3244. LHQ đình chỉ Nga ở Hội đồng Nhân quyền: các báo “quên” đưa tin lá phiếu chống của VN

Đôi lời: Vậy là lần này Việt Nam đã “dấn thêm” một bước, không bỏ phiếu trắng trong nghị quyết chống lại Nga như hai lần trước. Lý do? Có lẽ do Nga đã dọa nước nào bỏ phiếu trắng cũng bị coi đó là “cử chỉ không thân thiện”? Thậm chí cả việc Trung Quốc đã tuyên bố trước là sẽ chống?

Không biết cuộc vận động của VN suốt từ cả năm trước để được tham gia vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 liệu có thuận lợi hơn sau vụ này, hay là ngược lại.

Chỉ thấy rõ ngay một điều … lạ, cho làng báo quốc doanh, là cho đến 7h sáng nay, có đến hơn chục báo đã đã tin về vụ này, nhưng không một tờ báo nào nhắc tới lá phiếu chống của VN. Đến báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao VN cũng vậy – không thấy “tự hào” về quyết định “sáng suốt” của mình hay sao?

Buồn hay … vui vì hiện tượng đó? Các báo, theo chỉ đạo, không muốn dân phẫn nộ? Hay ngược lại, chính họ thấy bất bình, nên lờ đi lá phiếu đang thể hiện đường lối đối ngoại cây tre“, “đúng đắn”? Dẫu sao thì cách đưa tin kiểu “đồng phục” đó cũng lại thêm một điều đáng xấu hổ cho nền báo chí nước nhà.

Bổ sung, 12h: theo bài “Việt Nam nói gì tại phiên họp loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền?” thì cái lý của VN là mọi sự phải theo đúng “quy trình”, nghe có vẻ bùi tai. Tuy nhiên, lý đó chỉ phù hợp với phiếu trắng (như Ấn Độ và nhiều nước khác), còn phiếu chống là rất khác, khó biện minh nổi.

BS

LHQ tạm đình chỉ Nga ở Hội đồng Nhân quyền: Việt Nam cùng Lào và TQ chống lại

BBC

Cập nhật 3 giờ trước

Kết quả bỏ phiếu đình chỉ tư cách của Liên bang Nga trong Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 07/04/2022

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm 07/04/2022 đã đình chỉ Nga tạm thời, đưa nước này ra khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ vì các tin tức về “các hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền tổng thể và có hệ thống” của quân Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine.

Có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 58 bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia bỏ phiếu chống, gồm CHXHCN Việt Nam.

Việt Nam và Lào lại một lần nữa bỏ phiếu giống Trung Quốc, điều này khiến Hà Nội và Vientianne khác hẳn các nước còn lại trong khối Asean trong lựa chọn ngoại giao về Nga.

Nga đã cảnh báo các nước rằng lần này, ai bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Nga coi là một “cử chỉ không thân thiện”, theo Reuters.


Liên Hiệp Quốc đình chỉ tư cách thành viên Nga tại Hội đồng Nhân quyền

Tuổi trẻ

07/04/2022 23:29 GMT+7

TTO – Nghị quyết kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Theo báo New York Times, nghị quyết được tính là thông qua nếu có đến 2/3 số phiếu thuận và không tính phiếu trắng. Cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các lá phiếu có sức nặng ngang nhau.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsy, người đầu tiên phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, gọi việc đình chỉ Nga “không phải là một lựa chọn, mà là một nghĩa vụ”.

Đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước phản đối việc đình chỉ Nga với lập luận rằng hành động này là ủng hộ việc tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.

Trước cuộc bỏ phiếu, Trung Quốc tuyên bố sẽ không ủng hộ việc đình chỉ Nga vì cho rằng động thái này có thể làm trầm trọng thêm cuộc chiến và cần phải điều tra thêm về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine. Brazil, Ai Cập, Mexico, Iran và Nam Phi ủng hộ quan điểm này. 

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã “cảm ơn” tất cả những nước bỏ phiếu ủng hộ, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin lấy làm tiếc về quyết định của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. “Chúng tôi rất tiếc về điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình bằng mọi cách”. 

Theo báo New York Times, Nga sẽ vẫn là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhưng không thể đề xuất các nghị quyết hay tham gia thảo luận về các vấn đề tại cơ quan này, ngoại trừ những vấn đề liên quan trực tiếp đến Nga. Việc đình chỉ sẽ kết thúc khi Đại hội đồng quyết định dỡ bỏ hoặc cho đến cuối năm 2023, khi nhiệm kỳ thành viên của Nga kết thúc.

Đây không phải là lần đầu tiên một thành viên Hội đồng Nhân quyền bị đình chỉ tư cách thành viên, trường hợp gần nhất trước Nga là Libya vào tháng 3-2011. Tuy nhiên theo Hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên 1 trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an bị đình chỉ tư cách thành viên trong một cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng Nhân quyền là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), ra đời vào năm 2006 nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền toàn cầu.

Cơ quan này gồm 47 thành viên được bầu chọn, phân chia theo tỉ lệ đại diện các khu vực địa lý thế giới. Nga đại diện cho các nước Đông Âu với nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu từ tháng 1-2021.


Liên quan: