3366. Bài học từ “Người chặn xe tăng” trong vụ thảm sát Thiên An Môn 1989

Các nhà hoạt động, mang theo kiến nghị đòi xóa bỏ ĐCSTQ, trước bức ảnh mang tính biểu tượng “Người chặn xe tăng” được trưng bày tại Công viên Điêu khắc Tự do ở thị trấn sa mạc Mojave, Yermo, California vào ngày 4 tháng 6 năm 2021, nơi mọi người tụ tập vào lễ kỷ niệm 32 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ảnh: FREDERIC J. BROWN / AFP

Newsweek byJianli Yang – 6/4/22

(Jianli Yang, một người sống sót sau Thảm sát Thiên An Môn và là một cựu tù nhân chính trị của Trung Quốc, là người sáng lập và chủ tịch của Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Quốc và là tác giả cuốn sách Vì chúng ta, Cuộc sống: Hành trình Tỏa sáng Chân lý).

Ba Sàm lược dịch

Vào mùa xuân năm 1989, tôi trở về Trung Quốc sau chuyến học tập tại Mỹ, để tham gia các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Tôi may mắn hơn nhiều người biểu tình vì đã thoát khỏi cuộc thảm sát ngày 4 tháng 6 chỉ trong gang tấc. Tôi trốn sang Mỹ và từ đó tiếp tục hoạt động của mình cho nhân quyền.

Là một sinh viên lâu năm chuyên về lịch sử và là người quan sát chặt chẽ tình hình chính trị ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, tôi thấm thía nhận ra rằng trong chính trị, chủ nghĩa cực đoan là một quy luật hơn là thứ ngoại lệ — tuy nhiên hầu hết mọi biểu hiện tiến bộ của nền văn minh trong suốt lịch sử đều đến khi các lực lượng chính trị vượt qua được khuynh hướng đó.

Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa cực đoan là coi những người có ý kiến ​​khác nhau là kẻ thù không thể hòa giải. Chủ nghĩa cực đoan ở Hoa Kỳ giờ đây thậm chí còn gây nguy hiểm cho chính nền dân chủ Hoa Kỳ. Hai đảng chính trị lớn hầu như không quan tâm đến việc hợp tác với nhau để tìm ra điểm chung trong những vấn đề đang được tranh cãi gay gắt nhất.

Ngay cả ở Trung Quốc, nơi chúng tôi, những nhà dân chủ Trung Quốc, đang dẫn dắt nền tảng đạo đức cao cả trước chế độ độc tài của ĐCSTQ, thì việc coi tất cả mọi người trong phe chính trị đối lập của chúng tôi như là kẻ thù truyền kiếp cũng chẳng phải là đức hạnh hay mang tính chiến lược gì. Đây là bài học mà tôi rút ra được từ hai con người với chiếc xe tăng ở Thiên An Môn.

Đúng vậy, có hai người.

Bức ảnh về Tank Man” – Người chặn xe tăng, được chụp trong vụ thảm sát Thiên An Môn, là một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thế kỷ 20.

Một phần sức mạnh của bức ảnh không chỉ là nó cho thấy một người đàn ông hoàn toàn dễ bị tổn thương khi đứng trước cả đoàn xe tăng, mà còn cho thấy cả thế giới đều đã biết về những sự kiện xảy ra trước thời điểm đó. Người đàn ông chặn đầu chiếc xe tăng đã sống sót sau một cuộc thảm sát, nhưng anh ta đã ở đây, vẫn liều với mạng sống của mình.

Tôi ở gần Quảng trường Thiên An Môn vào sáng sớm ngày 4 tháng 6 ấy, ngay khi tiếng súng bắt đầu nổ. Có lúc, tôi ở gần những người lính đến nỗi tôi hét lên với họ khi họ ngồi trong những chiếc xe tải và bảo họ đừng bắn. Chúng tôi thậm chí còn hát những bài hát mà mọi người Trung Quốc đều biết, cố gắng chạm đến trái tim của họ. Nhưng khi nhận được lệnh, họ mới nổ súng. Tôi đã chứng kiến ​​nhiều người thiệt mạng, trong đó có 11 sinh viên bị xe tăng truy đuổi  rồi cán chết vào cái ngày định mệnh đó.

Bức ảnh Tank Man được chụp vào ngày hôm sau, ngày 5 tháng 6, buổi sáng đó, khi cuộc thảm sát vẫn đang diễn ra. Bằng bất cứ tiêu chuẩn nào, thì hình ảnh này vẫn là một trong những biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng. Nhưng chúng ta thấy có bao nhiêu người anh hùng trong đó?

Gần 9 năm sau khi bức ảnh được chụp, nhà văn Pico Iyer nói: “Có hai người anh hùng trong bức ảnh xe tăng đó: nhân vật vô danh đã liều mạng đứng trước quái vật bạo quyền, và người lái xe đã vượt qua thử thách đạo đức bằng cách từ chối tàn sát đồng bào của mình.

Người lái xe không chỉ từ chối giết người, mà chắc chắn anh ta còn không tuân theo mệnh lệnh và đã liều lĩnh với — và có lẽ phải nhận — một hình phạt để cứu sống một người đồng tộc.

Thật không may, tôi đã không nhìn thấy sự kiện này vào thời điểm đó.

Sau khi xem cảnh tàn sát của binh lính vào ngày 4 tháng 6, tôi thấy một người lính trẻ đứng một mình gần Quảng trường. Anh ta không đội mũ sắt và không có súng. Anh ta trông như một thiếu niên.

Chúng tôi đuổi theo anh ta vì nỗi đau buồn và căm giận. Tôi đã đấm anh ta. Rồi mọi người kéo đến đông hơn và cùng đánh anh ta. Có lúc anh  hét lên: “Tôi không làm điều đó! Tôi không bắn!”

Tôi nhận ra một bi kịch đang diễn ra. Nhưng đã quá muộn để ngăn chặn bạo lực. Tôi rời khỏi hiện trường mà không nhìn lại. Vài phút sau, tôi được biết qua những tiếng hét lớn, rằng anh ta đã bị giết, và tôi bắt đầu khóc.

Giống như những người lính khác, cậu thiếu niên đó đã bị buộc phải đến Bắc Kinh để giết người. Giống như chúng tôi, anh ấy bất lực trong việc ngăn chặn thảm kịch. Có lẽ anh đã từ chối bắn, thay vào đó chọn cách đào ngũ. Nếu vậy, anh ta cũng là một anh hùng – một Tank Man khác thuộc lực lượng đối lập với chúng tôi.

Nhưng tôi đã không có được cái nhìn đó.

Tôi đã để cho nỗi căm giận chế ngự mình. Khi nhìn thấy người lính này, tôi chỉ xem anh như kẻ thù. Tôi không thể tưởng tượng được nỗi đau mà anh ấy phải chịu và những gì anh ấy đã nghĩ trong lúc hấp hối.

33 năm nay, tôi để tang anh. Tôi nghĩ về gia đình anh ấy, và tôi vẫn mong một ngày tôi tìm thấy họ và chia sẻ cảm giác tội lỗi của mình.

Vào tháng 6 năm 1989, đường phố ở Bắc Kinh đã chứng kiến ​​nhiều người Trung Quốc như Tank Man, họ đứng đối mặt với những người lính đang tàn sát đồng loại. Tuy nhiên, cũng có một số binh sĩ, như Tank Man thứ hai đó và người lính đào ngũ, đã từ chối lệnh của Đảng Cộng sản.

Nhớ lại điều này, tôi tin chắc rằng nỗi khao khát một cách tự nhiên về  phẩm giá và tự do không chỉ có ở những người bất đồng chính kiến. Chúng tồn tại trong tất cả mọi người.

Điều đó cũng đúng với nền chính trị Hoa Kỳ. Bởi vì chúng ta ở trong các phe chính trị khác nhau, đặc biệt là trong một nền dân chủ, điều đó không có nghĩa là chúng ta là kẻ thù không đội trời chung với nhau.

Chúng ta đừng quên sự thật rằng ý thức về đạo lý và lương tâm có thể ngự trị trong mọi trái tim, ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.

Điểm chung phải được tìm thấy trên những vấn đề quan trọng nhất mà người Mỹ phải đối mặt. Đúng vậy, chính trị Mỹ hiện nay đang cực kỳ phân cực. Và hơn bao giờ hết, thời gian kêu gọi người Mỹ coi người có chính kiến trái với mình cũng đều là con người bình đẳng – giống như hai Tank man ở Thiên An Môn, và tìm kiếm dũng khí tiềm ẩn và lòng trắc ẩn trong mình để đứng lên vì, và hướng tới cùng, thời đại.