3383. Canh bạc nợ nần của người Việt lao động ở nước ngoài (P1, 2)

Lao động nhập cư tại Đài Bắc, Đài Loan, 27/4/2022

Những người lao động phải chi trả khoản tiền tương đương từ 3 đến 4 năm lương tại Việt Nam để được có việc làm ở nước ngoài, tại các nhà cung cấp của các thương hiệu quốc tế lớn.

THE DIPLOMAT by Peter Bengtsen – June 13, 2022

Ba Sàm lược dịch

Lao động nhập cư người Việt Nam phải đối mặt với phí tuyển dụng cao kỷ lục. Họ có nguy cơ bị ràng buộc bởi nợ nần trong khi phải trả các khoản nợ khổng lồ cho các nhà tuyển dụng, làm việc tại các công ty tuyển dụng nước ngoài. Nhiều người làm việc cho các nhà cung cấp của các thương hiệu lớn phương Tây, nhưng chúng tôi hiếm khi nghe nói về những thành công của người lao động nhập cư Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số người làm việc tại Đài Loan qua các nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia Châu Âu như Continental, Bosch, Hella, DSM, và các hãng nằm trong Fortune 500 của Bắc Mỹ như Dupont, Visteon và Magna. Một số làm việc tại Nhật Bản qua các nhà cung cấp cho Tập đoàn Toyota, trong khi những người khác xây dựng nhà máy ở châu Âu qua nhà cung cấp của VW và cho đến gần đây là Renault.

20 công nhân Việt Nam đã được phỏng vấn trong suốt nửa năm để viết câu chuyện này. 9 công nhân khác chia sẻ thông tin về thực tiễn tuyển dụng và điều kiện làm việc của họ. Không ai trong số 29 công nhân đó đã được hoàn trả phí tuyển dụng. Tất cả tên công nhân được đề cập trong phần này đã được thay đổi để đảm bảo an toàn cho họ. Tên của các công ty sản xuất mà họ làm việc cũng đã được ẩn danh để bảo vệ người lao động.

Trong câu chuyện này, bạn đóng vai Minh, một nhân vật hư cấu dựa trên lời khai của những người được phỏng vấn. Tất cả những người lao động khác được đề cập là có thật.

Đây là câu chuyện của cá nhân bạn, nhưng nó cũng là câu chuyện rộng hơn về việc khai thác có hệ thống hàng nghìn người Việt Nam tìm việc làm qua các nhà tuyển dụng và các chủ sử dụng lao động. Việc thuê những người từ Việt Nam có thu nhập thấp làm việc tại các quốc gia có thu nhập cao – đặc biệt là Đài Loan và Nhật Bản – nơi dân số già và thiếu nhân lực cho công việc chân tay không có tay nghề. Nó là một hoạt động kinh doanh có quy mô to lớn.

Mỗi người được phỏng vấn đằng sau bài viết này đều phải trả phí cắt cổ để có được việc làm ở nước ngoài. Nhiều người đã vay số tiền khổng lồ, bị tịch thu hộ chiếu, đối mặt với lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt (Đài Loan), hoặc phải đi săn thỏ trong các khu rừng gần đó để có thêm thức ăn cho bữa tối (Serbia). Nhiều người phải đối mặt với rủi ro lao động cưỡng bức nghiêm trọng theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, cơ quan lao động của Liên hợp quốc, nhưng nhiều người vẫn sẽ làm như vậy bởi nó như một bước đệm cho tương lai tươi sáng hơn cho gia đình họ. Một số đấu tranh quyết liệt (đôi khi chấp nhận tổn thất thể chất) vì quyền lợi của họ, bất chấp bị những người quản lý trừng phạt, phải chịu các khoản nợ và sự phân biệt đối xử, trong khi phải trả hết nợ. Các tình huống của họ cho thấy động lực lao động cưỡng bức đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu.

