3413. Việt Nam phản ứng thận trọng về một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia (P.1)

Một chiến sĩ Việt Nam tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Ảnh: Twitter / VnExpress

Việt Nam cho đến nay vẫn kín tiếng trước các báo cáo Trung Quốc có một thỏa thuận lập căn cứ hải quân bí mật với Campuchia, song bên trong rõ ràng là Hà Nội đang lo lắng

ASIA TIMES by DAVID HUTTJUNE 30, 2022

Ba Sàm lược dịch

Các quan chức Mỹ dường như say sưa tranh luận về những cáo buộc rằng một căn cứ hải quân của Campuchia hiện đang được tân trang lại, với sự hỗ trợ của Trung Quốc, có thể sớm trở thành nơi đóng quân thường xuyên cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, cung cấp cho Bắc Kinh một phòng tuyến mới ở phía nam, trên Biển Đông vốn vẫn đang bị tranh chấp.

Nhưng không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam, quốc gia có khả năng bị đe dọa nhiều nhất bởi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia, đã kín tiếng trước các báo cáo được lan truyền rộng rãi về một thỏa thuận lập căn cứ bí mật giữa Trung Quốc và Campuchia.

Washington đã xung đột với Phnom Penh về vấn đề căn cứ quân sự trong những năm gần đây, đẩy quan hệ song phương xuống một mức thấp nhất. Các quan chức Campuchia đã bị trừng phạt, bao gồm cả người đứng đầu lực lượng hải quân của nước này, Tea Vinh (anh trai Thống tướng Tea Banh, Bộ trưởng Quốc phòng – ND). Và các quan chức đại sứ quán Mỹ đã nổi cơn thịnh nộ khi bị từ chối tiếp cận các bộ phận của căn cứ.

Thủ tướng mới của Australia, Anthony Albanese, gần đây đã bước vào cuộc tranh luận để nói rằng các báo cáo rằng Trung Quốc có một thỏa thuận tiếp cận bí mật kéo dài 25 năm đối với căn cứ ở Campuchia là “đáng quan ngại”.

Nhưng khi được hỏi về những bước phát triển qua  việc Bắc Kinh tài trợ cho Căn cứ Hải quân Ream, trong cuộc họp báo ngày 9/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tỏ ra khó hiểu, nếu không muốn nói là lảng tránh.

“Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước trên thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo báo chí trong nước đưa tin. “Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới”.

Kể từ năm 2017, các tin đồn đã dấy lên rằng Campuchia có một thỏa thuận bí mật với Trung Quốc, “người bạn cứng rắn” của họ, để cho phép nước này đóng quân trên lãnh thổ của mình, điều này sẽ vi phạm hiến pháp của Campuchia. Phnom Penh từ lâu đã bác bỏ những cáo buộc này, mặc dù họ không làm được gì nhiều để giải trừ chứng hoang tưởng của người Mỹ.

Nước này đã từ chối đề nghị của Mỹ để giúp tài trợ cho sự phát triển của căn cứ và một số cơ sở, vốn được xây dựng với sự hỗ trợ của Mỹ chỉ vài năm trước đây, nhưng nay đang bị phá bỏ để nhường chỗ cho các cơ sở do Bắc Kinh tài trợ.

Campuchia đã đơn phương ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ vào năm 2017. Thay vào đó, nước này tập trận với Trung Quốc.

Vào ngày 8 tháng 6, một lễ khởi công tại Căn cứ Hải quân Ream do Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tea Banh và Đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh, Wang Wentian, chủ trì. Căn cứ nằm ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia, trên bờ biển phía nam của nước này.

Vài ngày trước đó, báo Washington Post đưa tin rằng Trung Quốc sẽ được độc quyền ra vào các cơ sở khác nhau của căn cứ, điều đó có thể cho phép nước này đóng quân và cài đặt các thiết bị tình báo vĩnh viễn ở đó. Phnom Penh phủ nhận nơi đây sẽ là độc quyền của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Một yếu tố thay đổi cuộc chơi?

Các nhà bình luận có thể đoán trước được sự chia rẽ quanh vấn đề này. Đối với một số người, lo ngại về việc Trung Quốc có thể tiếp cận một khu căn cứ tương đối nhỏ ở Vịnh Thái Lan đã bị thổi phồng quá mức.

Các báo cáo cho biết, khu vực do Bắc Kinh tài trợ cho căn cứ đang được phát triển là khoảng 0,3 km vuông. Nó sẽ bao gồm một trung tâm chỉ huy mới, các phòng họp và ăn uống, cũng như các cơ sở y tế. Một ụ cạn, bờ trượt (để hạ thủy tàu) và hai cầu tàu mới cũng được lên kế hoạch xây dựng.

Có nguồn tin cho rằng việc nạo vét sẽ diễn ra, mặc dù vẫn chưa rõ độ sâu của nó. Các bến tàu mới ở các tỉnh Kampot và Koh Kong gần đó có thể sẽ sâu hơn.

Một sĩ quan hải quân Campuchia tại Căn cứ Hải quân Ream. Hình ảnh: Twitter

Nếu đó là một cơ sở lưỡng dụng, chứ không phải là một căn cứ quân sự độc quyền của Trung Quốc và không có một đơn vị cố định hoặc luân phiên của Trung Quốc, thì Hà Nội có thể ít phải lo lắng hơn nhiều, một số nhà phân tích nhận định.

“Nếu đúng như vậy, thì đây sẽ không phải là một kẻ làm thay đổi cuộc chơi, và do đó, chúng ta không mong đợi Hà Nội sẽ phản ứng thái quá, ngay cả khi họ vẫn đề phòng và tiếp tục trao đổi những mối quan tâm của mình để nhắc nhở các đối tác Campuchia và Trung Quốc,” theo bình luận của Collin Koh, một thành viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS) ở Singapore.

“Tôi có xu hướng tin rằng Campuchia và Trung Quốc lưu tâm đến phản ứng của Việt Nam và do đó, sẽ không tìm cách kích động Hà Nội áp dụng các phản ứng hiếu chiến hơn có thể làm suy yếu lợi ích của họ”, Koh nói thêm.

Các nhà bình luận khác tỏ ra nghi ngờ hơn. “Một khu vực rộng hai mẫu Anh trong một căn cứ không phải là nhỏ, và có khả năng sẽ có một biệt đội PLA thường trực,” theo Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington.

Ông cho biết thêm, với mối quan tâm thực sự là khả năng “Tình báo, Giám sát và Trinh sát” của Trung Quốc và đặc biệt là tình báo điện tử (SIGINT). Nó sẽ cho phép quân đội Trung Quốc theo dõi “mọi thứ ra vào” Phú Quốc, một hòn đảo gần đó của Việt Nam, nơi có hạm đội phía nam của hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này, Abuza lưu ý.

Nó cũng có thể cho phép PLA giám sát hoạt động tại Căn cứ Hải quân Sattahip, căn cứ hải quân lớn nhất của Thái Lan cách đó chưa đầy 500 km và là nơi Mỹ thường xuyên cập cảng.

Nguyễn Khắc Giang, một chuyên gia phân tích tại Đại học Wellington, Victoria, cho biết nó có thể “gây ra rủi ro lớn” cho hoạt động của hải quân Việt Nam, nơi có Bộ tư lệnh Vùng 5 chỉ cách đó khoảng 30 km.

Năm ngoái, Việt Nam đã công bố thành lập một đơn vị dân quân biển mới có vũ trang tại tỉnh Kiên Giang, giáp với tỉnh Kampot, đông nam Campuchia.

Báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái đã đưa tin rằng đơn vị mới sẽ “bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo” và được cho là thuộc quyền quản lý của Quân khu 9 của Việt Nam.

Viết trong tháng này, nhà phân tích người Campuchia Sokvy Rim suy đoán rằng đơn vị mới của Việt Nam có thể được thành lập “với mục đích giả định là thu thập thông tin liên quan đến căn cứ quân sự tương lai của Trung Quốc tại Ream.”

