngoại giao và sử gia George Kennan đã lập luận cho chiến lược “hoặc là sự tan rã hoặc dần dần làm dịu đi quyền lực của Liên Xô,” được theo đuổi thông qua một chính sách ngăn chặn và một nỗ lực gia tăng các căng thẳng đối với chính những hành động hung hăng của Liên Xô.
Việc thiết lập một mục đích như vậy, mà Hoa Kỳ đã thực hiện trong thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh, rõ ràng đã loại trừ các mục tiêu có thể có khác, chẳng hạn như một mặt là quan hệ đối tác và sự thân mật về chính trị giữa Washington và Moscow, hoặc mặt khác là sự quay trở lại mạnh mẽ của chủ nghĩa cộng sản.
Khi xác định sự sụp đổ hoặc phải tiết chế của chế độ Moscow là mục đích của mình, các quan chức Hoa Kỳ đã theo đuổi việc ngăn chặn là chiến lược có nhiều khả năng mang lại những kết quả tích cực nhất.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ đã thiết lập một bộ mục tiêu đối với Trung Quốc và đưa ra lý thuyết về cách đạt được chúng.
Năm 1997, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton nói rằng mục tiêu của Washington đối với Bắc Kinh “không phải là ngăn chặn và xung đột; đó là sự hợp tác,” với lưu ý rằng “một chính sách cam kết thực dụng” có nhiều khả năng mang lại điều đó.
Bằng cách lôi kéo Bắc Kinh, chủ yếu chứ không chỉ thông qua thương mại, chính quyền Clinton nhằm mục đích xây dựng một Trung Quốc “ổn định, cởi mở và không hiếu chiến”. Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ khi đó đã mặc định rằng sự cởi mở như vậy thậm chí có thể thúc đẩy tự do hóa và đa nguyên chính trị trong chính Trung Quốc.
- 2870. Chúng ta đang đối mặt với một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc – và cần phải hành động
Chính quyền George W. Bush chủ yếu giữ mục tiêu hợp tác và tự do hóa Trung Quốc, thêm vào đó là mong muốn nước này sẽ trở thành một “bên liên quan có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế.
Washington sẽ tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tích cực với Bắc Kinh trong nhiều thách thức toàn cầu, từ khủng bố đến đảm bảo năng lượng, với hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ trở nên tích cực để giải quyết chúng. Có lẽ cảm thấy ít chắc chắn hơn so với người tiền nhiệm trong triển vọng hợp tác với Bắc Kinh, chính quyền Bush đã đánh cược bằng cách tăng cường khả năng quân sự của Hoa Kỳ và củng cố các liên minh và quan hệ đối tác trên khắp châu Á.
Chính quyền Obama đã chia sẻ nhiều mục tiêu của chính quyền Bush, nhưng nó càng bị đe dọa nhiều hơn khi những nghi ngờ về phương hướng và mục tiêu của Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Hillary Clinton lại bác bỏ quan điểm về một Bắc Kinh đối địch, bà nói rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có “một mối quan hệ hợp tác, tích cực là điều cần thiết”. Chính quyền đã công bố một cuộc “xoay trục” hoặc gọi là “tái cân bằng” sang châu Á, nhằm mục đích tạo dựng một mối quan hệ bằng cách đưa nó vào một “khuôn khổ khu vực gồm các liên minh an ninh, các mạng lưới kinh tế và kết nối xã hội” sẽ củng cố vị thế của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump đã mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ – Trung.
Chính quyền của ông không tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Bắc Kinh, cũng như không theo đuổi sự can dự ràng buộc lẫn nhau giữa hai nước như là một thứ phương tiện trọng yếu để đảm bảo lợi ích của Hoa Kỳ.
Bác bỏ quan điểm cho rằng hội nhập vào trật tự toàn cầu sẽ thúc đẩy tự do hóa của Trung Quốc hoặc hành vi quốc tế có trách nhiệm của nó, chính quyền Trump đã gán cho Bắc Kinh là một “cường quốc xét lại” mà Hoa Kỳ sẽ có mối quan hệ cạnh tranh về cơ bản.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Trump, được giải mật trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông, coi hoạt động ác ý của Trung Quốc là hành động cần phải chống lại, thường là khi phối hợp với các đối tác.
Trong khi Trump dự đoán vào năm 2020 rằng thỏa thuận thương mại song phương của ông sẽ “đưa cả Mỹ và Trung Quốc đến gần nhau hơn theo nhiều cách khác nhau”, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố cùng năm rằng Hoa Kỳ “phải khiến Trung Quốc thay đổi” và gợi ý rằng những nỗ lực nhằm thay thế chế độ ở Bắc Kinh có thể đang được đưa ra để thảo luận.
TỪ DƯỚI LÊN
Số phận của mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc có ý nghĩa toàn cầu sâu sắc, và do đó, mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ nên xuất phát từ loại trật tự mà Washington mong muốn đạt được — và loại mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra cho trật tự đó.
Hoa Kỳ nói chung tìm cách duy trì một trật tự toàn cầu được điều chỉnh bởi các quy tắc hơn là bởi quyền lực vũ phu, trong đó các quốc gia được hưởng chủ quyền, các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, thị trường mở cửa cho thương mại, nhân quyền được coi là phổ biến và dân chủ có thể phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù thành tích của chính Hoa Kỳ trong việc tuân thủ các nguyên tắc như vậy là khó hoàn hảo, nhưng nước này vẫn ủng hộ chúng như những lý tưởng có thể chi phối hành vi quốc tế.
Kể từ những năm 1940, Washington đã phản đối các lực lượng gây ảnh hưởng thù địch đang nổi lên ở Âu-Á, chính vì chúng đe dọa trật tự dựa trên quy tắc mong muốn của Hoa Kỳ. Mục tiêu bao trùm của chính sách Hoa Kỳ ngày nay phải là duy trì các trụ cột cốt lõi của trật tự quốc tế, ngay cả khi các quy tắc và thể chế cụ thể phải thay đổi và thích ứng.
Từ mục tiêu bao trùm đó sẽ hướng đến mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Với sức mạnh quân sự và công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc, hành vi quyết đoán, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế với Hoa Kỳ và các đồng minh, và sự không tương thích của nhiều hành động của Trung Quốc với trật tự hiện có, đã đến lúc Washington phải nêu rõ một mục tiêu vừa thực tế, vừa bảo vệ người dân của mình. Mục đích trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là đảm bảo rằng Bắc Kinh không muốn hoặc không thể đảo lộn trật tự khu vực và toàn cầu.
Trung Quốc có thể phải ngừng cố gắng lật ngược các nguyên lý cơ bản của trật tự tự do, nếu các nhà lãnh đạo của nước này nhìn thấy sức mạnh của các quốc gia cam kết với mình và khí phách trong những hành động mà các quốc gia đó chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia rẽ họ.
Một ngày nào đó Bắc Kinh thậm chí có thể nhìn thấy tương lai của chính mình trong việc duy trì trật tự tự do. Và ngay cả khi không thấy, thì nó cũng có thể phát triển mà không có khả năng phá hoại trật tự vì bất kỳ lý do nào: do những điểm yếu của chính Bắc Kinh, do tầm nhìn độc đoán của họ ở các quốc gia khác, hoặc do sự vững vàng của các cường quốc cam kết giữ nguyên hiện trạng tự do.
Một Trung Quốc không muốn hoặc không thể làm suy yếu trật tự khu vực và toàn cầu là một mục tiêu khá trừu tượng đối với chính sách của Hoa Kỳ, nhưng nó sẽ loại trừ một số mục tiêu tiềm năng khác.
Washington sẽ không đặt mục tiêu biến Trung Quốc thành một cường quốc tự do hoặc một bên liên quan có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế.
Washington sẽ không làm những gì để hướng tới chính sách ngăn chặn theo kiểu Chiến tranh Lạnh hoặc thay đổi chế độ ở Bắc Kinh.
Và nó sẽ không nhằm tới mục đích ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, mà là phản đối những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phá vỡ các thỏa thuận quốc tế hiện có theo cách gây thiệt hại cho Hoa Kỳ và các đối tác của họ.
Tiến độ của mục tiêu này gần như chắc chắn sẽ là một vấn đề ở mức độ của nó, nhưng nó có thể được đo lường. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu rất hay thay đổi. Bắc Kinh không tìm cách đơn giản là bãi bỏ và thay thế những gì đang tồn tại, mà là bác bỏ một số nguyên tắc, chấp nhận những nguyên tắc khác và viết lại phần còn lại.
Sự xảo trá như vậy sẽ giúp xác định các ưu tiên của Hoa Kỳ, bởi vì Washington nên tập trung vào việc duy trì các nguyên lý cơ bản của trật tự tự do, mà chúng đồng thời có tầm quan trọng lớn nhất đối với lợi ích của Hoa Kỳ và chịu nhiều mối đe dọa nhất từ hành vi của Trung Quốc.
Một chương trình nghị sự với chính sách trung hạn mới đương nhiên sẽ xuất phát từ một mục tiêu như sau:
Hoa Kỳ sẽ phải tìm cách cải thiện vị trí quân sự của mình ở Ấn Độ Dương so với Trung Quốc; phản đối việc Trung Quốc sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế, bao gồm thông qua chính sách thương mại khu vực đầy tham vọng nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của các nước vào thị trường Trung Quốc; xây dựng quan hệ đối tác công nghệ mới để đảm bảo luồng thông tin tự do; và tập trung các liên minh hiện có vào việc bảo vệ các nền dân chủ khỏi sự can thiệp từ bên ngoài.
Nói cách khác, Washington sẽ tiếp tục những nỗ lực hiện thuộc phạm vi cạnh tranh rộng rãi, nhưng nó sẽ hướng chúng tới việc chống lại những hành vi xâm phạm của Trung Quốc nhằm đảo ngược các nguyên lý căn bản nhất của trật tự tự do.
Tất cả những điều này sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách chính quyền Biden giao tiếp với — và suy nghĩ về — chính sách Trung Quốc của mình.
Hoa Kỳ sẽ không thực sự cạnh tranh chống lại Trung Quốc mà muốn làm việc hướng tới việc bảo tồn và mở rộng các giá trị quốc tế cốt lõi phục vụ tốt cho nhiều quốc gia khác.
Các đối tác của Mỹ sẽ không bị yêu cầu phải cắt đứt quan hệ với Trung Quốc để gia nhập một khối thống nhất, nhưng họ sẽ được khuyến khích tham gia các liên minh nhằm chống lại Bắc Kinh trong các vấn đề cụ thể, chẳng hạn như cưỡng bức kinh tế, xâm lược quân sự, phổ biến công nghệ phi tự do, và vi phạm nhân quyền.
Thông điệp kèm theo, bất chấp những tuyên bố ngược lại của Bắc Kinh, sẽ là Washington không tìm cách kìm hãm sự trỗi dậy của Trung Quốc mà nhằm thiết lập trạng thái cân bằng Mỹ-Trung trong dài hạn.
NGÀY PHÁN XỬ
Hoa Kỳ và thế giới có thể sống chung với một Trung Quốc hùng mạnh, kẻ không cố gắng lật ngược các nguyên tắc chủ chốt của trật tự tự do. Tuy nhiên, hiện tại, khả năng đó có vẻ xa vời.
Cán cân quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang dịch chuyển khỏi Hoa Kỳ và các đồng minh và hướng về phía Bắc Kinh. Trung Quốc đang ngày càng trở nên thống trị về kinh tế ở châu Á, trong khi Washington vắng bóng bất kỳ vị trí lãnh đạo thực sự nào về thương mại.
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc ngày càng mang tính ép buộc và tập trung nhiều hơn vào công việc nội bộ của các nước khác, phá hoại chủ quyền và độc lập của họ.
Mặc dù hợp tác với Bắc Kinh là điều đáng mong đợi và về mặt lý thuyết là có thể thực hiện được, nhưng “nguồn cung” này rất thiếu, ngay cả trong các lĩnh vực mà lợi ích của Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như chồng chéo với nhau, chẳng hạn như biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Bức tranh tổng thể khá hấp dẫn đối với Bắc Kinh là: vai trò của Hoa Kỳ ngày càng bị xói mòn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và xa hơn nữa, cùng với sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.
Đảo ngược xu hướng đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nó sẽ mất nhiều năm và kèm theo rủi ro.
Ngoại giao có thể giúp giảm thiểu những rủi ro này, nhưng chỉ ở một mức độ hạn chế; Hoa Kỳ sẽ cần phải chấp nhận gia tăng căng thẳng trong trung hạn để đạt được trạng thái cân bằng ổn định hơn với Trung Quốc trong dài hạn.
Có vẻ như hàng tháng, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đều có gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc với âm lượng lớn hơn.
Trong khắp các đường lối của (các) đảng và ba nhánh của chính quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp), nhiều nhà hoạch định chính sách hiện tán thành một phản ứng quyết liệt với thách thức từ Trung Quốc. Các khẩu hiệu mang nhiều phương sách hơn, nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
Tất cả những điều đó đều thích đáng. Nhưng Washington sẽ phải thực hiện tốt đối với chúng, để làm rõ và chính xác những gì mà nỗ lực của quốc gia này nhắm đạt được.
Đảo ngược xu hướng đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Nó sẽ mất nhiều năm và kèm theo rủi ro. nên rất cần sự đã thông quan điễm thống nhất trong chiến lược và quan trọng 0 bị làm rối nên phải tương đối mật bất ngờ khi đã hình thành bộ khung quản lý xây dựng chuyễn giao có kiễm soát của hệ thống VMKH
ThíchThích