3292. Việc mua Twitter của Elon Musk rất tốt cho tự do ngôn luận, và là một ‘cơn ác mộng’ cho cánh tả

USA TODAY by Jonathan Turley – 4/26/2022  

(Jonathan Turley, một thành viên Hội đồng Cộng tác viên của USA TODAY, là Giáo sư về Luật Lợi ích Công cộng tại Đại học George Washington).

Ba Sàm lược dịch

“Một cơn ác mộng mới hào hoa.” Những lời đó từ cựu Bộ trưởng Lao động Robert Reich để mô tả mối đe dọa được tạo ra bởi nỗ lực khôi phục các giá trị tự do ngôn luận của Elon Musk bằng cách mua Twitter.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo rằng kiểm duyệt là cần thiết “để nền dân chủ được tồn tại, cả vị tỷ phú CEO của tập đoàn Tesla cũng như những công dân bình thường đều không tỏ ra sợ hãi về quyền tự do ngôn luận. Twitter xác nhận hôm thứ Hai rằng Musk sẽ mua lại công ty trong một thỏa thuận trị giá 44 tỷ USD. Sau khi thỏa thuận hoàn tất, Twitter sẽ trở thành một công ty thuộc sở hữu của một tư nhân.

Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa cấp tiến cánh tả đã áp dụng một sự thay đổi nguy hiểm trong chiến lược kêu gọi các tập đoàn kiểm duyệt phát ngôn.

Tuần trước, cựu Tổng thống Barack Obama đã làm rõ quan điểm về sự thay đổi này, trong bài phát biểu được đề cập nhiều của ông tại Đại học Stanford. Chỉ vài ngày sau khi Musk khẳng định lại giá bỏ thầu của mình đối với Twitter, với sự ủng hộ của nhiều người trong cộng đồng tự do ngôn luận, Obama cảnh báo rằng mạng xã hội đang “kéo chúng ta đi sai hướng.” Ông kêu gọi kiểm duyệt nhiều hơn các thông tin sai lệch, trong khi tự cho mình là “khá gần với một nhà chuyên chế của Tu chính án thứ nhất. (*)”

(*) Tu chính án 1 Hiến pháp Hoa Kỳ (Wikipedia): “Tu chính án thứ nhất (Tu chính án I) Hiến pháp Hoa Kỳ cấm việc đưa ra bất kỳ luật nào … làm giảm bớt quyền tự do ngôn luận, xâm phạm tự do báo chí, …  nó đã được thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1791, là một trong mười sửa đổi tạo thành Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ…”

Song Obama chưa bao giờ được coi là một đồng minh về tự do ngôn luận với những người trong chúng ta, những người đã bị công kích vì quan điểm gọi là “chuyên chế” của chúng ta. Hơn nữa, khi ông kêu gọi kiểm duyệt với tư cách là một nhà chuyên chế cho ngôn luận tự do thì cũng giống như tuyên bố mình ăn chay trong khi kêu gọi bắt buộc tiêu thụ thịt.   

Obama muốn kiểm duyệt ‘thông tin sai lệch’

Obama chỉ ủng hộ tự do ngôn luận nếu nó không bao gồm thông tin gọi là sai lệch, với những gì ông cho là dối trá, thuyết âm mưu, khoa học tạp nham, câu chuyện phiếm, quan điểm phân biệt chủng tộc và những người kỳ thị nữ giới.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Obama tự gọi mình là “khá gần với một nhà chuyên chế của Tu chính án thứ nhất“, nhưng không phải là một người chuyên chế cho tự do ngôn luận. Vấn đề trở nên rõ ràng sau đó trong bài phát biểu, khi Obama lưu ý rằng Tu chính án thứ nhất không hạn chế các doanh nghiệp tư nhân kiểm duyệt lời nói, bài viết. Nhưng Tu chính án thứ nhất không phải là thước đo hay định nghĩa đầy đủ về tự do ngôn luận – thứ mà nhiều người coi đó là quyền con người.

Trong nhiều năm, sự phân biệt  khác nhau đối với Tu chính án thứ nhất đã là trọng tâm của những người theo chủ nghĩa tự do cánh tả, những người đã khám phá ra cách để vượt qua các lệnh của hiến pháp cấm hành động kiểm duyệt ngôn luận, bằng cách sử dụng các công ty như Twitter và Facebook. Giờ đây, chiến lược từng thành công đó có thể bị hạn chế, khi các cổ đông tham gia cùng những nhân vật như Musk phản đối việc các tập đoàn và phương tiện truyền thông hành động như một thứ truyền thông đại diện cho nhà nước.

