
Bất chấp xu hướng thay đổi ở châu Âu, các yếu tố trong nước có thể ngăn cản chính phủ Nhật Bản đầu tư đúng mức vào quốc phòng của mình.
THE NATIONAL INTEREST by Moises de Souza – May 15, 2022
Ba Sàm lược dịch
Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Fumio Kishida, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã đề xuất một sự điều chỉnh mạnh mẽ về ngân sách, cho chiến lược và chính sách quốc phòng của nước này, để đáp ứng với các động lực an ninh hiện đang diễn ra ở châu Âu và Đông Á.
Nếu được thông qua, ngân sách mới sẽ lên tới 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản, đưa quốc gia này phù hợp với các tiêu chuẩn chi tiêu quốc phòng của NATO, cũng như kỳ vọng từ lâu của Washington là Nhật Bản sẽ tăng cường và đóng một vai trò tích cực hơn trong duy trì cấu trúc an ninh hiện có trong khu vực.
Không nên phủ nhận biểu tượng về động thái của Kishida, vì nó có khả năng loại bỏ ngay lập tức các rào cản quan trọng đã từng ngăn cản Nhật Bản đối phó một cách thích hợp với các yếu tố an ninh kinh niên của mình. Tuy nhiên, trong khi việc phá vỡ vấn đề trần ngân sách sẽ giúp gắn kết chính sách an ninh của Nhật Bản với các đồng minh của mình, thì trên thực tế nó vẫn còn xa so với một thỏa thuận được thực hiện.
Ở trong nước, nó sẽ đòi hỏi rất nhiều cuộc thương thảo chính trị khó khăn, để có được sự chấp thuận của quốc hội, và sẽ cần nỗ lực để đảm bảo sự ủng hộ từ xã hội dân sự Nhật Bản, đặc biệt nếu quá trình này yêu cầu Kishida nghiên cứu sâu hơn về cuộc tranh luận quanh Điều IX, điều khoản trong hiến pháp Nhật Bản cấm xây dựng lực lượng quân sự trong nước.
Thứ nhất, việc bỏ mức trần 1% GDP đối với chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ loại bỏ một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng trong quan hệ đối tác an ninh Mỹ-Nhật. Hoa Kỳ hiếm khi né tránh khi chỉ ra rằng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản trong những thập kỷ qua thấp một cách không cân đối.
Kể từ năm 1985, Hoa Kỳ đã liên tục nhắc nhở Nhật Bản rằng, đối với một quốc gia có khả năng kinh tế đáng chú ý như vậy nhưng lại bị cuốn vào một môi trường địa chính trị đầy biến động, thì quy tắc 1% không có gì là xa xỉ.
Trước tình hình căng thẳng ở Biển Hoa Đông, Bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và sự bất ổn ngày càng gia tăng với Trung Quốc ở các vùng biển Đông Nam Á, nhiều người trong Lầu Năm Góc coi việc điều chỉnh ngân sách này như là một sự nhìn nhận đương nhiên, mà lẽ ra phải có từ lâu.
Trong số các yếu tố khác, chính sự do dự của Nhật Bản khi thực hiện một động thái như vậy đã dẫn đến thời điểm mang tính biểu tượng khi Tổng thống Donald Trump từng yêu cầu Nhật Bản trả gấp 4 lần chi phí nếu họ muốn giữ quân đội Mỹ trên đất của mình.
Trớ trêu thay, việc tăng ngân sách quốc phòng mà Nhật Bản đã chờ đợi từ lâu, theo nhiều cách, lại có liên quan đến những hạn chế về ngân sách của chính Washington. Kể từ năm 2014, Tokyo đã bày tỏ quan ngại về “tình hình tài khóa thắt chặt” của Hoa Kỳ, dẫn đến quyết định của chính quyền Obama trong việc định hướng lại các nguồn lực quân sự cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và giảm bớt gánh nặng tài chính của đất nước bằng cách rút bớt quân đội Mỹ ở Afghanistan.
Giờ đây, ngoài động lực tài chính, thực tế địa chính trị mới do Nga xâm lược Ukraine đã khiến Washington không có khả năng cung cấp nguồn lực bình đẳng cho các đồng minh ở châu Âu, trong khi tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản khi nước này chống lại chương trình nghị sự của Bắc Kinh ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông (Nam Trung Hoa).
Thứ hai, không nên hạ thấp ảnh hưởng đối với Nhật Bản trong quyết định tăng chi tiêu quân sự của Đức. Không chỉ là vấn đề phân bổ ngân sách, chi tiêu quốc phòng 1% GDP luôn được coi như là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa hòa bình của cả hai quốc gia, được coi như một hợp đồng xã hội giữa nhà nước và những công dân hết lòng chấp nhận bản sắc xã hội theo chủ nghĩa hòa bình kể từ năm 1945.
Khi Thủ tướng Olaf Scholz công khai tuyên bố rằng Đức đã chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, ông đã gián tiếp gỡ bỏ những rào cản chính trị và đạo đức tương tự đã ngăn cản những người tiền nhiệm của Kishida thực hiện hành động tương tự ở quê nhà, mà không vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ xã hội Nhật Bản.
Thật vậy, Kishida và LDP hiện có thể khẳng định rằng họ không đơn độc trong vấn đề này. Có thể thấy điều này qua lời khẳng định đầy tự tin của Bộ trưởng Ngoại giao Kenji Wakamiya, khi đó rằng “chúng ta cũng phải theo đuổi hình thức bảo vệ quốc gia lý tưởng trước thực tế khắc nghiệt của tình hình quốc tế”.
