3386. Ukraine không đáng có chiến tranh hạt nhân

Anton27/Shutterstock)

Những người được cho là bạn của Kiev ở Ba Lan đề xuất lựa chọn giải pháp kịch bản ngày tận thế (Armageddon).

The American Conservative by Doug Bandow – JUNE 16, 2022

(Doug Bandow là thành viên cao cấp tại Viện Cato. Từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, ông là tác giả cuốn Foreign Follies: America’s New Global Empire).

Ba Sàm lược dịch

Khi Nga đạt được tiến bộ chậm chạp trong các cuộc giao tranh khốc liệt ở phía Đông của Ukraine, ngày càng có nhiều lời bàn tán về một sự bế tắc, hoặc thậm chí có thể là một cuộc tấn công cuối cùng của Nga nhằm vào Kiev. Điều này đã làm tăng cường nhu cầu của chính phủ Zelensky đối với các loại vũ khí ngày càng phức tạp hơn từ các chính phủ Hoa Kỳ và châu Âu.

Tuy nhiên, những yêu cầu đó có thể là quá muộn. Các lô hàng rất dễ bị Nga tấn công và vũ khí cần được huấn luyện sử dụng, một số trong đó phức tạp và cần thời gian dài. Hơn nữa, trong khi lực lượng của Matxcơva bị tổn thất nặng nề ban đầu, thì cuộc tấn công bằng pháo binh của Nga đang khiến Ukraina phải tiêu hao một số binh lính được huấn luyện tốt nhất của mình. Khả năng của Kiev để tiếp tục chống lại các cuộc tấn công của Moscow là không chắc chắn.

Cho đến nay, vấn đề được quan tâm ở Washington và tại một số thủ đô của châu Âu là đẩy nhanh tốc độ giao vũ khí. Tuy nhiên, chính trị gia Ba Lan Radoslaw Sikorski, cựu ngoại trưởng và quốc phòng hiện đang ngồi trong Nghị viện châu Âu, đã đề xuất một giải pháp thay thế triệt để: trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Ông Sikorski nói: “Bởi vì Nga đã vi phạm Giác thư Budapest, tôi tin rằng chúng ta, với tư cách là phương Tây, sẽ có quyền cung cấp cho Ukraine các đầu đạn hạt nhân”.

Cơ sở lý luận của ông ấy là thiếu sót. Giác thư Budapest năm 1994, quy định việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân còn sót lại sau khi Liên Xô tan rã, bao gồm cam kết của các bên “tìm kiếm hành động ngay lập tức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) để hỗ trợ Ukraine,” nếu nước này bị tấn công hoặc bị đe dọa tấn công bởi vũ khí hạt nhân. Đây là một lời hứa vô nghĩa, vì kẻ xâm lược tiềm tàng duy nhất được cho là Nga, có quyền phủ quyết sẽ trói cứng UNSC. Tuy nhiên, Kiev đã ký với nhận thức rằng thỏa thuận không mang lại sự đảm bảo an ninh có ý nghĩa.

Không nghi ngờ gì nữa, Kiev giờ đây có thể ước rằng họ không từ bỏ kho vũ khí hạt nhân kế thừa của mình, mặc dù họ thiếu quyền kiểm soát hoạt động đối với vũ khí này. Với cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân của Mỹ và đặc biệt là châu Âu, Ukraine sẽ khó có thể giữ vũ khí hạt nhân trong khi lại tìm cách hội nhập với phương Tây. Ấn Độ đã phải trả một cái giá kinh tế đáng kể cho việc phát triển kho vũ khí của mình, trước khi chính quyền George W. Bush chấp nhận thực tế đã rồi và New Delhi được coi như là một cường quốc hạt nhân.

Trong mọi trường hợp, cơ hội của Ukraine đã trôi qua từ lâu. Và không ai đề nghị chuyển vũ khí hạt nhân cho Kiev trước cuộc tấn công của Nga, bởi có lẽ nó sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng và đẩy nhanh cuộc xâm lược của Moscow. Làm như vậy ngày nay, với chiến tranh đã và đang hoành hành, sẽ có nguy cơ biến một cuộc xung đột vốn đã khủng khiếp thành một thảm họa thực sự.

Trong Chiến tranh Lạnh, vũ khí hạt nhân có thể giúp ngăn chặn một cuộc xung đột quy mô toàn diện giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Tuy nhiên, nếu chiến tranh nổ ra giữa họ, sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng đáng kể mức độ nguy hiểm của cuộc chiến. Bên thua sẽ bị cám dỗ sử dụng vũ khí hạt nhân để lấy lại thế cân bằng. Trên thực tế, trong suốt Chiến tranh Lạnh, Washington, quốc gia sở hữu quân đội nhỏ hơn, đã đe dọa đáp trả một cuộc xâm lược Tây Âu bằng vũ khí hạt nhân. Bây giờ tình hình đã đảo ngược giữa Mỹ và Nga.