Bạn – với tư cách là Minh – đã sẵn sàng khởi hành ngay bây giờ. Mọi thứ đã được chuẩn bị. Thế chấp đất đai của gia đình bạn để bạn có thể chi trả nhà tuyển dụng cho công việc của bạn ở nước ngoài. Bạn tạm biệt cha mẹ và anh chị em của mình ở vùng quê Nghệ An, nơi có nhiều người xuất khẩu lao động đến đây. Bạn vừa bước sang tuổi 21 và đã sẵn sàng cho những gì phía trước. Ít nhất là bạn cảm thấy như vậy.

Phần 1, Đài Loan: Trả tiền để được làm việc

Các khu công nghiệp rộng lớn ở Taoyuan, một đô thị đặc biệt giáp với thủ đô của Đài Loan, tạo nên sự tương phản hoàn toàn với thời thơ ấu của bạn trên những cánh đồng lúa của gia đình mình gần thủ đô của Việt Nam.

Tại Taoyuan, nơi sinh sống của một bộ phận đáng kể dân lao động nhập cư của Đài Loan, bạn sẽ nhanh chóng được đưa từ sân bay đến chiếc giường tầng trong ký túc xá của mình. Bạn nhớ là đã đi qua nhiều nhà máy lớn nhỏ khác nhau trong chặng đường ngắn. Hai ngày sau, bạn bắt đầu làm ca 12 tiếng đồng hồ trên dây chuyền sản xuất.

“Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Tôi hoàn toàn kiệt sức trong thời gian đầu và cảm thấy rất cô đơn, mặc dù tôi có hàng trăm người đồng hương trong ký túc xá của mình”, Tuấn, làm ở một nhà máy gần đó, từng nói với bạn, mặc dù lời nói đó giờ đây có thể là của bạn.

Tuấn đến đây vào cuối năm 2019 để làm việc cho Nhà sản xuất A, công ty vận chuyển hàng triệu kg nhựa thô và polyeste cho các công ty đa quốc gia như Continental, Dupont, DSM và Niagara Bottling, cho nhà cung cấp nước đóng chai của Walmart, Costco và hàng chục nhà bán lẻ khác.

Giống như bạn, Tuấn chưa lập gia đình và đến Đài Loan để hỗ trợ gia đình ở quê nhà, bằng cách gửi về một số tiền trong khoản thu nhập hàng tháng của mình. Nhưng gia đình đã phải chờ đợi gần hai năm để được hưởng lợi từ thu nhập của anh. Đầu tiên, anh phải trả khoản vay 7.700 đô la mà mình có được, trong đó là khoản 6.500 đô la phí tuyển dụng và các chi phí khác, tương ứng với ba đến 4 năm lao động với mức lương tối thiểu ở Việt Nam là 130-170 đô la mỗi tháng.

Một số đồng nghiệp của anh tham gia cuộc trò chuyện với bạn. Họ cũng đã phải trả số tiền tương tự cho các đại lý tuyển lao động ở địa phương cho các hợp đồng 3 năm. Mọi thứ đều phải trả trước. Mọi người đều phải đi vay. Một số đã thế chấp mảnh đất của gia đình họ. Thậm chí, có một số người còn trả gấp đôi vì họ phải quay về Việt Nam để được nhà tuyển dụng gia hạn thêm ba năm khi hết hợp đồng.  

Nói về các văn bản hợp đồng, bạn không thực sự nhận được một bản sao từ nhà tuyển dụng đâu. Bạn chả bao giờ nghĩ nhiều về nó. Chà, mà tại sao lại phải bận tâm về nó nhỉ? Dù có thế nào thì bạn cũng phải ký một hợp đồng mới khi đến Đài Loan. Một trong những đồng nghiệp của Tuấn nói rằng nhà tuyển dụng ở Việt Nam yêu cầu anh ta không đọc nó, mà chỉ cần ký tên và cũng như ký vào một tờ giấy trắng thôi. Anh ta không được cho biết tại sao như thế và không dám hỏi han gì.

Cũng giống như bạn, Tuấn không những phải trả hết các khoản đã vay mà còn bị trừ bớt 6-7% lương cơ bản hàng tháng cho công ty môi giới Đài Loan đăng ký hợp pháp ở Đài Loan, và 10% nữa cho ký túc xá và tiền ăn. Phí môi giới không được ghi trên phiếu thanh toán của anh, nhưng được khấu trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của anh. Tuấn và các đồng nghiệp của anh còn bị phạt vì vi phạm nội quy ký túc xá hoặc nhà máy, làm giảm thêm thu nhập của họ.

Ngày đàn trở thành tuần. Tuần dần trở thành tháng. Mọi thứ đi dần vào thói quen của bạn. Tình trạng kiệt sức ban đầu không còn nữa. Vào ngày nghỉ hàng tuần, đôi khi bạn ghé thăm các trung tâm mua sắm hoặc chợ. Bạn giao lưu chủ yếu với những người Việt Nam khác.

Trong một khu ký túc xá yên tĩnh giữa khung cảnh công nghiệp đơn điệu, bạn gặp Hiền và những công nhân trẻ khác từ Nhà sản xuất B gần đó, công ty sản xuất đồ điện tử cho các nhà cung cấp xe hơi như Bosch, Continental, Hella, Visteon và Magna – tất cả các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 toàn cầu.

Bên cạnh việc vay tiền để trả phí tuyển dụng 4.200-6.500 đô la để có được việc làm, một số còn phải trả 1.000 đô la đặt cọc cho các đại lý ở quê nhà, số tiền này sẽ bị mất nếu họ không hoàn thành thời hạn hợp đồng. Họ cũng trả tiền cho ký túc xá, thức ăn và hơn thế nữa. Một số người nói rằng họ đã mất tới một năm rưỡi để trả hết các khoản vay của mình. Làm thêm giờ giúp trả nợ nhanh hơn, Hiền cho biết.

Bạn cảm thấy khoan khoái vì bạn đã được làm thêm giờ. Mọi người bạn gặp đều trông cậy vào thời gian làm thêm quá nhiều, nhưng đôi khi họ nhận được ít hơn những gì đã được hứa. Bạn còn nhớ Thịnh, một cựu ngư dân, người đã trả cho nhà tuyển dụng 6.000 đô la để được làm việc cho một nhà sản xuất ốc vít của Đài Loan, mặc dù thay vào đó anh ta lại làm việc tại một nhà máy sản xuất đồ nội thất. Anh ấy hiếm khi có hơn 50 giờ làm việc một tuần, vì vậy anh đã mất hai năm để trả hết khoản vay của mình.

“Tôi rất buồn vì không được làm thêm nhiều, vì bố mẹ tôi đã bảo là ‘con phải cần rất nhiều tiền trước khi về’ ”, anh kể với bạn.

Nếu làm thêm giờ là con đường tắt để không bị mắc nợ, thì một sự tức giận của người giám sát là con đường vòng. Bạn cảm thấy được đối xử tốt, nhưng những người khác như Đạt thì kém may mắn hơn. Anh ấy đã phải trả 6.000 đô la cho một công việc tại một nhà sản xuất máy công cụ, nhưng khoản nợ của anh thậm chí còn tăng hơn nữa ở Đài Loan, khi anh phải nhập viện do tai nạn ở nơi làm việc, chỉ vài tháng sau khi đến. Anh đã phải trả phần lớn viện phí. Anh bị mất việc và thị lực một bên mắt, vì vậy anh đã phải tìm việc làm bất hợp pháp trong lĩnh vực xây dựng.

“Đó là tất cả những cách để cho mình không bị trục xuất. Còn nếu bạn mắc quá nhiều sai phạm, hoặc gặp tai nạn như tôi, bạn sẽ bị sa thải và có nguy cơ bị trục xuất. Tốt hơn là bỏ trốn và trở thành kẻ không có giấy tờ hợp pháp. Làm cách nào khác được để có tiền trả cho các khoản vay?” Đạt kể.

Việc người lao động Việt Nam phải trả những khoản tiền khổng lồ, để có được việc làm ở nước ngoài, đã trở thành quy chuẩn kể từ đầu những năm 2000, khi họ bắt đầu gia nhập thị trường lao động Đài Loan với số lượng ngày càng tăng. Theo thống kê của Bộ Lao động, ngày nay, người Việt Nam chiếm gần một nửa số lao động nhập cư công nghiệp của Đài Loan.

Phần 2, Đài Loan: Giờ giới nghiêm vì COVID-19, nhưng chỉ dành cho người nhập cư

Bạn tiếp tục làm việc ở Đài Loan. Kể từ giữa năm 2021 khi Đài Loan có đợt dịch COVID-19 đầu tiên, nước này đã thực hiện một đợt giới nghiêm khắc nghiệt, với những mức độ từ không giới nghiêm, giới nghiêm nhẹ và giới nghiêm nghiêm ngặt tại nơi làm việc của bạn – mặc dù chỉ dành cho những người lao động nước ngoài như bạn. Các đồng nghiệp Đài Loan của bạn có thể tự do đến và đi tùy thích.

Chúng tôi cảm thấy bị giam hãm. Chúng tôi đã không được phép ra ngoài trong suốt hai tháng qua“, một đồng nghiệp của Tuấn nói với bạn vào tháng 5 năm 2022. “Và chúng tôi đã không được phép ra ngoài trong vài tháng vào giữa năm 2021.” Hiện tại thì họ được phép ra ngoài ba giờ mỗi tuần.

Hiền và những người bạn của bạn làm việc cho một nhà sản xuất khác thì bị giới hạn 3 giờ được ra ngoài mỗi ngày, nếu họ chỉ mới tiêm hai liều vaccine. Trong những tháng số ca mắt COVID cao vào giữa năm 2021, họ có thể chỉ được ra ngoài 2 giờ mỗi ngày. Họ luôn phải tuân theo lệnh giới nghiêm hàng đêm.

Mặc dù Đài Loan hiện đang phải đối mặt với đợt sóng thần COVID-19, nhưng nước này đã chống chọi với đại dịch tốt hơn hầu hết các quốc gia khác và chưa bao giờ áp đặt lệnh đóng cửa hoàn toàn. Nhưng việc lệnh giới nghiêm chỉ dành cho người di cư đã gây cảm thấy không công bằng và khiến bạn thất vọng. 2 tiếng đồng hồ ngoài giờ làm việc được chủ của bạn cho phép thì chủ yếu là dành cho việc đi lại. Trong khi bạn lại sống trong một ký túc xá thuộc một tổ hợp nhà máy trong một khu công nghiệp không có cửa hàng xung quanh.

Nếu công nhân vi phạm lệnh giới nghiêm, họ sẽ bị trừng phạt. Hiền cho biết họ bị phạt 1,5 ngày lương cơ bản nếu về muộn một giờ và bị phạt lên đến 2 tuần lương cơ bản nếu ở lại bên ngoài qua đêm. Các đồng nghiệp của Tuấn cho biết họ từng bị phạt tiền hoặc tạm đình chỉ công việc. Họ đã kể chi tiết về các hệ thống phạt tiền đối với những sai sót trong dây chuyền sản xuất hoặc vi phạm các quy tắc của ký túc xá. Công nhân nhập cư thuộc Nhà sản xuất A bị người giám sát ký túc xá phạt vì thức quá khuya, ồn ào, hút thuốc, uống rượu, v.v. Nếu đấu tranh, họ có nguy cơ bị trục xuất.

“Lần đầu tiên người giám sát ký túc xá phát hiện ra bạn cư xử không đúng mực, bạn phải trả 500 đô la Đài Loan. Lần sau là 1.000. Lần thứ ba là 1.500”, Tuấn cho biết.

Công nhân tại Nhà sản xuất A đã có nhiều phàn nàn về các khoản phí và thời gian giới nghiêm liên miên. Họ cho biết hộ chiếu đã bị giữ lại trong nhiều năm cho đến năm 2020. Nếu họ nghỉ việc trước khi hợp đồng kết thúc, họ sẽ mắc nợ một tháng lương. Họ không được phép giữ một bản sao của hợp đồng đã ký tại Việt Nam. Những ngày phải cách ly vì COVID-19 sẽ không được trả tiền công. Công nhân tại cả hai công ty cũng phàn nàn về điều kiện ký túc xá và chất lượng thực phẩm.

Xem tiếp phần sau: P3, 4, 5, 6P7, 8, 9