
THE HILL BY LIANCHAO HAN AND BRADLEY A. THAYER – 02/13/22
Ba Sàm lược dịch
Trong khi các quốc gia nhỏ hiếm khi đi đầu trong các vấn đề lớn, thì đôi khi họ có thể nêu ra sự thật mà các quốc gia lớn hơn dường như miễn cưỡng nhận ra hoặc lĩnh hội. Các trường hợp điển hình là tuyên bố của Tổng thống Lithuania, Gitanas Nauseda, xác định thời điểm hiện tại là “tình huống nguy hiểm nhất kể từ khi giành lại độc lập”, và Bộ trưởng Quốc phòng Latvia, Artis Pabriks, cho rằng mối quan hệ “vô đạo đức và đạo đức giả” của Đức với Nga và Trung Quốc đã thọc một mũi dao chia tách vào giữa Tây Âu và Đông Âu.
Đức đã từ chối gửi viện trợ gây chết người cho Ukraine và cấm ít nhất một quốc gia Baltic gửi vũ khí cũ của Đức để viện trợ Ukraine. Các công ty Đức đã đe dọa rời Lithuania vì sự ủng hộ của họ đối với Đài Loan và vì đã tổ chức một đại sứ quán Đài Loan trên thực tế ở Vilnius.
Phản ứng của Đức trước những quan ngại về an ninh của các đồng minh NATO, đặc biệt là Estonia, Latvia và Lithuania, có vẻ không khéo léo và do đó nguy hiểm. Như Pabriks nói với báo Financial Times, rằng người Đức “đã sống trong hòa bình trong nhiều năm. Họ cân nhắc về khí đốt, xuất khẩu và hợp tác. Đối với các quốc gia có chung biên giới với chúng tôi thì khác. Đối với chúng tôi, đó là sự tồn tại. Quá khứ của chúng tôi không có nhiều cơ hội để tin tưởng [vào Nga]. Nó sẽ là sự diệt vong cho chúng tôi.“
Mặc dù các bình luận của Pabriks xuất phát từ mối đe dọa của Nga, nhưng họ đã nắm bắt được ba sự thật cơ bản mà Hoa Kỳ nên lưu ý về ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thứ nhất, cũng giống như người Đức, nước Mỹ đã sống trong hòa bình trong nhiều năm trong khi Trung Quốc can dự vào cuộc chiến tranh với Mỹ. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây chiến với Hoa Kỳ từ năm 1949. Người Mỹ biết điều này trong Chiến tranh Lạnh. Xung đột với Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam, và trong các cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, khiến người Mỹ tập trung tâm trí vào mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Thứ hai, cũng giống như người Đức, người Mỹ đã suy nghĩ về những mối lợi liên quan tới kinh doanh, trao đổi kinh tế và thúc đẩy hợp tác.
Trong trường hợp của Hoa Kỳ, điều này không phải với nước Nga của Vladimir Putin, mà là với Trung Quốc. Ảnh hưởng của Nga với Đức bắt nguồn từ việc nước này cung cấp năng lượng. Một tương lai nơi Đức trở lại với năng lượng hạt nhân sẽ chứng kiến sự suy giảm ảnh hưởng của Nga đối với nền chính trị và kinh tế của Đức.
Phải chăng Mỹ đã may mắn đến mức chỉ cần tắt vòi khí đốt tự nhiên là có thể kiểm tra được ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhiều thập kỷ Trung Quốc thâm nhập vào chính trị, tài chính, đại học, công nghiệp, Công nghệ lớn và giới truyền thông Hoa Kỳ đã mang lại cho Trung Quốc một vị trí dường như lâu dài trong đời sống của người Mỹ, với đòn bẩy trong từng lĩnh vực.
Thứ ba, Nauseda và Pabriks và các đồng nghiệp tại các nước Baltic và Trung và Đông Âu của họ hiểu về mối xung đột sống còn. Các quốc gia của họ nằm dưới sự chiếm đóng của đế quốc Nga trước khi Estonia, Latvia và Lithuania tồn tại như những quốc gia độc lập sau Thế chiến I. Sự tồn tại của họ đã bị dập tắt bởi sự chiếm đóng của Liên Xô vào năm 1940, rồi tiếp tục tình trạng chiếm đóng dưới thời Đức Quốc xã, sau đó một lần nữa lại là Liên Xô, trước khi được tự do lúc Liên Xô sụp đổ. Estonia, Latvia và Lithuania gia nhập NATO năm 2004 .
Nhận xét của Nauseda và Pabriks bắt nguồn từ một lịch sử khắc nghiệt, trong đó đất nước họ bị chế độ độc tài đè bẹp. Thật không may, quá khứ này không được nhiều người ở Hoa Kỳ đánh giá đúng, nơi mà mối quan hệ với Trung Quốc vẫn tiếp tục – bất chấp mối đe dọa hiện hữu từ ĐCSTQ. Nhưng Hoa Kỳ đang tham gia vào một cuộc đấu tranh sinh tồn sâu đậm tựa như Latvia. Mối đe dọa là đáng kể, mặc dù hình thức của nó sẽ không phải là một cuộc xâm lược trên thực địa. Thay vào đó, mối đe dọa là ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với các xã hội tự do. Ảnh hưởng này đã được cho phép và được duy trì không chỉ bởi ĐCSTQ mà còn bởi những người đang tham gia vào việc ủng hộ lợi ích của ĐCSTQ.
