3415. Việt Nam phản ứng thận trọng về một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia (P.2)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) sóng đôi trong lễ đón tại phủ chủ tịch ở Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2017. Ảnh: AFP / Hoàng Đình Nam

Việt Nam cho đến nay vẫn kín tiếng trước các báo cáo Trung Quốc có một thỏa thuận lập căn cứ hải quân bí mật với Campuchia, song bên trong rõ ràng là Hà Nội đang lo lắng

ASIA TIMES by DAVID HUTTJUNE 30, 2022

(Xem từ phần 1)

Ba Sàm lược dịch

Một quan chức Việt Nam cấp bộ trưởng nói với Asia Times rằng mặc dù nhiều người ở Hà Nội đương nhiên là “quan ngại”, song chính sách đã được nhất trí là không phản ứng thái quá và can dự về ngoại giao với các đối tác Campuchia.

Họ nói thêm rằng các quan chức Việt Nam có nói về vấn đề này với các nhà ngoại giao Mỹ, mặc dù nguồn tin không cho biết những gì đã được thảo luận.

Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales, Australia, cho rằng: “Quan điểm được mặc định của các quan chức và các nhà phân tích trong giới học thuật Việt Nam khi nhắc đến Trung Quốc thì đều cho đó là thứ tệ hại nhất”.

 “Ngoài phản ứng tự phát đó, những quan chức này tỏ ra lạc quan hơn trong cuộc trò chuyện riêng tư,” ông nói thêm và lưu ý rằng họ đề cập đến sự thông hiểu giữa Campuchia và Việt Nam “về việc không cho phép bất kỳ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ của nước mình để thực hiện các hành vi đe dọa đến an ninh và ổn định của nước kia.”

Mặc dù Việt Nam không còn là nhà bảo trợ chính của Campuchia, song những nỗ lực đã được thực hiện để tăng cường hợp tác quân sự trong những năm gần đây, bao gồm cả chuyến thăm Hà Nội vào tháng 10 năm 2019 của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Một tuyên bố chung khác được đưa ra khi Chủ tịch Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, thăm Phnom Penh vào tháng 12 năm ngoái.

“Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh dựa trên nguyên tắc không cho phép bất kỳ thế lực thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để gây tổn hại đến an ninh của bên kia”, thông báo nêu rõ.

Năm nay, các bộ trưởng quốc phòng Campuchia và Việt Nam – lần lượt là Tea Banh và Phan Văn Giang – đã tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới đầu tiên tại Hà Nội.

Mặc dù Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam luôn kín tiếng về tranh cãi quanh vấn đề Căn cứ Hải quân Ream, song bề ngoài các quan chức Campuchia đã tỏ ra bớt ác cảm hơn khi chỉ trích nước láng giềng của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ năm ngoái, Chuẩn Đô đốc Mey Dina, tham mưu trưởng Căn cứ Hải quân Ream, cáo buộc Việt Nam đang kích động Mỹ để chỉ trích việc phát triển căn cứ hải quân của Campuchia.

“Về mặt chính trị, cả Việt Nam và Mỹ đều đang vận động lẫn nhau để đảm bảo rằng Campuchia không được gì hoặc chúng tôi không thể phát triển lực lượng hải quân của mình. Với khả năng hải quân của chúng tôi hiện đang kém phát triển, chúng tôi cũng cảm thấy dễ bị tổn thương,” ông cho biết.

“Đó là lý do tại sao [Việt Nam] tiếp tục xúi giục Mỹ theo đuổi chúng tôi vì họ biết rằng Mỹ và Trung Quốc là đối thủ của nhau,” ông nói thêm.

Đây không phải là một ý kiến ​​duy nhất. Một số nhà quan sát tin rằng một lý do khiến Washington can dự và huỵch toẹt đến như vậy vào vấn đề căn cứ quân sự này là vì họ đang phải đánh tiếng cho các quốc gia Đông Nam Á khác vẫn đang tỏ ra dè dặt trong việc lên tiếng.

Các lựa chọn và những rủi ro

Trong khi vai trò chiến lược của Ream vẫn còn gây tranh cãi, thì tầm quan trọng mang tính biểu tượng của sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở lục địa Đông Nam Á sẽ lớn hơn nhiều, ngay cả khi đó không phải là một cuộc triển khai lâu dài.

