
Những người lao động phải chi trả khoản tiền tương đương từ 3 đến 4 năm lương tại Việt Nam để được có việc làm ở nước ngoài, tại các nhà cung cấp của các thương hiệu quốc tế lớn.
THE DIPLOMAT by Peter Bengtsen – June 13, 2022
Ba Sàm lược dịch
Xem từ phần trước: P1, 2 và P3, 4, 5, 6
Phần 7, Pháp luật: “Tất cả đều hợp pháp, nhưng điều đó không làm cho nó đúng”
Hoạt động tuyển dụng đó có hợp pháp không? Bạn hỏi mọi người xung quanh. Bạn liên hệ với các luật sư. Đúng vậy, các nhà tuyển dụng tại Việt Nam được pháp luật cho phép thu khoản tiền tối đa bằng 3 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động, khi họ tìm được việc làm ở nước ngoài. Cũng là hợp pháp nếu các bạn của bạn bị thu thêm 2 tháng lương để trả cho các công ty môi giới nước ngoài. Sau đó, tiền sẽ được chuyển đến các công ty môi giới đó, như ở Đài Loan, là nơi mà nếu các công ty môi giới ở đó trực tiếp thu phí tìm việc của người lao động thì sẽ là bất hợp pháp. Tổng cộng, nó dễ dàng lên đến 4.000 đô la trở lên, chỉ tính riêng vào túi tiền của các nhà tuyển dụng Việt Nam và Đài Loan. Sau đó, lại còn thêm chi phí đi lại, xin visa, đào tạo, kiểm tra y tế, v.v.
Điều gì giải thích cho hệ thống này? Các chuyên gia và những người trong cuộc cho rằng những nguyên nhân dẫn đến chi phí trả trước quá cao là do nhà nước tham nhũng và nằm trong bộ máy quan liêu xã hội chủ nghĩa, nhưng các thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với các công ty môi giới nước ngoài cũng đóng một vai trò nào đó. Bảy nguồn thạo tin đã nói về việc các nhà môi giới Đài Loan móc túi tiền người lao động nhập cư thông qua các nhà tuyển dụng Việt Nam theo cách này.
Kế đó, một điều bất ngờ: Luật mới của Việt Nam vừa có hiệu lực vào tháng 1 năm 2022, trong đó cấm các công ty môi giới nước ngoài thu phí người lao động. Nó còn cấm các cơ quan công quyền thu phí dịch vụ của người lao động để vào túi riêng của mình.
Các công ty tư nhân vẫn được phép bỏ túi số tiền bằng một vài năm lương tối thiểu của người lao động, nhưng các phần khác của luật là tốt. Đến Đài Loan thông qua một nhà tuyển dụng tư nhân có thể giúp bạn tiết kiệm 1.500 đô la so với trước đó. Thông qua một nhà tuyển dụng công có thể giúp bạn tiết kiệm hơn nhiều.
Bạn mong muốn pháp luật được thực hiện hiệu quả và giám sát đúng mức các nhà tuyển dụng, nhưng bạn nghi ngờ điều đó. Nhiều người ở nông thôn tìm việc làm bị phụ thuộc vào các mạng lưới không chính thức, điều này làm tăng rủi ro bị lừa và lệ phí cao. Những người được tuyển làm việc cho Nhà sản xuất A vẫn phải trả phí cao vào năm 2022. Và các công ty tuyển dụng có thể thay thế phí bất hợp pháp bằng phí hợp pháp mới, như ở Philippines một số năm trước, khi chính phủ trừng trị thẳng tay với những trường hợp thu phí bất hợp pháp.
Bạn không phải là người đầu tiên đặt câu hỏi về ngành tuyển dụng lao động. Thực tế trong nhiều năm, nhiều thập kỷ, các phương tiện truyền thông trong nước đã kể những câu chuyện về những người đồng hương bị bóc lột, những nhà tuyển dụng thiếu trách nhiệm, và các nhà chức trách vô dụng. Bạn lại không bao giờ nhận thấy. Nó khiến bạn thỉnh thoảng phấn khởi khi đọc được bài báo về một công ty tuyển dụng nào đó đang cố gắng làm ăn nghiêm túc.