Những điều cần làm
Thứ nhất, Hoa Kỳ phải lưu ý đến những bài học mà các đồng minh Đông và Trung Âu của họ đã học được, họ đã phải trả một khoản học phí cao cho Đức Quốc xã và Liên Xô. Mặc dù Hoa Kỳ đã duy trì sự thống trị thế giới trong gần một thế kỷ, nhưng sự tự mãn sâu sắc kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã khiến các nhà lãnh đạo của chúng ta không nhạy cảm với mối nguy hiểm sắp xảy ra.
Thứ hai, Hoa Kỳ phải chuyển từ mô hình hợp tác sang mô hình tranh chấp. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải thực sự hiểu mối đe dọa từ Trung Quốc bằng cách xác định bản chất xấu xa của ĐCSTQ. Sau đó, Hoa Kỳ phải xác định các lỗ hổng của mình và giải quyết chúng trong khi xác định vị trí của Trung Quốc và khai thác các lỗ hổng của họ. Hoa Kỳ phải ngăn chặn và chống lại chiến lược của Trung Quốc nhằm thâm nhập và khai thác không chỉ các quốc gia thuộc thế giới tự do mà tất cả các quốc gia, nơi sự hiện diện của Trung Quốc được xác định bằng việc bóc lột con người và môi trường.
Nỗ lực này sẽ phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng quốc gia, nhưng nên bao gồm việc loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc trong chính trị, truyền thông, kinh tế và công nghệ của một quốc gia. Điều này sẽ đòi hỏi một nỗ lực dài lâu và kiên gan. Bước đầu tiên sẽ là xác định cách thức Trung Quốc gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp ở nước này. Thứ hai là loại trừ công nghệ Trung Quốc khỏi hệ thống CNTT của một nhà nước.
Còn cần có nhiều hành động khác nữa. Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới đã cho phép các vòi bạch tuộc kinh tế và các nhánh hái ra tiền của Trung Quốc hình thành một cam kết vững chắc, từ đó nắm chắc được các thành phần khác nhau trong xã hội đó. Phương Tây đã cho phép ảnh hưởng của Bắc Kinh lớn hơn nhiều so với bất kỳ kẻ thù nào khác của Hoa Kỳ.
Thứ ba, về cơ bản, Hoa Kỳ vẫn chưa tỏ ra nghiêm túc trước cuộc xung đột sinh tồn này, vì nhiều người trong giới tinh hoa của Hoa Kỳ vẫn không coi Trung Quốc là một mối đe dọa. Chừng nào mà bản chất của mối đe dọa đó còn bị Phố Wall, Thung lũng Silicon, các trường đại học, các phương tiện truyền thông lớn và các chính trị gia của cả hai bên phớt lờ, thì Mỹ vẫn chưa thể cam kết đấu tranh ở mức độ cần thiết để chiến thắng nó. Phố Wall và Thung lũng Silicon không nên được phép phớt lờ mối đe dọa đó nữa.
Khu vực tư nhân nên tạo dựng một chương trình giáo dục về mối đe dọa từ Trung Quốc, bao gồm phản gián và gián điệp kinh tế, mà nhân viên chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học, giới truyền thông và các công ty Big Tech nên được khuyến khích tham gia.
Nhận thức được mối đe dọa hiện hữu đó đòi hỏi sự hiểu biết về lợi ích, ý thức và sự giáo dục của Hoa Kỳ về mối đe dọa từ Trung Quốc để loại bỏ mọi tuyên bố thiếu hiểu biết hoặc thờ ơ với mối đe dọa.
Không giống như Estonia, Latvia hay Lithuania, Hoa Kỳ không thể bị chiếm giữ trong một ngày. Trung Quốc đã mất nhiều thập kỷ để có thể làm được điều đó. Có thể mất nhiều thời gian như nhau để loại bỏ mối đe dọa. Tuy nhiên, không thể để mất nhiều thời gian để khôi phục trước những thiệt hại mà ĐCSTQ đã gây ra cho Hoa Kỳ.
Thế giới tự do phải làm việc cùng nhau ngay bây giờ để đảm bảo chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kéo dài và đầy thử thách này.
–
Lianchao Han là phó chủ tịch Tổ chức Citizen Power Initiatives for China. Sau Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông là một trong những người sáng lập Liên đoàn Độc lập của Sinh viên và Học giả Trung Quốc. Ông đã làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ trong 12 năm, với tư cách là cố vấn lập pháp và giám đốc chính sách cho ba thượng nghị sĩ.
Bradley A. Thayer là đồng tác giả cuốn sách “How China Sees the World: Han-Centrism and the Balance of Power in International Politics.”