Đôi lời: trong nỗi buồn tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma, có niềm vui là đất nước có được một sự kiện tưởng nhớ hiếm hoi này, nhưng lại vẫn còn một nỗi buồn khác – vốn kéo dài suốt từ … thế kỷ trước cho tới tận hôm nay và không biết sẽ tới khi nào.
Hàng loạt báo đài đưa tin, song thế hệ trẻ … con, nếu chỉ tin vào đó, sẽ không biết kẻ thù nào đã sát hại dã man các chiến sĩ ta, không khéo lại tưởng là … cướp biển.
Có vẻ như chỉ có ba báo đài “lớn” là TTXVN, VTV/(video), VOV mới được tham gia đưa tin chính, các báo đài “nhỏ” phải đăng lại nguyên văn hoặc thêm bớt đôi chút.
Tất cả đều không có một đoạn nào trích nguyên văn lời nói của Thủ tướng, mà toàn là những “chế tác” của tòa soạn báo.
Đài Á châu Tự do RFA cũng không nhận ra hoặc coi là bình thường điều này, nên đưa tin kiểu “hồ hởi phấn khởi” vì nhắc tới hai chữ “Trung Quốc” nhiều lần, làm người đọc dễ nhầm lẫn, tưởng báo chí quốc doanh cũng được chạm vào thứ húy kỵ đó trong một sự kiện quan trọng như vậy.
Vấn đề còn lại nữa, liệu Thủ tướng có biết là việc làm nghĩa cử của mình sẽ/đã được đưa tin theo cách này hay không?
Có thể tạm giải đáp cho câu hỏi, nếu như thử lần tìm tin bài hơn một tháng trước, Thủ tướng dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, độc giả cũng không hề được biết “ngày 17/2/1979, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209 …” bị giặc nào giết hại.
Ba Sàm
12/03/2022 19:40 GMT+7
TTO – Chiều 12-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Chính phủ đã dâng hương tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Khánh Hòa, chiều 12-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma và thăm, tặng quà các lực lượng thuộc Vùng 4 Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, sau khi dâng hương tại tượng đài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên trong đoàn công tác Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã dâng hương tại khu mộ gió của 64 anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao năm 1988, thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Ghi sổ vàng lưu niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là những tấm gương chói sáng minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, tại xã Cam Hải Đông nhằm để tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào ngày 14-3-1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu tưởng niệm đi vào hoạt động từ tháng 7-2017 với vốn đầu tư hơn 130 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và người lao động trong cả nước.
Khu tưởng niệm gồm 5 khu vực: quảng trường lối vào; tượng đài chiến sĩ Gạc Ma; khu trưng bày ngầm; mộ gió và quảng trường Hòa bình; con đường hoài niệm. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án thông ra biển vẫn chưa được thực hiện.
Tại buổi dâng hương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng trao đổi cùng Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa về việc xây dựng, phát huy giá trị của khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma trong thời gian đến.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: trong thời gian tới, cần đầu tư mở rộng khu tưởng niệm Gạc Ma về phía biển, tạo lập không gian văn hóa biển đảo để tạo sự kết nối với khu chính của khu lưu niệm.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã tới thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn tàu ngầm 189 và Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân.
Thủ tướng mong muốn cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng; nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục xây dựng mối đoàn kết nội bộ, chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng thực thi nhiệm vụ; kiên quyết không để bị động, bất ngờ; hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Khảo sát thực địa tại huyện Cam Lâm, sau khi nghe giới thiệu định hướng quy hoạch xây dựng đô thị sân bay Cam Lâm theo tinh thần nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng quy hoạch, đô thị sân bay Cam Lâm để “biến” Cam Lâm từ một vùng nông thôn, miền núi thành thành phố hiện đại xanh và thông minh. Theo đó, nơi đây phải trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ, trung tâm trí tuệ, giáo dục, y học hàng đầu.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương, nhà đầu tư khẩn trương tiến hành xây dựng quy hoạch và thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật, xây dựng các khu tái định cư trước cho người dân, đảm bảo đồng bộ, chất lượng; bảo tồn và phát huy văn hóa của người dân sở tại; tạo công ăn việc làm, sinh kế lâu dài cho người dân; đảm bảo cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng dự án có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, để người dân được hưởng lợi và ủng hộ dự án…, trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
“Đây là việc khó nên phải phối hợp, bàn bạc, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhau; dễ làm trước, khó làm sau; biến từ không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.