Đôi lời: tất cả chỉ vì “bệnh thành tích” hay có cả, thậm chí chủ yếu, từ bệnh … tham tiền? Báo chí chỉ có thể phản ánh phần rất nhỏ của muôn thủ đoạn “làm tiền”, cả tinh vi, lẫn trắng trợn, trong đó thường thông qua cái gọi là “ban phụ huynh” để ép “đóng góp” tới hàng triệu, …
Đó là chưa nói tới lối làm việc, đưa tin như thể “toa rập” giữa báo chí-phòng GD-nhà trường, như trong bài Vụ học sinh yếu bị ép không thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Phòng GD báo cáo gì?, cũng mới ra sáng nay. Chỉ làm việc với nhà trường, không thèm tìm hiểu qua nhiều học sinh, phụ huynh, thử hỏi ai tin được họ?
Bộ Giáo dục lại chỉ hứa “xử lý nghiêm nếu có” – một “đặc sản” tổ hợp của thói quan liêu, vô trách nhiệm, bất lực và che đậy tiêu cực.
Mới đây, Bộ Chính trị họp “xem xét thành lập ban chỉ đạo chống tham nhũng cấp tỉnh“. Vậy không khéo còn phải lập thêm cả loại này ở cấp … sở, phòng, trường nữa cũng nên?
BS
Hà Nội: Giáo viên ép học sinh không thi vào lớp 10 vì… học dốt?
20/04/2022 11:16 GMT+7

Tâm trạng tan nát của những phụ huynh có con “học dốt”
Ngày 19-4, thông tin được cho là lan truyền từ một group phụ huynh một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết nhiều trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm gặp riêng gia đình để khuyên ký cam kết không cho con thi vào lớp 10. Lý do là học sinh có lực học trung bình, không chăm học, không thể thi đỗ lớp 10 được.
Cũng theo thông tin từ phụ huynh, họ còn được giáo viên nhắc khéo nếu con cố tình thi lớp 10 sẽ không được xét tốt nghiệp THCS. Ngược lại, nếu con đồng ý học trường THPT tư thục hay trường nghề, con sẽ được nâng đỡ để đạt học sinh tiên tiến, có học bạ đẹp để xét tuyển.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhiều phụ huynh có con học lớp 9 của năm học trước và hiện đang học lớp 10 xác nhận họ đã được “tư vấn” tương tự.
“Cô nói với con thi làm sao được mà học. Tốt nhất là học nghề, hay vào trường tư. Con gái tôi về nhà đã khóc rất nhiều. Khi mời các phụ huynh có con ‘học dốt’ đến gặp, tôi cũng được cô nhắc lại điều tương tự nên đã cam kết không cho con tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Nhưng con tha thiết thi quá, tôi đành đến xin rút lại và lại được nghe điệp khúc ‘mẹ nghĩ kỹ đi, không thi được đâu, chỉ tốn tiền’. Tôi không biết việc thi tốn tiền bao nhiêu, nhưng nếu cho con học trường tư với mức học phí 6-8 triệu đồng/tháng, gia đình tôi mới thật sự khó khăn”, phụ huynh có con học một trường THCS ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ.
Chị Q.H., một phụ huynh có con trai học lớp 9 năm học trước tại trường THCS L.Y., cũng kể với Tuổi Trẻ Online: cô giáo chủ nhiệm gặp riêng tôi cho biết con tôi học dốt thế thì có thi vào lớp 10 cũng trượt vào trường công lập, tốt nhất là nên cho con học trường tư thục hoặc học nghề.
Tại buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giới thiệu luôn trường nghề để phụ huynh chọn. Đây cũng là trường nghề từng ‘chào mời’ phụ huynh đi tham quan trường.
“Trước đó, cô nhiều lần nói với con: ‘Cậu dốt thế thì học hành gì, thi làm sao được mà học’, nên con bị tâm lý hoang mang. Một số học sinh như con tôi bỏ hẳn ý định thi sau những nhận xét, gợi ý của cô giáo.
Bản thân tôi cũng định buông xuôi theo gợi ý của cô nhưng con gái lớn tôi cho rằng “phải để em cố gắng trước đã”. Con bé đã lên kế hoạch ôn tập với em trong 2 tháng để lấp lỗ hổng kiến thức và kết quả con trai tôi đã thi đỗ vào một trường THPT công lập, còn dư điểm.
Điều cứu vớt con trai tôi không phải chuyện thi đỗ trường công mà là con đã có niềm tin vào bản thân, không phải ‘dốt nát, hết cách thay đổi’ như cô giáo nói”, chị Q.H. tâm sự.
Cũng theo chị Q.H., trường con chị nhiều học sinh là con dân lao động phổ thông nên sức học cũng không cao, có gần một nửa số học sinh trong lớp được giục bỏ thi lớp 10, nhưng số em may mắn như con chị không nhiều.
Từ mục tiêu “phân luồng” đến những hoài nghi về sự tiêu cực
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, giáo viên THCS một số trường cho rằng thông tin lan truyền trên mạng “chỉ có một phần sự thật”. Vì không có chuyện ‘tư vấn’ cho hàng loạt học sinh từ mức khá trở xuống, những trường hợp được ‘tư vấn’ học nghề không nhiều.
Theo một hiệu phó một trường ở quận Hai Bà Trưng, việc tư vấn hướng nghiệp nhằm mục tiêu phân luồng sau THCS được xem là nhiệm vụ của các trường THCS. Nhưng mỗi trường, mỗi giáo viên phụ trách lớp 9 sẽ có cách làm khác nhau, thậm chí là rất khác.
“Trường tôi mỗi lớp cũng có khoảng 1-3 học sinh thuộc diện mất nền tảng kiến thức, không chăm, đến thuộc một đoạn thơ có khi cũng khó. Những trường hợp như thế thì đúng là khó thi đỗ lớp 10.
Việc tư vấn cho phụ huynh và học sinh những hướng đi khả thi hơn, tôi thấy không có gì sai. Ở đây chỉ là cách làm của giáo viên như thế nào. Việc nhận xét tiêu cực trực diện với học sinh chứng tỏ nghiệp vụ của giáo viên không ổn, nó khiến trẻ bị tự ti, thậm chí sốc. Những vụ trẻ bị sang chấn tâm lý, thậm chí tự tử có thể cũng từ những hành xử vô tình này.
Tuy nhiên tôi khẳng định, việc giáo viên nào nói với học sinh không cam kết bỏ thi sẽ đánh trượt tốt nghiệp là không đúng, không được phép”, vị hiệu phó trên cho biết.
Đằng sau việc ‘tư vấn’ là gì? Vì thành tích của giáo viên, của trường (khi loại được học sinh yếu kém), hay vì trường THCS có sự ‘bắt tay’ với các trường THPT tư thục, trường trung cấp nghề để thu hút nguồn tuyển sinh? Những hoài nghi sau sự việc này đang làm cho tâm lý tiêu cực của phụ huynh, học sinh trở nên nặng nề.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Xuân Tiến – phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội – cho biết sở đã nắm được thông tin và đang xác minh sự việc. Trong ngày 20-4, sở sẽ có văn bản gửi cho các trường THCS yêu cầu các trường chấn chỉnh việc tư vấn hướng nghiệp, không để tình trạng ép học sinh bỏ thi, học trường tư hay học nghề.
“Học sinh có thể có những lựa chọn học nghề, học trường THPT tư thục, nhưng không có nghĩa là phải bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Tư vấn định hướng nghề nghiệp để phụ huynh và học sinh có thông tin, lựa chọn tự nguyện chứ không được phép ép buộc. Những hứa hẹn ‘nâng điểm’ để có học bạ đẹp nếu học nghề và học trường THPT tư thục, nếu có bằng chứng sẽ phải xử lý nghiêm khắc vi phạm’, ông Phạm Xuân Tiến cho biết.
Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật về sự việc này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác minh thông tin
Sáng 20-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã nhận được thông tin phản ánh về trường hợp học sinh lớp 9 tại Hà Nội có học lực không tốt bị yêu cầu cam kết không thi vào lớp 10. Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ sự việc và yêu cầu địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.
Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cung cấp địa chỉ để tiếp nhận cung cấp thông tin về sự việc trên từ phụ huynh và người dân. Thông tin gửi về địa chỉ email: trungtamtruyenthonggiaoduc@moet.edu.vn, hoặc liên hệ qua số điện thoại: 0985.111179 và 0943.316147.
VĨNH HÀ
Vụ ‘ép học sinh kém không thi lớp 10’: Động thái đầu tiên của Sở Giáo dục Hà Nội
20/04/2022 10:36 (GMT+07:00)
Đêm qua, dư luận xôn xao trước thông tin trường học ở Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10. Giám đốc Sở nói gì?
Trao đổi với VietNamNet sáng nay 20/4, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở GD-ĐT đang cho kiểm tra những thông tin phản ánh về việc này và xử lý nếu có vi phạm.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã có chỉ đạo yêu cầu Trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên; đồng thời quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả các trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký dự thi lớp 10 trong năm học này và các năm học tiếp theo.
Các trưởng phòng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng trên.
Theo Sở GD-ĐT, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau cấp THCS, nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.
Đã ‘ồn ào’ nhiều năm ở Hà Nội
Thực hư thông tin chưa thể kết luận, song nhiều người cho hay, nếu là sự thật thì là điều quá phi lý và phản giáo dục, thậm chí vi phạm pháp luật một cách thô bạo.
“Quyền được học tập là quyền hiến định của trẻ em, được luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc ghi nhận và bảo vệ. Không lẽ lại có cái chuyện tày đình, vô pháp này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật ngay giữa lòng Hà Nội? Đó là chưa nói tới việc, giáo dục là sứ mạng duy nhất của các trường học. Nếu cứ học sinh nào học yếu thì tìm cách đuổi đi để giữ thành tích mà báo cáo cho đẹp thì những nhà trường có để làm gì?”, FB Thái Hạo chia sẻ.
Trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người cũng chia sẻ và bày tỏ sự bức xúc về biểu hiện của căn bệnh thành tích này.
Nhiều người cho hay, tình trạng này diễn ra trên thực tế, ở các trường khác nhau, qua nhiều năm, thậm chí chính gia đình mình là “nhân chứng sống”.
Theo nhiều phụ huynh, chủ đề này năm nào tới mùa tốt nghiệp, tuyển sinh lại được nhắc lại, chỉ có điều diễn ra nhỏ lẻ nên phụ huynh không lên tiếng.
Câu chuyện có điểm chung là phụ huynh được các trường nhắn tin, gọi điện và thông tin khả năng con không thi đỗ được nên “định hướng” không thi, tư vấn viết đơn tự nguyện không thi để được xét tốt nghiệp THCS.

Nhiều người cho rằng, việc này nảy sinh do cách tính điểm thi đua của ngành giáo dục khi lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua hoặc xếp hạng các trường, còn các trường có thể cũng lấy điểm thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua đối với giáo viên dạy (phụ thuộc vào kết quả điểm số thi vào 10 của học sinh lớp mình dạy).
Nhưng thay vì tính điểm bình quân bằng cách chia đều cho tổng số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS của cả trường thì lại tính điểm bình quân bằng cách chia cho tổng số học sinh lớp 9 của trường đó dự thi vào 10 THPT.
“Có những năm tỷ lệ học sinh khối 9 dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của trường đạt đến 96%, nhưng cũng vì số lượng học sinh thi cao nên đương nhiên điểm bình quân thấp, thì trường cũng bị Phòng GD-ĐT nhắc nhở. Việc này cũng khó cho các trường”, hiệu trưởng một trường THCS công lập ở Hà Nội chia sẻ.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục Hà Nội, Bộ GD-ĐT cần lập tức xác minh và xử lý, thậm chí chịu trách nhiệm nếu có tình trạng này.
Thiên Thanh
Một phản hồi của độc giả, tự nhận là giáo viên, đổ hết cho “bệnh thành tích” ép từ cấp trên xuống trường

(Trong bài Ép học sinh ‘học yếu’ không thi vào lớp 10: Bộ GD-ĐT xử lý nghiêm nếu có, trên báo Thanh niên).
Là một giáo viên đang dạy lớp 9 ở Tp. HCM. Tôi có một số đồng cảm với nhà trường. Bệnh thành tích rất nặng nề.
Trong quận luôn đưa ra chỉ tiêu trên 85% học sinh có đi thi lớp 10 trong quận để có thành tích so với các quận khác. Nếu trường nào có số học sinh đậu ít thì năm sau phòng giáo dục sẽ về dự giờ các giáo viên trường đó. – Giáo viên chủ nhiệm luôn biết năng lực của từng em, có những em học yếu khi đi thi biết chắc không thể nào làm bài trên trung bình, sẽ ảnh hướng đến tỉ lệ của lớp và trường (và giáo viên đó sẽ được hỏi thăm).
Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm thường hướng những em đó đi học dân lập hoặc học nghề để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường và lớp.
Ngay cả kì thi học sinh giỏi trong thành phố HCM cũng vậy, các quận luôn so kè thành tích với nhau để khi báo cáo tổng kết đọc ra quận mình trong top những quận có học sinh giỏi thành phố nhiều nhất.
Do có tôi có ý kiến như sau (biết rằng ý kiến cũng không được gì nhưng vấn nói);
+ Bệnh thành tích muôn đời không thay đổi, tôi nghĩ sở giáo dục và phòng giáo dục bỏ cái tiêu chí đánh giá các quận qua số học sinh đậu lớp 10 công lập, bỏ xếp hạng các quận mỗi lần đi họp (còn xếp hạng thì còn chỉ tiêu).
+ Em nào muốn thử sức thì cứ thi, thi không đậu thì đi theo con đường khác vì có nhiều con đường để thành công.
+ Bỏ việc đánh giá giáo viên chủ nhiệm qua số lượng học sinh đậu lớp 10 công lập, qua tỉ lệ từng bộ môn trên trung bình khi làm bài thi lớp 10 (vì là giáo viên dạy lớp 9 biết rõ có những em chắc chắn khi làm bài không thể nào trên trung bình)
+ Tôi nhớ trước đây khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm bộ trưởng bộ giáo dục, đề ra những giải pháp rất hay (3 không,… ) nhưng sau đó lại đâu vào đấy, bệnh thành tích vẫn không hề thay đổi.
Tôi rất mong báo gửi những lời tâm sự này đến bộ giáo dục và sở giáo dục tphcm.
[…] Bài liên quan: Ghê sợ giáo dục VN: trắng trợn ép học sinh không thi vào lớp 10 (Ba Sàm tổng hợp […]
ThíchThích