
NEWSWEEK by Dan Hollaway – 3/2/22
(Dan Hollaway là một cựu binh của Lực lượng Dù 82 và có bằng Thạc sĩ An ninh Nội địa tại Đại học Penn State. Ông là người dẫn chương trình của Drinkin ‘Bros Podcast và American Party Podcast.)
Ba Sàm lược dịch
Tổng thống Biden đã có những lời lẽ cứng rắn về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine trong bài Thông điệp Liên bang vào tối thứ Ba vừa qua. “Sáu ngày trước, Vladimir Putin của Nga đã tìm cách làm lung lay chính nền tảng của thế giới tự do, nghĩ rằng ông ấy có thể làm cho nó bị bẻ cong theo những cách đe dọa của mình”, Biden nói. “Nhưng ông ta đã tính toán sai một cách tồi tệ.” Gọi cuộc tấn công của Nga là đã được lên kế hoạch trước và là vô cớ, Biden kêu gọi sự thống nhất của châu Âu chống lại hành động xâm lược của Nga, đồng thời tuyên bố rằng ông sẽ cấm máy bay Nga bay vào không phận Mỹ và cùng với 30 quốc gia khác giải phóng 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ dầu mỏ để giúp kiềm chế giá khí đốt tăng như là hệ quả của cuộc chiến tranh.
Thật không may, trong khi Biden đã xác định chính xác một trong những bài học lớn cho phương Tây về cuộc chiến này, thì giải pháp của ông ta không những không hiệu quả mà còn cho thấy tình hình tồi tệ hơn thế nào nhờ chính những hành động của Biden.
Chính sách đối ngoại của Mỹ trong hơn 100 năm qua luôn dẫn đến một kết luận hiển nhiên: độc lập về năng lượng là tối quan trọng đối với an ninh quốc gia và lợi ích của Hoa Kỳ. Việc để mình phải lệ thuộc vào sự tùy hứng của các nhà sản xuất năng lượng đã đẩy Hoa Kỳ vào mối quan hệ không mấy êm đẹp với OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) và thậm chí cả Nga trong một thời gian quá dài.
Đây là điều mà Tổng thống Trump đã nhận ra và tiến hành sửa chữa – với thành công lớn. Mỹ đã từ chỗ phụ thuộc vào năng lượng trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong nhiệm kỳ của Trump (1). Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của ông, nhập khẩu dầu của Hoa Kỳ đã giảm từ 28% lượng dầu sử dụng hàng ngày xuống còn 11%. Bằng cách rút khỏi quy định kiểm soát quá mức của Thỏa thuận khí hậu Paris, mở ANWR (Khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia Bắc Cực, tại bang Alaska. Cho phép khai thác dầu khí tại đây – 2) và lập kế hoạch cho tương lai bằng cách phê duyệt các đường ống dẫn dầu Keystone XL (3) và Dakota, Trump tiếp tục hành trình trước đó hướng tới độc lập về năng lượng và tạo dựng tương lai cho những điều tương tự.
(1) Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới (2018). Mỹ sẽ soán ngôi nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới của Nga
(2) Mỹ cho phép khai thác dầu khí ở khu bảo tồn động vật hoang dã ở Alaska
Tất cả những điều đó đã bị đảo ngược vào ngày đầu tiên Biden nhậm chức. Vào ngày đầu tiên, Biden đã tham gia lại Thỏa thuận Khí hậu Paris, ký lệnh hành pháp hủy bỏ đường ống Keystone XL và lệnh tạm hoãn khoan ở ANWR, cũng như lệnh hành pháp bao trùm để xem xét và khôi phục mọi chính sách liên quan đến năng lượng hoặc khí hậu từ Chính quyền Trump.
Và kết quả ngay lập tức: Chỉ hơn một năm dưới thời chính quyền Biden, chúng ta đã từ nhà xuất khẩu dầu độc lập và lớn nhất thế giới chuyển sang mua trung bình 529.000 thùng từ Nga mỗi ngày vào năm 2020. Ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng còn thậm chí cao hơn, đưa lượng nhập khẩu của Mỹ từ Nga là 844.000 thùng / ngày (4).
