3204. Nga có thể phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh ở Ukraine?

Một phụ nữ với một đứa trẻ sơ tán khỏi một tòa nhà dân cư bị phá hủy bởi các cuộc pháo kích của lực lượng Nga ở Kyiv, Ukraine, vào tháng 3 năm 2022. Reuters

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh vì các hành động của lực lượng Nga ở Ukraine. Liệu các nhà lãnh đạo Nga có thể bị đưa ra công lý theo luật pháp quốc tế hay không?

COUNCIL on FOREIGN RELATIONS by David J. Scheffer – March 17, 2022

Ba Sàm lược dịch

Tội ác chiến tranh nào đang được thực hiện ở Ukraine?

Việc Nga xâm lược Ukraine cấu thành tội xâm lược, theo luật pháp quốc tế.

Cáo buộc chính đối với các nhà lãnh đạo cấp cao của Đức Quốc xã tại phiên tòa Nuremberg và Nhật Bản tại phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Tokyo là “tội ác chống lại hòa bình”, nghĩa là khơi mào một cuộc chiến tranh xâm lược. Các phiên tòa này dẫn đến kết án gần bốn chục thủ phạm gây hấn. Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 đã bổ sung thêm tính bất hợp pháp của chiến tranh xâm lược (trái ngược với chiến tranh phòng thủ) trong luật pháp quốc tế.

Do về tổng thể đều thuộc nhóm tội xâm lược, nên mọi hành vi sử dụng vũ lực của Nga trên lãnh thổ Ukraine đều có thể bị coi là bất hợp pháp. Hơn nữa, quân đội Nga tiếp tục phạm nhiều tội ác tàn bạo khác nhau, bao gồm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng.

Tội ác chiến tranh. Các phương tiện truyền thông đưa tin chưa từng có về cuộc xâm lược của Nga đã ghi lại tội ác chiến tranh trong thời gian thực. Quân đội Nga đã nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự bao gồm các tòa nhà chung cư, bệnh viện, nhà máy, cửa hàng, nhà thờ, trường học và các địa điểm văn hóa. Ngay cả khi có mục tiêu quân sự, nếu sử dụng vũ lực không cân xứng, trong khi biết rằng cuộc tấn công có thể gây chết người hoặc thương tích cho dân thường hoặc làm hư hại các công trình dân sự, thì cũng là một tội phạm chiến tranh.

Các chiến thuật bao vây để bỏ đói thường dân với mục đích buộc phải đầu hàng, hoặc buộc họ phải chạy trốn tị nạn, hiện có gần ba triệu người, đều thể hiện tội ác chiến tranh rõ ràng, cũng như bất kỳ việc sử dụng bom bi hay cái gọi là bom chân không vào các khu vực dân sự cũng vậy. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đã ám chỉ là có khả năng sẽ cấu thành tội ác chiến tranh vì những thiệt hại liên quan đến tính mạng và tài sản của dân thường. Việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học chống lại bất kỳ mục tiêu nào – dân sự hay quân sự – cũng sẽ như vậy.

Những tội ác chống lại loài người. Cuộc xâm lược của Nga có khả năng cũng liên quan đến tội ác chống lại loài người, những tội ác được thực hiện như một phần của các cuộc tấn công trên diện rộng hoặc có hệ thống nhằm vào dân thường, bao gồm cả nhận thức về các cuộc tấn công đó. Những tội ác như vậy gồm có giết người, cưỡng bức chuyển giao một số dân cư, tước đoạt nghiêm trọng quyền tự do thể chất trong sự vi phạm các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ngược đãi các nhóm dân thường có thể xác định được danh tính, bạo lực tình dục và các hành vi vô nhân đạo có tính cách tương tự cố ý gây ra đau khổ lớn hoặc thương tích nghiêm trọng đối với cơ thể hoặc sức khỏe tinh thần hoặc thể chất.

Tội ác diệt chủng. Các công tố viên cũng có thể điều tra các cáo buộc về tội diệt chủng, trong đó đòi hỏi có sự cố ý tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần của một nhóm người thuộc quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Diệt chủng không chỉ bao gồm giết người, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm (trong trường hợp này là những người mang quốc tịch Ukraine) hoặc cố ý gây ra các cảnh ngộ, một cách có tính toán, cho nhóm người để dẫn đến tình trạng hủy diệt toàn bộ hoặc một phần về thể chất. Tuy nhiên, việc chứng minh ý định diệt chủng của các nhà lãnh đạo cấp cao của Nga có thể khó khăn.

Điều tra có thể tiến hành như thế nào?

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi có quyền tài phán đối với Ukraine, gần đây đã bắt đầu một cuộc điều tra lớn sau khi bốn mươi quốc gia chính thức chuyển vụ việc cho công tố viên. Ngoài ra, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cũng đang thành lập một ủy ban điều tra, và một số chính phủ, Liên minh châu Âu và các tổ chức phi chính phủ đang triển khai các nỗ lực điều tra của riêng họ. Điều này dẫn đến cam kết về nguồn lực chưa từng có cho các cuộc điều tra tội phạm tàn bạo trong một khoảng thời gian ngắn.

Dù cuối cùng thì loại tội phạm tàn bạo nào cũng phải bị truy tố, song việc dàn dựng có hệ thống rõ ràng từ trên xuống trong chiến dịch quân sự của Nga sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chứng minh cho các công tố viên. Ngoài ra, báo cáo liên tục của các phương tiện truyền thông đóng vai trò như tài liệu thời gian thực, do đó khiến các nhà lãnh đạo Nga khó có thể ngụy biện về những tội ác tàn bạo đang diễn ra ở Ukraine. Tuy nhiên, họ ngang nhiên phát đi những ý định gây hấn của mình và có vẻ như họ không làm gì để ngăn chặn những tội ác như vậy hoặc trừng phạt những kẻ vi phạm. Do đó, việc xây dựng hồ sơ một vụ án chống lại họ có thể dễ dàng hơn.

Hoa Kỳ có thể đóng vai trò gì trong việc yêu cầu trách nhiệm giải trình?

Mặc dù Hoa Kỳ không phải là một thành viên của ICC, nhưng nước này có thể có một vai trò quan trọng, đặc biệt là khi Tổng thống Joe Biden khẳng định gần đây rằng Putin là một tội phạm chiến tranh.

Washington có thể sắp xếp việc thu thập và cung cấp thông tin từ nhiều nguồn, bao gồm cả người tị nạn, hình ảnh vệ tinh và các khóa điện tử đã được giải mật. Trên thực tế, bất chấp sự phản đối lâu dài đối với ICC từ đảng Cộng hòa (*), một số thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng này đã đưa ra một nghị quyết hỗ trợ các nỗ lực điều tra của tòa án. Quân đội Hoa Kỳ cũng có thể trợ giúp bằng cách phân tích “lệnh tác chiến” của quân đội Nga, cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà điều tra và công tố viên.

(*) Mỹ ‘găng’ với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC): Tưởng quen, hóa lạ

Ngoài ra, Washington có thể hỗ trợ Ukraine xây dựng các trường hợp phạm tội ác chiến tranh nhắm vào các binh lính và sĩ quan Nga. Chính quyền Biden có thể ngay lập tức đưa ra sáng kiến ​​tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc Liên hợp quốc ký hiệp ước với chính phủ Ukraine để thành lập một tòa án đặc biệt. Cơ quan này sẽ có thể truy tố các tội ác xâm lược của các nhà lãnh đạo Nga mà ICC không có thẩm quyền tài phán để thực hiện. Các hiệp ước của Liên hợp quốc thành lập Tòa án đặc biệt cho Sierra Leone [PDF]Phòng xét xử đặc biệt tại các Tòa án về Campuchia [PDF] hai thập kỷ trước đây đóng vai trò là hình mẫu.

Hồ sơ theo dõi của Nga về việc điều tra những vụ lạm dụng như vậy là gì?

