3317. Kế hoạch Tên lửa Hành trình Hạt nhân của Trump khiến Biden chống lại các vị tướng của mình

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (thứ ba bên trái), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley (bên phải), các thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và các chỉ huy tác chiến trong Phòng Nội các của Nhà Trắng, ngày 20/4/ 2022 tại Washington, D.C. Chính quyền Biden đã xung đột với các quan chức quân sự hàng đầu về quyết định rút tiền tài trợ cho Tên lửa hành trình phóng từ biển có vũ trang hạt nhân (SLCM-N). Ảnh: MCNAMEE

Newsweek BY ALEX J. ROUHANDEH AND TOM O’CONNOR ON 5/6/22

Ba Sàm trích dịch

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã gây ra một điều hiếm thấy trong lịch sử Hoa Kỳ gần đây, vì cả Cánh tả và Cánh hữu phần lớn cùng tham gia ủng hộ việc tăng chi tiêu quân sự để tăng cường khả năng của quốc gia trong khi cung cấp hỗ trợ cho Ukraine.

Tuy nhiên, bất chấp chuỗi hợp tác dựa trên quốc phòng gần đây, một vấn đề đã phát triển thành cuộc tranh cãi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, và cũng trở thành điểm mấu chốt khiến chính quyền Biden đối đầu với các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu – Tên lửa hành trình phóng từ biển có vũ trang hạt nhân (SLCM-N).

“Một mặt, bạn có những người muốn thể hiện cam kết của họ trong việc giảm phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân, nhưng mặt khác, bạn có rất nhiều người đang chống lại một nước Nga rất khiêu khích và ngoan cố“.

Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles USS Hartford, đang trên đường trở về Căn cứ tàu ngầm New London, sau chuyến đi trên mặt nước kéo dài một tháng từ Bahrain. Chính quyền Trump đã khởi xướng kế hoạch đặt tên lửa hành trình hạt nhân trên tàu ngầm tấn công trước khi chương trình này kết thúc dưới thời chính quyền Biden. Ảnh: SEAMAN JOHN NAREWSKI

Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với tạp chí Newsweek.

SLCM-N là một loại tên lửa hạt nhân được phóng từ tàu ngầm và có thể mang đầu đạn “chiến thuật” nhỏ hơn, có đương lượng nổ thấp hơn so với các tên lửa lớn hơn của nó.

Những người ủng hộ việc sử dụng nó trong các lực lượng vũ trang, bao gồm cả những người trong chính quyền Trump, tìm cách đưa kế hoạch này vào thực thi, khi cho rằng nó là “một sự hiện diện cần thiết trong lĩnh vực phi chiến lược” nhằm giải quyết “nhu cầu ngày càng tăng về những lựa chọn hạt nhân hiệu suất thấp và linh hoạt” để ngăn chặn hành động xâm lược từ các cường quốc như Nga và Trung Quốc.

Bất chấp lập luận này, Hải quân cuối cùng vẫn quyết định rằng chương trình này “có chi phí cao và lịch trình để hoàn thiện nó hòng có được khả năng như mong muốn sẽ là muộn so với nhu cầu,” và rồi cắt nó khỏi ngân sách năm tài chính 2023 để tiết kiệm ước tính 199,2 triệu đô la trong năm tài chính 2023 và 2,1 tỷ đô la trong 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, các tướng lĩnh hàng đầu đã công khai không đồng tình với quyết định đó.

Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), chịu trách nhiệm chỉ huy về các hoạt động hạt nhân, đã ủng hộ SLCM-N trong một bức thư gửi các nhà lập pháp vào đầu tháng Tư vừa qua.

Những người ủng hộ Tên lửa hành trình phóng từ biển có vũ trang hạt nhân (SLCM-N) cho rằng nó lấp đầy lỗ hổng răn đe chiến lược trong kho vũ khí quân sự của Mỹ. Trên đây là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Barry phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ mũi tàu. Ảnh: JONATHAN M. SUNDERMAN

“Tình hình hiện tại ở Ukraine và hành trình hạt nhân của Trung Quốc thuyết phục tôi rằng đang tồn tại một khoảng cách về tính răn đe và khả năng ngăn chặn (giữa Mỹ và Trung Quốc),” Richard viết. “Để giải quyết khoảng cách này, một năng lực về vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp, tên lửa phi đạn đạo giúp ngăn chặn và đáp trả là cần thiết, để cung cấp một năng lực bền vững, có thể tồn tại trong từng khu vực, nhằm chặn đứng kẻ thù, đảm bảo hỗ trợ các đồng minh, cung cấp các lựa chọn linh hoạt, cũng như bổ sung cho các khả năng hiện có.

