
Tình trạng thiếu điện năng từ Nga và giá cả cao kỷ lục đe dọa một “mùa đông bất mãn”.
FOREIGN POLICY by Christina Lu – JULY 11, 2022
Ba Sàm lược dịch
Khi việc cắt giảm khí đốt của Nga ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của châu Âu, châu lục này đang phải vật lộn để đối phó với những gì mà các chuyên gia cho là một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất từ trước đến nay – và nó vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Trong nhiều tháng, các nhà lãnh đạo châu Âu đã bị ám ảnh bởi viễn cảnh mất nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga, chiếm khoảng 40% nhập khẩu của châu Âu và là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho lục địa này. Cơn ác mộng đó hiện đang trở thành hiện thực đau đớn khi Moscow cắt giảm dòng chảy của mình để trả đũa việc châu Âu hỗ trợ Ukraine, làm tăng đáng kể giá năng lượng và buộc nhiều quốc gia phải dùng đến các kế hoạch khẩn cấp, và khi các nhà cung cấp năng lượng dự phòng như Na Uy và Bắc Phi đang không thể đẩy mạnh được sản xuất.
“Đây là cuộc khủng hoảng năng lượng khắc nghiệt nhất từng xảy ra ở châu Âu”, Alex Munton, chuyên gia tư vấn về thị trường khí đốt toàn cầu tại Rapidan Energy Group, cho biết. “Châu Âu đang nhìn vào viễn cảnh rất thực tế là không có đủ khí đốt khi cần thiết nhất, đó là trong thời điểm lạnh nhất trong năm.”
“Giá cả đã tăng vọt”, Munton cho biết thêm, khi lưu ý rằng giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu – gần 50 đô la / MMBTu (một triệu đơn vị nhiệt Anh/ Mỹ) – đã làm lu mờ cả mức tăng giá ở Hoa Kỳ. “Đó là một cái giá quá cao để trả cho khí đốt tự nhiên, và thực sự không có lối thoát ngay lập tức từ đây.”
Nhiều quan chức và chuyên gia năng lượng lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn sau khi Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga đến châu Âu, được tháo dỡ để bảo trì theo lịch trình trong tuần này. Mặc dù đường ống được cho là chỉ phải sửa chữa trong 10 ngày, nhưng lịch sử trò tống tiền và vũ khí hóa năng lượng của Điện Kremlin đã làm dấy lên lo ngại, rằng Moscow sẽ không cho nó hoạt động trở lại – khiến các nước châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào đó sẽ rơi vào tình trạng chao đảo. (Đường ống dẫn thứ hai của Nga tới Đức, Nord Stream 2, đã bị khai tử vào tháng Hai, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị xâm lược Ukraine, khiến Nord Stream 1 trở thành đường dẫn khí đốt trực tiếp lớn nhất giữa Nga và nền kinh tế lớn nhất Châu Âu.)
- 3143. Trước một Joe Biden cực kỳ yếu ớt, Vladimir Putin xâm lược Ukraine là tất yếu. “Biden cũng đã hợp tác với cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel để mang lại cho Putin một chiến thắng lớn trong đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 mà Nga vẫn thèm muốn, kéo dài 764 dặm qua Biển Baltic. Thỏa ước đầu hàng của Biden về Nord Stream 2, đã tiếp tay cho khao khát khôn nguôi của Đức hòng có được nhiều hơn khí đốt tự nhiên của Nga – với cái giá phải trả của các đồng minh đang gặp khó khăn như Ba Lan, là thứ tiên báo cho thời điểm diễn ra vụ bùng phát cuộc chiến tranh chớp nhoáng ở Ukraine gần đây nhất của Putin.”
- 3144. Đầu tiên, Biden giao nộp người Afghanistan cho Taliban. Giờ đây, ông ta ném Ukraine cho bầy sói. “Năm ngoái, Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với các công ty xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2, do Nga và Đức thiết kế để đi qua Ukraine”.
“Mọi thứ đều là có thể. Mọi thứ đều có khả năng xảy ra,” Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với báo Deutschlandfunk hôm thứ Bảy. “Có thể dòng khí gas lại chảy, có thể nhiều hơn trước. Nhưng nó cũng có thể là không.”
Điều đó sẽ gây rắc rối cho mùa đông sắp tới, khi nhu cầu về năng lượng tăng cao và cần có đủ khí đốt tự nhiên để sưởi ấm. Các nước châu Âu thường dựa vào những tháng mùa hè để nạp khí cho các cơ sở dự trữ khí đốt của họ. Và vào thời điểm chiến tranh, khi nguồn cung cấp khí đốt trong tương lai của lục địa này không chắc chắn, việc có được lớp đệm năng lượng đó là đặc biệt quan trọng.
Nếu những gián đoạn cung cấp từ Nga tiếp tục kéo dài, các chuyên gia cảnh báo về một mùa đông khó khăn: một trong những khả năng sẽ là phải phân phối theo định lượng, ngừng trệ hoạt động công nghiệp và thậm chí là tình trạng rối loạn kinh tế nghiêm trọng. Các quan chức Anh, những người chỉ vài tháng trước đã cảnh báo về hóa đơn tiền điện tăng cao đối với người tiêu dùng, thì giờ đây cảnh báo thậm chí nó còn tồi tệ hơn.
