3285. Điều phương Tây lo sợ nhất về kho vũ khí hạt nhân của Putin

Vào ngày 20 tháng 4, Nga đã tiến hành một vụ thử tên lửa mới, trong khi Putin đe dọa các nước can thiệp vào Ukraine với “hậu quả mà bạn chưa từng thấy”. Sputnik / AFP qua Getty Images

NEW YORK POST by Rebekah Koffler – April 23, 2022

(Rebekah Koffler là chủ tịch của Doctrine & Strategy Consulting, là một cựu sĩ quan tình báo DIA và tác giả cuốn “Putin’s Playbook: Russia’s Secret Plan to Defeat America”. Bà cũng viết lời tựa cho cuốn  “Zelensky: The Unlikely Ukrainian Hero.“)

Ba Sàm lược dịch

Mặc dù tung toàn bộ sức mạnh của Nga chống lại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin vẫn không khiến cho đất nước này sụp đổ. Quân đội của ông ta đã hết nhiên liệu, thiếu nguồn cung cấp, và một số binh sĩ thậm chí đã rời chiến trường chứ không phải giết người anh em Slav của họ. Thay vì chia rẽ NATO và chiếm Kyiv, Putin đã thống nhất thế giới đằng sau một người anh hùng không ai ngờ đến của Ukraine, vị tổng thống xuất thân là danh hài Volodymyr Zelensky.

Không thể thay đổi động lực trên chiến trường hoặc chấp nhận thất bại, ông ta có khả năng đang cân nhắc lựa chọn con át chủ bài hạt nhân của mình.

Thật vậy, vào ngày 15 tháng 4, Zelensky tuyên bố rằng thế giới nên “sẵn sàng” cho khả năng Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine – một lo ngại cũng được Giám đốc CIA William Burns chia sẻ. Hôm thứ Tư, Nga đã thử nghiệm một tên lửa liên lục địa mới, có biệt danh là Satan II, theo Putin, tên lửa này sẽ “buộc tất cả những ai đang cố gắng đe dọa đất nước chúng ta trước sức nóng của những lời hùng biện điên cuồng và hiếu chiến phải suy nghĩ lại”.

Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng thế giới nên “sẵn sàng” cho việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở đất nước của ông. AFP qua Getty Images

Trở lại thời Chiến tranh Nam Tư, Putin và Bộ Tổng tham mưu Nga của ông lần đầu tiên phát triển một kế hoạch “chiến tranh hạt nhân hạn chế” được gọi là chiến lược “leo thang để giảm leo thang”. Theo lý thuyết, bằng cách vượt qua ngưỡng hạt nhân, Nga sẽ khiến đối thủ phải từ bỏ cuộc chiến và dàn xếp cho hòa bình.

Nếu Putin triển khai một loại vũ khí như vậy ở Ukraine, nó có thể là một đầu đạn có đương lượng nổ vài kiloton, sẽ tạo ra vụ nổ có kích thước gần bằng một phần ba quả bom ở Hiroshima. Bằng cách cho nổ một quả bom hạt nhân “nhỏ” ở Ukraine – chứ không phải loại ICBM (tên lửa liên lục địa) gây sát thương kiểu ngày tận thế – Armageddon mà Nga và Mỹ tiếp tục chĩa vào nhau – nhà cầm quân người Nga này tin rằng mình có thể ngăn chặn sự can thiệp từ phương Tây.

Nga sẽ không dám nhắm vào Mỹ với các cuộc tấn công hạt nhân, trừ khi họ đánh giá rằng Mỹ có kế hoạch xử trảm chế độ Moscow.

Chưa hết, Nga còn nắm giữ con át chủ bài trong cuộc chiến này: kho vũ khí hạt nhân đáng gờm nhất thế giới, với lợi thế đặt cược mười ăn một so với Mỹ về kho dự trữ nguyên tử chiến thuật. Đáng sợ nhất là Moscow có một Thiết bị Ngày tận thế, được gọi là Perimeter – và được phương Tây mệnh danh là “Bàn tay chết chóc” – được cho là có thể phá hủy toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ trong 30 phút.

Hệ thống rất phức tạp này được thiết kế để tấn công trả đũa, sau cuộc tấn công ban đầu của Mỹ nhằm vào Nga. Được thiết kế bởi Liên Xô vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, nếu được bật lên, nó sẽ tung toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Nga trực tiếp vào quốc gia này. Hệ thống đó vẫn ở trạng thái nửa không hoạt động cho đến khi được kích hoạt bởi một quan chức cấp cao trong một cuộc khủng hoảng.