Khi được Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton, tiểu bang Arkansas, hỏi hôm thứ Tư, rằng liệu điều này có nghĩa đó là “lời khuyên về quân sự tốt nhất” của ông để tiếp tục sáng kiến ​​SLCM-N hay không, Richard trả lời “Có.

Ngày hôm sau, Newsweek đã chất vấn Richard trong một cuộc họp báo về việc liệu ông có lo ngại về sự rạn nứt công khai đang hình thành trong chính quyền giữa những người ủng hộ và phản đối SLCM-N hay không.

“Không, tôi không lo ngại,” Richard trả lời. “Tôi nghĩ rằng tất cả đều đã được giải quyết thỏa đáng. Tôi đã đưa ra các đề xuất của mình và tôi rất tự tin rằng bộ phận của tôi có một quy trình để giải quyết các khuyến nghị và đưa ra một câu trả lời tổng thể tốt đẹp.”

Nhưng danh sách các tướng lĩnh hàng đầu đã được ghi nhận là ủng hộ SLCM-N, chống lại khuyến nghị của chính quyền, đã tăng lên trong những tháng gần đây, bao gồm cả Tổng tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Mark A. Milley, Phó Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Christopher W. Grady và Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Châu Âu, Tướng Tod Wolters.

Mặc dù cùng các nhà lãnh đạo quân sự khác phản đối quyết định cắt giảm tài trợ cho SLCM-N của chính quyền Biden, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Hoa Kỳ (USSTRATCOM), Đô đốc Charles Richard, cho biết ông không lo ngại về sự rạn nứt đang phát triển trong chính quyền. Trên đây, ông làm chứng trong phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện, ngày 8/3/2022, tại Washington, DC
Ảnh: DREW ANGERER

Tuy nhiên, chính quyền Biden vẫn lập luận rằng quyết định được đưa ra với sự tham vấn của các quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng, bao gồm cả Milley.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền nói với Newsweek rằng “Tổng thống ủng hộ khuyến nghị của tài liệu Đánh giá Tư thế Hạt nhân do DoD (Bộ Quốc phòng) dẫn đầu soạn thảo – bao gồm sự tham gia tích cực của các đại diện từ Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ tổng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Chiến lược, Bộ Năng lượng, và Bộ Ngoại giao, để hủy bỏ SLCM-N, đồng thời hỗ trợ các khả năng răn đe tương tự sẽ được thực hiện trong cùng một khung thời gian.

“Tổng thống đồng ý với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, rằng chi phí cho SLCM-N sẽ vượt xa so với năng lực tăng lên không nhiều mà nó sẽ cung cấp”, quan chức này nói thêm. “Tổng thống đã trưng cầu quan điểm của nhóm an ninh quốc gia cấp cao của ông ấy, bao gồm cả Tham mưu trưởng Milley, để đưa ra quyết định của mình. Tổng thống cam kết thiết lập lại vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc kiểm soát vũ khí và tránh chạy đua vũ trang tốn kém và không cần thiết.

Phản ánh về yêu cầu ngân sách cho năm tài chính 2023 của Biden, quan chức này lập luận rằng “Chính quyền hoàn toàn ủng hộ việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng an ninh hạt nhân và đầu tư vào cấu ​​trúc kiểm soát chỉ huy hạt nhân và thông tin liên lạc (NC3) của chúng ta, để đảm bảo an toàn, bảo mật và răn đe hạt nhân hiệu quả.

Quan chức này cho biết thêm: “Kho hạt nhân hiện tại của Mỹ chứa các loại vũ khí có khả năng sử dụng trên đất liền, trên biển và trên không với nhiều chủng loại khác nhau, bao gồm cả loại W76-2 (đầu đạn nhiệt hạch) hiệu suất thấp hiện được triển khai trên các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ”.

W76-2 là đầu đạn hạt nhân hiệu suất thấp được phát triển dưới thời Tổng thống Donald Trump, vào năm 2019 được đưa vào trang bị cho tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Đây là một trong hai dự án được chính quyền của ông lên kế hoạch, dự án còn lại là SLCM-N.

  • Vũ khí hạt nhân mới của Tổng thống Donald Trump. “Đầu đạn W76-2 được Chính quyền Trump nói đến lần đầu tiên vào tháng 2-2018 như một loại vũ khí “đối phó với bất cứ nhận thức sai lầm nào về lổ hỗng có thể khai thác được trong khả năng ngăn chận của nước Mỹ”

Bản Đánh giá Tư thế Hạt nhân năm 2018 của Trump đã đảo ngược một cách hiệu quả so với người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Barack Obama, người có Bản Đánh giá Tư thế Hạt nhân vào năm 2010 với việc bắt đầu loại bỏ dần các tên lửa hành trình trang bị vũ khí hạt nhân.

Trên lộ trình tranh cử, Biden gọi cả hai sáng kiến ​​của Trump là “một ý tưởng tồi” và mặc dù những dấu hiệu ban đầu dường như báo hiệu rằng chính quyền của ông sẽ ủng hộ ý tưởng này, thế nhưng cuối cùng thì Hải quân Hoa Kỳ đã loại bỏ nó.

Đại úy Lewis Aldridge, người phát ngôn của Văn phòng Thông tin Hải quân, đã giải thích lý do tại sao.

“Chính phủ Hoa Kỳ đã xem xét một loạt các biện pháp răn đe trong khu vực như là một phần của bản Đánh giá Tư thế Hạt nhân năm 2022,” ông nói với Newsweek. “Là một phần của sự phân tích này, Đánh giá Tư thế Hạt nhân khẳng định sự cần thiết phải ngăn chặn việc sử dụng hạt nhân có giới hạn bởi các đối thủ.”

Aldridge cho biết nội dung phân tích đó đã xác nhận rằng việc hủy bỏ chương trình SLCM-N đã được xác thực.

Các nhà hoạt động vì hòa bình đeo mặt nạ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tạo dáng với tên lửa hạt nhân giả trước Cổng Brandenburg của Berlin, ngày 29/1/ 2021, trong một hành động kêu gọi tiến bộ hơn nữa trong giải trừ hạt nhân. Chính quyền Biden phải đối mặt với áp lực từ một số người trong đảng Dân chủ ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu cho vũ khí hạt nhân. Ảnh: JOHN MACDOUGALL / AFP

 “Hoa Kỳ áp dụng các chiến lược răn đe phù hợp và duy trì nhiều khả năng hạt nhân khác nhau để giải quyết nhu cầu này,” ông cho biết. “Với mức độ đóng góp vào việc răn đe của đầu đạn W76-2 SLBM và các khả năng khác, cũng như chi phí ước tính của nó dựa trên các ưu tiên quốc phòng và hiện đại hóa hạt nhân khác, nên chương trình SLCM-N đã bị hủy bỏ.”

Mặc dù các quan chức ở cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của công chúng về sự chia rẽ, song đảng Cộng hòa đã nắm bắt lấy cơ hội để mô tả chính quyền Biden là yếu kém trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc ở châu Âu và trước các cuộc bầu cử giữa kỳ (11/2022).

“Môi trường đe dọa toàn cầu đang xấu đi nhanh chóng và các chỉ huy quân đội của chúng ta đang nói với chúng ta rằng họ cần khả năng này để ngăn chặn Nga và Trung Quốc”, Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rogers bang Alabama, thành viên cấp cao của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện, nói với Newsweek.

“SLCM-N cung cấp cho Tổng thống sự tùy chọn để phân phối một cách đáng tin cậy một tải trọng hạt nhân hiệu suất thấp,” ông phân tích thêm. “Trách nhiệm phải làm là tài trợ cho hệ thống này.”

Nhưng nhiều đảng viên Đảng Dân chủ đứng sau chính quyền, chỉ ra rằng một loạt các rào cản mới liên quan đến SLCM-N sẽ làm lu mờ lợi ích của nó.

“Câu hỏi thực sự là: Liệu [tàu ngầm của] chúng ta sẽ mang theo loại đầu đạn đó không?” Nghị sĩ Dân chủ Joe Courtney bang Connecticut nói với Newsweek. “Việc đưa nó lên tàu ngầm tấn công SSN sẽ tạo ra một loạt các vấn đề phức tạp, hậu cần và vấn đề hoàn toàn mới với các đồng minh của chúng ta.”

“Khi bạn bổ sung thêm tất cả những mối lo toan đó, tôi nghĩ rằng những chiếc tàu ngầm của chúng ta sẽ phải có thêm nhiều nhiệm vụ rất quan trọng phải thực hiện hơn,” ông nói thêm.

Courtney cho biết quan điểm của ông bắt nguồn từ khu vực bầu cử của mình, mà ông nói bao gồm những người có kinh nghiệm trực tiếp trên chiến tuyến của cuộc chiến địa chính trị kéo dài hàng thập kỷ đã hơn một lần đưa Moscow và Washington đến bờ vực thảm họa.

 “Tôi đại diện cho một khu vực có các sĩ quan tàu ngầm đã nghỉ hưu, những người đã làm việc đáng kinh ngạc trong Chiến tranh Lạnh và lần cuối cùng có tàu ngầm tấn công mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật,” Courtney nói với Newsweek. “Họ đã sống với nó, họ đã làm điều đó.

Ông nói thêm: “Họ chắc chắn đã chia sẻ với tôi những thách thức hậu cần tạo ra vào thời đó, điều này đã kết thúc một lần nữa vào năm 1991 dưới thời tổng thống Herbert Walker Bush khi ông loại bỏ những quả tên lửa đó khỏi tàu ngầm lớp Los Angeles.”

Không gian chính trị của Hoa Kỳ đã bị chia rẽ đảng phái gay gắt. Nhưng ngay cả về SLCM-N, các chuyên gia gần gũi với vấn đề này cũng nhận thấy họ bị chia rẽ.

Đối với Karako của CSIS, lý do để bao gồm tên lửa SCLM là để tập trung vào việc lấp đầy những khoảng trống chiến lược mà ông nhận thấy trong kho vũ khí của quốc gia. Ông lưu ý tàu ngầm mang SLCM sẽ nhỏ hơn các tàu ngầm khác, còn loại tên lửa này lại có cấu hình cho phép nó bay thấp hơn và cuối cùng là ít bị phát hiện hơn. Ông cho rằng khả năng này sẽ cho phép chúng ta răn đe và nhắm vào các mục tiêu đối thủ để đem tới cho chúng nhiều rủi ro, nếu cần thiết.

Trong thời điểm mà đất nước đang ở trong một kỷ nguyên mới của xung đột quốc tế, với mối quan hệ xấu đi với các đối thủ và liên tục có cảnh báo từ Nga về nguy cơ đối đầu trực tiếp, Karako cho biết quân đội phải đối phó với các mối đe dọa theo những cách mới, khiến cho sự cần thiết phải có các công cụ như SLCM-N cấp bách hơn so với nhiều thập kỷ qua.

 “Trên mọi lĩnh vực, chúng ta buộc phải lo lắng về việc các loại phi đạn dẫn đường chính xác đang hướng vào chúng ta theo mọi cách,” ông nói với Newsweek. “Và điều đó đã đẩy chúng ta đến việc bị phân tán lực lượng quân sự nhiều hơn và thế trận bị phân tán lớn hơn trên diện rộng. Một phần đặc trưng của SLCM hạt nhân là chất lượng được phân bổ khiến nó trở nên cần thiết trong môi trường của nó.”

“Về cơ bản, đây là việc nhằm đảm bảo rằng chúng ta có một tư thế tấn công hạt nhân được phân bổ đủ linh hoạt, nó có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ, nó tàng hình và điều đó là xác thực”, Karako nói thêm.

Ông cũng lưu ý rằng tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) là loại duy nhất mà quốc gia này có mang đầu đạn hạt nhân. Theo ông, nó có từ năm 1981, nghĩa là nó được thiết kế vào những năm 1970.

“Khi đó không tồn tại loại tàng hình,” Karako nói với Newsweek. “Vì vậy, có những lý do rất tốt tại sao bạn có thể muốn một tên lửa hành trình khác và cập nhật hơn, linh hoạt nhưng cũng đáng tin cậy, thuộc một loại nào đó.

Cuối cùng, khi quân đội trở nên bị phân tán hơn, lời kêu gọi của Karako đối với sự phát triển của các trung tâm SLCM-N xung quanh việc mang lại cho Hoa Kỳ nhiều lựa chọn hơn, một điểm được Tướng Milley nhắc lại trong lời khai của ông trước Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện.