
Tổng thống Mỹ khi nhậm chức có ý định giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hành động hung hăng của Nga nên khiến cho toan tính điên rồ đó của Biden được yên nghỉ.
Bloomberg by Hal Brands – March 2, 2022

(Hal Brands là thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, nơi ông nghiên cứu chính sách đối ngoại và chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ. Đồng thời, Tiến sĩ Brands là Giáo sư Xuất sắc về Các vấn đề Toàn cầu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins (SAIS). Ông cũng là một nhà báo phụ trách chuyên mục Quan điểm trên Bloomberg. Tiến sĩ Brands trước đây từng là trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Quốc phòng về hoạch định chiến lược và là người viết chính cho Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Quốc gia.)
Ba Sàm lược dịch
Một tai họa nổi bật qua cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là ý tưởng cho rằng trong chính sách đối ngoại của mình, Hoa Kỳ có thể giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân một cách an toàn. Ý tưởng này đã ảnh hưởng đến chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong những suy nghĩ ban đầu về chính sách đối ngoại; nó được xây dựng dựa trên một xu thế tồn tại trong một thời gian dài sau Chiến tranh Lạnh – là cắt giảm quy mô và trọng tâm của kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.
- 2524. Các chính sách của Biden đối với Nga và Ukraine làm tăng nguy cơ gây hấn mới của Putin. “Việc gia hạn vô điều kiện của Biden đối với hiệp ước đã mang lại cho Putin một món quà tài chính quý giá trị giá hàng trăm tỷ đô la, bằng cách hạn chế Hoa Kỳ trong chiến lược hiện đại hóa hạt nhân, do đó giúp Putin giảm bớt “nhu cầu” phải đổ nhiều tiền hơn vào việc nâng cấp vũ khí chiến lược của riêng mình. Biden đã giải phóng bàn tay của Putin cho các hoạt động quân sự có thể xảy ra, đặc biệt là chống lại các nước láng giềng.”
Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine đang tiết lộ cách mà các loại vũ khí hạt nhân trọng yếu được duy trì đối với các cường quốc – và nhắc nhở chúng ta rằng những vũ khí tồi tệ nhất từng được phát minh là không thể thiếu để gìn giữ trật tự quốc tế một cách thành công nhất mà thế giới từng biết đến.
Cuộc tranh cử của Biden đã tạo ra những kỳ vọng lớn từ cộng đồng kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị. Có suy đoán rằng tổng thống có thể cắt giảm đáng kể kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, thậm chí có thể cắt giảm lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của quốc gia này. Chính quyền đã xem xét, và không loại trừ việc tuyên bố công khai, chính sách “không sử dụng trước” hoặc không coi là “mục đích duy nhất” – về cơ bản cam kết rằng Mỹ sẽ không khởi sự sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột thông thường.
Tuy nhiên, những ý tưởng này vấp phải sự phản kháng từ các nhà hoạch định chính sách quốc phòng ở Mỹ và các đồng minh của Mỹ, và khó có thể thấy chúng tồn tại trong cuộc chiến hiện nay.
Cuộc xung đột ở Ukraine được coi là một nghiên cứu và phân tích tình huống thực tế điển hình về cách các mà các đối thủ của Mỹ có kế hoạch sử dụng biện pháp cưỡng bức hạt nhân để phục vụ các mục tiêu của chủ nghĩa xét lại. Đó là
Bước 1: Sử dụng các lực lượng thông thường để xâm lược một nước láng giềng dễ bị tổn thương, dễ bị áp đảo.
Bước 2: Sử dụng mối đe dọa leo thang hạt nhân để ngăn cản Hoa Kỳ và các đồng minh.
Putin đã đạo diễn cho vở kịch này hơn một lần. Ông ta đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động khi Nga chiếm Crimea vào năm 2014, như một phần của nỗ lực (gần như chắc chắn là không cần thiết) nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự của phương Tây. Giờ đây, ông ta lại đã làm điều tương tự, công khai nhắc nhở thế giới về khả năng hạt nhân tinh vi của Nga và cảnh báo rằng sự can thiệp của phương Tây vào Ukraine sẽ dẫn đến “hậu quả thảm khốc”.
Trung Quốc dường như nhìn thấy tiện ích tương tự trong kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của mình. Một cuộc tấn công có thể xảy ra đối với Đài Loan có thể được theo sau bởi một cảnh báo hạt nhân nhằm ngăn chặn Washington và các cường quốc khác can thiệp – và nếu điều đó không thành công, bằng các cuộc tấn công hạt nhân có chọn lọc hoặc “khai hỏa để biểu dương lực lượng” nhằm buộc Mỹ phải lùi bước.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tỏ ra rõ ràng về điểm này, khi tuyên bố rằng, nếu Nhật Bản can thiệp vào cuộc xung đột ở Đài Loan, “Chúng tôi sẽ sử dụng bom hạt nhân liên tục. Chúng tôi sẽ làm điều này cho đến khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lần thứ hai”.
