3098. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng kiến nghị để Phật giáo VN ‘tách khỏi Nhà nước’

Đôi lời: về Thiền sư Thích Nhất Hạnh với chính quyền VN, rất cần nhắc lại vụ Tu viện Bát Nhã xảy ra từ 2005-2009. Có thể nói đó là một “vụ án” ghi dấu ấn công khai sâu đậm nhất trong mối quan hệ của ông với chính quyền VN và Phật giáo VN thời cộng sản.

Khi đó, cũng có những nhận định, cho là vụ việc xảy ra như là hệ quả của những ý kiến đóng góp thẳng thắn, sắc sảo hiếm thấy của ông với chính quyền VN về tôn giáo và nhiều lĩnh vực liên quan chính trị, nhân quyền; ngoài ra còn do ảnh hưởng quá lớn của ông đối với không chỉ dân chúng mà cả giới chức đảng, chính quyền VN.

Nay ông ra đi, báo chí quốc tế đưa tin rất nhiều, đánh giá ông là nhân vật Phật giáo đương thời chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng hầu như không nhắc tới vụ Bát Nhã và sự dấn thân mạnh mẽ, khác thường của một thiền sư như ông vào chính trị. Các bài báo tiếng Việt trên đài nước ngoài, trang mạng tự do cũng tương tự. Riêng bài của BBC dưới đây thì khác, rất đáng đọc vì những thông tin mới, tuy không nhắc tới Bát Nhã. Ngoài ra còn có một bài công phu, bao quát về ông trên Luật khoa tạp chí: Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Đánh giá về Thích Nhất Hạnh, rất cần đầy đủ trên hai khía cạnh: đạo Phật và chính trị (giai đoạn trước 1975 – phản chiến và giai đoạn từ sau 1975 tới nay).

Đơn cử một câu hỏi, liệu chính quyền CSVN có được hưởng “lợi” nhiều hơn “hại” cho họ trong việc tận dụng những việc làm, hình ảnh của ông (suốt từ trước và sau 1975) hay không?

BS

BBC Tiếng Việt

23 tháng 1 2022

Tài liệu của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội năm 2005 ghi lại đối thoại của thiền sư Thích Nhất Hạnh và kiến nghị 7 điểm với Chính phủ Việt Nam.

Điện tín từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội gửi về Bộ Ngoại giao ngày 31/03/2005 ghi lại các ý chính của cuộc gặp mặt giữa thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022) và Đại sứ Michael Marine diễn ra vài hôm trước đó, theo Hồ sơ Wikileaks (xem link).

Sau hai tháng rưỡi được phép về thăm quê hương ‘thành công’, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã hội kiến Đại sứ Michael Marine (nhiệm kỳ 2004-2007) tại Hà Nội hôm 26/03/2005.

Văn bản tiếng Anh có tựa đề “EXILED BUDDHIST LEADER RETURNS TO VISIT HOMELAND” nói đây là cuộc gặp riêng giữa hai người.

Trong phần tổng quan, phía Hoa Kỳ ghi rằng theo lời thiền sư Thích Nhất Hạnh thì “cộng đồng Phật giáo Việt Nam chia rẽ, suy yếu vì sự can thiệp của chính quyền vào các vấn đề tôn giáo”.

Tuy thế, phía Hoa Kỳ nói “ông không phê phán công khai chính phủ Việt Nam trong thời gian thăm quê hương”, nhưng đã trao cho Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phan Văn Khải một kiến nghị “tách Giáo hội và Chính quyền ra khỏi nhau”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng: “một Giáo hội có sức sống trở lại (a revitalized Buddhist Church) có thể giúp giải quyết các căn bệnh xã hội, và nạn tham nhũng”.

Sứ quán Hoa Kỳ viết rằng “dù Thích Nhất Hạnh ra điều kiện trước chuyến về là phải để ông đi lại tự do và sách của ông từng bị cấm phải được xuất bản [trong nước]”… nhưng chính phủ Việt Nam vẫn lo ngại “ông trở thành nhân vật của công chúng (mass figure)”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp trong chuyến đi thăm Thái Lan hồi tháng 04/2013

Về xã hội và giới trẻ

Theo lời Thích Nhất Hạnh nói với Đại sứ Marine thì “cộng đồng Phật giáo Việt Nam chia rẽ và bị suy yếu”.

“Tín đồ đi chùa đều đặn, nhưng tình trạng chung (nguyên văn: sức khoẻ – overall health) của đạo Phật là rất tệ, chủ yếu là vì Chính quyền can thiệp vào Giáo hội.

“Nhiều sư được trao chức vụ lãnh đạo vì lý do chính trị, và đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Nhà nước công nhận (Vietnam Buddhist Sangha – VBS) hành xử như nhân viên Nhà nước (act like government employees).

VBS dựa vào Chính phủ Việt Nam để có trợ cấp tài chính và để được phép tổ chức các hoạt động như cho sư ni ra nước ngoài tu tập. Điều này khiến người dân quay lưng lại với đạo Phật.”

“Dù có phát triển kinh tế, đất nước vẫn đau khổ vì các vấn đề xã hội sâu nặng (social trauma). Phân chia rất nặng nề xảy ra giữa thế hệ cao niên đang vật lộn với các vấn đề chính trị, và giới trẻ thả mình vào cuộc sống tiêu thụ.”

