3137. Nhà báo Phạm Đoan Trang được “giải thưởng kép”: Anh và Canada trao giải thưởng Tự do Truyền thông 2022, Việt Nam phản đối

Đôi lời: tại sao nói “giải thưởng kép”? Bởi cái “giải thưởng” thứ hai đi liền đó chính là việc người phụ nữ nhỏ bé, bình dị mà kiên cường, đầy trí lực này, dù đang trong chốn ngục tù mà vẫn làm cho một chính quyền phải tỏ ra sợ hãi và lúng túng quá độ, đến mức phải phản ứng một cách dại dột đến như vậy. BS

Anh và Canada trao giải thưởng Tự do Truyền thông 2022 cho Phạm Đoan Trang

11/02/2022

Chính phủ Anh và Canada vừa công bố giải thưởng Tự do Truyền thông 2022 (Media Freedom 2022) cho nhà báo Phạm Đoan Trang đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm.

Tại Hội nghị Tự do Báo chí ở Tallinn, Estonia vào chiều 10/02/2022, Quốc vụ khanh Anh Lord Ahmad và Ngoại trưởng Canada Melanie Joly, thông báo việc trao giải thưởng này, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh và Canada.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết đích thân Quốc vụ khanh Anh Lord Ahmad, Bộ trưởng phụ trách Nam Á và Khối Thịnh vượng chung của Anh, đồng thời là đặc phái viên của Thủ tướng Anh vinh danh bà Phạm Đoan Trang:

“Nền dân chủ đang bị tấn công trên khắp thế giới, và những nhà báo soi rọi vào những góc tối đó đang phải trả giá đắt.

“Sự thật luôn đáng để theo đuổi và đó là lý do tại sao Vương quốc Anh và Canada thành lập Giải thưởng Tự do Truyền thông. Giải thưởng này công nhận các nhà báo, cá nhân và tổ chức làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do truyền thông.

“Tôi vui mừng thông báo rằng người chiến thắng Giải thưởng Tự do Truyền thông năm nay là bà Phạm Doang Trang. Tôi xin chúc mừng bà Phạm Đoan Trang với tư cách là một nhà báo độc lập và nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm của Việt Nam, người từng đoạt các giải thưởng”.

Bộ Ngoại giao Canada cho biết trong một thông cáo hôm 10/2:

“Bà Trang được biết đến với những cuốn sách về dân chủ và những bài báo về xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Là một người ủng hộ quyền con người và pháp quyền, bà Trang đã viết về các vấn đề môi trường quan trọng. Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã trao Giải Tự do Báo chí cho bà Trang năm 2019, để ghi nhận công lao này”.

Ngoại trưởng Canada Mélanie Joly cho biết: “Các nhà báo đóng một vai trò thiết yếu trong bất kỳ nền dân chủ nào bằng cách soi rọi các vấn đề quan trọng của thời đại chúng ta. Thay mặt cho tất cả người dân Canada, tôi xin trân trọng cảm ơn sự can đảm và quyết tâm của bà Trang trong việc buộc chính quyền phải giải trình. Canada sẽ tiếp tục đấu tranh cho tự do truyền thông trên toàn thế giới”.

Vào tháng 12/2021, bà Trang bị chính quyền Việt Nam kết án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Bà đã trải qua 434 ngày bị giam giữ trước khi bị kết án.

Giải thưởng Tự do Truyền thông của Canada – Vương quốc Anh công nhận việc làm của những người đã bảo vệ các nhà báo hoặc ủng hộ quyền tự do truyền thông ở cấp địa phương, tôn vinh các tổ chức, chiến dịch và cá nhân ít được công nhận hơn trong cuộc chiến chống lại sự trừng phạt của họ.

Được thành lập vào năm 2020, giải thưởng Tự do Truyền thông tôn vinh những người ủng hộ tự do truyền thông, dù trực tiếp hay gián tiếp.


Việt Nam phản đối Anh, Canada trao giải cho nhà báo bất đồng chính kiến

22/02/2022

Việt Nam phản đối việc Bộ Ngoại giao Anh và Canada trao giải thưởng tự do báo chí cho nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, hiện đang thụ án tù, và cho rằng việc hai quốc gia phương Tây trao giải cho một người “vi phạm pháp luật Việt Nam” không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Hà Nội.

Chính phủ Anh và Canada công bố trao giải thưởng Tự do Truyền thông 2022 cho bà Trang, nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất của Việt Nam, tại Hội nghị Tự do Báo chí ở Tallinn, Estonia, hôm 10/2. Đây là giải thưởng mới nhất giành cho bà Trang, người được quốc tế công nhận vì những hoạt động đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam nơi có ít tự do báo chí và thường bị chỉ trích về hồ sơ nhân quyền yếu kém.

Phản ứng trước việc này, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Hà Nội, Phạm Thu Hằng, cho rằng việc Bộ Ngoại giao Anh và Canada trao giải thưởng cho bà Trang, người mà chính quyền Việt Nam xem là “một cá nhân vi phạm pháp luật”, là một hành động “thiếu khách quan” và “không phù hợp.”

Trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về việc trao giải thưởng, bà Hằng hôm 18/2 nói rằng nhà báo bất đồng chính kiến 44 tuổi đã “bị bắt giữ và xét xử do có những hành động vi phạp pháp luật nhiều lần nghiêm trọng.”

Bà Trang bị bắt giữ vào tháng 10/2020 và bị kết án 9 năm tù tội “Tuyên truyền chống nhà nước” vào tháng 12 năm ngoái. Các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng phản đối việc kết án này của chính quyền Việt Nam.

Theo phó phát ngôn viên của BNG Việt Nam, bà Trang đã “liên hệ với các tổ chức và các nhân ở nước ngoài, xuất bản các ấn phẩm trái phép có nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, kích động các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Bà Hằng nói đây là hành vi “nguy hiểm cho xã hội.”

Ngoài việc đồng sáng lập trang Luật Khoa Tạp chí, một hình thức báo chí độc lập tại Việt Nam, bà Trang còn là tác giả nhiều cuốn sách bị cấm xuất bản ở trong nước, gồm “Chính trị bình dân” và “Phản kháng phi bạo lực.” Trước khi bị bắt, bà Trang cùng ông Will Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt từng bị giam giữ ở Việt Nam, công bố bản Báo cáo Đồng Tâm, trong đó đưa ra những “vi phạm nhân quyền” của chính quyền Hà Nội trong vụ bố ráp gây chết người vì tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân làng Đồng Tâm.

Quốc vụ Khanh của Anh, Lord Ahmad gọi bà Trang là “nhà bảo vệ nhân quyền dũng cảm của Việt Nam” trong khi Bộ Ngoại giao Canada gọi nhà báo bị Việt Nam kết án tù là “một người ủng hộ quyền con người và pháp quyền” khi trao giải cho nhà hoạt động dân chủ đang bị cầm tù của Việt Nam.

Phó phát ngôn viên BNG Việt Nam hôm 18/2 cảnh báo rằng hành động trao giải thưởng của BNG Anh và Canada cho bà Trang sẽ “không có lợi cho việc phát triển quan hệ song phương với Việt Nam.”

BNG Anh và Canada chưa đưa ra phản ứng gì trước phản đối của Việt Nam về việc trao giải cho bà Trang, người được tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) trao giải thưởng Tự do Báo chí hạng mục Tầm ảnh hưởng vào năm 2019.

Việt Nam bị RSF cho vào nhóm các nước có ít tự do báo chí nhất thế giới và cũng là một trong những quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất.

Tuy nhiên, bà Hằng hôm 18/2 khẳng định rằng Việt Nam “luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin.”