3367. Cuộc đàn áp ở Thiên An Môn năm 1989 có ý nghĩa gì đối với giới trẻ Trung Quốc 33 năm sau?

Cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Ảnh: Peter Turnley / Getty Images

ABC NEWSBy ABC’s Asia Pacific Newsroom – Posted Yesterday

Ba Sàm lược dịch

Không giống như những đứa trẻ Bắc Kinh khác, khi còn nhỏ Steven Chen (Trần) hiếm khi đến Quảng trường Thiên An Môn cùng cha mẹ.

Anh tìm ra lý do vì sao trong một buổi họp mặt gia đình, vào năm 8 tuổi, khi anh ta lần đầu tiên nghe nói về “cuộc đàn áp ở Thiên An Môn”.

Vào đêm ngày 3 tháng 6 năm 1989, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã chĩa súng vào sinh viên và những người dân thường đang kêu gọi một tương lai dân chủ cho đất nước của họ.

Trong nhiều tuần trước đó, các sinh viên, những người nằm trong số hàng trăm thường dân bị thảm sát vào đêm đó, đã cắm trại ở Quảng trường Thiên An Môn như một phần của cuộc biểu tình của họ.

Những câu chuyện về đêm đó đã làm cho cậu bé Trần 8 tuổi “hoàn toàn bị sốc”, khi nghe người thân kể về “những chiếc xe tăng nghiến qua thân thể những sinh viên“, anh thuật lại với ABC News.

Tìm hiểu về cuộc đàn áp Thiên An Môn đã ảnh hưởng đến quyết định di cư đến Úc của Steven Chen khi anh 15 tuổi (Ảnh được nhân vật cung cấp)

“Thiên An Môn luôn gây ấn tượng với tôi như một nơi rất uy nghiêm. Bạn khó có thể liên kết hai khung cảnh này lại với nhau”, anh nói.

“Tôi thậm chí còn nghĩ rằng những người trong gia đình tôi đã  quá chén và nói với tôi những điều phóng đại và gây kịch tính.”

Hôm nay, 33 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn, anh chia sẻ cách mà anh đã biết được về cuộc đàn áp đó, và nó đã ảnh hưởng đến cuộc đời anh như thế nào.

“Tôi hỏi bố tại sao ông ấy không đưa tôi đến Quảng trường Thiên An Môn như các bậc cha mẹ khác. Sau đó, ông ấy cho tôi xem một đoạn video về những gì đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989”, Trần kể lại.

“Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức ảnh tank man – người chặn xe tăng nổi tiếng.”

Nhưng khi anh đặt câu hỏi về những gì đã xảy ra, cha mẹ anh từ chối tiết lộ thêm.

Vì tò mò, anh đã tìm kiếm trên mạng “Sự cố Thiên An Môn” và “Sự cố 8964”, nhưng thứ duy nhất hiện ra là một trang web trống.

Sinh viên Trung Quốc đã dành nhiều tuần cắm trại ở Quảng trường Thiên An Môn để vận động cho dân chủ vào năm 1989. (Reuters: Dominic Dudouble)

Mặc dù khi còn là một học sinh tiểu học, anh không hoàn toàn hiểu ý nghĩa của một trang web tìm kiếm được nhưng lại trống trơn, nhưng nó đã khơi dậy mong muốn của anh được nhìn thấy thế giới bên ngoài của cái tường lửa Phòng hỏa Trường thành (Great Firewall).

Năm 15 tuổi, anh sang Úc du học.

Tại đây, anh có thể tiếp cận những thông tin không có sẵn đối với hầu hết mọi người ở Trung Quốc đại lục.

“Việc biết được về phong trào Thiên An Môn đã làm thay đổi cuộc đời tôi, điều này đã thúc đẩy tôi thoát ra khỏi cái thế giới mà thuyết Truman chống lại và xô đổ một thứ như Bức tường Berlin về ý thức hệ,” anh nói.

‘Đó là trách nhiệm của tôi’

Với sự hỗ trợ của các anh chị, Trần lần đầu tiên được tiếp xúc với thế giới bên ngoài của “Phòng hỏa Trường thành”, thông qua phần mềm vượt tường lửa VPN từ khi mới học lớp sáu.