Nghiêm trọng hơn, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở miền nam Campuchia có thể mang ý nghĩa là để “bao vây” Việt Nam, quốc gia đã có tranh chấp gay gắt trong nhiều thập kỷ với Bắc Kinh về lãnh thổ ở Biển Đông.

Việt Nam hiện đang đối mặt với quân đội Trung Quốc qua biên giới phía bắc và phía đông từ các cơ sở quân sự đang phổ biến của Trung Quốc ở Biển Đông. Các tàu hải quân Trung Quốc đóng tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia có nghĩa là Việt Nam hiện đang bị đe dọa ở phía nam và phía tây.

Cùng với các đảo do Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, “chúng tạo ra gọng kìm quân sự để siết chặt Việt Nam”, theo Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Hawaii.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc trong một cuộc tập trận hải quân được tổ chức ở Biển Đông vào tháng 4 năm 2018. Ảnh: Weibo

“Một sự hiện diện của Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho quan hệ giữa một bên là Campuchia với Trung Quốc và bên kia là Việt Nam,” Vuving nói thêm. “Nó đánh dấu một điểm không thể quay lại trong quan hệ Campuchia-Việt Nam và Trung Quốc-Việt Nam.”

Hai nước láng giềng là đồng minh thân thiết nhất sau khi quân đội Việt Nam giúp những người Campuchia đào tẩu lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979. Hà Nội là một trong số ít ân nhân của một Campuchia bị quốc tế cô lập trong suốt những năm 1980.

Các lực lượng Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới nhằm vào Việt Nam trong suốt thập kỷ đó, để trả đũa việc nước này giúp lật đổ Khmer Đỏ, một đồng minh của Bắc Kinh.

Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền từ năm 1979 nhờ sự bảo trợ của Việt Nam trong những năm đầu tồn tại, mặc dù quan hệ Campuchia-Việt Nam đã suy yếu đáng kể kể từ đầu những năm 2010 khi Phnom Penh bắt đầu xoay trục sang Bắc Kinh.

“Việt Nam đã mất vị thế là đối tác có ảnh hưởng nhất của Campuchia trong một thập kỷ,” Giang nhận xét.

Sự im lặng của ASEAN

Các chính phủ Đông Nam Á đã im lặng về vụ việc ở Căn cứ Hải quân Ream, với một số nguồn tin cho rằng những quốc gia như Việt Nam và các quốc gia khác với thái độ cảnh giác trước sức mạnh của Trung Quốc đã để Washington có lập trường đối đầu hơn về vấn đề này.

Một lý do giải thích tại sao Việt Nam, cũng như Thái Lan, cho đến nay vẫn giữ im lặng về vấn đề này là “có thể vì họ thấy ít lựa chọn để ngăn chặn nó,” theo Gregory Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington.

Là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), họ cũng bị ràng buộc bởi một quy tắc nghiêm ngặt là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hầu hết các quốc gia trong khu vực cũng hết sức cảnh giác khi bị coi là đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Natalie Sambhi, giám đốc điều hành của Verve Research, một tổ chức tư vấn tập trung vào các mối quan hệ quân sự-dân sự ở Đông Nam Á, cho là: “Khu vực này từ lâu đã dung nạp các căn cứ quân sự của Mỹ và sẽ bị coi là chọn phe nếu họ công khai chỉ trích Trung Quốc hoặc Campuchia.

“Về mặt công khai, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ tiếp tục khẳng định rằng họ sẽ tôn trọng quyền của Campuchia trong việc chấp nhận sự hiện diện của Bắc Kinh tại Ream. Nếu có bất kỳ thay đổi nào trong phản ứng, nó sẽ nhẹ nhàng khi nêu công khai, song sẽ lớn giọng và rõ ràng khi trao đổi riêng,” bà nói thêm.

(Xem tiếp phần 2)

One comment

Đã đóng bình luận.