“Đau khổ xuyên thế hệ rất lớn. Thanh thiếu niên không tin vào hạnh phúc gia đình,” theo lời thiền sư Nhất Hạnh mà Đại sứ quán Mỹ ghi lại.

Kiến nghị 7 điểm, tách Giáo hội khỏi Chính quyền

Đặc biệt, Thích Nhất Hạnh trao cho Đại sứ Hoa Kỳ kiến nghị chính sách mà ông đã trao cho Thủ tướng Phan Văn Khải một bản trước đó.

Tựa đề tiếng Anh của kiến nghị là “Seven Points Proposed by Monk Thich Nhat Hanh on the Policy of the State of Vietnam Towards Buddhism” – Bảy điểm đề nghị của Sư ông Thích Nhất Hạnh về chính sách cho Nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo.

Ý tưởng cơ bản của nó là “Nhà nước xác nhận mong muốn tách quyền lực tôn giáo khỏi quyền lực chính trị” (The State confirms the intention to separate religious power from political power).

Theo đó thì “tăng ni sẽ không giữ chức vụ nhà nước, không nhận chỉ thị từ Chính phủ”;

Trong cuộc gặp tuần đó với Thủ tướng Phan Văn Khải, thiền sư Nhất Hạnh nói ông muốn “Giáo hội tách khỏi Nhà nước, sư ni không bị buộc phải vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân”, và việc tách khỏi chính trị không có nghĩa là tạo xung đột chính trị.

Ngoài ra, ông cũng nói với thủ tướng Việt Nam khi đó rằng “Những người cộng sản cần trở nên thành con người có chất Việt Nam hơn (Communists should become more Vietnamese) bằng cách chấp nhận tín ngưỡng truyền thống của cha ông họ, chấp nhận văn hóa Phật giáo là nền tảng của xã hội Việt Nam”.

“Thất bại trong việc đó sẽ làm chính trị phá sản và khiến Đảng Cộng sản mất sự ủng hộ của nhân dân.”

Giải pháp cho hai Giáo hội

Vẫn điện tín của Hoa Kỳ mô tả cuộc gặp và lời thầy Nhất Hạnh về các kiến nghị cho Việt Nam nói tiếp về giải pháp cho Phật giáo Việt Nam, vốn vẫn chia rẽ từ sau 1975 kể cả khi quốc gia đã thống nhất:

“Các nhân vật hàng đầu của Phật giáo Việt Nam, gồm cả Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất (UBCV) sẽ gặp mặt để hòa giải trong tinh thần phục hồi tình huynh đệ trong Cộng đồng Phật giáo và thiết lập quan hệ tốt với Nhà nước.”

Điều này không cần phải nhằm lập ra một Giáo hội duy nhất, mà các vị lãnh đạo của đạo cần “đưa cộng đồng Phật giáo ra khỏi ảnh hưởng của ảnh hưởng chính trị nội bộ và hải ngoại”.

Một điểm nữa trong Kiến nghị là để “các thầy Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ được quyền tự do cư trú, đi lại, thuyết giảng đạo Phật ở bất cứ đâu trong cả nước Việt Nam”.

Vẫn theo Kiến nghị này thì “Ban Tôn giáo Chính phủ chỉ nên quan sát và ra những khuyến nghị”, còn Phật tử “sẽ có Ủy ban Liên lạc với Chính quyền Thế tục (Committee for Liaison with the Secular Administration) nhằm tư vấn cho Chính phủ về các cách loại trừ lạm quyền, bất công, tham nhũng và những gì sai trái với Nhà nước, dân tộc và đạo Phật”

Cuối cùng, hòa thượng Thích Nhất Hạnh nói với Đại sứ Mỹ rằng ông có thể hình dung mình ở vai trò trở về Việt Nam để làm công việc tạo điều kiện cho Phật giáo nở rộ một lần nữa (to be the catalyst for Buddhism to flourish again in Vietnam).

Điện tín của Sứ quán Mỹ cho hay sư cô Chân Không có mặt cùng thầy Nhất Hạnh tại cuộc gặp ngày 26/03 với Đại sứ Hoa Kỳ.

Văn bản cũng mô tả một số mâu thuẫn giữa các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất với Tăng đoàn Làng Mai về chuyến thăm quê hương của họ.

“Các lãnh đạo Giáo hội Thống nhất bị cấm hoạt động đã cho là chuyến thăm Việt Nam của thầy Nhất Hạnh đã đem lại tính chính danh cho cách nhà nước kiểm soát tôn giáo.”

Còn về phía Nhà nước, Sứ quán Hoa Kỳ ghi nhận Bộ Nội vụ (Công an) phản đối chuyến thăm quê hương của thiền sư Nhất Hạnh, còn Bộ Ngoại giao thì ủng hộ.

Năm 2017, chính quyền Việt Nam cho thiền sư Thích Nhất Hạnh về sống ở quê hương nhưng ông đã qua đột quỵ, sức khoẻ yếu, không còn thuyết giảng trước công chúng.

Ông viên tịch vào lúc rạng sáng ngày thứ Bảy ngày 22/01/2022, tại chùa Từ Hiếu, Huế.

2 comments

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.