3142. Cuộc xâm lược điên cuồng của VLADIMIR PUTIN vào Ukraine đã chứng kiến ​​ngay cả đồng minh lâu năm là Trung Quốc cũng quay lưng lại với Nga

EXPRESS by OLIVER PRITCHARD-JONES – Fri, Feb 25, 2022

Ba Sàm lược dịch

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xác nhận rằng trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga, ông ủng hộ các nỗ lực giải quyết cuộc chiến ở Ukraine “thông qua đối thoại”. Đây được coi là một đòn giáng mạnh vào Putin – trong khi đất nước của ông ta và Trung Quốc thường liên kết chặt chẽ với nhau trên trường quốc tế.

Chủ tịch Tập kêu gọi Putin “đàm phán với Ukraine”.

Hai người đã phát biểu vào sáng nay khi ông Putin nói rằng ông sẵn sàng hội đàm cấp cao với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Cành ô liu của hòa bình rõ ràng này đã bị nhiều nhà lãnh đạo phương Tây bác bỏ, vì Putin dường như đang đòi hỏi một sự đầu hàng vô điều kiện để đổi lấy việc rời bỏ đất nước thuộc Liên Xô cũ này.

Và với những cuộc giao tranh đang diễn ra trên khắp đất nước, những lời nói của ông ta nhanh chóng trở nên trống rỗng.

Trước những bình luận hôm nay, Trung Quốc từ chối gọi hành động của Nga là một “cuộc xâm lược” hoặc công khai chỉ trích Moscow.

Trong cuộc trò chuyện của họ, Putin đổ lỗi để xảy ra xung đột cho phương Tây và tình trạng tiếp tục leo thang về phía đông của NATO – điều mà ông cho rằng đã phớt lờ những lo ngại chính đáng về an ninh của Nga.

Chủ tịch Tập nhấn mạnh rằng quan điểm của Trung Quốc về “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia” vẫn “nhất quán” – ám chỉ nước này không tán thành hành động của Nga.

Phản ứng thờ ơ của ông được đưa ra trong khi ít nhất hai trong số các ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc hạn chế cấp vốn cho việc mua hàng hóa của Nga, nhấn mạnh tới các giới hạn trong cam kết của Bắc Kinh trong việc duy trì quan hệ kinh tế với một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất của họ, khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh.

Các chi nhánh ở nước ngoài của Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã ngừng phát hành thư tín dụng mệnh giá tiền đô la Mỹ để mua hàng hóa vật chất sẵn sàng xuất khẩu của Nga, hai cá nhân quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Động thái này xuất hiện khi Chủ tịch Tập kêu gọi tất cả các bên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh – điều có thể được hiểu như là một kiểu chỉ trích Putin, người đã nhiều lần nhắc đến Liên Xô trong một bài phát biểu trên truyền hình trước cuộc xâm lược hôm qua.

Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc có khả năng sẽ giúp Nga ở “hậu trường” – lưu ý rằng Putin vẫn là một đồng minh có giá trị trên trường quốc tế.

Nhưng trong khi Anh, EU và Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt đối với quốc gia ngày càng bị cô lập này, thì ông ta cần phải “duy trì được sự cân bằng mong manh” khi Trung Quốc vẫn cố gắng tránh làm tổn hại các liên kết của mình với phương Tây.

Các nhà quan sát khẳng định, hành động cân bằng này có thể cho thấy Bắc Kinh có khả năng trở thành một “nhân tố có ảnh hưởng trong việc định hình một cuộc khủng hoảng đang phát triển”.

Bên cạnh tình hình chính trị, hoạt động của quân đội Nga bị quy kết là không khả quan trong việc quét sạch quân đội của Ukraine vốn kém xa về mọi mặt sang một bên.

Thay vì đầu hàng, quân đội nước này được cho là đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga.

Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang Anh quốc, James Heappey, hôm nay đã phát biểu trước Quốc hội: “Không cần phải nói thêm nữa, rằng chúng tôi khá chắc chắn là tại Điện Kremlin đêm qua sẽ có một số phản ánh khá khẩn cấp về tốc độ của cuộc tiến công so với những gì họ dự đoán.

“Tôi nghĩ rằng người dân Nga nên lên tiếng với Tổng thống Putin và cái chính phủ bất lương đang vây quanh ông ta về điều đó, bởi vì những người đàn ông và phụ nữ trẻ Nga đang bị hy sinh vì sự ngạo mạn của Tổng thống Putin.”