Các cuộc khủng hoảng khu vực có thể trở thành cuộc cạnh tranh trong việc chấp nhận rủi ro hạt nhân, đó là lý do tại sao các kế hoạch giảm thiểu vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính sách của Hoa Kỳ là rất khó khăn.
Răn đe hạt nhân mở rộng – mối đe dọa mà Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân thay vì chứng kiến các đồng minh của mình bị đánh bại trong các cuộc chiến tranh thông thường – từ lâu đã củng cố mạng lưới liên minh của Mỹ. Việc chuyển đổi sang học thuyết không sử dụng đầu tiên hoặc không coi là mục đích duy nhất có thể đã khả thi từ cách đây cả một thế hệ, khi quân đội Nga thua thảm hại và người ta thường nói đùa rằng quân đội Trung Quốc sẽ cần một “cuộc bơi lội của hàng triệu người” để đến được Đài Loan.
Rủi ro hơn nhiều khi vào thời điểm Mỹ đang đấu tranh để củng cố cán cân quân sự ở Đông Âu và Tây Thái Bình Dương, và khi xung đột tại một trong những khu vực đó sẽ khiến Washington gần như không thể phòng thủ, với các lực lượng thông thường, cho các đồng minh của họ tại các khu vực khác.
Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, thì trong các lựa chọn hạt nhân, Lầu Năm Góc sẽ cần nhiều hơn chứ không phải là là ít hơn. Ví dụ, nó có thể sẽ yêu cầu một bộ mở rộng các lựa chọn hạt nhân “hạn chế” – với khả năng sử dụng một số lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ thấp (vũ khí hạt nhân chiến thuật – ND) để tấn công các mục tiêu trên chiến trường.
- W76-2 – Vũ khí hạt nhân chiến thuật “thực sự đáng kinh ngạc” của Mỹ? “Quân đội Mỹ cho rằng, với học thuyết quân sự mới của Nga về các trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân “leo thang để xuống thang” (Escalate to De-Escalate), khi đó vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được Nga sử dụng nếu Nga thất bại trong cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.”
Những khả năng này rất quan trọng nhằm duy trì sức mạnh răn đe mở rộng, bằng cách cho phép Washington đe dọa (thậm chí cả ngấm ngầm) rằng họ có thể đáp trả hành động gây hấn trong khu vực bằng một thứ lớn hơn các lực lượng thông thường nhưng ít hơn toàn bộ kho vũ khí hạt nhân chiến lược của mình. Quan trọng hơn, chúng sẽ cho phép Mỹ ngăn chặn tốt hơn các đối thủ trong việc theo đuổi leo thang hạt nhân có giới hạn, bằng cách cho Washington khả năng đe dọa một phản ứng tương đối tương xứng và tương đối đáng tin cậy. Rốt cuộc, một biện pháp răn đe hạt nhân sẽ không hiệu quả nếu kẻ thù của bạn tin rằng bạn sẽ không bao giờ sử dụng nó.
Cuộc xâm lược Ukraine cũng sẽ thúc đẩy Washington hướng tới một sự tính toán với hiểu biết rộng lớn hơn về vai trò thiết yếu của vũ khí hạt nhân trong việc duy trì một trật tự thế giới có thể chấp nhận được.
Vũ khí hạt nhân, theo một cách nào đó, là thứ tội ác cùng cực – những vũ khí mạnh đến mức việc sử dụng chúng có thể gây nguy hiểm cho nhân loại. Tuy nhiên, khả năng răn đe hạt nhân, rùng rợn và ngu xuẩn về mặt đạo đức như người ta thường thấy, đã cung cấp lá chắn quân sự mà đằng sau đó là thế giới tự do đã phát triển trong Chiến tranh Lạnh. Do đó, nó đã giúp tạo ra một trật tự quốc tế được cho là hòa bình, thịnh vượng và có lợi cho tự do của con người hơn bất cứ thứ gì đã có trước đây.
Nghịch lý chủ yếu của thời đại hạt nhân chính là các công cụ hủy diệt không thể tưởng tượng được đã góp phần tạo nên một kỷ nguyên phát triển và sáng tạo chưa từng có của con người. Vũ khí hạt nhân sẽ không kém phần trọng tâm trong cuộc đấu tranh giành trật tự thế giới đang diễn ra ngày nay.