
Thậm chí, với nhiều người đang đổ lỗi cho Moscow, vì đã có hành động xâm lược trắng trợn, nay cũng tin rằng điều quan trọng là phải kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng.
CATO INSTITUTE by Doug Bandow – JULY 7, 2022
(Doug Bandow là thành viên cao cấp của Viện Cato)
Ba Sàm lược dịch
Tuần trước, Mỹ và châu Âu đã lớn tiếng tuyên bố ủng hộ Ukraine vĩnh viễn tại cả cuộc họp G7 và hội nghị thượng đỉnh NATO. Cho đến nay tiền và vũ khí vẫn tiếp tục đổ về Kiev.
Tuy nhiên, ngay khi những người ủng hộ Ukraine ngạc nhiên về khả năng phòng thủ kiên cường của quốc gia đó chống lại cuộc xâm lược của Nga, song họ lại ngày càng cảm thấy bất bình trước sự thất bại của các lệnh trừng phạt nhằm phá hủy nền kinh tế của Moscow. Việc thúc đẩy chấm dứt xuất khẩu năng lượng của Nga đã tỏ ra đặc biệt phản tác dụng, làm chậm lại các nền kinh tế châu Âu trong khi làm tăng cả giá năng lượng toàn cầu và tăng nguồn thu nhập từ xuất khẩu của Moscow.
Mặc dù Mỹ không có quan hệ thương mại đáng kể với Nga, nhưng người Mỹ cũng đang phải chịu giá năng lượng cao. Chính quyền Biden tỏ ra lơ là, trong khi đổ lỗi cho mọi người và mọi thứ, trừ chính mình và nỗ lực của họ nhằm đẩy dầu và khí đốt tự nhiên của Nga ra khỏi thị trường quốc tế – sau khi các chính quyền trước đó cũng từng làm như vậy với các nguồn cung cấp của Iran và Venezuela.
Trước mức độ tín nhiệm đối với Tổng thống Joe Biden suy giảm nghiêm trọng, ông dường như sẵn sàng đối mặt với nguy cơ đại bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, để nói với người dân Mỹ rằng ông cam kết trừng phạt Moscow hơn là bảo vệ người Mỹ. Tuần trước, ông cho biết họ sẽ phải trả giá khí đốt kỷ lục “cho tới khi thực hiện được” việc hạ nhục Nga, với mức giá này có thể là mãi mãi, hoặc ít nhất là cho đến khi ông rời nhiệm sở, ngày càng có vẻ như sẽ vào tháng 1 năm 2025.
Tuy nhiên, các chính trị gia châu Âu có thể không đợi lâu đến thế để từ bỏ chính sách hiện tại. Dù chưa có chính phủ nào sẵn sàng công khai phá bỏ hàng ngũ, song các đề xuất về một vòng trừng phạt khác dường như đã chết.
Mức độ phải chịu đựng ngày càng gia tăng phản ánh tình hình kinh tế của lục địa này. Nhiều quốc gia đang bị tổn thương. Liên minh cầm quyền của Ý đang gặp căng thẳng với sự chia rẽ trong Phong trào Năm Sao (đảng chính trị) vì ủng hộ Ukraine. Cũng đáng chú ý là hoàn cảnh của Đức, với việc nước này phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, chính phủ liên minh ba bên chưa từng có, và đã hứa hẹn sẽ xây dựng quân đội. Cách đây vài ngày, Yasmin Fahimi, người đứng đầu Liên đoàn Công đoàn Đức, đã cảnh báo: “Toàn bộ các ngành công nghiệp có nguy cơ sụp đổ vĩnh viễn vì tắc nghẽn khí đốt: nhôm, thủy tinh, công nghiệp hóa chất.”
Người ta tự hỏi: Ai đang trừng phạt ai?
Sự rạn nứt trong nội bộ đồng minh làm nổi bật tầm quan trọng của việc phải kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng. Tất nhiên, Ukraine sẽ quyết định chiến đấu trong bao lâu và với mục đích gì, nhưng các đồng minh nên điều chỉnh sự ủng hộ của họ để phản ánh lợi ích của họ, đó là hòa bình. Cuối cùng, họ có trách nhiệm với người dân của mình, và ngày nay không có vấn đề nào quan trọng hơn điều đó.
Các biện pháp trừng phạt ban đầu được hưởng lợi từ sự ủng hộ gia tăng của người dân đối với Kiev, được nâng cao bởi cách lãnh đạo năng động của Tổng thống Volodymyr Zelensky và tinh thần kiên định của người dân Ukraine. Tuy nhiên, qua gần năm tháng, sự nhiệt tình của công chúng đã giảm bớt. Và những nghi ngờ ban đầu đang xuất hiện trở lại.