Đối mặt với viễn cảnh đó, đảng Dân chủ đang lùi lại tuyến phòng thủ cuối cùng của mình – và rốt cục đã phải tỏ ra thành thật về việc từng sử dụng các đại diện của họ trong các công ty truyền thông. Hiện họ đang kêu gọi sự kiểm duyệt hoàn toàn của nhà nước. Obama tuyên bố: “Đây là một cơ hội, đó là một cơ hội mà chúng ta nên hoan nghênh khi các chính phủ giải quyết một vấn đề quan trọng lớn và chứng minh rằng dân chủ và đổi mới có thể cùng tồn tại.

Đó là ông đang nói về việc áp đặt “tiêu chuẩn” cho các công ty để buộc họ kiểm duyệt “lời nói dối”“thông tin sai lệch“.

Liên minh châu Âu thúc đẩy chính sách chống lại tự do ngôn luận

Như thường lệ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lột sạch bất kỳ sắc thái hay nét đẹp nào trong ngôn từ. Clinton kêu gọi Liên minh Châu Âu thông qua Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA), một biện pháp bị những người ủng hộ tự do ngôn luận lên án rộng rãi, coi nó là một biện pháp kiểm duyệt rộng lớn. Clinton cảnh báo rằng các chính phủ cần phải hành động ngay bây giờ vì “trong thời gian dài, các nền tảng công nghệ đã khuếch đại thông tin sai lệch và chủ nghĩa cực đoan mà không có trách nhiệm giải trình. EU đã sẵn sàng làm điều gì đó để giải quyết vấn đề này.

Lời kêu gọi kiểm duyệt thông tin sai lệch của Clinton là đạo đức giả một cách ngoạn mục. Tổng thống Obama từng được Giám đốc CIA John Brennan thông báo ngắn gọn rằng “vào ngày 26//7/ 2016, Hillary Clinton đã chấp thuận cáo buộc, được một trong những cố vấn chính sách đối ngoại của bà đề xuất, nhằm phỉ báng Donald Trump, bằng cách khuấy động một vụ bê bối tuyên bố can thiệp bởi các cơ quan an ninh Nga.” Thông tin tình báo cho rằng đó là “một phương tiện nhằm đánh lạc hướng công chúng khỏi việc bà ta sử dụng một máy chủ cho các thư điện tử riêng của mình”(**).

(**) 3127. Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia tuyên bố Biden và Obama BIẾT VỀ âm mưu của chiến dịch tranh cử của Hillary Clinton đột nhập máy chủ của Trump: ‘Đủ bằng chứng trong cuộc điều tra về Nga của Durham để buộc tội NHIỀU người’. “Ratcliffe cho biết cựu Giám đốc CIA John Brennan đã nói với Tổng thống và Phó Tổng thống khi đó là Obama và Biden, vào năm 2016, về những cáo buộc Hillary Clinton đang cố gắng ngụy tạo mối liên hệ của Trump với Nga để đánh lạc hướng về vụ bê bối liên quan đến các email đã bị xóa của bà.”

Hơn nữa, lời kêu gọi của bà cho việc kiểm duyệt ngôn luận lại được đưa ra chỉ vài tuần sau khi công tố viên đặc biệt John Durham cung cấp thêm chi tiết về những cáo buộc, rằng chiến dịch tranh cử của bà đã ngụy tạo một âm mưu câu kết của Nga (với Donald Trump). Một trong những luật sư cũ của Clinton đang bị buộc tội vì nỗ lực này. Và Ủy ban Bầu cử Liên bang gần đây đã phạt chiến dịch tranh cử của bà vì đã che giấu việc tài trợ cho hồ sơ Steele (+).

+ 3135. Báo cáo của Công tố viên đặc biệt Durham chứng minh Hillary Clinton là con rối của Putin chứ không phải là Trump; + Luật sư của Hillary Clinton khai man trong điều tra Trump – Nga; + Chiến dịch Clinton, DNC đồng ý nộp phạt vì che giấu khoản thanh toán cho hồ sơ Steele

Với lịch sử các hiện tượng đó, thật dễ dàng để bác bỏ những lời kêu gọi của Clinton, thứ gần như là nhằm phục vụ bản thân bà một cách hài hước. Tuy nhiên, 27 quốc gia EU chỉ làm những gì mà bà yêu cầu. Nó đã chấp thuận sơ bộ cho đạo luật đó, điều này sẽ khiến các công ty phải tuân theo các tiêu chuẩn kiểm duyệt trước nguy cơ bị trừng phạt về tài chính hoặc thậm chí là các biện pháp hình sự.

