“… ở Việt Nam, Tổng thống Nga Putin được gọi một cách trìu mến là ‘Bác Putin’ ”

Trong khi hầu hết các đồng minh của Mỹ ở châu Á đều ngả theo hướng phản đối việc Nga xâm lược Ukraine, thì các chính phủ độc tài và những nước có quan hệ yếu hơn với phương Tây tỏ ra miễn cưỡng hơn trong hành động.
The New York Times by Sui-Lee Wee, Emily Schmall and Sameer Yasir – March 2, 2022
Ba Sàm lược dịch
Phần lớn thế giới đã đoàn kết chống lại Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine. Các đặc phái viên đã rời khỏi các cuộc họp thay vì lắng nghe một nhà ngoại giao hàng đầu của Nga phát biểu. Các quốc gia phương Tây đã gần đạt được bước tiến gần nhất với các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Ở châu Á, phản ứng trái chiều hơn nhiều.
Các tướng lĩnh ở Myanmar đã gọi hành động của Nga là “điều đúng đắn cần làm”. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án vụ tấn công. Trung Quốc đã từ chối gọi cuộc tấn công vào Ukraine là một cuộc xâm lược. Và ở Việt Nam, Tổng thống Nga Putin được gọi một cách trìu mến là “Bác Putin”.
Trong khi hầu hết các đồng minh của Mỹ trong khu vực đều không đồng thuận, các chính phủ độc tài và những nước có quan hệ yếu hơn với phương Tây tỏ ra miễn cưỡng hơn trong việc giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Australia đồng ý với các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Moscow. Đài Loan, lãnh thổ tự quản mà Trung Quốc tuyên bố là của mình, cũng đã đồng ý với các lệnh trừng phạt và lên tiếng ủng hộ Ukraine.
Phản ứng không đồng đều khó có thể đối trọng với cơn giận dữ của phương Tây, nhưng nó có thể kiểm nghiệm các giới hạn trong cam kết của Tổng thống Joe Biden trong việc biến Putin trở thành “kẻ bị ruồng bỏ trên sân khấu thế giới”.
Ảnh hưởng của Nga ở châu Á là rất nhỏ so với Hoa Kỳ, mặc dù nó đã được tăng cường trong những năm gần đây, đặc biệt tập trung vào bán vũ khí. Bộ kinh tế ở Moscow hôm thứ Sáu đã thông báo rằng họ sẽ tìm cách mở rộng quan hệ kinh tế và thương mại với châu Á để giúp bù lại các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ xa lánh Nga,” Bilahari Kausikan, cựu đại sứ Singapore tại Nga, đánh giá. “Nó vẫn là một quốc gia lớn và là một quốc gia có vũ khí hạt nhân”.
Nó cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, một vị thế khó có thể thay đổi, Kausikan nói.
Nga đã bán máy bay chiến đấu cho Indonesia, Malaysia và Myanmar, nhưng khách hàng lớn nhất của nó ở Đông Nam Á là Việt Nam. Từ năm 2000 đến 2019, 84% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam đến từ Nga, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Trong nỗ lực chống lại Trung Quốc, Việt Nam đã mua pháo, máy bay và tàu ngầm trị giá hàng tỷ đô la của Nga, biến quân đội nước này thành một trong những lực lượng chiến đấu có năng lực nhất Đông Nam Á, trong khi vẫn phụ thuộc vào Moscow trong nhiều năm tới.
Ở Ấn Độ, Moscow đã được coi là một đối tác quân sự đáng tin cậy trong nhiều thập kỷ. New Delhi là nhà nhập khẩu vũ khí Nga lớn thứ hai thế giới, chiếm khoảng một nửa nguồn cung cấp quân sự của nước này. Khi Putin đến thăm New Delhi vào cuối năm ngoái, Nga đã trình bày chi tiết về việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 5,4 tỷ USD cho nước này.
Ấn Độ đã cẩn thận để không lên án Nga về vấn đề Ukraine và làm đảo lộn tình bạn đã được thử thách qua thời gian, vào thời điểm Trung Quốc đang đe dọa xâm phạm biên giới phía đông bắc của họ. Còn Moscow thì liên tục sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an để ngăn chặn các nghị quyết chỉ trích Ấn Độ về Kashmir, một lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ với Pakistan. Đổi lại, Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Liên Hợp Quốc lên án Moscow về việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Các quan chức Ấn Độ tuần trước cho biết họ thậm chí có thể giúp Nga tìm ra giải pháp cho các biện pháp trừng phạt mới, bằng cách thiết lập tài khoản đồng rupee để tiếp tục giao dịch với Moscow, tương tự như những gì nước này đã làm sau vụ sáp nhập Crimea.
“Ấn Độ ủng hộ bên nào?” Pankaj Saran, cựu đại sứ của Ấn Độ tại Nga tự hỏi. “Chúng tôi ủng hộ quan điểm của chúng tôi. Sự bùng nổ theo chu kỳ của tình trạng đối kháng trong Chiến tranh Lạnh thật là mệt mỏi”.
Indonesia, giống như Ấn Độ, đã tăng cường đáng kể quan hệ kinh tế và quốc phòng với Nga trong những năm qua. Thương mại song phương giữa hai nước đã tăng lên 2,74 tỷ USD vào năm 2021, tăng 42,2% so với năm trước. Dầu cọ chiếm khoảng 38% xuất khẩu của Indonesia sang Nga.