Tháng trước, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) đã công bố một nghiên cứu chi tiết về tình trạng chia rẽ giữa các bên, tập trung vào hòa bình và công lý. Cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 5, khi “cuộc tranh luận công khai không còn quan tâm tới các sự kiện trên chiến trường và chuyển hướng tới các câu hỏi về cách thức cuộc xung đột sẽ kết thúc, cũng như tác động của nó đối với cuộc sống của người dân, đối với quốc gia của họ và đối với EU. Đó cũng là thời điểm mà người châu Âu nhận thức rõ hơn nhiều về hậu quả kinh tế và xã hội toàn cầu của cuộc chiến: lạm phát cao, và các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực”.
Vào giai đoạn đầu cuộc chiến, các nhà lãnh đạo châu Âu đã ra dáng hùng dũng và gạt bỏ những khó khăn sắp tới. Giờ thì không còn nữa, đặc biệt là đối với các lệnh trừng phạt dường như đang gây tổn hại cho phương Tây hơn là Moscow. Về lâu dài, nền kinh tế Nga có khả năng bị hạn chế khả năng tiếp cận với chip bán dẫn và các công nghệ quan trọng khác, cũng như tình trạng chảy máu chất xám ở giới trẻ. Tuy nhiên, khả năng đó không đủ mang lại tâm trạng dễ chịu cho dân chúng châu Âu, những người có thể sớm thấy mình bị thất nghiệp.
Thật vậy, ECFR lưu ý, các chính phủ sẽ buộc phải:
“cân bằng giữa việc theo đuổi sự thống nhất trong châu Âu đằng sau áp lực lên Moscow với những ý kiến trái chiều cả trong và ngoài các nước thành viên. Cuộc khảo sát cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa các quan điểm đã nêu của nhiều chính phủ châu Âu và tâm trạng của công chúng ở các quốc gia của họ. Sự chia rẽ lớn đang tồn tại giữa những người muốn kết thúc chiến tranh càng nhanh càng tốt và những người muốn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Nga bị đánh bại”.
Người Romania và 1/5 người Đức nói rằng chọn Ukraine, EU, hay là chọn Hoa Kỳ.
Mặc dù những con số này chỉ ra rằng những người bất đồng chính kiến vẫn là một thiểu số khác biệt, song tác động của họ đang gia tăng ở các quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất của lục địa này. Bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ của giới tinh hoa đối với Kyiv, được hậu thuẫn bởi những nỗ lực loại bỏ hầu hết mọi thứ thuộc về Nga khỏi đời sống công cộng, bao gồm cả những quan điểm chính trị trái ngược.
Thậm chí, nhiều người, tuy vẫn đang đổ lỗi cho Moscow vì đã có hành động xâm lược trắng trợn, thì nay tin rằng điều quan trọng là phải kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng. Trên thực tế, họ tập trung vào việc khôi phục hòa bình hơn là theo đuổi công lý. ECFR giải thích:
“Về lý thuyết, tất cả các chính phủ châu Âu đồng ý rằng việc quyết định thời điểm dừng chiến tranh và thống nhất hình thức hòa bình là tùy thuộc vào người Ukraine. Nhưng sự chia rẽ rõ ràng xuất hiện trong cuộc thăm dò khi các cử tri lựa chọn giữa việc liệu châu Âu có nên tìm cách kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt – ngay cả khi điều đó có nghĩa là Ukraine phải nhượng bộ – hay liệu mục tiêu quan trọng nhất là trừng phạt Nga vì hành vi xâm lược của họ và khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine — ngay cả khi con đường như vậy dẫn đến xung đột kéo dài và nhiều đau khổ cho con người hơn”.
Nhìn chung, cuộc khảo sát cho thấy 35% người được hỏi thuộc “phái hòa bình”, 22% thuộc “phái công lý” và 20% là “cử tri dao động”, những người muốn công lý nhưng lại sợ leo thang chiến tranh và do đó có thể dao động giữa một trong hai phái.
Sự khác biệt liên quan địa lý là đáng kể. Con số của Ý lần lượt là 52, 16 và 8; của Đức là 49, 19 và 14; Romania là 42, 23 và 10; Pháp là 41, 20 và 13. Các nước nhấn mạnh hòa bình hơn là Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan và thậm chí cả Vương quốc Anh. Trong số mười quốc gia được thăm dò ý kiến, chỉ có Ba Lan đạt được đa số 41% thuộc phái công lý, so với 16% thuộc phái hòa bình và 25% là cử tri dao động.
Sự chia rẽ có thể trở nên sâu sắc hơn theo thời gian. ECFR lưu ý: “Khi cuộc xung đột ở Ukraine biến thành một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, nó có nguy cơ trở thành ranh giới phân chia quan trọng ở châu Âu. Và, trừ khi các nhà lãnh đạo chính trị xử lý sự khác biệt quan điểm này một cách cẩn thận, nó có thể đánh dấu sự kết thúc cho tính thống nhất đặc biệt của châu Âu.” Và những cử tri dao động dường như chuyển sang phe hòa bình hơn là phe công lý, khi họ và các quốc gia của họ phải gánh chịu nỗi đau kinh tế lớn hơn.
Sự tan vỡ trong đảng phái rất phức tạp. ECFR nêu chi tiết: “Về mặt chính trị của đảng, có thể cho rằng cử tri cánh hữu có nhiều khả năng thuộc phe công lý hơn cử tri cánh tả. Nhưng quy tắc này hiếm khi được giữ trọn vẹn. Ở Đức, thái độ ưa chuộng hòa bình chiếm ưu thế trong cả Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu / Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo và các cử tri Đảng Dân chủ Xã hội trung tả – trong khi, trong số các đảng chính, Đảng Xanh khác biệt với số lượng cử tri dao động lớn nhất.” Sự khác biệt về quan điểm / đảng phái khác nhau giữa các quốc gia.
Tất nhiên, vì hòa bình không có nghĩa là ủng hộ Nga. Nhiều người được hỏi đã tỏ ra lo lắng về tác động của xung đột đối với Ukraine. Cho đến nay, người dân Ukraine đã phải chịu đựng nhiều hơn nữa, với không chỉ hàng nghìn quân nhân thiệt mạng và bị thương, mà còn cả nền kinh tế điêu tàn, một chính phủ phụ thuộc vào viện trợ, sự gián đoạn xã hội hàng loạt, hàng triệu công dân phải di dời và nhiều thành phố biến thành đống đổ nát.
Theo Báo cáo của ECFR: “Trong khi cả hai phái hòa bình và công lý đều đồng ý rằng Nga và Ukraine đều sẽ trở nên tàn tạ hơn do hậu quả của cuộc chiến này, nhưng phái công lý tin rằng trên hết nước Nga sẽ ‘tàn tạ hơn nhiều’ – trong khi các thành viên của phái hòa bình thấy trước rằng, trong của hai, Ukraine sẽ bị thiệt hại nhiều hơn. Do đó, một số người trong phái hòa bình có thể muốn chiến tranh kết thúc vì họ cho rằng nó đang gây ra đau khổ quá mức cho Ukraine”.
Những người ủng hộ hòa bình cũng lo lắng nhiều hơn về tác động đối với EU và, có lẽ là với các quốc gia của riêng họ. Nhìn chung, 61% những người được khảo sát lo ngại về chi phí sinh hoạt cao hơn, bao gồm cả giá năng lượng và khả năng Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Số ít hơn lo lắng về khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học, mở rộng xâm lược và các cuộc tấn công mạng, cũng như khả năng suy thoái kinh tế và mất việc làm.
Nhìn chung, 42% người dân tin rằng sự chú ý cho cuộc chiến đang được dành quá nhiều so với các vấn đề trong nước; 36% tin rằng chính sách như vậy là đúng. Chỉ có một số rất nhỏ tin rằng các chính phủ đang làm quá ít cho Ukraine. Ngay cả một số người ưu tiên công lý hơn hòa bình cũng tin rằng chính phủ của họ đang chú ý quá nhiều đến cuộc xung đột.
Romania đứng đầu danh sách với 58% tin rằng chính phủ của họ quá tập trung vào vấn đề này. Đáng kinh ngạc là 52% người Ba Lan cũng tin như vậy. 48% người Ý cũng vậy. Cũng như ở Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Các con số đảo ngược với một biên độ nhỏ ở Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh, với một biên độ lớn hơn đáng kể ở Thụy Điển. Chỉ ở Phần Lan là công chúng hoàn toàn hài lòng, với 60% những người được thăm dò ủng hộ chính sách hiện hành.
Sự mất đoàn kết của châu Âu có thể sẽ gia tăng nếu Ukraine nhấn mạnh đến chiến thắng trước Nga. Điều đó sẽ đòi hỏi một cuộc chiến kéo dài hơn, khốc liệt hơn, với nguy cơ leo thang ngày càng cao. ECFR lo ngại rằng “hầu hết người châu Âu đã coi EU là một bên thua cuộc lớn trong cuộc chiến, thay vì coi sự thống nhất tương đối của nó như một dấu hiệu của một liên minh đang được tăng cường”.
Nga đã sai và không nên được hưởng lợi từ những tội ác của mình. Nhưng tiếp tục chiến tranh là một cái giá quá cao để tìm kiếm công lý, dù đã được định rõ. Hòa bình là rất quan trọng – đối với Hoa Kỳ và châu Âu, và đặc biệt là Ukraine, quốc gia đang chịu gánh nặng lớn nhất của cuộc xung đột.