3202. Không còn trung lập? Chiến tranh ở Ukraine thử nghiệm lập trường của Phần Lan đối với Nga

Thủ tướng Phần Lan, Sanna Marin, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tổ chức ở Versailles, Pháp, vào ngày 11 tháng 3 năm 2022. © Ludovic Marin, AFP

Phần Lan có truyền thống đi theo đường lối trung lập cẩn trọng để tránh đối đầu với nước Nga láng giềng. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine đang thay đổi thái độ của công chúng, và việc gia nhập NATO ngày càng trở thành một khả năng thực tế.

FRANCE 24 by Grégoire SAUVAGE 19/03/2022 

Ba Sàm lược dịch

Hai mươi năm trước, việc gia nhập NATO là điều không tưởng ở Phần Lan. Nhưng một sự thay đổi lịch sử trong dư luận hiện đang diễn ra, với một cuộc khảo sát được công bố vào ngày 28 tháng 2 cho thấy lần đầu tiên phần lớn dân số (53%) ủng hộ việc gia nhập liên minh Đại Tây Dương – tăng 25% kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu.

Đến ngày 14 tháng 3, một cuộc thăm dò dư luận thứ hai cho thấy sự ủng hộ gia nhập NATO đã tiếp tục tăng – lên 62%.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, những lo ngại về an ninh gia tăng đã thúc đẩy các chính trị gia Phần Lan xem xét những thay đổi chính sách mạnh mẽ khỏi sự trung lập truyền thống của đất nước. Trong một động thái chưa từng có, Thủ tướng Sanna Marin ngày 28/2 tuyên bố Phần Lan sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại lực lượng Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã đánh giá rằng “những cái đầu lạnh” đã thắng thế khi đưa ra quyết định về tư cách thành viên NATO.

“Đó là mối xúc cảm chính của công luận,” Maurice Carrez, giáo sư tại Sciences Po Strasbourg và là chuyên gia về lịch sử Phần Lan đánh giá. Ông nói thêm rằng hai trong số các đảng chính trị lớn nhất ở Phần Lan là Đảng Dân chủ Xã hội và Liên minh Quốc gia đều ủng hộ NATO.

“Tổng thống Phần Lan muốn nhắc nhở mọi người rằng họ phải tránh đưa ra quyết định hấp tấp.

Những cảnh báo từ Nga

Đối với 5,5 triệu dân của Phần Lan, điều này có nghĩa là phải giữ bình tĩnh khi đối mặt với các mối đe dọa ngày càng leo thang từ Nga.

“Phần Lan và Thụy Điển đang nhận được cảnh báo thường xuyên từ Nga,” Chiara Ruffa, phó giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, nói với FRANCE 24. “Vào đầu tháng 3, chẳng hạn, bốn máy bay chiến đấu của Nga đã xâm phạm không phận Thụy Điển trong khi quân đội Thụy Điển và Phần Lan đang tiến hành các cuộc tập trận trên đảo Gotland [ở biển Baltic].

“Không ai thực sự tin rằng một cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng đã trở nên rất rõ ràng rằng chúng tôi cần phải chuẩn bị cho tình huống đó,” bà nói thêm.

Mối đe dọa hiện tại từ Nga được cho là đã trở nên rõ ràng vào năm 2014, khi các lực lượng của nước này tiến vào Ukraine và sáp nhập Crimea. Giờ đây, “sự di chuyển của quân đội Nga đến gần biên giới với các nước Baltic cũng đóng một vai trò trong việc gây ra những lo ngại đã được chứng minh là thực tế”, GS. Carrez nói.

Do đó, Phần Lan đã và đang hiện đại hóa quân đội của mình và xích lại gần hơn với NATO, ngay cả khi nước này chưa phải là thành viên.

Năm 2014, Phần Lan đã ký một hiệp ước cho phép quân đội NATO hỗ trợ và quá cảnh qua đất nước trong thời gian khủng hoảng. Và vào năm 2022, NATO tuyên bố sẽ đưa Phần Lan vào liên minh chia sẻ thông tin trong cuộc chiến ở Ukraine.

Những ký ức về Chiến tranh Mùa đông

Nỗi sợ hãi về một cuộc tấn công của Nga ở Phần Lan cũng có nguồn gốc từ Thế chiến II. Biên giới phía đông Phần Lan với Nga dài hơn 1.300 km, và ký ức chung về các lực lượng Nga xâm phạm vào đây năm 1939 vẫn còn nguyên giá trị.

Trong Chiến tranh Mùa đông diễn ra sau đó, Phần Lan đã mất hơn 80.000 binh sĩ trong các trận chiến ác liệt với lực lượng Nga.

Cuộc chiến đã giúp rèn luyện bản sắc dân tộc Phần Lan, mặc dù quốc gia này đã giành độc lập vào năm 1917, sau hơn một thế kỷ là một phần của Đế chế Nga.

“Sau khi độc lập, đã có một cuộc nội chiến khủng khiếp,” Carrez nhận xét. “Nhưng khi Chiến tranh Mùa đông bắt đầu, một số bộ phận lãnh thổ quốc gia đã biến mất. Ngày nay người Phần Lan hãy nhớ đến Chiến tranh Mùa đông là ngày khai sinh ra quốc gia Phần Lan”.

Chiến tranh kết thúc với việc Phần Lan nhượng lại lãnh thổ cho Nga nhưng vẫn giữ được độc lập. Kể từ đó, Phần Lan đã áp dụng một lập trường chính trị cân bằng cẩn thận để tránh gây mối thù với nước láng giềng.

Năm 1948, Phần Lan và Nga đã ký Hiệp định Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ, khẳng định sự trung lập của Phần Lan trong những thập kỷ tới.

Theo Carrez “Phần Lan luôn cố gắng thể hiện mình là một quốc gia trung lập, kể cả giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Rõ ràng, đó là một sự trung lập bị ép buộc, liên quan đến sự hiện diện của một quốc gia rất mạnh ở biên giới Phần Lan.

Ưu và nhược điểm

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Phần Lan chuyển trọng tâm sang phương Tây. Đường lối đó được duy trì khi nước này gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1995, nhưng vẫn giữ thái độ trung lập về quân sự bằng cách từ chối gia nhập NATO. Nước láng giềng Thụy Điển cũng đưa ra lựa chọn tương tự.

Giờ đây, Quốc hội Phần Lan sẽ mở lại các cuộc thảo luận vào tháng 4 về việc có gia nhập NATO hay không, sau khi một báo cáo về rủi ro và lợi ích đã được trình bày. Lợi thế chính sẽ là sự bảo vệ về quân sự do các đồng minh NATO cung cấp trong trường hợp bị tấn công, theo Điều 5 của hiệp ước NATO.

Nhưng điều này cũng có thể có nhược điểm. “NATO có đưa ra biện pháp bảo vệ thực sự không? Nó có thể phản tác dụng,” Carrez phân tích. Bất chấp những căng thẳng trong lịch sử, cũng có những mối quan hệ thực sự liên kết Nga với Phần Lan, và một cộng đồng lớn nói tiếng Nga sống ở đó.

Theo văn phòng thống kê Eurostat của EU, việc liên kết với phương Tây cũng có thể gây tổn hại đến quan hệ kinh tế với Nga, một đối tác thương mại quan trọng và hiện cung cấp hơn 97% tổng lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng ở Phần Lan.

Mặc dù chưa có yêu cầu nào được đưa ra, nhưng NATO cho biết họ sẽ chấp nhận đơn xin gia nhập liên minh của Phần Lan hoặc Thụy Điển.

 “Các chuyên gia đã nói rằng quá trình này có thể diễn ra tương đối nhanh,” theoRuffa. “Ai cũng biết rằng Thụy Điển và Phần Lan có năng lực quân sự cần thiết và khả năng tương tác ở mức độ cao vì cả hai nước đều đã tham gia nhiều nhiệm vụ chung với NATO.”