3368. Tại sao việc Putin phản bội Ukraine lại có thể kích hoạt phát triển vũ khí hạt nhân

TT Mỹ Bill Clinton, TT Nga Boris Yeltsin và TT Ukraine Leonid Kravchuk ký Tuyên bố Ba bên về việc chuyển giao vũ khí hạt nhân từ Ukraine cho Nga và các vấn đề liên quan, tại Moscow, tháng 1 năm 1994. Anh: Joseph P. Harahan

The Bulletin of the Atomic Scientists by Steven Pifer | June 1, 2022

(Steven Pifer là thành viên của Dự án William J. Perry, tại Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế của Stanford và là cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine. Ông đã giúp đàm phán Tuyên bố ba bên và Giác thư Budapest trong giai đoạn 1993-1994).

Ba Sàm lược dịch

Vào ngày 1 tháng 6 năm 1996, hai chuyến tàu hỏa đến Nga vận chuyển những đầu đạn hạt nhân cuối cùng, từng được triển khai ở Ukraine, sau khi Liên Xô sụp đổ. Nó kết thúc quá trình Kyiv từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới lúc bấy giờ – vượt cả Anh, Pháp và Trung Quốc cộng lại. Chính phủ Ukraine làm như vậy một phần lớn là do Nga đảm bảo rằng họ sẽ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời hạn chế sử dụng vũ lực đối với Ukraine.

26 năm sau, một cuộc xâm lược quy mô của Nga vào Ukraine đã được hơn ba tháng. Có thể hiểu được thực tế đó đã khiến người Ukraine đặt dấu hỏi về sự khôn ngoan hay không của quyết định từ bỏ những vũ khí hạt nhân đó, và cuộc chiến của Vladimir Putin đã giáng một đòn mạnh vào những nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Con đường phi hạt nhân hóa của Ukraine

Khi Liên Xô sụp đổ vào cuối năm 1991, Ukraine sở hữu khoảng 4.400 đầu đạn hạt nhân trên lãnh thổ của mình — 1.900 đầu đạn chiến lược và 2.500 đầu đạn phi chiến lược hoặc còn gọi là chiến thuật — cũng như các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) SS-19 và SS-24, máy bay ném bom Blackjack và Bear để phóng các đầu đạn hạt nhân chiến lược. Nga nhanh chóng thu xếp việc tiếp nhận các vũ khí chiến thuật của  Ukraine được chuyển đến lãnh thổ của mình, việc này đã được hoàn tất vào tháng 5 năm 1992. Nhưng các vũ khí chiến lược thì vẫn còn.

Chính phủ Ukraine, khi đó mới độc lập, đã có xu hướng trở thành một quốc gia phi vũ khí hạt nhân. Tuyên bố về chủ quyền quốc gia vào tháng 7 năm 1990 của Ukraine nói rằng nước này sẽ không chấp nhận việc sản xuất hoặc mua vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, trước khi đưa ra sự đồng ý cuối cùng về việc loại bỏ chúng, các quan chức Ukraine đã đặt ra một số câu hỏi cần được giải quyết.

Thứ nhất, vũ khí hạt nhân được coi là mang lại lợi ích an ninh và Kyiv tìm kiếm những cam đoan hoặc đảm bảo cho an ninh của mình sau khi chúng không còn nữa.

Thứ hai, các quan chức Ukraine muốn được bồi thường giá trị của uranium được làm giàu cao chứa trong các đầu đạn.

Thứ ba, với tư cách là nước kế thừa Liên Xô vì các mục đích của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) năm 1991, Ukraine sẽ phải loại bỏ các tên lửa ICBM, các hầm chứa ICBM, các máy bay ném bom và các cơ sở hạ tầng hạt nhân khác trên lãnh thổ của mình – nhưng Kyiv không chắc chắn làm thế nào để có được khoản bù đắp cho chi phí trong việc thực hiện các yêu cầu đó giữa lúc nền kinh tế không được vững vàng của mình.

Các quan chức Ukraine và Nga đã đàm phán theo kênh song phương về những câu hỏi đó trong năm 1992-1993. Họ đã thông báo cho các quan chức Hoa Kỳ biết nội dung đàm phán, một phần vì Kyiv hy vọng Hoa Kỳ sẽ tham gia cung cấp các đảm bảo hoặc cam đoan về an ninh. Washington đồng ý làm như vậy, nhưng nhấn mạnh vào thuật ngữ “các cam đoan” thay vì là “các đảm bảo”, vì thuật ngữ thứ hai (các đảm bảo) lại ngụ ý về một cam kết sử dụng lực lượng quân sự – thứ mà các quan chức Mỹ không sẵn sàng cung cấp cho Ukraine – trong trường hợp chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ của nước này bị xâm phạm.

Vào tháng 9 năm 1993, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk và Tổng thống Nga Boris Yeltsin, hai bên thông báo rằng các vấn đề về việc chuyển giao các đầu đạn hạt nhân chiến lược cho Nga để loại bỏ đã được giải quyết. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã sụp đổ chỉ trong vài ngày.

Lo sợ rằng nếu chỉ có riêng Kyiv và Moscow tham gia có thể không đạt được thỏa thuận, các quan chức Mỹ sau đó đã quyết định can dự trực tiếp hơn. Hoa Kỳ còn lo ngại về việc START có hiệu lực sau khi chính phủ Nga ra điều kiện cho Ukraine gia nhập Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân. Các quan chức Nga hoan nghênh sự tham gia của Mỹ, vì họ hiểu rằng Washington chia sẻ mục tiêu đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi Ukraine. Các quan chức Ukraine cũng hoan nghênh sự tham gia của Hoa Kỳ, tin rằng họ sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ trong một số vấn đề nhất định.

Sau các cuộc thảo luận ba bên tại Kyiv vào giữa tháng 12 năm 1993, các quan chức Mỹ nhìn thấy khả năng sắp kết thúc và mời các quan chức Ukraine và Nga đến Washington vào đầu tháng 1 năm 1994. Các cuộc đàm phán ở đó đã đưa ra Tuyên bố Ba bên, được ký bởi Kravchuk, Yeltsin và Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào ngày 14 tháng 1 năm 1994, tại Moscow.

Các điều khoản của thỏa thuận

Tuyên bố Ba bên phản ánh một số điểm, bao gồm cam kết của Ukraine gia nhập NPT với tư cách là một quốc gia phi vũ khí hạt nhân “trong thời gian ngắn nhất có thể”, thỏa thuận đồng thời với việc “chuyển giao đầu đạn hạt nhân từ Ukraine [cho Nga] và chuyển giao việc bồi thường [giá trị của uranium làm giàu cao trong các đầu đạn hạt nhân chiến lược] cho Ukraine dưới dạng các tổ hợp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân, ”cũng như việc Mỹ cam kết cung cấp hỗ trợ để giúp Ukraine loại bỏ các hệ thống phóng vũ khí chiến lược trên lãnh thổ của mình theo yêu cầu của hiệp ước START.

Tuyên bố Ba bên cũng bao gồm các đảm bảo an ninh cụ thể mà Hoa Kỳ, Nga và Vương quốc Anh sẽ cung cấp cho Ukraine khi nước này gia nhập hiệp ước NPT. Các đảm bảo an ninh bao gồm các cam kết “tôn trọng độc lập và chủ quyền và các đường biên giới hiện có” của Ukraine và “kiềm chế các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” đối với Ukraine. Những cam kết này sau đó đã được phản ánh trong Giác thư Budapest về đảm bảo an ninh, được ký vào tháng 12 năm 1994.

Ngoài việc ký Tuyên bố Ba bên, ba nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi thư riêng. Những điều này phản ánh thỏa thuận của Kyiv rằng tất cả các đầu đạn hạt nhân còn lại sẽ được chuyển cho Nga để loại bỏ trước ngày 1 tháng 6 năm 1996 và thỏa thuận của Moscow về việc bồi thường cho Ukraine đối với các đầu đạn hạt nhân phi chiến lược đã bị loại bỏ.

Vào tháng 2 năm 1994, các quan chức Nga và Ukraine đã gặp song phương và nhất trí về lịch trình chuyển giao các đầu đạn hạt nhân chiến lược cho Nga và chuyển các tổ hợp nhiên liệu cho Ukraine. Họ cũng đồng ý về khoản bồi thường mà Ukraine sẽ nhận được – một khoản nợ xóa bỏ – đối với giá trị của uranium được làm giàu cao trong các đầu đạn hạt nhân phi chiến lược. Những vụ chuyển nhượng đầu tiên bắt đầu ngay sau đó.

Vào tháng 11 năm 1994, Quốc hội Ukraine – Rada – đã phê duyệt văn kiện gia nhập NPT. Điều đó tạo tiền đề cho Clinton, Yeltsin, Tổng thống Ukraine mới đắc cử Leonid Kuchma và Thủ tướng Anh John Major nhận văn kiện gia nhập NPT của Ukraine và ký Bản ghi nhớ Budapest về Đảm bảo An ninh vào ngày 5 tháng 12 năm 1994. Ukraine và Nga đã hoàn thành việc chuyển giao các đầu đạn hạt nhân và tổ hợp nhiên liệu [cho các nhà máy điện hạt nhân] tương ứng, vào một năm rưỡi sau đó.

Sự phản bội của Nga và hậu quả của nó

Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2014, nước Nga của Putin – vi phạm hoàn toàn các cam kết của chính nước này được nêu trong Giác thư Budapest – đã sử dụng vũ lực quân sự để chiếm Crimea của Ukraine và sau đó sáp nhập vào nước mình. Ngay sau đó, vào tháng 3 năm 2014, các lực lượng an ninh và quân sự của Nga đã tham gia vào cuộc xung đột ở Donbas, miền đông Ukraine – một cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của khoảng 14.000 người, trước tháng 2 năm 2022, khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng phía Tây của mình.

Nếu Ukraine vẫn giữ các vũ khí hạt nhân, mối quan hệ của nước này với Hoa Kỳ, châu Âu và các tổ chức như Liên minh châu Âu và NATO rất có thể sẽ không phát triển được như họ đã có trong 25 năm qua, và Kyiv sẽ có một vấn đề to lớn với Moscow— nhưng sự thật cơ bản của tình cảnh này sẽ có vẻ khác.

Bởi thế, có thể hiểu được việc người Ukraine giờ đây nhìn lại và đặt câu hỏi về sự khôn ngoan hay không của việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Liệu Nga có hành động như năm 2014 và 2022 nếu Ukraine giữ một số đầu đạn hạt nhân của mình? Sự phản bội của Nga đối với các cam kết an ninh của họ với Ukraine – chưa kể đến sự tàn khốc của cuộc chiến mà quân đội Nga đã tiến hành – gần như chắc chắn sẽ khiến cho Kyiv từ bỏ bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai với Moscow.

Trong khi đó, nhất quán với những gì các quan chức Mỹ đã nói với người đồng cấp Ukraine tại thời điểm đàm phán về đảm bảo an ninh, Washington đã cung cấp hỗ trợ quân sự đáng kể cho Ukraine, bao gồm tên lửa chống thiết giáp, xe bọc thép, pháo hạng nặng và một lượng lớn đạn dược – một gói hỗ trợ trị giá hơn 4,5 tỷ USD chỉ tính riêng từ tháng 1 năm 2021. Ngoài ra, vào tháng 5 năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua một gói viện trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế trị giá hàng tỷ USD khác cho Kyiv. Hoa Kỳ cũng đã làm việc với Liên minh châu Âu và các quốc gia khác để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn đối với Nga.

Cuộc chiến là một thảm kịch đối với Ukraine, quốc gia này đã phải gánh chịu cái chết của hàng nghìn binh lính và dân thường cùng những thiệt hại to lớn về vật chất. Nhưng đây cũng được cho là một thảm họa đối với Nga, quốc gia đã mất thêm hàng nghìn binh sĩ, sẽ phải gánh chịu nỗi đau kinh tế lớn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, và phải đối mặt với một NATO đang được trẻ lại – và rất có thể sẽ sớm mở rộng.

Các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân có thể trở thành một thứ thương vong quan trọng khác của cuộc chiến tranh này. Sự coi thường trắng trợn của Nga đối với các cam kết năm 1994 với Ukraine đã làm mất uy tín các đảm bảo an ninh trong bộ công cụ của các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân. Những gì Nga (quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới) đã làm với Ukraine (một quốc gia đã từ bỏ kho vũ khí của mình) có thể sẽ được ghi lại rất đậm nét trong tâm trí những người ở các quốc gia đang cân nhắc nên mua hay từ bỏ vũ khí hạt nhân trong tương lai.