
DAILY MAIL by ADAM ZAMOYSKI (*) – 30 May 2022
Ba Sàm lược dịch
Tại sao có người nghĩ rằng việc Henry Kissinger phát biểu tại hội nghị của các nhà lãnh đạo, Davos, trong tháng này là đáng giá?
Chính khách kỳ cựu của Mỹ, 99 tuổi, tự ảo tưởng mình như một sử gia. Nhưng ông ta dường như điếc đặc (stone-deaf ) trước một số bài học của lịch sử – và khi nói chuyện với các chức sắc đang tập hợp ở khu nghỉ mát trượt tuyết Thụy Sĩ, ông ta dường như không chịu thừa nhận sự thật phũ phàng trong di sản đáng tiếc của mình về thói thỏa hiệp vô nguyên tắc.
Giờ đây, Kissinger đang thúc giục Ukraine bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga, phớt lờ thực tế rằng Vladimir Putin đã dứt khoát từ chối xem xét các cuộc đàm phán với chính phủ của Tổng thống Zelensky.
“Lý tưởng nhất, ranh giới phân chia nên trở lại nguyên trạng trước đây,” ông nói. Đó là ông ấy muốn nói rằng xuất phát điểm cho các cuộc đàm phán là Nga được phép giữ Crimea – khu vực Ukraine bị chiếm giữ bằng bạo lực vào năm 2014 – và Donbas, khu vực biên giới ở miền đông Ukraine đã chứng kiến một số cuộc chiến đẫm máu nhất.
Thất bại
Đối với tôi, gợi ý của Kissinger thum thủm mùi vị của Hiệp ước Munich năm 1938, khi Thủ tướng Vương quốc Anh lúc bấy giờ là Neville Chamberlain đã ưu đãi cho Hitler các phần đất của Trung Âu, trong một nỗ lực trao đổi, rồi bị thất bại, nhằm thỏa mãn cơn thèm khát có thêm lãnh thổ của nhà độc tài.
Một người như Kissinger, từng chạy trốn Đức Quốc xã sang Mỹ như một người Do Thái tị nạn ngay trong năm đó, nên nhận ra tiếng vang vọng từ lịch sử.
Thế nhưng không. Thay vào đó, Kissinger lập luận rằng phương Tây phải tránh việc xa lánh Nga, quốc gia mà ông tuyên bố đã là “một phần thiết yếu của châu Âu trong 400 năm và là người bảo đảm cho cấu trúc cân bằng quyền lực của châu Âu”.
Không đúng. Trên thực tế, thành tích lớn nhất của Nga trong phần lớn thời gian đó (từ năm 1613 đến năm 1917) là mở rộng với tốc độ trung bình tương đương với 55 dặm vuông mỗi ngày.
Trong 50 năm, giữa 1772 và 1812, biên giới của Nga đã dịch chuyển về phía tây gần 400 dặm, và tại Đại hội Vienna năm 1815, nơi tìm cách khôi phục sự cân bằng quyền lực ở châu Âu sau Các cuộc Chiến tranh của Napoléon, vị anh hùng của Kissinger, quan Chưởng ấn nước Áo Metternich, đã cho phép biên giới của Nga dịch chuyển thêm 100 dặm hoặc xa hơn vào châu Âu.
Trên thực tế, Đại hội đó – và Nga – đã không đảm bảo được hòa bình cho châu Âu trong thế kỷ 19. Bất ổn, cách mạng và chiến tranh bùng lên khắp Lục địa trong những thập kỷ sau đó, kết thúc bằng cơn biến động lớn vào năm 1914 khi Thế chiến I bùng nổ.
Điều mà Đại hội Vienna thực sự đạt được, và là điều mà Kissinger dường như đang ủng hộ, là sự đàn áp nguyện vọng chính đáng của các dân tộc muốn được tự trị.
Lịch sử dạy chúng ta rằng khi những khát vọng mạnh mẽ đó bị đàn áp một cách thô bạo, cuối cùng chúng sẽ khởi phát thành bạo lực.
Áo, Đức và Nga đã bùng nổ vào năm 1917 và 1918 và gây nên chủ nghĩa Bolshevik, chủ nghĩa phát xít, Lenin, Stalin và Hitler.