Trong khi đó, đường ống Keystone XL – mà Biden đã hủy bỏ chỉ bằng một nét bút (5) – sẽ cung cấp gần 900.000 thùng mỗi ngày, tự giải quyết sự phụ thuộc năng lượng của Mỹ.
(4) Mỹ nhập khẩu khối lượng dầu kỷ lục của Nga (2021)
(5) Mỹ : Giới chủ và nghiệp đoàn bất mãn khi Keystone XL bị hủy (RFI, 2021). “L’Express số ra tuần này chú ý đến sự kiện ông Joe Biden trong ngày đầu tiên nhậm chức đã kết thúc 12 năm tranh cãi về việc mở rộng đường ống dẫn dầu Keystone XL. Chỉ bằng một chữ ký với sắc lệnh hành pháp, tân tổng thống đã sổ toẹt dự án khổng lồ này.”
Vì vậy, trong khi Biden vừa tự hào chào hàng việc giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ, thì đây lại chỉ là một vấn đề cần sửa chữa những hành động mà chính ông đã thực hiện để hủy bỏ con đường mà Trump đã đặt ra cho sự độc lập năng lượng. Cúi đầu trước giới vận động hành lang cho môi trường, Biden đã làm tê liệt sự độc lập về năng lượng của chúng ta và phải dùng đến một nửa các biện pháp để sửa chữa cho nó, trong lúc thường dân ở Ukraine bị thiệt mạng.
Cánh tả cấp tiến (trong đảng Dân chủ – ND) có thể muốn tin rằng những người bảo thủ phản đối những thứ như Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal – 6) vì chúng tôi ghét môi trường, nhưng sự thật là, chúng tôi phản đối những kiểu thỏa thuận đó vì chúng tôi ghét chiến tranh.
(6) Chính trường Mỹ chia rẽ xung quanh dự luật mới về môi trường (2019). “Dù có nhiều điều đáng hứa hẹn, song Green New Deal đã vấp phải sự phản ứng từ không chỉ đảng Cộng hòa, mà từ cả các thành viên của đảng Dân chủ vì một số điểm có phần “không tưởng” của nó.”
Tuy nhiên, thay vì nhận ra điều đó và có lẽ mở lại đường ống Keystone, thì Chính quyền Biden lại đang nỗ lực hơn để ngăn chặn nó. Ví dụ, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói với đài ABC rằng bài học của Ukraine là chúng ta cần giảm sự phụ thuộc không chỉ vào dầu mỏ của nước ngoài mà còn “vào dầu mỏ nói chung.”

Câu chuyện không chỉ với Hoa Kỳ. Trong năm qua, Đức đã đóng cửa 3 trong số 6 lò phản ứng hạt nhân hiện còn lại và có kế hoạch đóng cửa nốt 3 lò cuối cùng trước cuối năm nay. Vì vậy, thay vì dựa vào sản xuất năng lượng của riêng họ, giờ đây họ tiếp nhận phần lớn năng lượng từ Nga. Điều đó có nghĩa là việc trừng phạt Nga và cắt đứt nước này khỏi thị trường quốc tế không chỉ gây tổn hại cho Nga; các gia đình Đức sẽ cảm thấy đau đớn khi họ cố đổ đầy xăng cho xe hơi hoặc sưởi nóng cho căn nhà của mình.
(7) ‘Vũ khí’ năng lượng Nga khắc chế áp lực phương Tây (25/2/2022)
Có lẽ, chỉ có lẽ thôi, phương Tây không nên áp dụng thuê ngoài (gia công) cho chiến lược năng lượng của mình với một nhà độc tài từ một quốc gia khác, một con người mà tất cả thế giới phương Tây này đều tuyên bố đã biết đó là một kẻ độc tài. Vậy kế hoạch chính xác là gì? Để quyến rũ cho nước Nga trở nên tốt đẹp bằng cách trao cho họ tất cả quyền lực này đối với phương Tây, trong khi cắt đứt khả năng cung cấp năng lượng cho chính chúng ta và những người khác hay sao?