Nói một cách hình tượng, nó sẽ làm nổi bật mức độ mà Đông Nam Á “đang ở trên tuyến đầu trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung”, theo nhận xét của Andreyka Natalegawa, trợ lý nghiên cứu của Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Nếu quân đội Trung Quốc được đóng tại căn cứ này, ngay cả khi không phải là thường xuyên, thì nhiều người ở Washington sẽ cho rằng đây là thời điểm để Mỹ nhận ra rằng họ đã “mất” Campuchia vào tay Bắc Kinh.

“Một sự hiện diện về quân sự của Trung Quốc ở Campuchia là một động thái quan trọng trong trò chơi cờ vây của Trung Quốc”, nhà phân tích Vuving cho biết, khi đề cập đến trò chơi cờ vây phổ biến của Trung Quốc.

 “Nó tiếp tục nghiêng cán cân quyền lực trong khu vực có lợi cho Trung Quốc,” ông nói thêm. “Điều đó sẽ khiến Hoa Kỳ khó đối phó với Trung Quốc trong khu vực vì Trung Quốc có thêm một biện pháp răn đe để làm lung lay các nước trong khu vực và một công cụ nữa để dàn xếp với hoạt động thao diễn quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực”.

Quốc kỳ Campuchia và Hoa Kỳ tung bay trên khung cảnh một khinh hạm mang tên lửa dẫn đường của Hoa Kỳ cập cảng Sihanoukville Ảnh: Twitter

Các phản ứng của Washington kể từ khi những bài báo lần đầu tiên xuất hiện về các kế hoạch quân sự có thể có của Trung Quốc tại Campuchia, vào năm 2017, thường là nguồn cơn khiến các nhà bình luận phẫn nộ, với một số người cho rằng Mỹ đã phản ứng quá mức và lên lớp cho kẻ khác.

Rõ ràng là Mỹ đã trừng phạt một số quan chức Campuchia vì cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực, nhưng bị nghi ngờ là vụ Ream vẫn tồn tại đằng sau hầu hết các hành động của Washington.

Đối với một số chuyên gia, đó là hành động đạo đức giả hoàn toàn vì Mỹ có quyền tiếp cận các căn cứ quân sự ở Thái Lan và Philippines, hai đồng minh trong hiệp ước của Mỹ.

Trung Quốc chỉ có một căn cứ quân sự chính thức ở nước ngoài, ở quốc gia Đông Phi, Djibouti. Tuy nhiên, nước này có các cơ sở quân sự trên các đảo ở Biển Đông và gần đây đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Quần đảo Soloman, ở Thái Bình Dương, theo báo cáo thì có thể bao gồm quyền tiếp cận căn cứ của địa phương này.

Sam Seun, một nhà phân tích tại Học viện Hoàng gia Campuchia, cho là “thật bất công khi thế giới chú ý quá nhiều đến Căn cứ Hải quân Ream trong khi Campuchia vẫn thiếu một cảng biển nước sâu”.

“Hãy xem xét Việt Nam và Thái Lan,” ông nói thêm. “Họ có bao nhiêu cảng biển hoặc căn cứ hải quân? Tại sao Campuchia thì không nên có?”

Mặc dù các phản ứng có thể có của Việt Nam đã bị hạn chế, nhưng nó không thiếu giải pháp trung gian. Về mặt ngoại giao, nước này đang nỗ lực cải thiện quan hệ an ninh với Campuchia để không bị mất tất cả các đòn bẩy.

 “Việt Nam có đòn bẩy chiến lược, nó có thể được thông báo ngầm hoặc bằng cách khác cho các đối tác Campuchia và CHND Trung Hoa,” Koh nhận định.

Điều này có thể bao gồm việc gia tăng các cam kết quốc phòng và an ninh với các cường quốc thân thiện bên ngoài khu vực, chẳng hạn như Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu. Các chuyên gia đã gợi ý Việt Nam có thể tham gia “Bộ tứ Quad”, một đối thoại tứ giác an ninh giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Hà Nội cũng có thể cho phép các cường quốc nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với các cơ sở quân sự của mình, chẳng hạn như Cam Ranh, một căn cứ hải quân ở miền nam đất nước, từng đón các tàu hải quân Mỹ, Anh và Pháp trong những năm gần đây.