Bạn cũng bắt đầu đọc tin tức nước ngoài. Bạn đã học một chút tiếng Trung ở Đài Loan, vì vậy bạn đã đọc về ngành tuyển dụng của họ. Các công ty môi giới Đài Loan có thể tính phí hàng tháng cho người lao động nhập cư từ 1.500-1.800 NTD (50-60 đô la, hoặc 6-7% mức lương cơ bản) trong suốt thời gian lưu trú của họ, tổng số lên tới 484 triệu đô la mỗi năm.
Tại Đài Loan, các nhà vận động cho quyền của người lao động nhập cư thường xuyên là những rào cản. Đôi khi những nhóm này được điều hành bởi những người lao động nhập cư, đôi khi bởi những người dân địa phương. Các hội đoàn cho người lao động nhập cư! Bạn ước bạn đã biết về những tổ chức đó khi làm việc ở nước ngoài. Nhưng trọng tâm của bạn là mũ ni che tai và gửi tiền về nhà.
Các chính phủ nước ngoài, các nhóm nghiên cứu chính sách và các tổ chức tư vấn thường xuyên đề cập đến vấn đề tuyển dụng lao động ở Đài Loan, mặc dù không thường xuyên nhắc tới Việt Nam. Electronics Watch, một công ty giám sát độc lập dành cho những khách hàng mua thiết bị điện tử trong khu vực công, gần đây đã mở rộng sang Đài Loan. Nhưng có rất ít ý chí chính trị ở Đài Loan để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc thuê mướn lao động liên quan đến khâu tuyển dụng. Ngược lại, Bộ Lao động đã thực hiện các quy định mới vào năm 2021 để hạn chế khả năng thay đổi công việc của người lao động nhập cư.
Phần 8, Các thương hiệu: Tuyển dụng lao động chuyên ngành trong chuỗi cung ứng ra sao?
Một số công ty đi đầu trong việc giải quyết những rủi ro do nợ nần vì phí tuyển dụng cao ở Đài Loan, là Apple và Patagonia. Kể từ năm 2008, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp lao động Đài Loan thực hiện chính sách không tính phí, nhưng đến nay vẫn nhận thấy các trường hợp lao động nước ngoài phải trả phí. Cho đến nay, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp hoàn trả cho 37.322 công nhân khoản tiền 33,2 triệu USD. Patagonia đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng các nhà cung cấp lao động của mình ở Đài Loan vào năm 2011.
Bạn nhìn soi mói vào đó với sự hoài nghi. Phí được hoàn lại! Nghe có vẻ viển vông. Bạn tự hỏi làm thế nào để giải quyết tình trạng nợ nần và thực hiện tuyển dụng miễn phí đối với công ty nước ngoài môi giới lao động cho Nhà sản xuất A và B. Tuyển dụng không thu phí hay còn gọi là tuyển dụng có đạo đức, hoặc Nguyên tắc Trả phí của Nhà tuyển dụng, có nghĩa là phí tuyển dụng không đánh vào người lao động mà là vào chủ lao động.
Nhà sản xuất A và B là những công ty lớn được niêm yết công khai trên thị trường chứng khoản. Nhà sản xuất A chuyên về nhựa và sợi và sử dụng hơn 2.000 người, trong đó có 500 công nhân nhập cư. Nhà sản xuất B chuyên về bo mạch chủ, đặc biệt cho ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu và sử dụng hàng trăm lao động nhập cư. Không có công ty nào trả lời yêu cầu bình luận lặp đi lặp lại của tạp chí The Diplomat. Các nhà tuyển dụng ở Việt Nam cũng vậy.
Nhân viên Việt Nam tại Nhà sản xuất A và B đã phải trả tới 6.500 đô la để có công việc – tương ứng với ba đến bốn năm lương ở Việt Nam – mặc dù các hãng Continental, Bosch, Dupont, DSM và Niagara Bottling tuyên bố rằng họ không chấp nhận chuyện công nhân phải trả tiền cho các nhà môi giới cung cấp lao động để có được việc làm, như họ nói với The Diplomat.
Khi được cho biết về lời khai của người được phỏng vấn, Bosch không phản ứng gì, mặc dù cam kết mình tuyển dụng có đạo đức. Nhưng công ty cho biết họ “đã coi cuộc điều tra của bạn như một cơ hội để xem xét thêm vấn đề và đã yêu cầu nhà cung cấp lao động làm rõ sự thật. Dựa trên sự trao đổi này, bộ phận mua hàng của chúng tôi hiện không biết về những sai lệch so với yêu cầu của chúng tôi.”
Mặt khác, Continental và Hella cho biết họ sẽ giải quyết các mối quan tâm được nêu ra và thực hiện các bước tiếp theo nếu cần thiết, theo Continental có thể bao gồm “các biện pháp cải thiện hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh.” Continental đã nhập khẩu từ Nhà sản xuất A trong 10 năm và Nhà sản xuất B trong 2 năm. Bosch và Hella có nguồn hàng từ Nhà sản xuất B trong hơn 8 năm, theo dữ liệu hàng hóa vận tải từ trang web Panjiva.
Bo mạch chủ của Nhà sản xuất B xuất hiện trên nhiều thương hiệu xe hơi lớn nhất thế giới. Trong 8 năm, nó đã được xuất khẩu trực tiếp cho Visteon ở Hoa Kỳ và Magna ở Canada, những nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn của các thương hiệu xe hơi toàn cầu. Magna không xác nhận liệu họ có vi phạm đạo đức tuyển dụng hay không. Visteon đã không trả lời các câu hỏi của The Diplomat.
Nhà sản xuất A đã giao hàng cho DSM, Dupont và Niagara Bottling trong vài năm. Niagara Bottling, nhà sản xuất nước đóng chai lớn của Hoa Kỳ và là nhà cung cấp cho Walmart (công ty đã cam kết tuyển dụng miễn phí) và Costco, cho biết “chúng tôi đang thực hiện hành động ngay lập tức, bao gồm phối hợp kiểm tra cơ sở tại Đài Loan [của Nhà sản xuất A]. Chúng tôi có thể thực hiện thêm các biện pháp, bao gồm việc đình chỉ các giao dịch mua thêm từ nhà cung cấp này, tùy thuộc vào kết quả của cuộc kiểm tra đó.” Niagara sản xuất hàng tỷ chai mỗi năm từ nhựa nguyên sinh bởi nhà cung cấp nước ngoài lớn nhất của mình là Nhà sản xuất A và các nhà cung cấp khác.
DSM, một công ty đa quốc gia của Hà Lan nổi tiếng về tính bền vững của nó, cho biết rằng họ không chấp nhận việc người lao động phải trả tiền cho các nhà cung cấp lao động để có việc làm, vì vậy hiện họ đang “làm việc [với Nhà sản xuất A] để đảm bảo rằng họ tuân thủ, bao gồm cả cách họ tham gia với những công ty khác để đảm bảo các tiêu chuẩn mà DSM mong đợi được đáp ứng trong toàn bộ chuỗi giá trị.” Dupont cho biết họ sẽ “bắt đầu một cuộc điều tra chính thức về các tuyên bố.”
Bây giờ trở lại với Minh (đó là bạn). Bạn không biết những công ty lớn của phương Tây này, nhưng bạn biết về trò đạo đức giả. Tại sao bạn bè của bạn tại Nhà sản xuất A và B phải trả tiền để có công việc trong nhiều năm, trong khi các công ty nói rằng người lao động không nên trả khoản tiền đó? Bạn tự hỏi liệu các hãng có bao giờ hỏi người lao động không. Nó không khó khăn gì lắm, nó chỉ là một câu hỏi.
Quan trọng hơn, bạn thắc mắc liệu các hãng phương Tây có đảm bảo hoàn lại tiền cho bạn bè và đồng nghiệp của bạn không, giờ các hãng mới biết chính sách tuyển dụng không tính phí của mình đã bị vi phạm à? Nhiều công ty đã kiếm được hơn 1 tỷ đô la vào năm 2021 và Nhà sản xuất A thì được hơn 100 triệu đô la.
Bạn cảm thấy được khuyến khích rằng Continental, DSM, Dupont, Hella và Niagara sẽ giải quyết các vấn đề của các nhà cung cấp lao động ở Đài Loan của họ. Đó là một sự khởi đầu. Bạn tự hỏi tại sao một số công ty khác không trả lời về bất kỳ thắc mắc nào (Magna, Visteon) hoặc thậm chí kết luận là không có vấn đề gì (Bosch).
Tại Nhật Bản, Toyota Motor Corporation cho biết họ đài thọ tất cả các chi phí tuyển dụng đối với các thực tập sinh của chính mình và họ mong muốn các nhà cung cấp lao động “không bóc lột nhân viên bằng phí tuyển dụng cao và các chi phí khác bị coi là bất hợp lý theo tiêu chuẩn quốc tế”. Toyota không bình luận về các khoản phí mà các học viên phải trả tại Nhà sản xuất C và D, cũng như liệu hãng sẽ có bất kỳ hành động nào liên quan tới việc đó hay không.
Tại Châu Âu, Renault cho biết vào cuối năm 2021 rằng “chúng tôi sẽ không tăng cường giao dịch [với Nhà sản xuất E] nếu những sự thật này được xác nhận”. Vào mùa xuân năm 2022, Renault nói rằng họ không lấy nguồn lao động từ nhà cung cấp nữa. VW (Volkswagen) thì cho biết nhà máy riêng ở Serbia đang được xây dựng, thuộc sở hữu của Nhà sản xuất E của Trung Quốc, hiện không cung cấp lao động cho VW.
Bạn cảm thấy còn một chặng đường dài phía trước, nhưng bạn đã hết thời gian và phải hạ quyết tâm. Bố bạn vừa bị đột quỵ, mẹ bạn muốn quay lại Chợ Người ở Hà Nội. Tốt hơn bạn nên ngừng đọc và bắt đầu kiếm tiền. Nhưng bằng cách nào?
Phần 9, Tương lai: Đi đâu từ đây?
Hiền, Thịnh, Tuấn, Đạt, và những người bạn còn lại của bạn vẫn ở Đài Loan, một số làm cho Nhà sản xuất A và B, một số làm việc bất hợp pháp, tất cả đều chuyển tiền về cho gia đình. Bạn có nhắm đến Đài Loan, Nhật Bản, Châu Âu hay những nơi khác không? Bạn bắt đầu hỏi vay bạn bè và người thân để trang trải chi phí.
Việc tuyển dụng lao động xuất khẩu không thu phí, có đạo đức đang ngày càng được phát triển, nhưng ở một số ngành và quốc gia thì thực hiện được nhiều hơn những nơi khác. Từ các quốc gia vùng Vịnh cho đến Đông Á, hàng trăm công ty đã hoàn trả hàng trăm triệu đô la cho hơn 100.000 công nhân.
Phí tuyển dụng cao đối với người lao động Việt Nam là một rủi ro nợ nần chủ yếu cho họ, nhưng bạn bè của bạn cũng bị nhấn chìm bởi động lực lao động cưỡng bức của chuỗi cung ứng toàn cầu vì những lý do khác. Việc bảo vệ pháp lý cho những người lao động như Tuấn, Hiền, v.v. thường yếu ở tất cả các khu vực pháp lý, trong và ngoài nước. Việc thiếu hành động tập thể, đoàn kết và ý thức làm cho tất cả những người lao động trở nên quá dễ dàng để bị đàn áp hoặc lừa dối đối với mỗi cá nhân. Không ai trong số bạn bè của bạn từng nghe về việc người Việt Nam thành lập tổ chức ở nước ngoài.
Điều mà bạn bè của bạn không biết là việc các công ty cung ứng lao động thiếu trách nhiệm và các cuộc kiểm toán thiếu sót tại các công ty đa quốc gia, cũng như việc quản trị toàn cầu yếu kém cũng là những lý do chính cho tình trạng nói trên. Các công ty đa quốc gia ít phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý, nếu như có, đối với lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của họ, cũng như họ không có nghĩa vụ pháp lý phải công khai minh bạch về các nhà cung cấp là động.
Đó không phải là một vấn đề đơn giản đối với những người lao động nghèo trong các thị trường hoạt động vì lợi nhuận. Không có phương pháp tiếp cận duy nhất, toàn diện để xóa bỏ sự tồn tại của tình trạng trói buộc người lao động và lao động cưỡng bức. Tiến bộ được thúc đẩy bởi một chuỗi nỗ lực của các tác nhân khác nhau, bao gồm cả người lao động di cư.
Đôi khi, động lực thay đổi là của công ty. Liên minh Doanh nghiệp có Trách nhiệm (RBA), liên minh công nghiệp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này với hơn 200 thành viên, yêu cầu các thành viên thường xuyên cam kết tuyển dụng lao động một cách có đạo đức và hoàn trả phí trong chuỗi cung ứng. Walmart, Continental và một công ty con của Bosch đã tham gia. RBA từ lâu đã nhận thức được vấn đề phí quá cao ở Đài Loan và đã có hàng chục nhà máy được kiểm toán trong thập kỷ qua, đây có lẽ là nỗ lực sâu rộng nhất của bất kỳ sáng kiến nhiều bên liên quan nào.
Đôi khi, những người thi hành công vụ của chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự thúc đẩy sự thay đổi. Tại Malaysia, một số nhà sản xuất găng tay lớn nhất thế giới đã bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ trong giai đoạn 2020-21, vốn đã phải hoàn trả hơn 100 triệu đô la trong vòng một năm cho các khoản phí quá cao đối với người lao động nhập cư. Vào tháng 6 năm 2022, chính quyền Mỹ cho biết họ sẽ làm việc với Đài Loan để loại bỏ lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số quốc gia châu Âu đang áp dụng luật phạt các công ty lớn hơn vì cưỡng bức lao động trong chuỗi cung ứng, mặc dù việc thực thi đầy đủ và tác động của nó vẫn chưa rõ. Trong khi đó, đã có các vụ kiện của các tổ chức xã hội dân sự nhằm kiểm tra xem luật hiện hành có thể buộc các nhà sản xuất ở các nước nhận lao động nhập cư phải chịu trách nhiệm hay không – về việc lạm dụng chuỗi cung ứng để cưỡng bức lao động, chẳng hạn như ở Anh, Pháp và các nơi khác.
Trở lại với bạn. Một công việc trong ngành điện tử của Đài Loan nghe có vẻ hấp dẫn vì nước này ngày càng chú ý đến việc tuyển dụng miễn phí. Bạn nộp đơn thông qua các cơ quan công quyền tuân theo luật mới, vì vậy bạn tránh được mức phí cao nhất. Nhiều người sắp đi lao động xuất khẩu không biết về luật mới và không khó để tìm thấy những người Việt Nam ở Đài Loan đã phải trả các khoản phí vượt quá giới hạn quy định của luật mới vào năm 2022.
Đã đến lúc chia tay. Bạn hôn tạm biệt bố mẹ và ra sân bay. Mọi thứ đã được thực hiện. Các nhà tuyển dụng thực sự đã giảm phí cho bạn, có thể do luật mới. Bạn đã sẵn sàng cho một canh bạc khác. Bạn đi đâu đây?