3357. Phải chăng Henry Kissinger có một ý kiến đáng lưu tâm về vấn đề Ukraine?

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ và là cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger tham dự một buổi lễ. Ảnh: ADAM BERRY

Newsweek by Daniel R. Depetris – 5/27/22

Ba Sàm lược dịch

Henry Kissinger là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong thời hiện đại.

Mới đây, vị cựu Ngoại trưởng và là cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ này đã gợi lên một loạt những xúc cảm mạnh mẽ.

Tùy thuộc vào người mà bạn hỏi, sẽ có câu trả lời rằng Kissinger có thể là một nhân vật tinh hoa có đầu óc thực tế, người đã sắp đặt nên tình trạng chia rẽ giữa hai siêu cường cộng sản Trung Quốc và Liên Xô, hay là một tội phạm chiến tranh đã chuẩn thuận hơn 3.800 cuộc tấn công ném bom vào Campuchia.

Kissinger, người vừa tròn 99 tuổi vào ngày 27 tháng 5, thậm chí đã gây ra nhiều tranh cãi hơn về chính mình.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos tuần này, vị cựu chính khách này đã có một lời khuyên cho chính phủ Ukraine: đã đến lúc suy nghĩ về một dàn xếp ngoại giao để chấm dứt chiến tranh, và dàn xếp đó sẽ phải bao gồm cả nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Lý tưởng nhất, ranh giới phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây, Kissinger giả định, khi ông đề cập đến các đường ranh giới trước chiến tranh, trong đó Nga kiểm soát Bán đảo Crimea và khoảng một phần ba lãnh thổ ở Donbas. Theo đuổi cuộc chiến với mục tiêu xa hơn ranh giới đó không phải vì tự do của Ukraine, mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga.” (*)     

(*) 3351. Henry Kissinger: Ukraine nên từ bỏ một phần lãnh thổ cho Nga để đạt được hòa bình

Gợi ý của Kissinger đã bị phản đối gần như ngay lập tức. Vài giờ sau khi Kissinger phát biểu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhắc lại quan điểm của chính phủ ông: sẽ không có cuộc đàm phán hòa bình nào cho đến khi Moscow rút khỏi từng tấc lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea.

Steven Pifer, một cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, đã tweet rằng “Lãnh thổ của Ukraine không phải của Kissinger để mà trao cho Nga.” Edgars Rinkevics, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia, đã đi xa khi so sánh Kissinger với Neville Chamberlain, cố thủ tướng Anh, người sẽ mãi mãi được ghi nhớ là đã nhượng lại Sudetenland cho Đức Quốc xã vào năm 1938.

Thật dễ hiểu tại sao những nhận xét của Kissinger lại gây nên sự khinh bỉ đến như vậy.

Thứ nhất, Ukraine là nạn nhân trong toàn bộ vụ này. Cuộc xâm lược của Nga rất rõ là một cuộc chiến tranh của kẻ hiếu chiến, và quân đội Nga đã bị truy tố theo cách kinh khủng nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Tội ác chiến tranh đã được thực hiện dưới bàn tay của những người lính Nga. Toàn bộ các thành phố hoặc đã bị hư hại hoặc, như đô thị ven biển Mariupol, bị xóa sổ. Nhân nhượng bất cứ thứ gì cho kẻ xâm lược đều để lại vị cay đắng trong chúng ta; người ta chỉ có thể tưởng tượng được cảm giác tồi tệ đến thế nào đối với những người đã mất người thân trong cuộc chiến.

Thứ hai, chính phủ và người dân Ukraine tin rằng việc nhượng bộ lãnh thổ cho người Nga là rất nguy hiểm. Mykhaylo Podolyak, trưởng đoàn đàm phán của Zelensky với Nga, nhắc lại quan điểm của Kyiv, rằng việc trao lãnh thổ cho Nga để đổi lấy một lệnh ngừng bắn hoặc một thỏa thuận hòa bình sẽ chỉ đơn giản là làm giảm nỗi thèm khát muốn có thêm đất đai của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo một cuộc khảo sát gần đây do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv thực hiện, 82% người Ukraine không ủng hộ việc nhượng bộ lãnh thổ trong một hiệp định hòa bình giả định.