Bên trong hầm chứa một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M của Nga. Hệ thống được gọi là “Bàn tay chết” của đất nước được cho là có khả năng phóng tất cả vũ khí hạt nhân của Nga vào toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ cùng một lúc.

Nếu được kích hoạt, nó vẫn có thể phát động ngay cả khi chế độ Nga bị xóa sổ và Putin hoặc những người thay thế của ông không thể cho phép một cuộc tấn công hạt nhân thông qua một quy trình tiêu chuẩn. Sau khi xác minh nhiều bước ban đầu, cho thấy rằng các đường liên kết tới phòng tác chiến của Putin không còn hoạt động, thì trong khoảng 15-60 phút, hệ thống máy tính tự động sẽ gửi tín hiệu đến các hầm chứa vũ khí hạt nhân, hướng tất cả các tên lửa hạt nhân còn lại của Nga được phóng đi.

Giờ đây, Putin đang tăng cường lời lẽ khoa trương của mình, sử dụng câu nói được ngầm hiểu là mối đe dọa của “Bàn tay Chết chóc” đối với Mỹ. Khi tấn công Ukraine lần đầu tiên vào ngày 24 tháng 2, ông cảnh báo rằng các quốc gia can thiệp sẽ phải đối mặt với “hậu quả mà bạn chưa từng thấy”. Ba ngày sau, ông ta nâng các lực lượng hạt nhân của Nga lên “tình trạng sẵn sàng chiến đấu đặc biệt”, tư thế hạt nhân mà Moscow duy trì hiện nay.

Trong bài phát biểu của Tổng thống Biden tại Ba Lan, ông nói Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”, khiến thư ký báo chí của Putin tuyên bố rằng Nga và phương Tây “đã bước vào giai đoạn chiến tranh toàn diện”.

Vào ngày 22 tháng 3, sau khi một nhà báo CNN hỏi thư ký báo chí của Putin, Dmitry Peskov, rằng liệu Nga có sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine hay không, Peskov đã trả lời rằng khả năng hạt nhân của Nga có thể được sử dụng trong trường hợp có “mối đe dọa hiện hữu”. Một số nhà phân tích vào thời điểm đó hiểu rằng khả năng điều này xảy ra là thấp vì quân đội Nga vượt trội hơn rất nhiều so với Ukraine.

Nhưng vào ngày 28 tháng 3, hai ngày sau khi Joe Biden tuyên bố tại Ba Lan rằng Putin không thể tiếp tục nắm quyền, Peskov nói với  đài PBS rằng Nga và phương Tây đã bước vào giai đoạn chiến tranh tổng lực. Ông cáo buộc các quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Úc, “dẫn đầu cuộc chiến” chống lại Nga “về thương mại, về kinh tế” trong việc “chiếm đoạt tài sản”, “chiếm giữ tiền” trong việc “ngăn chặn các quan hệ tài chính”. Cho dù là một lỗi lầm hay một kiểu lỡ lời do trong tình trạng bị đè nén, thì lời kêu gọi của Biden về việc thay đổi chế độ ở Nga, giữa một cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra, đã giải quyết được yêu cầu về “mối đe dọa hiện hữu” của Moscow đối với việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Các hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này đang hướng đến một bãi đất tạm ở Moscow, cho lễ duyệt binh hàng năm của đất nước vào “Ngày Chiến thắng”, kỷ niệm Nga đánh bại Đức Quốc xã. ZUMAPRESS.com

Giờ đây nhận thấy mình bị dồn vào một vị trí không thể tránh khỏi, Putin đang viện ra các khái niệm về “chiến tranh tổng lực” và “mối đe dọa hiện hữu” để ngăn Mỹ và NATO tiếp tục tham gia vào cuộc xung đột. Trong khi đó, ngày 9 tháng 5 kỷ niệm sự kiện Nga đánh bại Đức Quốc xã đang đến gần, một thời điểm khiến Putin sẽ phải phát động một cuộc tấn công thậm chí còn lớn hơn để tuyên bố chiến thắng ở Ukraine.

Trong khi đó, ông ta biết rằng “Bàn tay Chết chóc” của Nga là thứ khiến phương Tây sợ hãi hơn bất cứ thứ gì.