Nó cũng giải thoát khỏi địa ngục không thể tưởng tượng được đối với người dân Ukraine – bao gồm cả nạn đói do Stalin gây ra đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Đây là bài học lịch sử mà Kissinger nên lưu ý. Thay vào đó, giờ đây ông lại khăng khăng: “Nếu Ukraine muốn tồn tại và phát triển, thì nước này không được là tiền đồn của bên này chống lại bên kia. Nó phải đóng vai trò như một cầu nối giữa các bên.”
Sự ngớ ngẩn của tuyên bố này hầu như không thể tin được. Ukraine là một tiền đồn của dân chủ và văn minh – và nó đang đối đầu với bạo quyền và dã man.
Hơn thế nữa, nó đã là một “cầu nối”: đưa ra những ý tưởng như tự do và dân chủ và cung cấp một cái nhìn về đời sống cho những người Nga bình thường nếu như Putin có thể cho phép họ.
Đó chính xác là lý do tại sao nhà độc tài cảm thấy mình phải xâm lược đất nước này và cài đặt một chế độ bù nhìn có thể biến nó thành một Belarus khác. Tất cả những sự thật này dường như Kissinger đã bỏ qua.
Kissinger là một người tin tưởng vào kiểu Chính trị thực dụng (Realpolitik) – trong đó chính trị được tiến hành dựa trên thực tiễn, thay vì các nguyên tắc tư tưởng lớn. Nhưng ông ấy là một kẻ hành nghề kém cỏi.
Một lý do là ông ta quá lý thuyết và nắm bắt thực tế kém. Một điều khác nữa là ông ta quá bị ấn tượng về quyền lực và không thể đối mặt với những kẻ bắt nạt. Những gì ông ấy giỏi là gói gọn bản tính nhu nhược này vào trong các cụm từ khoa trương bùi tai.
Hôm mùng 7 tháng 5, ông cảnh báo rằng “chúng ta phải nhận thức được sự khác biệt về hệ tư tưởng và cách thể hiện” khi giao dịch với Nga hoặc Trung Quốc. ‘Hệ tư tưởng’ duy nhất trong các hệ thống đó là chuyên chế, và sự khác biệt duy nhất của ‘cách thể hiện’ là giữa sự thật và dối trá.
Ông tiếp tục nói rằng chúng ta nên tránh đối đầu “trừ khi chúng ta được chuẩn bị sẵn sàng để khiến cho chế độ đó thay đổi”.
Chính thể chuyên chế
Nhưng thay đổi chế độ bằng cách này hay cách khác luôn là chính sách của phương Tây, vì thế giới không thể là một nơi an toàn khi phần lớn của nó bị cai trị bởi những kẻ tội phạm có vũ khí hạt nhân như Putin.
Tất nhiên, ta mong muốn đạt được nó bằng các biện pháp hòa bình, nhưng điều đó đòi hỏi sức mạnh và sự quyết tâm, chứ không phải là làm ma cô cho những tên bạo chúa. Và nó đòi hỏi mọi thứ phải được gọi đúng cái tên của chúng.
Để tránh thuật ngữ ‘xâm lược’, Kissinger nói về ‘tính toán sai lầm’ của Putin, như thể đó là một sự trượt ngã đáng tiếc nào đó cần được đối xử bằng sự khoan dung. Hitler chắc chắn đã ‘tính toán sai lầm’ khi đưa xe tăng của mình vào Liên Xô năm 1941 – nhưng mọi người vẫn gọi đó là một cuộc xâm lược.
Thật kỳ lạ, Kissinger cũng tránh đề cập đến mệnh lệnh đạo đức là phải giúp đỡ những nạn nhân vô tội của hành động xâm lược – như người dân Ukraine rõ ràng là đang bị như vậy.
Thay vào đó, ông nêu ra nguy cơ phương Tây đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc qua việc đáp trả quá mạnh mẽ với Putin, từ đó tạo ra một liên minh đáng gờm giữa Moscow và Bắc Kinh. Nó có thể là một tin tức đối với ông ta, nhưng họ đã liên minh với nhau trong thái độ thù địch với phương Tây rồi.
Kissinger, người vẫn chìm đắm trong những lời tâng bốc mà ông nhận được từ người Trung Quốc, khi ông còn là Ngoại trưởng Hoa Kỳ vào những năm 1970, vẫn kinh hãi trước quyền lực và sự giàu có của họ, và tự huyễn hoặc rằng Cộng sản có thể là đối tác để ‘hợp tác’.
Những kẻ hành nghề của thứ chính trị thực dụng thích coi thường hoặc thậm chí bôi nhọ những ai cản trở những thủ thuật trên bàn cờ của họ, và Kissinger không phải là ngoại lệ. Gần đây, ông gợi ý rằng “gốc rễ của vấn đề” ở Ukraine không phải là Putin mong muốn làm cho nước Nga vĩ đại trở lại, mà là chính người Ukraine từng là những kẻ ngu đần – như Putin đã từng lớn tiếng giải thích rõ ràng.
Sai lầm
Không còn nghi ngờ gì nữa. Nhiều quốc gia bị chia rẽ về chính trị. Nhưng điều đó không cung cấp cho bất kỳ kẻ nào khác một tấm giấy phép để xâm lược đất nước họ.
Ngoại trừ điều đó nằm trong suy nghĩ của Kissinger: vào năm 1975, ông ta khuyến khích Indonesia xâm lược Đông Timor, khơi mào cho gần một phần tư thế kỷ các cuộc tàn sát, tra tấn và bỏ đói.
Cuộc chiến của Putin ở Ukraine đã gắn kết các thành viên của NATO và EU theo một cách mà dường như không thể có chỉ cách đây một năm. Nó đã bộc lộ sự thống nhất và sức mạnh của phương Tây.
Giờ đây, rõ ràng cho bất cứ ai có hiểu biết về lịch sử đều thấy rằng suy nghĩ của Kissinger là sai lầm.
Trong khi những lời phát biểu của ông ta có thể bị bác bỏ, coi như thể những lời huyên thuyên của một kẻ ngu ngốc, thì chúng cũng sẽ được đánh giá cao như thể là lời tuyên bố của một nhà hiền triết bằng cách tránh né cho những ai coi cuộc chiến lad không thuận lợi, cho những kẻ không quan tâm đến quyền của người Ukraine hướng tới một cuộc sống tử tế, yên bình, hợp lẽ và cho những kẻ muốn mọi thứ biến mất để họ có thể tiếp tục với những mối quan tâm của riêng mình và tận hưởng khí đốt giá rẻ của Nga.
Ông ta chắc chắn sẽ đi vào lịch sử với tư cách là tên ngốc hữu dụng nhất của Putin và Tập Cận Bình.
–
(*) Adam Zamoyski (Wikipedia): là một sử gia và tác gia, sinh ở Mỹ, lớn lên ở Anh, nói được tiếng Anh, Ba Lan, Pháp, Ý và Nga. Cha mẹ là Bá tước Stefan Zamoyski và Công chúa Elizabeth. Ông rời quê hương bị Đức và Nga xâm lược vào năm 1939. Khi Liên Xô nắm quyền vào cuối Thế chiến II, gia đình ông mắc kẹt ở phương Tây, cuối cùng định cư ở Luân Đôn.
Các sách của ông:
- (1979). Chopin: A Biography. London: Collins.
- (1980). Chopin: A New Biography (1st USA ed.).
- (2010). Chopin: Prince of the Romantics
- (1981). The Battle for the Marchlands. A history of the 1920 Polish-Soviet War.
- (1982). Paderewski. A Biography.
- (1987). The Polish Way: A Thousand-Year History of the Poles and Their Culture.
- (1992). The Last King of Poland.
- (1995). The Forgotten Few: The Polish Air Force in the Second World War.
- (1999). Holy Madness: Romantics, Patriots and Revolutionaries 1776–1871. London: Weidenfeld & Nicolson.
- (2001). Poland: A Traveller’s Gazetteer.
- (2001). The Czartoryski Museum.
- (2004). Moscow 1812: Napoleon’s Fatal March on Moscow.
- (2007). Rites of Peace, The fall of Napoleon & the Congress of Vienna.
- (2008). Warsaw 1920 – Lenin’s Failed Conquest of Europe.
- (2009). Poland: A History.
- (2014). Phantom Terror: The Threat of Revolution and the Repression of Liberty 1789–1848.
- (2018). Napoleon. The Man Behind the Myth.
[…] 31/05/2022 […]
ThíchThích
[…] Xoa dịu Nga là màn huyên thuyên ngu ngốc: Sử gia hàng đầu ADAM ZAMOYSKI đưa ra quan … […]
ThíchThích