Châu Âu có thể phải đối mặt với một “mùa đông bất mãn”, Helima Croft, giám đốc điều hành tại RBC Capital Markets, đánh giá. “Phải phân bổ theo định lượng, phải đóng cửa hoạt động công nghiệp — tất cả những điều đó đều đang lờ mờ hiển hiện.”
Tình trạng bất ổn đã bùng phát, với các cuộc đình công trên khắp lục địa khi các hộ gia đình phải vật lộn dưới áp lực của chi phí sinh hoạt và sức ép lạm phát gia tăng. Một số biểu hiện bất mãn này cũng đã tác động mạnh đến thị trường năng lượng. Tại Na Uy, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất của Liên minh châu Âu sau Nga, các cuộc đình công hàng loạt trong ngành dầu khí tuần trước đã buộc các công ty phải ngừng sản xuất, gây thêm sóng gió khắp châu Âu.
Các nước châu Âu có nguy cơ rơi vào “xung đột rất-rất dữ dội và cãi vã vì không có năng lượng”, Frans Timmermans, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, nói với báo The Guardian. “Putin đang sử dụng mọi cách để tạo ra xung đột trong xã hội của chúng ta, vì vậy chúng ta phải gồng mình trong một giai đoạn rất khó khăn.”
Tuy nhiên, nỗi đau đớn của cuộc khủng hoảng có lẽ được cảm nhận rõ ràng nhất là ở Đức, nơi đã buộc phải chuyển sang một số biện pháp tiết kiệm năng lượng, bao gồm phân phối theo định lượng nước nóng và đóng cửa các bể bơi. Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Berlin đã bước vào giai đoạn thứ hai của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba giai đoạn; tuần trước, nước này cũng đã phải chuyển sang cứu trợ những gã khổng lồ năng lượng của mình vốn đã bị ảnh hưởng về mặt tài chính bởi các khoản cắt giảm của Nga.
Nhưng tình trạng đó không chỉ có ở Đức. “Điều này đang xảy ra trên khắp châu Âu”, theo Olga Khakova, một chuyên gia về an ninh năng lượng châu Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, bà lưu ý rằng Pháp cũng đã công bố kế hoạch quốc hữu hóa công ty điện EDF khi nó đang phải đối mặt với những thiệt hại kinh tế ngày càng tăng.
“Nhiệm vụ đang thách thức là các chính phủ này có thể hỗ trợ bao nhiêu cho những người tiêu dùng năng lượng của họ, cho các công ty này? Và điểm đột phá đó là gì? ”
Tình hình cũng đã làm phức tạp các mục tiêu chống biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia. Vào cuối tháng 6, Đức, Ý, Áo và Hà Lan đã thông báo rằng họ sẽ khởi động lại các nhà máy điện than cũ khi các nhà máy này phải vật lộn với nguồn cung bị thu hẹp.
Những hệ quả tiềm năng mà các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn cho thấy cuộc khủng hoảng này đang diễn ra như thế nào trên quy mô mà người ta chỉ thấy trong thời kỳ chiến tranh, Munton nói. Trong trường hợp xấu nhất, “chúng ta đang nói về việc phân bổ nguồn cung cấp khí đốt và đây không phải là điều mà châu Âu phải đối mặt trong bất kỳ thời điểm nào khác ngoài thời chiến,” ông nói. “Đây là một cuộc chiến năng lượng.”
Họ cũng đều nhấn mạnh về cuộc chiến lâu dài và đau đớn mà châu Âu sẽ phải tiếp tục đối mặt trong việc loại bỏ khí đốt của Nga. Bất chấp sự háo hức của lục địa này trong việc loại bỏ nguồn cung của Moscow, các chuyên gia cho rằng châu Âu có thể sẽ vẫn bị mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng kiểu xoắn ốc này, cho đến khi nó có thể phát triển cơ sở hạ tầng để độc lập về năng lượng hơn — và điều đó có thể phải mất nhiều năm.
Khí đốt của Hoa Kỳ, được vận chuyển bằng tàu chở dầu, là một lựa chọn, nhưng điều đó yêu cầu các thiết bị đầu cuối mới để tiếp nhận khí. Các đường ống dẫn mới thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn để xây dựng — và không có nhiều nhà cung cấp có đủ điều kiện.
“Châu Âu rất khó giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong khoảng từ 3 đến 5 năm. Các dự án khí đốt không thể xây dựng được nhanh trong thời gian như vậy”, James Henderson, chuyên gia năng lượng tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, đánh giá. “Việc đưa các dự án mới vào hoạt động rõ ràng là phải cần một khoảng thời gian đáng kể, vì vậy việc phụ thuộc đó không phải là thứ sẽ biến mất.”
Cho đến lúc đó, các lãnh đạo châu Âu sẽ tiếp tục chen lấn để đảm bảo đủ nguồn cung cấp — và chỉ có thể hy vọng vào thời tiết ôn hòa. “Trường hợp xấu nhất là mọi người phải lựa chọn giữa ăn uống và sưởi ấm,” Croft kết luận.