3182. Nhóm tin tặc Anonymous đột nhập cơ quan kiểm duyệt phương tiện truyền thông của Nga và làm rò rỉ 340.000 tệp tin, cho thấy Moscow được Trung Quốc trợ giúp đắc lực

Anonymous đã xâm nhập vào cơ quan kiểm duyệt truyền thông của Nga và tung ra 340.000 tệp, trong vụ phá hoại mới nhất vào chiến dịch tuyên truyền chiến tranh của Putin

+ Anonymous đã đột nhập vào Roskomnadzor ở nước cộng hòa Bashkortostan

+ Họ đã chuyển 820 gigabyte dư liệu với 340.000 tệp tin cho những người chuyên cho rò rỉ thông tin trên trang web DDoSecrets

+ Các dữ liệu này đã được phát tán trong bối cảnh lo ngại Nga có thể cắt đứt mạng internet ngày hôm nay

DAILY MAIL by JACK NEWMAN  – 11 March 2022

Ba Sàm lược dịch

Nhóm Anonymous đã xâm nhập vào cơ quan kiểm duyệt truyền thông của Nga và tung ra 340.000 tập tin trong một vụ phá hoại chiến dịch tuyên truyền chiến tranh mới nhất của Putin.

Những tay tin tặc này đã đột nhập vào cơ quan liên bang có tên là Roskomnadzor (Cơ quan Giám sát của Liên bang về Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Đại chúng) để đánh cắp các tài liệu mật, rồi sau đó chuyển cho tổ chức minh bạch Distributed Denial of Secrets (DDoSecrets), nơi đã cho công bố trực tuyến các tài liệu.

Kho tàng 820 gigabyte gồm các email và tệp tin đính kèm, một số có thời gian muộn nhất là ngày 5 tháng 3 (2022), cho thấy Điện Kremlin đang kiểm duyệt bất cứ thứ gì liên quan đến cuộc xâm lược tàn bạo của họ vào Ukraine, mà Moscow gọi là một ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’.

Tin tặc Anonymous cho biết họ ‘cảm thấy gấp rút phải cho người dân Nga cần được tiếp cận thông tin về chính phủ của mình‘, theo DDoSecrets.

Các hồ sơ liên quan đến Bashkortostan thuộc Nga, một trong những nước cộng hòa lớn nhất trong liên bang, với dân số bốn triệu người.

Roskomnadzor, cơ quan giám sát các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga, đã hạn chế quyền truy cập vào Facebook và Twitter, trước khi chặn chúng và cũng đe dọa cắt quyền truy cập vào Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia, do bài báo của họ đưa tin về cuộc xâm lược.

Vào ngày 24 tháng 2 (ngày Nga xâm lược Ukraine), cơ quan này đã ra lệnh cho tất cả các phương tiện truyền thông chỉ được sử dụng các nguồn thông tin chính thức, nếu không sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc vì phát tán ‘tin giả’.

Các từ ‘chiến tranh’, ‘xâm lược’‘tấn công‘ đều bị cấm sử dụng khi mô tả các hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Cơ quan quản lý truyền thông cũng đã chỉnh sửa hồ sơ của mình trên ứng dụng nhắn tin bảo mật Telegram messenger, để viết hoa chữ Z trong tên của cơ quan này, sau khi nó trở thành biểu tượng của cuộc xâm lược của Nga.

Trong thập kỷ qua, cơ quan kiểm duyệt này đã yêu cầu các công ty Mỹ, bao gồm cả Google, phải xóa nội dung về các cuộc biểu tình ở Ukraine, theo Forbes đưa tin.

Nha lãnh đạo và đồng sáng lập DDoSecrets là Emma Best, một chuyên gia rò rỉ thông tin mật có trụ sở tại Hoa Kỳ, người trước đây đã nhắm mục tiêu vào các cơ quan chính phủ Nga và lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ sau các cuộc biểu tình về vụ George Floyd.

David Betz, giáo sư về chiến tranh trong thế giới hiện đại tại trường King’s College London, nhận xét: “Tôi nghĩ điều đó tích cực. Các cơ quan kiểm duyệt nên bị vạch mặt.”

Người ta lo ngại rằng nước Nga có thể bị cắt khỏi mạng internet toàn cầu bất cứ lúc nào kể từ hôm nay và các tin tặc hy vọng dữ liệu sẽ được chia sẻ rộng rãi trong nước trước đó, để tiết lộ hệ thống kiểm duyệt từ hàng ngũ chóp bu của chính phủ.

