3406. Vụ ‘bất ngờ’ bỏ tù nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam là một thử thách cho chiến lược khí hậu của Hoa Kỳ và EU

Đặc phái viên Khí hậu John Kerry (trái) và người đồng cấp trong Liên minh Châu Âu Frans Timmermans; đã tham gia một dàn đồng ca ngày càng lớn tiếng yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động khí hậu đang bị giam cầm tại Việt Nam. Ảnh: AP

Việc tuyên án Ngụy Thị Khanh, tiếng nói vì môi trường nổi tiếng nhất ở đất nước bà, đã đặt ra câu hỏi về cam kết loại bỏ than của Việt Nam.

POLITICO by ZACK COLMAN and KARL MATHIESEN – 06/26/2022

Ba Sàm lược dịch

Quyết định của Việt Nam kết án 2 năm tù đối với một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng đã đặt các nhà đàm phán về khí hậu của Hoa Kỳ và EU vào tình thế khó khăn, khi họ cố gắng thuyết phục nước này từ bỏ sự phụ thuộc vào than đá.

Đặc phái viên Khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry và người đồng cấp EU Frans Timmermans tham gia vào một dàn đồng ca ngày càng lớn giọng, yêu cầu trả tự do cho Ngụy Thị Khanh và các nhà hoạt động khí hậu khác đang bị giam cầm ở Việt Nam, bởi lo ngại nó sẽ có nguy cơ làm chệch hướng một thỏa thuận nhằm chuyển quốc gia tiêu thụ than lớn thứ chín thế giới khỏi thứ nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất này. Nhưng nếu họ không yêu cầu việc trả tự do đó, coi nó như là một phần của thỏa thuận khí hậu với Việt Nam, thì họ sẽ phải đối mặt với sự phẫn nộ của các tổ chức xã hội dân sự, những người không muốn tiền của công chúng giành cho hành động vì khí hậu lại chảy đến các quốc gia mà các nhà hoạt động bị bỏ tù.

Tình hình ở Việt Nam cho thấy một thách thức lớn hơn mà các nhà đàm phán về khí hậu phải đối mặt, giữa lúc họ phải thuyết phục các quốc gia như Trung Quốc và Ả Rập Xê-út, những xứ sở có hồ sơ nhân quyền yếu kém, phải hành động để giảm thiểu mối đe dọa khí hậu.

“Đã đến lúc Hoa Kỳ cần phải thực sự cương quyết bằng mọi cách và nói rõ với Việt Nam rằng điều này sẽ không được dung thứ”. Michael Sutton, giám đốc điều hành của quỹ vì môi trường Goldman Environmental Foundation

Bản án được đưa ra với Ngụy Thị Khanh, ngày 17 tháng 6 vừa qua về tội trốn thuế, giữa lúc các cường quốc phương Tây đang đàm phán với Việt Nam, về kế hoạch chi hàng tỷ USD, để tiếp tục chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn. Nhưng trước khi bắt đầu cuộc họp G-7 vào Chủ nhật, các tổ chức xã hội dân sự đang gây sức ép buộc các quan chức chính phủ Hoa Kỳ và EU yêu cầu trả tự do cho các nhà hoạt động khí hậu bị giam giữ ở Việt Nam, để đổi lấy việc giúp đỡ tài chính cho quá trình chuyển đổi đó. Động thái này có thể khả thi, nhưng sẽ là một bước đi khó thực hiện trong bối cảnh các mối quan hệ ngoại giao đang mong manh.

Các quan chức Hoa Kỳ và EU “có cảm tưởng rằng bà ấy sẽ được trả tự do, và họ đã ngạc nhiên khi bà lại bị kết án 2 năm tù. Đó là một câu chưa từng có ”, Michael Sutton, giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Goldman, người từng trao cho Ngụy Thị Khanh giải thưởng danh giá vào năm 2018 vì công trình giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào than.

“Thực sự đã đến lúc Hoa Kỳ phải cương quyết bằng mọi cách và nói rõ với Việt Nam rằng điều này sẽ không được dung thứ,” Sutton nói thêm.

Đối thoại với Việt Nam là một phần của phương pháp tiếp cận đa quốc gia mà các chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và châu Âu đã áp dụng, để thuyết phục các nền kinh tế mới nổi từ bỏ than đá và xây dựng nhiều cơ sở năng lượng tái tạo hơn. Các cuộc trao đổi đạt được tiến độ tốt nhất là với Nam Phi, sau khi kế hoạch 8,5 tỷ đô la nhằm chuyển đất nước khỏi lệ thuộc than đá được công bố tại các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu vào năm ngoái.

Việt Nam đã cam kết tại cuộc đàm phán của Liên hợp quốc ở Glasgow năm ngoái rằng nước này sẽ ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới và hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều đó sẽ thể hiện một sự thay đổi mạnh mẽ đối với một quốc gia có gần 21 gigawatt điện than được xây dựng, mức cao nhất trong khu vực sông Mekong rộng lớn hơn, theo Global Energy Monitor. Nó cũng có công suất nhiệt điện than lớn thứ ba trên thế giới nếu tính trong chuỗi các công trình sắp, đang và đã xây dựng, theo tổ chức tư vấn chính sách E3G.

Giờ đây, các nhóm xã hội dân sự đang gây áp lực buộc chính phủ Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh ra điều kiện chỉ cung cấp bất kỳ nguồn tài chính công nào cho năng lượng sạch của nước này một khi họ trả tự do cho Ngụy Thị Khanh và ba nhà hoạt động khí hậu khác đang bị cầm tù, theo bản sao dự thảo của một bức thư do báo POLITICO có được, mà 58 nhóm sẽ gửi tới các chính phủ tại cuộc họp G-7 ở Bavaria, Đức, bắt đầu từ hôm nay Chủ nhật.

Saskia Bricmont, một thành viên người Bỉ của Nghị viện Châu Âu, người quan tâm đến vụ việc, đã cho biết rằng các cáo buộc trốn thuế, hiện đã được mặc định chung đối với một số nhà hoạt động này, nó “không đáng tin cậy. Ý tôi là, nó có thể xảy ra trong một trường hợp, nhưng đây rõ ràng là một sự dối trá”.

Cả EU và Hoa Kỳ trong tuần này đã công khai kêu gọi trả tự do cho Ngụy Thị Khanh. Trong một tuyên bố với POLITICO, người phát ngôn của chính phủ Vương quốc Anh “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng” về bản án.

Một quan chức EU cho biết mọi thứ giờ đây sẽ còn đi xa hơn, cho thấy rằng các nhà ngoại giao từ khối 27 quốc gia sẽ nêu ra trường hợp của Khanh như một phần của các cuộc thảo luận về thỏa thuận năng lượng, được biết đến với tên là Just Energy Transition Partnership (JETP).

“Liên quan đến JETP, nó không chỉ đề cập đến quá trình chuyển đổi cách sử dụng năng lượng sao cho công bằng về mặt xã hội, ví như tránh rơi vào cảnh nghèo đói vì năng lượng, mà còn là quá trình chuyển đổi năng lượng sạch bao trùm, nơi mà mọi tiếng nói có thể được tự do thể hiện quan điểm riêng của mình, kể cả của các tổ chức phi chính phủ (NGO)”, theo quan chức của EU, người xác nhận rằng mức độ khắc nghiệt của các bản án đã khiến phái đoàn của họ ở Hà Nội kinh ngạc.

Phái đoàn EU tại Việt Nam đã bóng gió rằng việc thu hút nguồn tài chính công đang được thảo luận, trong thông cáo hôm thứ Ba gửi tới Hà Nội do POLITICO thu được: “Trong bối cảnh hiện nay, khi EU đang cân nhắc nguồn hỗ trợ có tính tiềm năng hơn nữa cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, thì điều quan trọng là phải nhắc lại rằng sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm cả các tổ chức phi chính phủ, vẫn là một phần thiết yếu và không thể tránh khỏi của chiến lược này.

Vụ việc nêu bật một khó khăn mang tính đạo đức đang gây chia rẽ giữa các quan chức phương Tây, khi họ xoay trục sang việc cố gắng môi giới các thỏa thuận về khí hậu với các quốc gia gây ô nhiễm trên khắp thế giới.

“Người ta thực sự đang bị chia năm xẻ bảy”, Jake Schmidt, giám đốc chiến lược cấp cao về khí hậu quốc tế của tổ chức Natural Resources Defense Council nhận xét. “Rõ ràng là giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu liên quan tới chuyện làm việc ở các quốc gia mà ở đó không phải lúc nào cũng chia sẻ các nguyên tắc nhân quyền và dân chủ, cũng như chia sẻ quan điểm của Hoa Kỳ, và họ đang cố gắng điều hướng thực trạng đó.”

Việc bắt giữ Ngụy Thị Khanh đã được chính quyền xác nhận vào đầu tháng Hai. Ban đầu, phản ứng ngoại giao đã được giữ kín nhưng đằng sau các cuộc đàm phán là những lợi ích lớn. Gia đình Khanh và các luật sư đã yêu cầu chính phủ và các nhóm xã hội dân sự hạn chế công khai vì lo ngại Việt Nam sẽ áp đặt những bản án khắc nghiệt hơn đối với các nhà hoạt động.

Trong các cuộc phỏng vấn gần đây, các quan chức từ Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu cho biết họ nhận thức được tính nhạy cảm ngay cả khi họ nói chuyện với Việt Nam về gói đầu tư năng lượng sạch. Chỉ sau khi Khanh nhận bản án tù nặng nề vào hôm thứ Sáu, nhóm của bà cho biết họ sẽ vui khi thấy giới ngoại giao phương Tây gia tăng áp lực.