Tất cả những điều này có thể đạt được mà Việt Nam không cần phải thay đổi các nguyên tắc chính sách đối ngoại của mình là không liên kết và không liên minh, Koh nói thêm.

Việt Nam đã do dự trong việc thay đổi hiện trạng. Nước này đã trì hoãn việc nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành “đối tác chiến lược” và trong những năm gần đây đã nhắc lại chính sách quốc phòng “Bốn Không” của mình.

Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, gần đây đã định nghĩa những điều này là “không tham gia vào các liên minh quân sự; không đứng về phía nước này để hành động chống lại nước khác; không có căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoặc sử dụng Việt Nam làm đòn bẩy để chống lại các nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế ” (*).

(*) 3291. Chính sách quốc phòng “Bốn không” của Việt Nam đang được thử nghiệm. “Về an ninh quốc tế, các quốc gia dễ bị mắc kẹt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi theo đuổi lợi ích thực dụng trong khi vẫn phải củng cố các nguyên tắc quốc tế. Những cân nhắc thực dụng của Việt Nam được đưa vào trong chính sách “Bốn không” …”

Tuy nhiên, bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ chỉ đến sau sự leo thang đáng kể của mối đe dọa quân sự của Trung Quốc, Nguyễn Hồng Hải, một nghiên cứu viên danh dự tại Center for Policy Futures cho biết.

Cho đến nay, dường như việc phát triển Căn cứ Hải quân Ream do Bắc Kinh tài trợ không xứng với phạm trù đó. Các quan chức Việt Nam khi trao đổi với Asia Times đã không bình luận về việc liệu Trung Quốc đóng quân ở Campuchia có được coi là một bước leo thang đáng kể như vậy hay không.

“Mặc dù không có sự tin tưởng đối với Trung Quốc, nhưng có những lo ngại về những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và an ninh của Việt Nam do phản ứng của Trung Quốc, nếu Hà Nội tham gia nhóm Quad hoặc bất kỳ hiệp ước an ninh nào khác với Mỹ,” Hồng Hải nói thêm. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

“Thế nhưng nếu Trung Quốc thực sự gây ra một mối đe dọa đối với Việt Nam, việc xích lại gần Mỹ để bảo vệ đất nước sẽ có… tác động tích cực đến sự cai trị của Đảng Cộng sản Việt Nam,” theo Hồng Hải. “Bất kỳ động thái chống Trung Quốc nào cũng sẽ khiến cho ĐCSVN trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn và nhận được sự ủng hộ của công chúng, nếu có một mối đe dọa thực sự từ Trung Quốc”.

Nhưng nhiều điều vẫn còn tồn tại ở những gì thực sự xảy ra, không chỉ ở Ream mà còn tại những nơi khác của Campuchia. Các cáo buộc vẫn xoay quanh việc quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận các địa điểm ở Dara Sakor, khu “phát triển du lịch” rộng 360 km vuông ở tỉnh Koh Kong của Union Development Group do Trung Quốc làm chủ, vốn bị Mỹ trừng phạt vào năm 2020.

Quang cảnh nhìn từ trên không về dự án Koh Kong của Union Development Corporation ở Campuchia. Ảnh: Hiệp hội xây dựng Campuchia

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy một đường băng lớn hơn bình thường ​​tại khu vực này cũng như việc nạo vét cảng đáng kể. Nó nằm cách căn cứ Hải quân Ream không xa, mà một số nhà phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc có thể sử dụng để vận chuyển trang thiết bị. Theo Abuza: “Dara Sakor là một mối quan tâm lớn hơn đối với tôi”.

Còn theo Ou Virak, chủ tịch tổ chức tư vấn Future Forum có trụ sở tại Phnom Penh, thì tất cả những điều này “chỉ là một nước cờ nữa của Trung Quốc trong một cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn. Đây mới chỉ là những ngày tháng khởi đầu”.

Ông nói thêm: “Theo thời gian, điều này có thể bị lãng quên để chỉ còn nằm trong phần chú thích của câu chuyện, trong khi chắc chắn sẽ có nhiều bước phát triển ở những nơi khác, để sẽ đem lại nhiều hậu quả hơn.


Cùng một tác giả: