
EAST ASIA FORUM by Ross Buckley and Mia Trzecinski, UNSW – 16 May 2022
(Ross P Buckley là Giáo sư về Đổi mới đột phá tại Viện Đại học New South Wales. Mia Trzecinski là Nghiên cứu viên của Dự án Laureate tại Viện Đại học New South Wales).
Ba Sàm lược dịch
Kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các đồng minh của họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính bất thường đối với Nga. Họ đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga, loại bỏ các tổ chức của Nga khỏi SWIFT – Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) – và cấm hầu hết đầu tư nước ngoài vào nước này.
Tác động của các lệnh trừng phạt này – vốn đã cắt Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu – là rất nghiêm trọng. Lạm phát ở Nga đã tăng lên hơn 17% và có khả năng còn tiếp tục tăng lên. Thực phẩm, thuốc, thiết bị y tế và thiết bị CNTT đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Hơn 750 công ty đã công bố kế hoạch đình chỉ hoặc chấm dứt các khoản đầu tư và hoạt động tại Nga. Đồng rúp không còn là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi được nữa. Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu dự đoán rằng chiến tranh sẽ khiến nền kinh tế Nga suy giảm 10% trong năm nay – một sự sụt giảm đáng kinh ngạc trong hoạt động kinh tế.
Các biện pháp trừng phạt như vậy có thể tàn phá đến mức đó bởi sự thống trị hiện tại của Hoa Kỳ đối với hệ thống tài chính toàn cầu. Đô la Mỹ là đơn vị tiền tệ chính được sử dụng cho thương mại quốc tế và các giao dịch tài chính toàn cầu, đồng thời là đơn vị tiền tệ mà hầu hết các khoản dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương được nắm giữ. Vì phần lớn các khoản thanh toán quốc tế được thực hiện bởi các ngân hàng đại lý tại Hoa Kỳ, chúng tuân theo các quy tắc của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng có ảnh hưởng đáng kể đối với SWIFT và CHIPS – một hệ thống thanh toán bù trừ xử lý 1,8 nghìn tỷ đô la Mỹ được chi trả hàng ngày.
Những lợi ích mà Hoa Kỳ được hưởng từ hệ thống hiện tại là rất lớn và bao gồm từ dòng vốn dồi dào đến khả năng vay nước ngoài với giá rẻ, và từ việc không bị tốn phí hoặc gặp rủi ro khi hoán đổi ngoại hối đối với hầu hết các giao dịch thương mại, đến việc có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính như một vũ khí mạnh chống lại kẻ thù.
Hoa Kỳ coi các biện pháp trừng phạt là công cụ hiệu quả và ít rủi ro, với khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của một quốc gia khác mà không cần đến sự can thiệp quân sự. Cuối cùng, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đã nhằm vào nhiều mục tiêu, từ các chế độ nước ngoài đến các ngân hàng Thụy Sĩ, và từ các công ty công nghệ Trung Quốc đến nhân viên của Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ điều tra xem các lực lượng Hoa Kỳ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đối với Nga có trình tự và quy mô khác hơn bất cứ điều gì từng thấy trước đây. Bằng cách đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga, Hoa Kỳ đã chà đạp lên các quan niệm cơ bản về chủ quyền quốc gia và tài sản tư nhân, song đó mới chỉ là nguyên nhân.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có này có thể chứng tỏ là một bước đi dũng cảm của Hoa Kỳ, vì nó có thể kịp thời giảm bớt những bất lợi bất thường cho nước Mỹ về vị trí trung tâm của đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu ngày nay. Một số quốc gia cũng có thể tìm cách giảm mức độ chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách phát triển các giải pháp thay thế cho hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị hiện nay.
Nga và Trung Quốc đã phát triển các dịch vụ nhắn tin tài chính mà họ tuyên bố là những lựa chọn thay thế cho SWIFT và CHIPS, mặc dù việc tiếp nhận cho đến nay vẫn còn hạn chế. Vào năm 2019, hai nước đã đồng ý thay thế đồng đô la bằng tiền tệ quốc gia của họ trong các khu định cư xuyên biên giới giữa hai nước. Trung Quốc cũng đã ký kết các thỏa thuận hoán đổi nội tệ với nhiều quốc gia tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó có Nga. Sự phát triển của các loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cũng có thể là một bước đi trong việc soán ngôi của đồng đô la Mỹ.
Trong khi quá trình phát triển các giải pháp thay thế diễn ra chậm chạp, các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga có thể sẽ là một “điểm uốn” (sự kiện dẫn tới thay đổi đáng kể) trong quá trình này.
Các biện pháp trừng phạt này có thể gây ra hai hậu quả không nhỏ.
Trước hết là việc loại bỏ đô la hóa trong dự trữ tiền tệ toàn cầu. Đã có một sự thúc đẩy rõ ràng giữa các quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong dự trữ quốc tế. Tỷ trọng dự trữ toàn cầu của đô la Mỹ đã giảm, từ chỗ chiếm tỉ trọng 73% vào năm 2001 xuống còn 59% vào năm 2021. Khoảng một phần tư sự dịch chuyển khỏi đô la Mỹ là chuyển sang đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, trong khi phần còn lại của sự dịch chuyển này là một sự kết hợp của các tiền tệ khác.
Mặc dù không có đồng tiền nào khác thay thế hoàn toàn đồng đô la Mỹ để trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu trong thời gian gần và trung hạn, song xu thế hướng tới một hệ thống nhiều đồng tiền dự trữ đã được thiết lập và các lệnh trừng phạt bất thường đối với ngân hàng trung ương của Nga có thể sẽ đẩy nhanh sự thay đổi này.
Hệ quả thứ hai là sự phân mảnh. Cùng với việc đa dạng hóa dự trữ toàn cầu, rất có thể sẽ thúc đẩy sự phát triển của một hệ thống tài chính thay thế, song song với hệ thống tài chính do Mỹ thống trị. Điều này sẽ dẫn đến sự phân mảnh khi thế giới chia thành các khối, làm mất ổn định quan hệ tiền tệ toàn cầu. Trong một hệ thống phân mảnh, nhiều giao dịch sẽ diễn ra bên ngoài các kênh quy định hiện tại, khiến các nhà quản lý mất khả năng nhận biết và kiểm soát các giao dịch bất hợp pháp.
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng việc vi phạm các chuẩn mực toàn cầu được xác định bởi Hoa Kỳ, thì các đồng minh và đối tác của họ sẽ không tránh khỏi thiệt hại. Phương Tây cũng sẽ phải trả giá cho những lệnh trừng phạt này.
Nhiều khả năng, các quốc gia không thuộc phương Tây và một số quốc gia phương Tây cũng sẽ đánh giá lại rủi ro của việc tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị.
Khả năng tận dụng sức mạnh kinh tế của mình trong tương lai và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính toàn cầu của Hoa Kỳ đang gặp rủi ro.