Liên Xô đóng một vai trò quan trọng trong và sau Thế chiến II để điều tra và truy tố các tội ác chiến tranh của Đức Quốc xã, bao gồm cả việc Đức Quốc xã chiếm đóng các thành phố của Ukraine như Kharkiv và Kyiv. Từ năm 1943 đến năm 1952, Liên Xô truy tố ước tính khoảng 80.000 người là tội phạm hoặc cộng tác viên của Đức Quốc xã. Các quan chức Liên Xô cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc thành lập tòa án Nuremberg và việc truy tố các tội ác xâm lược. Trong những năm 1990, Nga đã ủng hộ việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế cho Nam Tư cũRwanda.

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Điện Kremlin đã không thúc ép việc thực thi luật pháp trong nước liên quan đến các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài. Do đó, việc mong đợi Moscow trong tương lai hợp tác với ICC hoặc với bất kỳ tòa án đặc biệt nào được thành lập để điều tra tội ác tàn bạo, truy tố tội xâm lược là không thể xảy ra.

Trong trường hợp có những kẻ đào tẩu bị truy tố, liệu các biện pháp trừng phạt có thể giúp buộc họ đầu hàng không?

Các biện pháp trừng phạt kinh tế chủ yếu sẽ cung cấp đòn bẩy để buộc Nga rút quân và khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Nếu các biện pháp trừng phạt cuối cùng được dỡ bỏ theo từng giai đoạn, nó có thể tỏ ra hiệu quả khi bao gồm các điều kiện yêu cầu sự đầu hàng của những kẻ đào tẩu bị truy tố. Chiến thuật này đóng vai trò là động lực mạnh mẽ cho việc các nhà lãnh đạo bị truy tố như Slobodan Milosevic đầu hàng trước tòa án cho Nam Tư cũ ở The Hague. Tuy nhiên, Serbia không sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy những nỗ lực sử dụng đòn bẩy tương tự đối với những kẻ đào tẩu Nga bị kết tội được che chắn bởi một cường quốc hạt nhân sẽ tỏ ra rất rủi ro.

Nga sẽ phải bồi thường?

Việc hủy hoại lượng tài sản khổng lồ và các thiệt hại tài chính khác sẽ nêu bật trách nhiệm của Nga, đó là cuối cùng phải chi trả cho việc tái thiết Ukraine và bồi thường cho người dân của họ. Chắc chắn vấn đề bồi thường sẽ được đưa ra trong các cuộc đàm phán để giải quyết xung đột và như một điều kiện quốc tế để nối lại bất kỳ mối quan hệ bình thường nào với Nga.

Các nước phương Tây sẽ mạnh mẽ thách thức bất kỳ kỳ vọng nào của Nga rằng các quốc gia khác sẽ chịu toàn bộ chi phí để phục hồi Ukraine. Trong khi Kế hoạch Marshall sau Thế chiến II, do Hoa Kỳ lãnh đạo, đã giúp xây dựng lại một châu Âu bị tàn phá, thì lần này Nga không nên trông đợi sự trợ giúp từ bên ngoài theo kiểu như vậy. Nó vẫn là một nền kinh tế và xã hội có thể đứng vững được bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế, và nó phải chịu trách nhiệm trực tiếp với tư cách là quốc gia đi xâm lược.

Tác giả: David J. Scheffer là thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), tập trung vào luật pháp quốc tế và tư pháp hình sự quốc tế. Ông còn là Giáo sư danh dự và Giám đốc danh dự của Trung tâm Nhân quyền Quốc tế tại Trường Luật Northwestern Pritzker ở Chicago, Giáo sư Quốc tế tại KU Leuven (Bỉ), Giáo sư Thực hành tại Đại học Bang Arizona, và Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Kỳ về Luật Quốc tế. Từ năm 2012 đến năm 2018, ông là Chuyên gia đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Hỗ trợ của Liên hợp quốc cho các Tòa án xử Khmer Đỏ.