3399. Nhiều thành phố ven biển đang lún xuống nhanh hơn mức nước biển đang dâng lên

“Thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam, có những khu vực có tốc độ sụt lún hơn 20 mm mỗi năm, cao hơn 10 lần so với mực nước biển dâng trung bình toàn cầu là 2 mm mỗi năm”.

“Bốn điểm nóng sụt lún này — Thượng Hải và Thiên Tân ở Trung Quốc, Hà Nội ở Việt Nam, và Bangkok ở Thái Lan — đều ở châu Á”

Đường phố ngập lụt ở Hà Nội, Việt Nam năm 2008. (Ảnh của haithanh / Flickr, CC BY 2.0)

Bullentin of the Atomic Scientistsby Michael Allen | June 16, 2022

Ba Sàm lược dịch

Trong vài năm tới, Indonesia sẽ bắt đầu chuyển thủ đô của mình từ một hòn đảo, Java, đến Kalimantan, một phần của đảo Borneo, Indonesia. Có một số lý do cho việc di chuyển này, nhưng một trong những lý do lớn nhất là thủ đô Jakarta hiện tại đang lún xuống ở mức báo động. Vào giữa thế kỷ này, một phần ba diện tích thành phố sẽ ở dưới mực nước biển.

Sẽ rất dễ nhầm tưởng sự cáo chung đang chờ xử lý của Jakarta như là sự tác động của nước biển dâng. Tuy nhiên, tình trạng suy bại của thành phố này thực sự đang bị thúc đẩy bởi một lực khác – sụt lún đất được gia cường bởi việc khai thác nước ngầm.

Những dự báo về mực nước biển dâng đã khiến một số thành phố ven biển phải đếm ngược thời gian tồn tại. Thế nhưng một nghiên cứu mới đây cho thấy sự kết hợp giữa sụt lún gần bờ biển và mực nước biển dâng đóng vai trò giống như rải thảm chào đón nước. Sử dụng dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu đã đo tỷ lệ sụt lún ở 99 thành phố ven biển trên thế giới. Họ phát hiện ra rằng hầu hết đều lún nhanh hơn mực nước biển đang dâng lên. Ở nhiều thành phố, chẳng hạn như Manila ở Philippines, Tampa ở bang Florida và Alexandria ở Ai Cập, điều này có nghĩa là ngập lụt vùng ven biển sẽ trở thành một vấn đề sớm hơn nhiều so với dự đoán của các mô hình nước biển dâng.

Các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất đều ở châu Á. Những thành phố này, bao gồm Chattogram ở Bangladesh, Semarang ở Indonesia và Thành phố Hồ Chí Minh ở Việt Nam, có những khu vực có tốc độ sụt lún hơn 20 mm mỗi năm, cao hơn 10 lần so với mực nước biển dâng trung bình toàn cầu là 2 mm mỗi năm. Tuy nhiên, có một phần ba trong số 99 thành phố được nghiên cứu, thì ít nhất một phần của các thành phố trong đó bị lún từ 10 mm trở lên mỗi năm.

Meng (Matt) Wei, nhà hải dương học tại Đại học Rhode Island và là một trong những tác giả của công trình nghiên cứu cho biết: “Nhiều thành phố đang lên kế hoạch cho mực nước biển dâng, nhưng họ không nhận thức được tác động kép của sụt lún ven biển”. Ví dụ, ông chưa thấy bất kỳ báo cáo nào về sụt lún ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha, nhưng nhận thấy sân bay, bến cảng và khu dân cư đều lún nhanh hơn nước biển dâng.

Để biết nơi sụt lún có nhiều khả năng gây ra lũ lụt ven biển sắp xảy ra hay không, đặc biệt là do nước dâng do bão, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các khu vực sụt lún nhanh chóng nhưng đồng thời cũng là vùng trũng. Họ phát hiện 4 thành phố có diện tích hơn 1.000 km vuông đất nằm dưới độ cao 10 mét [so với mực nước biển] đang lún xuống nhanh chóng. Bốn điểm nóng sụt lún này — Thượng Hải và Thiên Tân ở Trung Quốc, Hà Nội ở Việt Nam, và Bangkok ở Thái Lan — đều ở châu Á, nhưng họ cũng tìm thấy thêm 18 thành phố trên khắp thế giới có diện tích từ 100 đến 1.000 km vuông, ở độ cao thấp, bị sụt lún nhanh.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng. Khoảng 60 năm trước, các khu vực của California đang lún xuống nhanh chóng, nhưng sự sụt lún đó phần lớn đã được hạn chế thông qua những thay đổi trong quản lý nước ngầm. Và ngay cả sụt lún ở Jakarta đã được cắt giảm đáng kể trong 20 năm qua, từ 280 mm mỗi năm xuống còn 35 mm, mặc dù vẫn không đủ để cứu thành phố.

“Ở Tokyo, người ta đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sụt lún, nhưng về cơ bản họ đã thay đổi hoàn toàn việc khai thác nước cho thành phố và tình trạng sụt lún đã dừng lại”. Roderik van de Wal, một chuyên gia về sự thay đổi mực nước biển tại Đại học Utrecht ở Hà Lan, người không tham gia vào nghiên cứu nói trên cho biết. Ông cho rằng trong khi sụt lún là một vấn đề cấp bách, thì các biện pháp của địa phương mỗi nước có thể có hiệu quả – không giống như mực nước biển dâng, là thứ đòi hỏi phải có hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu.