3293. Việt Nam sắp tập trận với Nga?

Truyền thông Nga nói rằng các sĩ quan Nga và Việt Nam đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về các cuộc tập trận quân sự – đây sẽ là một động thái gây tranh cãi trong bối cảnh Moscow đang tham chiến ở Ukraine.

THE DIPLOMAT by Carl Thayer – April 27, 2022

(Carl Thayer là Giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales và Giám đốc Công ty Tư vấn Thayer).

Ba Sàm lược dịch

Vào ngày 19 tháng 4, RIA Nosvosti đã gửi một thông điệp từ Vladivostok, trích dẫn tin tức báo chí của Quân khu phía Đông (VVO): “Lần đầu tiên, một hội nghị về kế hoạch tập trận quân sự Nga-Việt đã được tổ chức tại trụ sở của Quân khu miền Đông. Cuộc họp của các phái đoàn đã diễn ra thông qua liên kết video”. Không có ngày tháng nào được đưa ra cho việc tổ chức cuộc họp ảo này.

Theo RIA Novosti, đại diện phía Nga có Thiếu tướng Sergei Lagutkin, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Khu vực và Đại tá Ivan Taraev, Trưởng phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế. Về phía Việt Nam do Thiếu tướng Đỗ Đình Thành, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp làm đại diện. Cả hai bên đã đồng ý về chủ đề của cuộc tập trận, ngày giờ và địa điểm. Hai bên cũng thảo luận về hỗ trợ y tế, hậu cần và các chương trình văn hóa, thể thao.

Theo Taraev, mục tiêu của cuộc tập trận sẽ là “nâng cao kỹ năng thực hành của các chỉ huy và binh sĩ trong việc tổ chức các hoạt động huấn luyện chiến đấu và quản lý các đơn vị, trong môi trường chiến thuật khó khăn, cũng như phát triển các giải pháp phi tiêu chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ”. Hai bên đề xuất “Liên minh Lục địa-2022” làm tên của các cuộc tập trận.

 Việt Nam vẫn chưa xác nhận hoặc phủ nhận chính thức rằng đã diễn ra cuộc họp lập kế hoạch. Ví dụ, vào ngày 21 tháng 4, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi trực tiếp của Channel News Asia về cuộc tập trận quân sự Nga-Việt được đưa tin, rằng: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là tất cả các hợp tác quốc phòng với các nước khác – bao gồm trao đổi đoàn, huấn luyện chung và diễn tập quân sự, hội thao và các cuộc thi – nhằm tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Sau cuộc họp báo, các phương tiện truyền thông tiếng Anh của Việt Nam (Hanoi Times, Viet Nam News, VietnamNet, Vietnam Times, VnExpress) đã đăng các bản tin với tiêu đề “Việt Nam lên tiếng về thông tin luyện tập quân sự được lên kế hoạch với Nga” bằng cách kết hợp các tài liệu tham khảo từ các phương tiện truyền thông Nga với phản hồi chính thức của Hằng.

Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam cung cấp thêm thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận giữa các quan chức quân đội Nga và Việt Nam, được tổ chức vào ngày 24 tháng 4. Theo phóng viên Việt Chung, vào ngày 15 tháng 4, một cuộc tham vấn trực tuyến giữa quân đội hai nước đã diễn ra. Thiếu tướng Đỗ Đình Thành đề nghị người đồng cấp Nga hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho Đại hội thể thao quân sự quốc tế (Army Games 2022) bằng cách cho xe tăng Việt Nam và kíp xe của họ đến trước khi bắt đầu Đại hội để làm quen với địa hình, trước khi bắt đầu cuộc thi xe tăng.

Việt Chung cũng đưa tin, ngày 22/4, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Tìm kiếm Cứu nạn, đã đại diện cho Việt Nam tham dự hội nghị trực tuyến lần thứ hai giữa các đại biểu nước ngoài và Bộ Quốc phòng Nga để bàn về công tác chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Quân đội 2022. Tỵ cho biết Việt Nam sẽ tham gia 14 nội dung thi.

Hội thao quân sự quốc tế của Nga, hay còn gọi là Đại hội thể thao quân đội, đã được tổ chức lần đầu vào tháng 8 năm 2015 và là một sự kiện thường niên được tổ chức từ tháng 7 đến tháng 9. Army Games 2021 có sự tham gia của 175 đội đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ tranh tài ở 34 nội dung thi đấu. Việt Nam là quan sát viên tại Đại hội thể thao quân đội đầu tiên 2015 và là thành viên tham dự thường xuyên từ năm 2018. Năm 2021, Việt Nam tham gia 15 sự kiện và đứng ở vị trí thứ bảy. Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức hai nội dung thi đấu (bắn tỉa và khu vực tai nạn).