Vào tháng 12, Jakarta đã tổ chức cuộc tập trận chung trên biển lần đầu tiên giữa Nga và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN.
“Indonesia không coi Nga là mối đe dọa đối với chính trị toàn cầu hay như là kẻ thù,” Dinna Prapto Raharja, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bina Nusantara ở Jakarta, cho biết. “Các biện pháp trừng phạt đơn phương hạn chế cơ hội đàm phán và làm tăng cảm giác bất an cho các quốc gia bị ảnh hưởng.”
Vào ngày 24 tháng 2, Teuku Faizasyah, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia, nói rằng nước này không có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow, cho biết họ sẽ “không mù quáng theo sau các nước khác”.
Khi Hoa Kỳ nhanh chóng chỉ trích Nga về các chính sách của họ, danh hiệu chính trị độc tài của Putin đã thu hút nhiều quốc gia trên khắp châu Á, và đặc biệt là ở Đông Nam Á, nơi sự cai trị của kẻ mạnh thường được ưa chuộng.
Trong một cuộc khảo sát toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2017, hơn một nửa trong số những người được thăm dò ý kiến ở Philippines và Việt Nam cho biết họ tin tưởng Putin. Vào thời điểm cao trào của đại dịch, Moscow đã viện trợ vaccine COVID-19 cho Philippines, Việt Nam và Lào.
“Tôi rất hâm mộ Bác Putin vì Bác luôn có những hành động quyết liệt”, Trần Trung Hiếu, 28 tuổi, một nhà làm phim độc lập ở Hà Nội, nói, sử dụng từ ngữ tôn trọng mà người dân trong nước dành cho Hồ Chí Minh, nhà cách mạng đã lãnh đạo phong trào giành độc lập ở Việt Nam.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gọi Putin là “người hùng được yêu thích” của ông. Philippines hôm thứ Hai cho biết họ lên án cuộc xâm lược ở Ukraine nhưng không nêu đích danh Nga. Tuần trước, Việt Nam đã hạn chế coi Nga là kẻ xâm lược và thay vào đó kêu gọi “tất cả các bên liên quan thực hiện kiềm chế”.
Hai biên tập viên của một tạp chí điện tử Việt Nam và Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam cho biết họ được yêu cầu tự kiểm duyệt trong các phóng sự về chiến tranh này, bao gồm giảm mức độ và tần suất đưa tin, đồng thời cấm dùng từ “xâm lược”. Cả hai đều yêu cầu được giấu tên vì sợ chính quyền trả thù.
Nhưng kể từ sau cuộc xâm lược, không quốc gia nào ở Đông Nam Á ủng hộ Nga nhiều hơn Myanmar, nơi quân đội nắm chính quyền sau cuộc đảo chính cách đây 13 tháng. Các sĩ quan quân đội cấp cao của cả hai quốc gia, bao gồm Thượng tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chế độ Myanmar, đã trao đổi các chuyến thăm nhiều lần vào năm ngoái.
Tuần trước, Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của quân đội, nói với The New York Times rằng Moscow đã “thực hiện vai trò của họ để duy trì chủ quyền đất nước mình” và cuộc tấn công là “điều đúng đắn phải làm”. Nga đã tiếp tục bán vũ khí cho Myanmar sau cuộc đảo chính, bất chấp những cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo bùng phát.
Hôm thứ Hai, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine đã kêu gọi một tòa án quốc tế điều tra Nga về tội ác chiến tranh, nhưng các chính phủ ở châu Á từ lâu đã hiểu rằng việc lên tiếng về vi phạm nhân quyền có nguy cơ dẫn đến sự giám sát không mong muốn đối với các chính sách đàn áp ở trong nước họ.
Thái Lan, một đồng minh ký hiệp ước với Hoa Kỳ, đã nói rất ít về cuộc chiến, ngoại trừ việc nước này ủng hộ “những nỗ lực đang diễn ra nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình”. Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, gọi lập trường đó là “ngồi trên hàng rào (không nghiêm về bên nào) và không muốn xuống khỏi hàng rào chút nào”.
“Khi Thái Lan can dự vào vấn đề ở nước ngoài, người ta lo ngại rằng sẽ có những câu hỏi về các vấn đề trong nước ở Thái Lan. Nước này đã dập tắt các cuộc biểu tình trên toàn quốc gần đây bằng cách bắt giữ hàng chục thanh niên,” Pongsudhirak nói.
Ngay cả trong số các đồng minh vững chắc của Mỹ ở châu Á, quyết định trừng phạt Nga cũng có một số do dự.
Hàn Quốc, sau một thời gian trì hoãn, cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt do Hoa Kỳ và châu Âu áp đặt, nhưng sẽ không ban hành các hình phạt của riêng mình. Các quan chức cho biết nước này cần “ghi nhớ rằng quan hệ thương mại của chúng ta với Nga đang phát triển.” Ngược lại, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhanh chóng lên án hành động xâm lược của Nga và công bố các biện pháp trừng phạt.
Trong một cuộc phỏng vấn, Kateryna Zelenko, đại sứ Ukraine tại Singapore, cho biết việc từ chối ngăn chặn Nga cuối cùng sẽ làm tổn hại đến an ninh toàn cầu.
“Phải rõ ràng rằng giữ im lặng và đứng trung lập” là một hình thức đồng ý, Zelenko nói.
Bà phát biểu thêm: “Chúng tôi thực sự hy vọng mọi người sẽ sớm hiểu rằng trong cuộc chiến khủng khiếp này, sẽ không ai có thể không tham gia”.