
THE HILL BY HARLAN K. ULLMAN, OPINION CONTRIBUTOR – 05/11/22
(TS. Harlan Ullman, là cố vấn cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, D.C., tác giả chính của chiến thuật quân sự “gây sốc và sợ hãi”. Cuốn sách mới nhất của ông: “The Fifth Horseman and the New MAD: How Massive Attacks of Disruption Became the Looming Existential Danger to a Divided Nation and the World at Large.”).
Ba Sàm lược dịch
Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước với tờ báo Ý Corriere Della Sera, Giáo hoàng Francis nói rằng “NATO đe dọa Nga” khiến Điện Kremlin “phản ứng tồi tệ và khơi mào xung đột”. Tuy nhiên, việc bác bỏ hoàn toàn nhận xét gây kinh ngạc của Giáo hoàng có thể là thiển cận, bởi vì chắc chắn một số hành động của Hoa Kỳ và NATO đã thực sự khiến Điện Kremlin “phản ứng tồi tệ“.
Đặc biệt, trong 22 năm qua, một số chính sách, những nhầm lẫn và tính toán sai của Mỹ đối với Nga đã gây ra phản tác dụng. Không cái gì có thể được sử dụng để làm cái cớ cho cuộc chiến bất hợp pháp và kinh hoàng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine. Nhưng một đánh giá ngắn gọn về quan hệ Mỹ-Nga đã nhấn mạnh sức mạnh của những hậu quả không mong muốn.
- 3069. Với Nga: cần tạo lập hòa bình, tránh chiến tranh. “Cho đến gần đây, Washington vẫn chưa coi trọng “Trục mới” Trung-Nga, vì tin rằng những khác biệt về ý thức hệ và địa chiến lược giữa Nga và Trung Quốc sẽ ngăn họ hình thành một liên minh “thực sự” như NATO. Tuy nhiên, NATO trong nhiều thập kỷ đã thiếu đầu tư cho quốc phòng của mình, và cũng có nhiều khác biệt sâu sắc trong khối về chính trị, văn hóa và chiến lược.”
Putin trở thành quyền tổng thống Nga vào đầu Năm mới 2000, cùng năm George W. Bush được bầu làm tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ. Tổng thống Boris Yeltsin khiến nước Nga rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng, bị tổn hại về mặt tâm lý do vị thế siêu cường một thời của nước này đã sụp đổ. Trong Diễn văn Thiên niên kỷ của mình vào ngày hôm đó, Putin đã đưa ra những phác thảo về cách ông sẽ khôi phục sự vĩ đại của nước Nga.
Ban đầu, Bush và Putin có quan hệ tốt với nhau. Nhưng nỗi ám ảnh của chính quyền mới coi Iran như là kẻ thù đã khiến Bush tập trung cho Lầu Năm Góc nhắm vào lĩnh vực phòng thủ tên lửa và không gian vũ trụ. Một hệ quả là Bush đã tuyên bố ý định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo năm 1974, thứ vốn là trọng tâm của mối quan hệ chiến lược Mỹ-Liên Xô. Việc bãi bỏ hiệp ước không được đón nhận ở Matxcơva, đặc biệt là với vai trò dẫn đầu về công nghệ quân sự mà Điện Kremlin tin rằng Washington đã có sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Đó là trước ngày 9-11.
Khi Mỹ can thiệp vào Afghanistan vào cuối năm 2001, Putin đã nổi khùng vì nhóm Bush từ chối lời khuyên của Nga dựa trên thất bại kéo dài hàng thập kỷ tại quốc gia đó. Năm 2003, Putin mạnh mẽ khuyên Bush chống lại việc xâm lược Iraq, vì nhà lãnh đạo Nga lo ngại khu vực này sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Và việc NATO tiếp tục mở rộng đã gây nên lo lắng đau đầu đối với Nga. Một loạt chính quyền Hoa Kỳ đã hạ thấp hoặc phớt lờ mức độ nghiêm trọng của vấn đề này đối với Nga.
Tại Hội nghị An ninh ở Munich, Putin đã thể hiện thái độ giận dữ chống lại Mỹ và chống lại sự mở rộng của NATO. Những người tham gia hội nghị đã bị sốc trước cường độ các công kích của Putin, nhưng phần lớn đã bỏ qua. Đó là một sai lầm. Rõ ràng là Putin tin rằng ông đang bị Hoa Kỳ và NATO coi thường và cho ra rìa, làm tăng thêm sự bất bình của ông ta về cách đối xử kiểu kẻ cả mà ông tin rằng Nga đang nhận được.
- 3096. Ukraina “trung lập” : Giải pháp tháo gỡ nguy cơ xung đột Nga – phương Tây ? “… việc Ukraina không gia nhập Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đồng nghĩa với việc Ukraina đầu hàng Nga, từ bỏ nỗ lực dân chủ hoá. Ngược lại, việc một nước Ukraina không tham gia NATO, nhưng dân chủ hoá, và gắn bó mật thiết với Liên Âu, có thể là điều gây khó khăn nhiều hơn cho bất cứ chính quyền độc tài nào tại Matxcơva.”
Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008 tại Bucharest có lẽ là bước ngoặt. Gruzia và Ukraine đã nộp đơn xin tham gia NATO MAP – Kế hoạch Hành động cho Thành viên, lộ trình để trở thành thành viên đầy đủ. Bị chặn bởi Pháp và Đức, MAP đã bị từ chối. Tuy nhiên, Tổng thống Bush tuyên bố rằng Gruzia và Ukraine có thể tham gia vào một ngày nào đó. “Lời hứa” đó đã được đưa vào báo cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh để không làm mất lòng tổng thống Mỹ.
Putin đã bị sỉ nhục và nói với Bush rằng “chuyện này sẽ không dừng lại ở đây”, lặp lại câu phản ứng của George H. W. Bush đối với cuộc xâm lược Kuwait của Saddam Hussein vào năm 1990. Bush đã bác bỏ lời cảnh báo.
Năm 2008, Putin khiêu khích Gruzia nhằm đáp trả một chiến dịch “cờ giả” của Nga và sau đó chiếm đóng Nam Ossetia và Abkhazia. Với các biên giới tranh chấp, về mặt kỹ thuật, Georgia không đủ điều kiện để trở thành thành viên NATO. Sáu năm sau, Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine, sau các cuộc biểu tình ở Quảng trường Maidan và sự công khai của Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, với cáo buộc Washington tiếp tay cho sự thay đổi chế độ nước này.
Năm 2016, Nga bị buộc tội can thiệp vào các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ (*) và các hoạt động tin tặc trên diện rộng. Bất chấp nỗ lực cải thiện quan hệ với Putin của Tổng thống Trump, dù trong điều kiện tốt nhất song nó vẫn bị đóng băng. Một số thành viên Đảng Dân chủ cáo buộc Trump là “tên ngốc hữu dụng” của Putin (**). Và các mối quan hệ đã trở nên độc hại hơn bởi một loạt các chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ, bắt đầu với việc chính quyền Obama nhắm mục tiêu Nga là một trong năm đối thủ tiềm năng cần “răn đe và nếu chiến tranh xảy ra, sẽ bị đánh bại”.
Có lẽ cuộc rút quân kém cỏi của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan vào tháng 8 năm 2021 đã thuyết phục Putin rằng ông có thể thực hiện hành động táo bạo ở Ukraine mà không gặp nhiều rủi ro. Sau khi tập trung binh lính ở biên giới Ukraine, Nga sau đó đã gửi yêu cầu tới Hoa Kỳ, NATO và EU kêu gọi thiết lập một khuôn khổ an ninh châu Âu mới; NATO rút lui về phía Tây; và từ chối tư cách thành viên NATO của Ukraine. Song từng đề nghị đó đều đã bị khước từ.
Thay vào đó, Mỹ đề xuất các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí, phớt lờ những yêu cầu chính của Putin. Không rõ khi nào Putin quyết định xâm lược Ukraine. Nhưng từ góc độ của mình, ông ta không còn lựa chọn nào khác. Ukraine là một lợi ích quan trọng của Nga cần được giải quyết bằng chiến tranh nếu cần thiết. Phương Tây không hiểu được điều đó.
Liệu có phải Hoa Kỳ có thể đã có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn chiến tranh? Chắc là không. Nhưng không tính trước được những hậu quả khôn lường là một bài học không nên quên. Có lẽ đó là ý của giáo hoàng.