Ấn Độ và Pakistan không phải là cường quốc hạt nhân khi họ đã tham gia vào ba cuộc chiến tranh toàn diện. Khả năng tiêu diệt lẫn nhau của họ có thể đã ngăn chặn cuộc xung đột thứ tư, mặc dù họ đã tổ chức một cuộc đọ súng hạn chế nhưng kéo dài ở Kashmir vào năm 1999, được gọi là Chiến tranh Kargil, sau khi cả hai đều đã tiến hành thử vũ khí hạt nhân. Các hành động khiêu khích của Pakistan, chẳng hạn như các cuộc tấn công khủng bố vào quốc hội Ấn Độ năm 2001 và Mumbai năm 2008, gây nguy cơ chiến tranh, có thể đã bị ngăn cản bởi khả năng leo thang hạt nhân.

Tất nhiên, Ukraine đòi hỏi nhiều thứ hơn là đơn thuần chỉ vũ khí hạt nhân, để trở thành một cường quốc hạt nhân. Nó cũng sẽ cần một số phương tiện vận chuyển – máy bay hoặc tên lửa, cùng với các khóa huấn luyện liên quan. Và, tất nhiên, một kế hoạch như vậy không thể dễ dàng được giữ bí mật. Moscow có thể đáp trả phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân để ngăn Ukraine triển khai lực lượng tác chiến. Sau phát biểu của Sikorski, người đứng đầu Duma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin liền cảnh báo: “Sikorski kích động một cuộc xung đột hạt nhân ở trung tâm châu Âu. Ông ta không nghĩ về tương lai của Ukraine hay Ba Lan. Nếu các đề xuất của ông ấy được thực hiện, các quốc gia này sẽ biến mất, cũng như châu Âu”.

Trong mọi trường hợp, ý tưởng đó là không thành. Trong số các đồng minh, chỉ có Mỹ, Pháp và Anh sở hữu vũ khí hạt nhân. Emmanuel Macron của Pháp đã cố gắng tìm một lối thoát ngoại giao khỏi chiến tranh. Boris Johnson của Vương quốc Anh sẽ do dự trong việc tăng cường vị thế quốc gia châu Âu của mình qua cách chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine. Tổng thống Joe Biden vừa trở về sau chuyến công du tới Hàn Quốc, nơi ông tái khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hóa Triều Tiên của Washington. Ngay cả chính phủ Ba Lan đã không tán thành đề xuất của Sikorski.

Tuy nhiên, sự kiện một nhân vật chính trị nghiêm túc, từng ủng hộ việc biến xung đột đang diễn ra thành đối đầu hạt nhân đã chứng tỏ xung đột đó đã trở nên nguy hiểm như thế nào. Cuộc xâm lược của Moscow là phi lý. Tuy nhiên, một nỗ lực của đồng minh nhằm biến Ukraine thành kẻ chiến thắng — ngày càng được ủng hộ bởi những người ủng hộ Ukraine trong cộng đồng chính sách đối ngoại của Mỹ — có nguy cơ kích hoạt leo thang của Nga.

Tổng thống Vladimir Putin không thể để thua và ông ta có các biện pháp để tránh rơi vào tình thế như vậy, bao gồm khả năng phát động toàn bộ quân đội và sử dụng WMD (Vũ khí hủy diệt hàng loạt) – hóa học, hạt nhân hoặc cả hai. Moscow có nhiều mối đe dọa hơn, và do đó sẽ luôn sẵn sàng trả đũa và mạo hiểm nhiều hơn. Hoa Kỳ không có gì bị đe dọa để có thể phải đảm bảo cho nguy cơ hủy diệt bằng hạt nhân của Kiev. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách sẵn sàng nắm lấy cơ hội đó. Thật vậy, cả Thượng nghị sĩ Mitt Romney và Evelyn Farkas của Viện McCain sẽ làm như vậy, ngay cả khi Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại quốc gia khác, một thái độ cực kỳ vô trách nhiệm có thể gây rủi ro cho tương lai của nước Mỹ.

Sự ủng hộ phổ biến dành cho Ukraine là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nó không phải là cái giá phải trả cho an ninh của Hoa Kỳ. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden là sự an toàn của nước Mỹ, người dân, lãnh thổ, quyền tự do và sự thịnh vượng. Điều này đặt ra một yêu cầu quan trọng đặc biệt cho nỗ lực đưa cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc nhanh chóng. Nó càng kéo dài, tác hại càng lớn đối với Ukraine, mối đe dọa càng tăng đối với châu Âu và nguy hiểm càng ghê gớm đối với Mỹ. Và sẽ có càng nhiều người có thể bị cám dỗ để thử đưa những ý tưởng cực đoan như của Sikorski. Một sức mạnh hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh sẽ là một cảnh tượng khủng khiếp.