Nếu đạo luật đó được triển khai, sẽ không thành vấn đề nếu Elon Musk tìm cách khôi phục các giá trị của tự do ngôn luận trên Twitter. Những nhân vật như Hillary Clinton sẽ cùng với EU để buộc các công ty tiếp tục kiểm duyệt người dùng một cách hiệu quả.

Đối mặt với trách nhiệm pháp lý trên khắp châu Âu, các công ty có thể bị buộc phải dựa trên các chính sách của riêng họ qua mẫu số chung thấp nhất cho quyền tự do ngôn luận.

Các quốc gia như Đức và Pháp đã dành nhiều thập kỷ để hình sự hóa lời nói-bài viết và áp đặt các biện pháp kiểm soát lời nói-bài viết đối với người dân của họ. Đó là lý do tại sao tiền đề của đạo luật DSA là rất đáng sợ.

Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, Margrethe Vestager, đã ngây ngất khi tuyên bố rằng đó “không phải là một khẩu hiệu nữa, rằng những gì là bất hợp pháp ngoại tuyến cũng nên được xem và xử lý như bất hợp pháp trực tuyến. Bây giờ nó là một điều có thật. Nền dân chủ đã trở lại.

Nghe có vẻ quen quen? Tự do là hành động chuyên chế, và dân chủ là yêu cầu kiểm soát ngôn luận.

Theo đạo luật DSA, “người dùng sẽ được trao quyền báo cáo nội dung bất hợp pháp trực tuyến và các nền tảng trực tuyến sẽ phải hành động nhanh chóng. Điều này bao gồm bài phát biểu không chỉ được xem là “sai lệch thông tin” mà còn là “kích động”(+)

+ Việt Nam: Mạng xã hội nước ngoài sẽ phải ‘gỡ bài vi phạm trong 24 giờ’? (BBC). “Việt Nam đang chuẩn bị ban hành quy định mới, có thể bao gồm yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài gỡ bỏ “nội dung, dịch vụ vi phạm chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Các tập đoàn truyền thông bị thúc giục kiểm duyệt nội dung

Giới học thuật ngày càng lặp lại lời kêu gọi kiểm duyệt như vậy. Giáo sư luật Harvard, Jack Goldsmith, và giáo sư luật Đại học Arizona, Andrew Keane Woods, đã kêu gọi kiểm duyệt mạng theo kiểu Trung Quốc, khi nói trên tờ The Atlantic rằng “giữa cuộc tranh luận rộng lớn trong hai thập kỷ qua về quyền tự do và quyền kiểm soát mạng, Trung Quốc phần lớn đã đúng và Hoa Kỳ phần lớn đã sai.

Một cái nhìn thoáng qua về tương lai đó đã được Twitter làm rõ vào tuần trước (khi chưa được Elon Musk mua), khi công ty tuyên bố rằng họ sẽ cấm bất kỳ quảng cáo nào không đồng ý với quan điểm của họ về biến đổi khí hậu. Trước đó, các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đã yêu cầu Twitter mở rộng kiểm duyệt để bao gồm việc ngăn chặn các thông tin sai lệch về biến đổi khí hậu cũng như một loạt các lĩnh vực khác.

Việc thúc đẩy thông qua đạo luật DSA giúp cho nhiều chính trị gia Hoa Kỳ được trở lại với mục tiêu ban đầu của họ, nhưng cũng cho thấy động cơ thực sự của cái gọi là “chỉnh sửa nội dung” một cách dễ hiểu. Đảng Dân chủ quay sang các đồng minh trong doanh nghiệp để áp đặt các chương trình kiểm duyệt mà họ từng không thể áp đặt trực tiếp theo Tu chính án thứ nhất.

Giờ đây, việc Musk mua Twitter có thể phá hủy liên minh doanh nghiệp thống nhất đó, nên họ đang tìm cách lợi dụng EU để áp đặt lại các nghĩa vụ phải kiểm duyệt ngôn luận. Một lần nữa, những hạn chế như vậy sẽ không kích hoạt Tu chính án thứ nhất của Hoa Kỳ, vì chúng đang được áp đặt bởi các chính phủ nước ngoài.

Kết quả sẽ là một thắng lợi ngon lành cho phong trào chống tự do ngôn luận. Musk có thể mua Twitter chỉ để thấy mình buộc phải hạn chế tự do ngôn luận, trái với mong muốn của khách hàng và công ty mới của ông.