Chớ nhầm lẫn: sự hung hăng của Putin được thúc đẩy bởi đồng euro mà Nga được trả cho khí đốt. Và những gì phương Tây cần để chống lại hành động xâm lược của Nga là sự ổn định và độc lập của mình. Thay vào đó, Chính quyền Biden và Đức đã bị trói buộc bởi một chương trình nghị sự xanh của Cánh tả, bằng cách hy sinh sự độc lập về năng lượng và sức mạnh để nhận được sự ủng hộ của những người cấp tiến trong việc thúc đẩy Thỏa thuận Xanh Mới. Và giờ đây, người dân Ukraine đang phải trả giá bằng mạng sống của mình.
Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, từng phát biểu trước các nhà lập pháp rằng ông muốn “hiểu được cơn giận điên người.” Hãy quên về cơn giận điên người đó đi; sự sỉ nhục của Biden và EU trước những hành động vô lương tâm của Putin ở Ukraine chỉ là một cơn thịnh nộ yếu ớt.
Giờ đây chúng ta đang thấy điểm yếu của phương Tây đã hình thành. Đây là đặc điểm nổi bật của chính quyền này và cả phương Tây nói chung: một loạt các động thái chính sách đối ngoại thiếu năng lực và sai lầm xuất phát từ và củng cố cho các chính sách năng lượng xanh thất bại và thứ chính trị bản sắc (8) tại nước nhà.
(8) 3045. Phó TT Kamala Harris là một người mang sắc thái đa dạng được thuê mướn. “Nỗi ám ảnh của phe Cánh tả về danh tính đã dẫn đến việc thúc đẩy một nhân vật chính trị không đáng có và tước đi quyền của các đảng viên Đảng Dân chủ ôn hòa, những người từ chối để vấn đề danh tính quyết định trình độ hoặc tầm quan trọng của ai đó. Tuy nhiên, bất chấp cái giá phải trả rõ ràng của nó, thói đam mê của Đảng Dân chủ đối với chính trị bản sắc không có dấu hiệu giảm bớt.”
Và kẻ thù của chúng ta biết điều đó. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng câu chuyện rằng phương Tây đang suy tàn trong nhiều năm nay, và Tổng thống Biden đã nhiều lần chứng minh là ông ta đúng – ở Afghanistan, với năng lượng, và bây giờ là với cách xử lý của ông đối với Nga. Đó là lý do tại sao Tập không cần phải năng nói gì; ông ta chỉ ngồi yên đó và để cho sự kém cỏi của Biden đưa ra quan điểm của chính mình. Với bất kỳ cuộc đàm phán mới nào, Trung Quốc cũng sẽ không còn bị cản trở bởi mối đe dọa thực sự về sự can thiệp của Mỹ.
Xung đột này đang được chúng ta ví như một cuộc xung đột về phẩm chất đạo đức, chủ nghĩa độc tài chống lại nền dân chủ. Nhưng sự thật là, đó là một cuộc xung đột sinh ra từ sự yếu kém; chúng ta đã tự khuất phục trước những ý tưởng bất chợt về năng lượng của thế lực ngoại bang mà chúng ta cũng từng tuyên bố căm ghét chúng trong 75 năm qua.
Và họ gọi Trump là tay trong của Putin.
Tổng thống Biden giống như Tổng thống Obama trước ông ấy, cũng như Đức và phần còn lại của phương Tây, đã tuyên bố vô nghĩa về việc loại bỏ ngay nhiên liệu hóa thạch mà không quan tâm đến các rủi ro an toàn và an ninh liên quan đến sự thay đổi đó. Và bây giờ họ đang đi tới chiến tranh vì nó.
Putin có thể là nhà độc tài chuyên chế vừa xâm lược nước khác và đang giết hại dân thường. Nhưng chính sự yếu kém của phương Tây đã cho phép ông ta có những điều kiện cần thiết để làm điều đó. Chúng ta nhận ra điều đó càng sớm thì chúng ta – và người Ukraine – sẽ càng an toàn.