Trang Battalion 65 hay còn gọi là ‘NB65’, có liên kết với Anonymous, đã đăng một dòng tweet tuyên bố hiển thị thông tin máy chủ của Roscosmos (trong ảnh). Tuy nhiên, người đứng đầu Roscosmos đã phủ nhận tuyên bố và gọi Anonymous là “những kẻ lừa đảo”

Một lá thư từ Andrei Chernenko, Thứ trưởng Bộ kỹ thuật số của Nga, đang kêu gọi các trang web và cổng thông tin thuộc sở hữu nhà nước của Nga tăng cường bảo mật cho đến ngày hôm nay.

Ông ta ra lệnh cho họ chuyển sang các dịch vụ mạng trong nước và xóa mã JavaScript (ngôn ngữ lập trình phổ biến cho các trang web – ND) từ các nguồn nước ngoài đã được tải xuống các máy tính.

Bộ trưởng này cũng chỉ thị các dịch vụ web chuyển sang máy chủ có hệ thống tên miền (DNS) trên đất Nga.

DNS toàn cầu cho phép mọi người trên khắp thế giới sử dụng Internet một cách dễ dàng và tự do, cho thấy Nga có thể tự cắt bỏ hệ thống đó và triển khai hệ thống của riêng mình.

Nga tuyên bố chỉ thị này chỉ nhằm tăng cường an ninh khi đối mặt với các cuộc tấn công mạng lặp đi lặp lại, nhưng các chuyên gia lo ngại đây là dấu hiệu Nga có thể tự ngắt kết nối với internet toàn cầu.

Mikhail Klimarev, giám đốc của Hiệp hội Bảo vệ Internet, cho biết: “Nhìn từ bên ngoài, nó giống như một sự chuẩn bị cho Runet có chủ quyền (hệ thống web riêng cho Nga – ND).”

Đầu tuần này, nhóm Anonymous tuyên bố đã xâm nhập vào kênh truyền hình nhà nước Nga để phát các cảnh quay về cuộc chiến ở Ukraine.

Các tin tặc cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào các đài Russia 24, Channel One và Moscow 24 để cho thấy thực tế của cuộc xâm lược man rợ.

Họ còn nói rằng mình đang tham gia vào “hoạt động ẩn danh lớn nhất từ trước tới nay” trước hành động sỉ nhục ở Nga.

Một phần của đoạn phim được phát sóng trên truyền hình Nga có thông điệp: “những người Nga bình thường chống lại chiến tranh” và kêu gọi họ phản đối cuộc xâm lược.

Và vào tuần trước, các tin tặc tuyên bố đã tắt nguồn hệ thống máy tính của cơ quan vũ trụ Nga để Putin “không còn quyền kiểm soát các vệ tinh do thám”.

Tuyên bố được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã “gấp rút viện trợ cho Nga” để chống lại các cuộc tấn công mạng của phương Tây.

Các báo cáo ở Trung Quốc cho biết tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei, có một số văn phòng ở Anh, đã giúp đỡ những nỗ lực của Vladimir Putin nhằm ổn định mạng internet của Nga, sau khi mạng này bị các nhóm hacker trên toàn cầu tấn công. Trong ảnh, logo Huawei được chiếu sáng bên ngoài tại Đại hội Thế giới Di động GSMA ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào hôm thứ Hai

Các báo cáo ở Trung Quốc cho biết gã khổng lồ công nghệ này, có một số văn phòng ở Anh, đã giúp đỡ những nỗ lực của Putin để ổn định mạng lưới internet của Nga.

Tuần trước, các trang web truyền thông của Nga đã bị tấn công bởi Anonymous, khi họ thay thế các trang bằng một tấm ‘bia mộ’ để vinh danh những người đã chết trong chiến tranh.

Một bài báo xuất hiện trên một trang tin tức của Trung Quốc, nhưng sau đó đã bị xóa, tuyên bố rằng Huawei sẽ sử dụng các trung tâm nghiên cứu của mình để đào tạo “50.000 chuyên gia kỹ thuật ở Nga”.

Nó cho biết thêm rằng công ty dự kiến ​​sẽ mở rộng “sang các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và nhận dạng khuôn mặt”.

“Nếu Nga đã nghĩ được rằng trong một khoảnh khắc nào đó, Trung Quốc sẽ đi chệch hướng thì họ đã không xâm lược Ukraine.”

Các công ty Trung Quốc đang lo sợ về các lệnh trừng phạt thứ cấp từ Mỹ nếu họ bị phát hiện đang giúp các công ty Nga trốn tránh các biện pháp này.

Huawei đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, được đưa ra vào năm 2019 vì lo ngại an ninh quốc gia và đã bị cấm cung cấp thiết bị cho mạng 5G của Vương quốc Anh.

Người phát ngôn của Huawei cho biết: “Câu chuyện này là không đúng sự thật và dựa trên thông tin không chính xác và sai sự thật từ một bài báo đã được sửa chữa.”