Chính phủ Ukraine cũng có cảm giác cực kỳ tin tưởng rằng lực lượng Nga có thể bị đánh bại trên chiến trường. Quan điểm đàm phán của Kyiv đã trở nên cứng rắn khi chiến tranh tiếp diễn, phần lớn được thúc đẩy bởi những thành công của lực lượng phòng thủ Ukraine và tình trạng lộn xộn của những kẻ xâm lược Nga, khi họ tiếp tục bị cản trở bởi các vấn đề về tinh thần, về hậu cần và khó khăn trong khâu chỉ huy, gây cản trở cho chiến dịch kể từ khi bắt đầu.

Khái niệm về việc Ukraine đánh tan tác một quân đội Nga lớn mạnh hơn và được trang bị tốt hơn nhiều, vốn từng bị bác bỏ – coi như một thứ tưởng tượng trong những ngày đầu của cuộc xung đột, thì nay không còn bị coi là quá điên rồ nữa. Một số nhà bình luận ở phương Tây đang khuyên người Ukraine nên chiến đấu cho đến khi Putin, và nói rộng ra là Nga, bị bẽ mặt.

Tuy nhiên, chiến tranh là một con thú khó lường. Những kẻ có xung lực mạnh trên chiến trường trong một ngày lại vẫn có thể mất nó vào ngày hôm sau. Những người đang chiến đấu học hỏi từ những sai lầm của chính họ và thích ứng với những thất bại. Quân đội Nga không phải là ngoại lệ.

Sau vô số tổn thất và rút lui về mặt chiến thuật, Điện Kremlin nhận ra rằng tấn công Ukraine suốt trên nhiều tuyến là một ý tưởng ngu ngốc ngớ ngẩn đến mức cạn kiệt đường tiếp tế cho quân đội Nga, đánh giá thấp kỹ năng chiến đấu của quân đội Ukraine và dàn trải các đơn vị Nga trên quá nhiều mặt trận.

Người Nga đã thay đổi kế hoạch chiến tranh của họ, từ chiếm toàn bộ đất nước sang mở rộng việc chiếm giữ đối với một phần lãnh thổ cụ thể của Ukraine – phía đông và nam.

Sự thay đổi các mục tiêu đang tạo nên hiệu ứng; các lực lượng Nga đã chặn đường tiếp cận của Ukraine tới bờ biển Azov và tạo ra một cầu nối trên bộ giữa Nga và Crimea. Giữa lúc tỷ lệ hao tổn của Moscow là cao, thì các lực lượng Nga cũng đang đạt được nhiều thuận lợi trên thực địa, đặc biệt là ở Luhansk. Hiện tại Severodonetsk có nguy cơ bị bao vây. Quân đội Ukraine chắc chắn có ý chí chiến đấu khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, nhưng liệu họ có tiếp tục kiêu hãnh về năng lực của mình?

Người Ukraine cũng phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi vì chiến tranh tấn công vào phương Tây.

Cho đến nay, Mỹ và NATO đã đoàn kết chặt chẽ trong việc hỗ trợ Kyiv, cung cấp cho quân đội Ukraine những hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi hơn, như pháo M777. Nhưng khi diễn tiến của chiến tranh sâu rộng ác liệt hơn và thương vong chồng chất, có thể sẽ đến lúc phương Tây ngày càng chia rẽ về chính sách với Ukraine và trận đấu kết thúc sẽ có hình hài ra sao.

Trong khi Mỹ, Anh, Ba Lan và các nước Baltic muốn giáng cho Nga một thất bại chiến lược, thì Đức, Ý và Pháp lại quan tâm nhiều hơn đến việc kết thúc chiến tranh vào một ngày sớm nhất có thể. Zelensky có thể chế giễu khái niệm ngừng bắn, nhưng khi chiến sự vẫn tiếp diễn, ông không thể bỏ qua một kịch bản mà một số nhà lãnh đạo phương Tây hiện đang cam kết ủng hộ lập trường của Ukraine cũng đã bắt đầu đánh giá lại chính sách của họ.

Không ai, kể cả Henry Kissinger, nên chỉ bảo Ukraine phải làm gì. Các nhà hoạch định chính sách của Ukraine sẽ phải đưa ra quyết định của riêng mình, về việc liệu một giải pháp thương lượng có phải là cách tốt nhất để cứu đất nước của họ hay không – và nếu có thì điều khoản nào có thể chấp nhận được.

Ngay bây giờ, câu trả lời dường như là “không”. Nhưng theo thời gian, con lắc có thể lắc lư thành “có”.

Daniel R. DePetris là thành viên của tổ chức Defense Priorities và là người phụ trách chuyên mục quan hệ đối ngoại của tạp chí Newsweek.

One comment

Đã đóng bình luận.