Trong số rất nhiều những cảnh quay về vụ đàn áp ở Thiên An Môn trên YouTube, điều khiến anh ấn tượng nhất là cuộc trò chuyện ngắn giữa một thanh niên đi xe đạp và một nhà báo phương Tây.

Vào dịp kỷ niệm 30 năm cuộc đàn áp Thiên An Môn vào năm 2019, Xu Xiao cầm biểu ngữ được sử dụng trong cuộc biểu tình năm 1989 tới Công viên Điêu khắc Tự do ở Hoa Kỳ. (Ảnh được nhân vật cung cấp)

Người thanh niên nói với nhà báo rằng anh ta đang đi tới Quảng trường Thiên An Môn vì “đó là trách nhiệm của tôi”.

Anh ấy trông như bằng tuổi tôi. Anh ấy đang mỉm cười và tinh thần phấn chấn như thể đang đi dự tiệc. Tôi nhìn thấy niềm hy vọng của giới trẻ Trung Quốc trong nụ cười của anh ấy”, Trần kể.

Anh thuật lại với ABC News rằng nếu bản thân sống ở Trung Quốc vào năm 1989, anh cũng sẽ tham gia phong trào này.

 “Tôi ngưỡng mộ những sinh viên này, những người có thể có một cuộc sống ổn định, nhưng họ đã chọn cách liều lĩnh như vậy để chiến đấu với một mục tiêu không nhất thiết phải thành công trong ngắn hạn,” Trần giải thích.

Trước khi đến Úc, Trần đã đề cập đến phong trào Thiên An Môn với các bạn cùng lớp của mình một lần, nhưng tất cả đều nhìn anh đầy thắc mắc.

Anh nói: “Chúng tôi sống trong cùng một xã hội và cùng một không gian, nhưng chúng tôi lại có nhận thức khác nhau.

“Đó là nỗi buồn lớn nhất của tôi”

Không phải tất cả thế hệ trẻ của Trung Quốc đều chia sẻ ý nguyện của ông Trần là muốn biết về lịch sử bị xóa đi trong sách giáo khoa của Trung Quốc, kể cả con cháu của những người tham gia phong trào Thiên An Môn.

Một em nhỏ tái hiện hình ảnh người chặn xe tăng, ở cảng Sydney năm 2018, để tưởng niệm cuộc đàn áp Thiên An Môn . (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xu Xiao (Hứa Tiểu), một sinh viên đại học năm cuối ở Nam Kinh năm 1989 và là một trong những người tổ chức cuộc biểu tình của sinh viên tại trường đại học của mình, nói với ABC News rằng con trai ông “hoàn toàn thờ ơ” về những gì đã xảy ra vào năm 1989.

Ông cho biết sự thờ ơ của con trai mình là một nỗi đau không thể xóa nhòa.

Ông Tiểu chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 2019, nhưng con trai ông vẫn sống ở Trung Quốc.

Ông so sánh hoàn cảnh của mình với tình huống của Sitong Tan (Đàm Tự Đồng), một nhà cách mạng nổi tiếng, người đã cống hiến cuộc đời mình để đưa xã hội Trung Quốc tiến lên.

“Trước khi ông Đàm bị giết, vợ ông nói với ông: ‘Anh sắp bị giết, mà chúng mình lại chưa có con.” Đàm bảo: ‘Thêm một đứa trẻ có nghĩa là có thêm một kẻ nô lệ trong thế giới này’.”

Còn Tiểu thì nói: “Tôi có một con trai, nhưng con trai tôi được sinh ra và giáo dục ở Trung Quốc và đã bị họ [Đảng Cộng sản Trung Quốc] tẩy não. Đó là nỗi buồn lớn nhất của tôi. [Thật] đau lòng.

Nhưng Trần thì lại tin rằng có một lý do tại sao thế hệ trẻ ít biết và ít quan tâm đến những gì đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Hơn 3.200 từ mục đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn đã bị kiểm duyệt trên internet ở Trung Quốc. (ABC News: Graphic / Jarrod Fankhauser)

Bên cạnh việc kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc, ông cho biết có một lý do khác là phong trào đó không liên quan đến lợi ích thực sự của giới trẻ thời hiện đại.

“Nếu nó tập trung vào các những thứ như GRE (bài Kiểm tra Tiêu chuẩn Xét tuyển sau Đại học), bằng thạc sĩ hay thực tập sinh, nó có thể giúp họ nhận được mức lương cao hơn cho công việc tương lai của mình.

“Nhưng [họ biết] một phong trào dân chủ chẳng giúp bổ sung được thêm bất cứ ưu điểm nào vào hồ sơ nhập học, xin việc của họ, có nghĩa là nó không thêm bất kỳ giá trị nào vào thế giới thực của họ.”

‘Tại sao chúng ta cần nhìn lại sự kiện lịch sử này?’

Tưởng nhớ tới vụ thảm sát Thiên An Môn đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của ông Tiểu, nhưng ông nói rằng chỉ dựa vào “thế hệ 89’ đầu tiên” là “không đủ“.

Louisa Lim, một nhà báo đã đưa tin từ Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, đã làm mọi việc để khám phá sự thật bị che giấu về phong trào Thiên An Môn.

Vào tháng 6 năm 2018, khi Lim đang nói chuyện với sinh viên Trung Quốc tại một trường đại học của Úc về cuộc đàn áp Thiên An Môn, một sinh viên Trung Quốc đã hỏi: “Tại sao chúng ta lại cần phải nhìn lại sự kiện lịch sử này? Tại sao bạn nghĩ rằng việc biết lịch sử này có ích cho thế hệ trẻ Trung Quốc như tôi?”

Lim nói với ABC rằng thanh niên Trung Quốc xứng đáng có quyền được biết sự thật, mặc dù nhiều người có thể sợ hãi khi nghe điều gì đó không phù hợp với những gì chính phủ đã nói với họ.

“Họ tin chắc rằng tất cả các quyết định của chính phủ là đúng đắn và không thể nhầm lẫn, và bất kỳ sự sai lệch nào so với tiêu chuẩn đó đều là liều lĩnh, thậm chí nguy hiểm”, cô viết trong cuốn sách “Nước Cộng hòa Nhân dân Mất trí nhớ” (The People’s Republic of Amnesia).

Sự nhạy cảm chính trị về ngày 4 tháng 6 đã tăng lên ở Trung Quốc trong những năm qua, với

Louisa Lim đã dành nhiều năm để khám phá sự thật bị che giấu của vụ đàn áp ở Thiên An Môn, bằng cách nói chuyện với các sinh viên lãnh đạo các cuộc biểu tình. (Đã do nhân vật cung cấp)

hơn 3.200 từ mục đề cập đến vụ thảm sát Thiên An Môn đã bị kiểm duyệt trên internet Trung Quốc.

Lim cho biết khi những kiến ​​thức đó bị che giấu khỏi mọi người, đó là dấu hiệu của sự yếu đuối hơn là sức mạnh.

“Tôi nghĩ rằng người dân Trung Quốc đủ trưởng thành để biết những gì đã xảy ra vào tháng 6 năm 1989, và có thể đưa ra kết luận của riêng họ về hành vi của Đảng Cộng sản và Quân Giải phóng Nhân dân.”

Ngay cả khi bản thân là một trong số ít những người trẻ tuổi được biết, thì anh Trần cũng cho là anh sẽ không khuyến khích thế hệ trẻ Trung Quốc tìm hiểu về phong trào Thiên An Môn, bởi vì “hầu hết những người trẻ tuổi không thể thay đổi bất cứ điều gì ngay cả khi họ biết về nó”.

Họ thậm chí phải sử dụng đến bính âm – là cách dùng chữ la tinh để phiên âm các ký tự Trung Quốc – hoặc dùng những chữ viết tắt để tránh bị thuật toán AI phát hiện khi nhập bất cứ thứ gì liên quan đến năm 1989 trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó có WeChat.

“Họ không thể thực thi công lý cho những người đã chết, họ không thể đến bất kỳ buổi lễ tưởng niệm nào”, anh nói.

“Thay vào đó, họ sẽ thất vọng hơn với xã hội mà họ đang sống một khi phát hiện được những gì đã xảy ra vào năm 1989”.