3439. “Không có ví dụ lịch sử thích hợp” cho cuộc chiến ở Ukraine (P.1)

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger tại nhà riêng ở Connecticut. Ảnh: George Etheringge / DER SPIEGEL

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, 99 tuổi, từng trải kinh nghiệm về một số nhà lãnh đạo Liên Xô trong sự nghiệp chính trị của mình. Giờ đây, ông nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có toan tính vừa mang tâm lý phẫn uất. Và mối quan hệ tương lai của Nga với châu Âu sẽ trở thành một câu hỏi quan trọng về địa chiến lược.

DER SPIEGEL Interview Conducted by Bernhard Zand – 15.07.2022

Dưới đây là bài phỏng vấn do tạp chí Der Spiegel thực hiện.

Ba Sàm lược dịch

DER SPIEGEL: Thưa ông Kissinger, khi ông sinh ra, Lenin vẫn còn sống. Ông 29 tuổi khi Stalin qua đời, 39 tuổi khi Nikita Khrushchev triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba và 45 tuổi khi Leonid Brezhnev nghiền nát phong trào Mùa xuân Praha. Vladmir Putin khiến ông nhớ nhất đến người cai trị nào ở Điện Kremlin?

Henry Kissinger: Khrushchev.

DER SPIEGEL: Tại sao?

Kissinger: Khrushchev muốn có được sự thừa nhận. Ông ấy muốn khẳng định tầm quan trọng của đất nước mình và được mời đến Mỹ. Khái niệm bình đẳng rất quan trọng đối với ông ấy. Trong trường hợp của Putin, điều này thậm chí còn nghiêm trọng hơn, bởi vì ông ta coi sự sụp đổ của vị thế Nga ở châu Âu từ năm 1989 trở đi là một thảm họa chiến lược đối với Nga. Đó đã là nỗi ám ảnh của ông ấy. Tôi không thực sự chia sẻ quan điểm của nhiều người, những người nghĩ rằng ông ta muốn giành lại từng chút lãnh thổ đã mất. Nhưng điều mà ông ta không thể chịu được là toàn bộ lãnh thổ nằm giữa Berlin và biên giới Nga đã rơi vào tay NATO. Và đó là điều khiến Ukraine trở thành một điểm quan trọng đối với ông ấy.

DER SPIEGEL: Khrushchev đã gây ra cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba, nhưng cuối cùng ông ấy đã nhượng bộ. Vậy ông có nghĩ điều tương tự có thể xảy ra với Putin và Ukraine không?

Kissinger: Putin không bốc đồng như Khrushchev. Ông ta toan tính nhiều hơn và hay phẫn uất hơn. Có thể dễ dàng giải quyết xung đột với một số nhà lãnh đạo khác mà một số vị đã biết điều đó (từ quá khứ của Nga). Mặt khác, khó có khả năng quá trình chuyển đổi từ Putin sang  người kế nhiệm ông ta sẽ diễn ra với nhiều suôn sẻ. Nhưng trên hết, sự phát triển của Nga là một vấn đề của người Nga. Các quốc gia phương Tây cần phải phân tích xem họ có thể làm gì tùy theo sự phát triển đó và kết quả quân sự ở Ukraine.

DER SPIEGEL: Chương đầu tiên trong cuốn sách mới của ông, cuốn “Leadership: Six Studies in World Strategy”, đã tập trung vào thủ tướng đầu tiên của Đức thời hậu chiến, Konrad Adenauer. Ông viết rằng chính sách của Adenauer dựa trên quan điểm cho là sự chia cắt đất nước của ông ấy chỉ là tạm thời. Đây có phải là ông đã nghĩ gì đó về tuyên bố gần đây của mình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, khi ông gợi ý Ukraine nên chấp nhận một sự chia cắt tạm thời của đất nước, phát triển một phần thành một quốc gia thân phương Tây, dân chủ và mạnh về kinh tế trong khi chờ đợi lịch sử thống nhất cả nước?

+ 3351. Henry Kissinger: Ukraine nên từ bỏ một phần lãnh thổ cho Nga để đạt được hòa bình; + 3357. Phải chăng Henry Kissinger có một ý kiến đáng lưu tâm về vấn đề Ukraine?; + 3361. Xoa dịu Nga là màn huyên thuyên ngu ngốc: Sử gia hàng đầu ADAM ZAMOYSKI đưa ra quan điểm về gợi ý khẩn cầu hòa bình với Putin từ Henry Kissinger

Kissinger: Tôi đã nói thế này: Để kết thúc cuộc chiến này, ranh giới phân chia tốt nhất sẽ là nguyên trạng, nghĩa là 93% lãnh thổ đất nước. Đó là một điều hoàn toàn khác. Nếu một khi xác định trước hiện trạng là mục tiêu cho mình, thì điều đó có nghĩa là hành động xâm lược đã không thành công. Sau đó, vấn đề là một lệnh ngừng bắn dọc theo ranh giới phân chia lãnh thổ hai bên vào ngày 24 tháng Hai [ranh giới, trước ngày nổ ra cuộc xâm lược mới đây của Nga, dài 500 km, giữa lãnh thổ do chính phủ Ukraine nắm và hai vùng đất do lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn chiếm giữ từ năm 2014, ở Donbas – ND]. Lãnh thổ vẫn do Nga kiểm soát, chiếm khoảng 2,5% lãnh thổ Ukraine ở Donbas cũng như Bán đảo Crimea, sau đó sẽ là một phần của cuộc đàm phán chung.

DER SPIEGEL: Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc theo đuổi cuộc xung đột ra xa ngoài ranh giới hai bên vào ngày 24 tháng 2 [tức là việc Ukraine chiếm lại vùng Donbas – ND] “sẽ biến nó thành một cuộc chiến không phải vì tự do của Ukraine … mà là một cuộc chiến mới chống lại chính nước Nga.

Kissinger: Tôi không hề nói rằng Ukraine nên từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào. Tôi đã nói ranh giới hợp lý cho một lệnh ngừng bắn là hiện trạng trước cuộc xâm lược.

DER SPIEGEL: Nhiều người Ukraine hiểu nó theo cách khác. Nghị sĩ Oleksiy Goncharenko nói rằng ông “vẫn đang sống trong thế kỷ 20” và Ukraine sẽ không từ bỏ một inch lãnh thổ nào.

Kissinger: Tổng thống Volodymyr Zelenskyy không nói như vậy. Ngược lại, trong vòng hai tuần sau tuyên bố của tôi, ông ấy nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Financial Times rằng giành lại nguyên trạng như trước [24 tháng Hai] sẽ là một chiến thắng lớn và rằng họ sẽ tiếp tục đấu tranh ngoại giao cho phần còn lại của lãnh thổ của họ. Điều đó phù hợp với quan điểm của tôi.

DER SPIEGEL: Trong phần giới thiệu cuốn sách mới của mình, ông trích dẫn Winston Churchill rằng: “Hãy nghiên cứu lịch sử. Trong lịch sử, tất cả những bí mật về nghệ thuật quản lý nhà nước đều nằm trong lịch sử.” Ông nghĩ tiền lệ lịch sử nào là bài học tốt nhất để hiểu và kết thúc chiến tranh ở Ukraine?

Kissinger: Đó là một câu hỏi rất hay mà tôi không thể trả lời trực tiếp được. Bởi vì cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến về cân bằng quyền lực. Nhưng ở một cấp độ khác, nó có các khía cạnh của một cuộc nội chiến, và nó kết hợp giữa một loại vấn đề quốc tế cổ điển của châu Âu với một loại vấn đề toàn cầu hoàn toàn. Khi cuộc chiến này kết thúc, vấn đề sẽ là liệu Nga có đạt được một mối quan hệ gắn kết với châu Âu – điều mà nước này luôn tìm kiếm – hay liệu nước này có trở thành tiền đồn của châu Á ở biên giới châu Âu hay không. Và không có một ví dụ lịch sử nào phù hợp.

DER SPIEGEL: Bản thân ông, cùng với sáu nhân vật mà ông đã nêu trong cuốn sách mới của mình, đã định hình thế giới chúng ta đang sống ngày nay. Và nó không phải là một thế giới ổn định. Ở châu Âu, một cuộc chiến đang hoành hành ở Ukraine. Ở châu Á, một cuộc xung đột về Đài Loan dường như đang lờ mờ. Ở Trung Đông, chương trình hạt nhân của Iran tiếp tục phủ bóng đen. Tại sao các chính trị gia nên làm theo các ví dụ từ cuốn sách của ông?

Kissinger: Tôi không nói rằng họ nên làm theo những tấm gương của những người mà tôi đã miêu tả, bởi vì họ rất khác nhau – và hoàn cảnh của họ cũng khác nhau. Nhưng tôi nghĩ họ có thể học hỏi từ những vấn đề mà các nhà lãnh đạo này phải đối mặt. Rằng có xung đột trên thế giới: đây không phải là điều mới. Điều mới mẻ là trong thời kỳ của chúng ta, lần đầu tiên có sự tác động thường xuyên lên nhau của các vùng văn hóa khác biệt. Đối với một số xung đột hiện tại, các ví dụ từ cuốn sách có thể hữu ích. Những xung đột khác có thể là duy nhất trong thời kỳ của chúng ta. Tôi không viết một cuốn sách dạy nấu ăn để áp dụng cho quan hệ quốc tế.

DER SPIEGEL: Ông có nghĩ rằng chính sách đối ngoại trong những điều kiện mà ông mô tả, và đặc biệt như Richard Nixon và ông đã thực hành nó, vẫn là cách hiệu quả nhất để xử lý các mối quan hệ quốc tế – có nghĩa là các chính khách thích hợp hơn những người có tầm nhìn xa và việc duy trì sự ổn định là tốt hơn đối với các mệnh lệnh mang tính quy phạm?

Kissinger: Chính khách và người nhìn xa trông rộng đơn giản là hai kiểu lãnh đạo khác nhau.

DER SPIEGEL: Sở thích của ông là rõ ràng. Trong cuốn sách của mình, ông gọi Theodore và Franklin D. Roosevelt, Kemal Atatürk và Jawaharlal Nehru là “chính khách”, trong khi ông xác định Akhenaten, Joan of Arc, Robespierre và Lenin là “những người có tầm nhìn xa”. Ông có nghĩ rằng duy trì cân bằng quyền lực vẫn là cách thích hợp nhất để thực hiện trong quan hệ quốc tế?

Kissinger: Tôi nghĩ cân bằng quyền lực là tiền đề cho những thứ khác, nhưng bản thân nó không phải là dấu chấm hết. Sự cân bằng quyền lực tự nó không đảm bảo sự ổn định, nhưng không có sự cân bằng quyền lực, bạn không thể có sự ổn định.

DER SPIEGEL: Trên giá sách phía sau ông là tiểu sử của Hoàng tử Metternich, người từng là chủ đề cho luận án Tiến sĩ của ông và là người được coi là kiến ​​trúc sư của trật tự hòa bình châu Âu đầu thế kỷ 19. Có phải giai đoạn vài thập kỷ tương đối ổn định, như sau đó hoặc tương tự như sau Thế chiến II, là điều tốt nhất mà chúng ta có thể hy vọng trên thực tế?

Kissinger: Không, tôi nghĩ tình hình khi đó là duy nhất tốt trên mọi phương diện. Nhìn vào lịch sử, tôi đã mô tả Thế chiến I như một ví dụ về việc công nghệ đã vượt xa khả năng quản lý nó. Nhưng trong thời kỳ của chúng ta, thì không có nghi ngờ gì về điều này. Chúng ta đã có vũ khí hạt nhân trong 80 năm và hàng nghìn tỷ đã được chi cho việc chế tạo chúng. Kể từ năm 1945, không ai dám sử dụng chúng, kể cả chống lại các nước phi hạt nhân hóa. Ngày nay, những vũ khí hạt nhân này được kết hợp bởi các khả năng không gian mạng, bởi trí tuệ nhân tạo.

DER SPIEGEL: Ý ông là chúng càng trở nên nguy hiểm hơn vì các thuật toán và quy trình kỹ thuật kiểm soát chúng là không thể đoán trước trong trường hợp có khủng hoảng?

Kissinger: Trong mọi trường hợp, việc các nhà lãnh đạo chính trị kiểm soát công nghệ của chính họ trở nên cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong trường hợp chiến tranh. Đó là một nghĩa vụ lớn hơn vào lúc này để ngăn chặn một cuộc chiến tranh, trong đó công nghệ cao như vậy có thể được sử dụng. Và đặc biệt là cuộc chiến giữa hai quốc gia công nghệ cao lớn nhất là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Chưa bao giờ có một tình huống nào có thể so sánh được, bởi vì người ta có thể luôn luôn tưởng tượng rằng kẻ chiến thắng sẽ thu được lợi ích nào đó. Nhưng trong loại chiến tranh này, điều đó là không thể.

Xem tiếp Phần 2