3097. Sức mạnh chính trị của lạm phát

Trẻ em Đức vào năm 1923 chơi với những gói tiền giấy vô giá trị. Getty Images

Washington Examiner by Jay Cost, Contributing Editor – January 20, 2022 

(Jay Cost là thành viên thỉnh giảng tại Viện American Enterprise Institute và là một học giả thỉnh giảng tại trường Grove City College.)

Ba Sàm lược dịch

Joe Biden là một người đàn ông luôn bị vây bọc bởi các vấn đề từ mọi phía. Chương trình nghị sự trong nước của ông đã bị đình trệ tại Quốc hội và không có khả năng được khởi động lại sớm.

Chính sách đối ngoại của ông đã là một thảm họa. Afghanistan đã sụp đổ, Nga có vẻ chuẩn bị gây chiến hòng chiếm giữ một phần lãnh thổ Ukraine, và Trung Quốc đang gây huyên náo quanh việc thôn tính Đài Loan. Và, tất nhiên, coronavirus vẫn hoành hành.

Tổng thống Biden thật vô trách nhiệm và ngu ngốc khi từng hứa hẹn với tư cách là một ứng cử viên rằng ông sẽ “chặn đứng” virus – làm thế nào để người ta có thể chặn đứng một căn bệnh rất dễ lây truyền? – nhưng ông ấy đã hứa, và ông ấy đã mắc lỗi.

Nhưng trong số tất cả các vấn đề đang xảy ra ở Nhà Trắng của ông, nguy hiểm nhất là lạm phát. Nếu không được kiểm soát, nó có thể phá hủy triển vọng của đảng ông trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới và có thể xa hơn nữa.

Việc đọc chỉ số giá tiêu dùng gần đây cho thấy mức lạm phát hàng năm là 7%, cao hơn bất kỳ

mức kỷ lục nào trong 40 năm qua.

Bốn mươi năm là một con số quan trọng, vì nó có nghĩa là tuyệt đại đa số người Mỹ chưa bao giờ trải qua lạm phát ở mức này trong cuộc đời trưởng thành của họ. Những cử tri trẻ nhất vào năm 1982 thì hiện nay sẽ là 58 tuổi, có nghĩa là những người có thu nhập cao nhất trong thời kỳ “lạm phát đi liền suy thoái” vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 80 sẽ khoảng 80 tuổi.

Nói cách khác, hầu hết chúng ta đều có ít ký ức cá nhân về hiện tượng này. Đây là lý do tại sao việc nghiên cứu lịch sử lại rất quan trọng, vì nó mở rộng kiến ​​thức của chúng ta về quá khứ cách xa cuộc đời của chúng ta và cung cấp các bài học về những gì sẽ xảy ra trong tương lai.

Và bài học lịch sử liên quan đến lạm phát rất rõ ràng: Nó có thể bùng phát bất ngờ, cản trở nỗ lực chế ngự nó của các nhà hoạch định chính sách, và trong trường hợp xấu nhất, nó không chỉ làm suy yếu sự thịnh vượng kinh tế mà còn gây thoái hóa bản thân xã hội dân sự.

Tất nhiên, những trường hợp nghiêm trọng nhất ngày nay cực kỳ khó xảy ra, nhưng chúng cần được lưu ý để đánh giá mức độ nguy hiểm của hiện tượng này.

Cách mạng Mỹ gần như tan rã không phải vì người Anh ghi được một loạt chiến thắng giòn giã, mà vì nạn lạm phát phi mã. Thiếu quyền đánh thuế, Quốc hội Lục địa đã tài trợ cho cuộc chiến bằng cách in đô la với tốc độ đáng kinh ngạc. Giá cả tăng chóng mặt, niềm tin vào chính phủ suy giảm và có những lo ngại rằng binh lính có thể nổi dậy. Những tác động hạ nguồn của lạm phát thời chiến đã góp phần vào Cuộc nổi dậy của Shays (cuộc nổi dậy của nông dân Massachusetts năm 1786), đến lượt nó, dẫn đến Hội nghị Lập hiến.

Người ta cũng có thể xem xét trường hợp của Cách mạng Pháp. Đến năm 1789, nhiều tầng lớp có ảnh hưởng lớn trong xã hội Pháp cực kỳ không hài lòng với chế độ cũ, nhưng một trong những lực lượng mạnh mẽ nhất là các bà nội trợ Paris, những người không đủ khả năng chi trả khi giá bánh mì ngày càng tăng cao. Những người Jacobins đã có thể khai thác thái độ bất mãn của họ cho những mục đích cấp tiến của mình, dẫn đến cái chết của Louis XVI, cùng Triều đại Khủng bố và sự trỗi dậy của Napoléon Bonaparte.

Sau Thế chiến thứ nhất, các cường quốc Đồng minh đã áp đặt các hình phạt nặng nề đối với chính phủ Đức, khi kết hợp với cuộc Đại suy thoái, nhiều hơn mức mà quốc gia này có thể chịu đựng. Cuối cùng, lạm phát tràn lan đã hạ gục Cộng hòa Weimar và kéo theo sự trỗi dậy của Adolf Hitler.

Trong tất cả các nguyên nhân kinh tế gây ra biến động xã hội và chính trị, thì lạm phát chỉ tương ứng với nguy cơ thất nghiệp tràn lan. Tại sao?

Một lý do là về bản chất, nó hoạt động như một loại thuế khi ta giữ tiền mặt, có nghĩa là nó thường có tính chất (thuế) lũy thoái. Bạn nắm giữ một đô la càng lâu, bạn càng có thể làm được ít hơn với nó. Và do đó, nó có thể tạo gánh nặng cho những người sử dụng phần lớn thu nhập của họ cho mục đích tiêu dùng. Họ phải giữ tất cả số đô la của họ cho đến khi họ tiêu chúng, có nghĩa là sức mua của họ ngày càng đi xuống. Và khi mọi người không còn có thể mua những thứ thiết yếu của cuộc sống, thì chủ nghĩa cấp tiến chính trị chắc chắn sẽ theo sau.