Về mặt thực tế, việc tăng ngân sách quốc phòng của Đức cũng khiến Nhật Bản ở vị trí không thể tự biện hộ được, khi so sánh với các đồng minh khác của Mỹ. Như đã chỉ ra bởi một cựu chuyên gia an ninh Lầu Năm Góc, từ châu Âu cho đến châu Đại Dương, các đồng minh như Úc, Pháp, Ba Lan và Vương quốc Anh đều cam kết hơn 2% GDP của họ cho quốc phòng, mặc dù họ không phải đối mặt với mức độ đe dọa như Nhật Bản. Trên hết, Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác có quan ngại địa chính trị tương tự như Nhật Bản, theo truyền thống đã dành 2,4% GDP của mình cho chi tiêu quốc phòng kể từ năm 2000.
Ở góc độ đối nội, chính phủ vẫn còn hai rào cản cuối cùng. Đầu tiên, Kishida vẫn còn một trận chiến chính trị khó khăn phía trước, nếu ông muốn các hướng dẫn quốc phòng và những yêu cầu ngân sách được chấp thuận. Đó là thời điểm mà tiền sẽ bắt đầu nói chuyện. Trong một bài xã luận tỉnh táo, tờ Asahi Shimbun đã nhắc nhở nội các của LDP, rằng ngân sách quốc phòng mới sẽ là một khoản khó được chấp nhận trong điều kiện tài khóa hiện tại của đất nước. Trong đó kêu gọi sự chú ý đến tình trạng tế nhị của nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Bài xã luận cảnh báo Kishida không nên coi việc ngân sách được phê duyệt là điều hiển nhiên, vì ông sẽ phải giải thích nguồn tài chính sẽ đến từ đâu để trang trải cho sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu quốc phòng. Kishida sẽ phải thuyết phục người dân Nhật Bản về sự cần thiết phải chi cho quốc phòng gấp ba lần so với các chương trình xã hội.
Cuộc tàn sát ở Ukraine có thể tạo động lực để loại bỏ rào cản cuối cùng ngăn Nhật Bản giải quyết đầy đủ các vấn đề an ninh của mình – đó là hiến pháp hòa bình của quốc gia này.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận gần đây chỉ ra rằng mặc dù người dân Nhật Bản có thể đã trở nên dễ tiếp thu cách giải thích Điều IX linh hoạt hơn, nhưng họ vẫn không tin tưởng rằng cần phải có bất kỳ sự thay đổi mạnh mẽ nào trong hiến pháp. Gần 60% nghĩ rằng mệnh đề hòa bình – nền tảng của Điều IX và bản thân hiến pháp – phải được giữ nguyên, trong khi các điều khoản để ứng phó tốt hơn với các trường hợp khẩn cấp thì nên được đưa ra. Thêm nữa, hơn 70% số người được hỏi nói rằng tình hình ở Ukraine không ảnh hưởng đến quan điểm của họ về các vấn đề chính về an ninh và hiến pháp, chẳng hạn như ba nguyên tắc phi hạt nhân hóa, ngoại giao và kinh tế là những vấn đề quan trọng hơn các vấn đề quân sự và an ninh. Quan trọng hơn, gần 50% không ủng hộ ý tưởng cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thẩm quyền theo hiến pháp để tấn công các vị trí của kẻ thù, một câu hỏi cốt lõi của chiến lược an ninh quốc gia được đề xuất, trong đó ngân sách là một phần.
Kể từ chính quyền của Tổng thống Abe Shinzo, Nhật Bản đã tích cực điều chỉnh các khía cạnh cơ bản trong quan hệ đối ngoại, tái cân bằng vị thế của mình trong môi trường an ninh phức tạp. Quan hệ hợp tác với Việt Nam, Philippines và các thành viên ASEAN khác có ý nghĩa tích cực về nhiều mặt. Tình hình quan hệ mới của nước này với Ấn Độ trong bối cảnh Ấn Độ – Thái Bình Dương đã được xây dựng cẩn thận và tiến hành tốt cho đến nay. Hơn nữa, nó đã xóa bỏ những mơ hồ về tầm quan trọng của Đài Loan đối với an ninh của nó và cũng đóng một vai trò nhiệt tình trong nhóm QUAD (Đối thoại Tứ giác An ninh).
Tuy nhiên, việc điều chỉnh ngân sách quốc phòng bị trì hoãn từ lâu, ảnh hưởng tới Tokyo không chỉ với các vấn đề an ninh của riêng mình mà còn với kỳ vọng của các đồng minh trong khu vực, nay nó đã đạt đến một điểm giới hạn trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga. Kishida phải nắm bắt thời khắc này và đảm bảo rằng việc phê chuẩn mức trần ngân sách mới sẽ mang lại cho quốc gia một vị thế thoải mái hơn, một cách cơ bản, khi đối phó với khối liên minh hóc búa cùng Hoa Kỳ.
Chỉ có thời gian mới biết được khi nào hoặc trong hoàn cảnh nào thì xã hội Nhật Bản cuối cùng sẽ chấp nhận việc sửa đổi hiến pháp vốn vẫn theo chủ nghĩa hòa bình của mình. Cho đến lúc đó, các nhà lãnh đạo Nhật Bản phải đảm bảo rằng với bất kỳ rào cản nào khác được gỡ bỏ, cũng đều không có biểu hiện chần chừ đã thành truyền thống trong các vấn đề như vậy.
–
Moises de Souza là Trợ lý Giáo sư về Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương và Quan hệ Quốc tế, tại Trường Nhân văn, Ngôn ngữ và Nghiên cứu Toàn cầu, và là Chủ tịch Trung tâm Chính sách Bắc Anh quốc về Châu Á Thái Bình Dương (NEPCAP) tại Đại học Central Lancashire (UCLan).