[John] Kerry, một cựu chiến binh, từng lên tiếng chống lại Chiến tranh Việt Nam, đã nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm vào tháng Hai ngay sau vụ bắt giữ Khanh, Michael Sutton cho biết, khi tham khảo các cuộc trò chuyện với Bộ Ngoại giao.

Justin Guay, giám đốc chiến lược khí hậu toàn cầu của nhóm môi trường Dự án Mặt trời mọc, cho biết rằng tiếng nói của Kerry “có sức nặng độc nhất vô nhị trong thời điểm này, còn trong trường hợp này, do mối quan hệ đặc biệt của ông ấy với Việt Nam và mối quan hệ đặc biệt của ông ấy các nhà hoạt động về vấn đề than. Tôi nghĩ phong trào khí hậu cần tiếng nói của ông ấy ngay bây giờ. Rõ ràng bạn không thể giao tiền bạc phục vụ quá trình chuyển đổi khí hậu cho một chính phủ đang đàn áp các nhà hoạt động khí hậu”.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho biết Kerry “hoàn toàn đồng ý” với Ngoại trưởng Tony Blinken rằng việc Khanh bị giam cầm là “đáng lo ngại sâu sắc”, khi lưu ý rằng họ đã kêu gọi trả tự do cho bà và ba nhà hoạt động khác về môi trường đang bị giam giữ.

“Khanh có một quá trình làm việc nhiều năm về các vấn đề môi trường quan trọng, như biến đổi khí hậu và năng lượng bền vững,” người phát ngôn cho biết. “Lời kết tội của bà ấy là một minh chứng cho một loạt các hành động pháp lý rắc rối xuất hiện nhằm mục đích hạn chế các hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam.”

Hiện chưa thể liên hệ ngay với người phát ngôn của Đại sứ quán Việt Nam tại Washington D.C. để đề nghị đưa ra bình luận.

Timmermans và Alok Sharma, đặc phái viên khí hậu hàng đầu của Vương quốc Anh và Chủ tịch cuộc đàm phán về khí hậu COP26 của Liên hợp quốc, đã đến thăm Việt Nam vào tháng Hai để theo đuổi một thỏa thuận loại bỏ than đá. Theo các quan chức, do nguyện vọng của gia đình Khanh, nên không ai trong hai nhân vật nói trên nêu vụ việc trực tiếp với chính phủ Việt Nam.

Timmermans rời Hà Nội với thái độ công khai lạc quan, khi nói với những người đồng cấp của mình ở đó rằng, giống như trong thỏa thuận với Nam Phi năm ngoái, công quỹ của châu Âu đã sẵn sàng cho kế hoạch chuyển đổi năng lượng phù hợp. Ông rời Việt Nam với lời ca ngợi “quyết tâm trở thành một phần của cộng đồng quốc tế coi trọng cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Nhưng Bricmont (thuộc nghị viện châu Âu) cho biết cuộc họp của Timmermans với các quan chức Việt Nam về việc chấm dứt sản xuất than, trong khi Hà Nội lại đang bỏ tù những người chỉ trích ngành này, là “một hình thức tẩy xanh” (còn được gọi là “green sheen” là một hình thức tiếp thị lừa phỉnh, trong đó quảng bá xanh và tiếp thị xanh được sử dụng một cách lừa dối để thuyết phục công chúng rằng sản phẩm của tổ chức, mục tiêu và chính sách thân thiện với môi trường – Wikipedia).

Trong những cuộc gặp riêng với các quan chức Việt Nam, bao gồm cả Thủ tướng Phạm Minh Chính, Timmermans đã nhấn mạnh sự cần thiết của một xã hội dân sự tự do. Đồng thời, các nhà ngoại giao EU tại Hà Nội đã thúc giục phía Việt Nam cung cấp thêm thông tin về trường hợp của Khanh – và những người khác là Mai Phan LợiĐặng Đình Bách, thành viên của một tổ chức phi chính phủ do EU tài trợ, thuộc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, cũng bị bỏ tù với cáo buộc tương tự với Khanh, vào tháng Giêng. Bạch Hùng Dương, thuộc Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng, cũng bị bỏ tù.

Vào hôm thứ Hai, người phát ngôn đối ngoại của EU, Nabila Massrali, đã thay đổi quan điểm của Brussels và gây tiếng vang với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bằng cách liên kết vấn đề xã hội dân sự với sự tiến bộ về biến đổi khí hậu.

Khanh “là một đối tác có quý giá của EU”, Massrali cho biết. “Việc bà ấy bị kết án hai năm tù mới đây là đi ngược lại mục tiêu chung của chúng tôi. Chúng tôi kêu gọi thả bà ấy ngay lập tức”.