Việt Nam là một trong 12 nước đồng tổ chức Army Games 2022, dự kiến ​​tổ chức từ ngày 13 đến 27/8, gồm 36 môn thi đấu riêng biệt. Đại diện quân đội Việt Nam đã tham dự cuộc họp tổ chức lần đầu tiên vào ngày 2 tháng 9 năm 2021. Khi đó, 45 quốc gia đã bày tỏ ý định tham gia. Vào ngày 22 tháng 4 năm nay, Nga thông báo rằng 237 đội từ 31 quốc gia đã xác nhận tham dự Army Games 2022.

Derek Grossman gần đây đã quả quyết trên Twitter, rằng “Một thông tin cập nhật khác được cho là về cuộc tập trận quân sự Việt-Nga. Hóa ra điều này có vẻ như là không phải vậy. Sự kiện được lên kế hoạch như là một cuộc thi thể thao giữa các quân đội, tức là không phải một cuộc tập trận chung thực sự. Như tôi đã nói, theo quy định, Việt Nam không thực sự tham gia tập trận chung.”

Ngược lại, Đại hội thể thao quân đội Nga 2022 theo đúng nghĩa là một “vấn đề lớn”, xét về số lượng người tham gia và phạm vi hoạt động. Army Games 2022 có ý nghĩa quan trọng hơn do hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine và những nỗ lực của Hoa Kỳ và các nước châu Âu nhằm trừng phạt và cô lập Nga về mặt ngoại giao. Việt Nam đã xa rời những nỗ lực này bằng cách bỏ phiếu trắng đối với hai cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên hợp quốc đối với Nga và bỏ phiếu chống việc đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Việc tham gia Đại hội thể thao quân đội Nga 2022 có thể được coi là một dấu hiệu nữa cho thấy Việt Nam đang đứng về phía Nga trước những nỗ lực của Hoa Kỳ và châu Âu nhằm làm suy yếu và cô lập nước này.

Có hai cách diễn đạt được quân đội Việt Nam sử dụng để mô tả bằng tiếng Anh những gì được thâu tóm trong thuật ngữ “tập trận quân sự”. Việt Nam tránh thuật ngữ  “tap tran” vốn mang hàm ý tiêu cực của một cuộc tập trận liên quan đến giao tranh trong chiến tranh. Tuy nhiên, Việt Nam tham gia vào các hoạt động được bao hàm bởi thuật ngữ “dien tap” mang hàm ý tích cực của một khóa đào tạo hoặc bài tập thực hành.

Liệu có đáng kể không với việc Thiếu tướng Đỗ Đình Thành, Tư lệnh Binh chủng Thiết giáp có tham gia vào các cuộc thảo luận với các quan chức quân sự Nga tại Quân khu phía Đông?

Ví dụ, từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 8 năm 2021, một phân đội của các lực lượng vũ trang Lào đã tham gia Laros-21 (Lào-Nga) tại khu huấn luyện Sergeevsky, Vùng lãnh thổ Primorsky, Quân khu phía Đông của Nga. Laros-21 là một cuộc tập trận chống khủng bố nhằm loại bỏ một đội hình bất hợp pháp được trang bị xe bọc thép hạng nặng, vũ khí chống tăng và súng phóng lựu.

Laros-21 có sự tham gia của tổng cộng 500 quân nhân Lào và Nga, cùng 100 thiết bị quân sự bao gồm máy bay cường kích Su-25 và trực thăng tấn công Ka-52. Một phần của cuộc tập trận bao gồm bắn đạn thật của các kíp xe tăng tương tác với xe trinh sát không người lái Eleron-3SV. Ở phần cuối của loạt hoạt động này, các sĩ quan Nga đã trình bày “phương pháp luận để tổ chức huấn luyện chiến đấu và các môn học cơ bản khác của huấn luyện chiến đấu”.

Với việc Việt Nam mua sắm xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga vào năm 2017, có thể Nga và Việt Nam đang lên kế hoạch gì đó nương theo các hình mẫu hoạt động của Laros-21?

Như những gì đã viết trong bài này, các nội dung chi tiết trên các phương tiện truyền thông Nga và sự khác biệt giữa các phiên bản công khai của Nga và Việt Nam về các cuộc họp của họ cho thấy hai khả năng: (1) các cuộc thảo luận là để bàn về hai hoạt động riêng biệt, Đại hội Thể thao Quân đội và một cuộc tập trận quân sự song phương; hoặc (2) các cuộc thảo luận chỉ chủ yếu về việc Việt Nam tham gia Army Games 2022.