Lạm phát cũng có thể hoạt động như một loại virus tâm trí lây lan từ người này sang người khác. Khi bạn phỏng đoán lạm phát sẽ hiển nhiên hoặc dai dẳng, bạn có động cơ để mua hàng hóa và dịch vụ sớm hơn. Vấn đề là mọi người đều có động cơ như nhau, và nếu số lượng hàng hóa và dịch vụ cung ứng không thay đổi, thì giá cả sẽ tăng lên.

Rất may, Hoa Kỳ chưa bao giờ phải trải qua lạm phát trong những trường hợp tồi tệ nhất. Nhưng có lẽ chúng ta đã biết đến tác động cực đoan của nó đối với chính trị trong thập kỷ qua.

Nhìn chung, lạm phát vẫn ở mức cực thấp kể từ đầu những năm 1980, nhưng vẫn có lạm phát – ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục đại học. Có ngạc nhiên không, khi mà đến mức những người trẻ, có học lại tán thành những ý tưởng cấp tiến do Bernie Sanders (tả/ XHCN) và Alexandria Ocasio-Cortez (cực tả) chủ trương? Mức giá quá cao của giáo dục đại học đã đặt họ dưới một núi nợ mà nhiều người trong số họ không bao giờ có thể hy vọng trả hết. Ý tưởng (của phái cấp tiến – tả) hủy bỏ các khoản nợ chắc chắn phải có vẻ hấp dẫn đối với họ.

Cuối cùng, lạm phát có mối liên hệ chặt chẽ với các chính sách của chính phủ liên bang, đặc biệt là ở một quốc gia như nước ta, nơi tiền tệ không bị ràng buộc với các kim loại quý như vàng hoặc bạc. Trên mỗi đồng đô la được in chìm các biểu tượng của chính phủ liên bang Hoa Kỳ. Và nếu đồng đô la đó đột nhiên không có khả năng mua được nhiều như vậy, mọi người biết chính xác phải đổ lỗi cho ai.

Đây là lý do tại sao Biden nên lo lắng. Không có cách nào để ông ta hoặc đội ngũ của mình xoay sở để thoát khỏi vấn đề lạm phát. Họ không thể giả vờ rằng nó không tồn tại bởi vì mọi người đều trải qua nó hàng ngày. Họ không thể giả vờ rằng đó không phải là lỗi của chính phủ liên bang, bởi vì một mình chính phủ giám sát tiền tệ. Tương tự như vậy, đổ lỗi cho những vướng mắc trong ngoại thương là một việc làm ngu ngốc bởi vì chính phủ liên bang có độc quyền điều chỉnh thương mại quốc tế (và dù sao đi nữa, hầu hết thực phẩm của chúng ta đều được sản xuất trong nước).

Và nếu lạm phát cao ở mức nghiêm trọng dẫn đến bất ổn chính trị và thậm chí là cách mạng, với mức vừa phải, nó sẽ khiến người ta không hài lòng về hoàn cảnh hiện tại và bi quan về tương lai của họ.  

Hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ có thể kiểm soát được lạm phát. Họ tuyên bố rằng họ có thể, nhưng rồi một lần nữa, chỉ vài tháng trước, họ đã hứa hẹn lạm phát sẽ chỉ là thoáng qua. Chúng ta cũng nên hy vọng rằng, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang không thực hiện một quá trình thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, điều này có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi kinh tế vẫn còn mỏng manh. Khi Chủ tịch Fed, Paul Volcker làm điều đó vào đầu những năm 1980, nó đã chữa khỏi tình trạng lạm phát đình trệ của những năm 1970 nhưng cũng góp phần vào cuộc suy thoái tồi tệ năm 1982.

Về chính trị, không rõ chính quyền Biden đang xem xét vấn đề nghiêm túc đến mức nào. Nó đã thừa nhận sự tồn tại của lạm phát nhưng cho đến gần đây vẫn đang thúc đẩy chương trình Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better), chương trình này sẽ bơm một lượng lớn tiền mặt, dưới hình thức chi tiêu mới và các chương trình phúc lợi xã hội, vào nền kinh tế. Và Nhà Trắng muốn làm điều này sau dự luật cứu trợ coronavirus từ đầu năm ngoái và dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng từ cuối năm 2021. Tương tự như vậy, chỉ vài tháng trước, khi chánh văn phòng của Biden, Ron Klain đã loại bỏ vấn đề lạm phát – không coi nó như là một “vấn đề được ưu tiên cao.” Ai biết được chính quyền này, cho đến nay vẫn thất thường và chậm chạp, hiểu gì về thế giới thực?

“Dự đoán rất khó, đặc biệt là về tương lai” là một câu tục ngữ cổ (có thể được gán cho Niels Bohr, Mark Twain và thậm chí Yogi Berra) nhưng lại đúng. Ai biết được năm 2022 sẽ mang lại điều gì?

Hiện tại, chính quyền Biden đang quay cuồng, chỉ để tìm lại chỗ đứng vững chắc một lần nữa.

Chúng ta có thể chắc chắn một điều: Nếu lạm phát vẫn ở mức cao trong tháng 11/2022, Biden và Đảng Dân chủ của ông sẽ hoàn toàn bị đè bẹp tại hòm phiếu (bầu cử giữa kỳ).

Lạm phát không chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế; nó là một loại bệnh dịch xã hội, và cử tri sẽ không ngần ngại quở trách tổng thống vì đã không tiêu diệt được nó.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.